Dịch bệnh

Thứ hai, 01 Tháng 2 2016 09:11

Theo thông báo ngày 23/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế công cộng Thái Lan, nước này đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh MERS-CoV thứ 2 tại Thái Lan.

Đây là một khách du lịch 71 tuổi người Oman, nhập cảnh vào Thái Lan ngày 22/01/2016 sau khi đã được điều trị sốt và ho trước đó khoảng 1 tuần tại Oman. Tại Thái Lan, bệnh nhân đã được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với MERS-CoV tại Bệnh viện Bamrungrad và Chulalongkorn. Hiện nay, bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe ổn định, đã được điều trị và cách ly kịp thời tại Viện các bệnh truyền nhiễm Bamrasnaradura thuộc Bộ Y tế công cộng Thái Lan. 

Bộ Y tế công cộng Thái Lan đang triển khai giám sát tích cực và theo dõi sức khỏe 218 trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân, bao gồm cả phi hành đoàn, người thân đi cùng, hành khách trên cùng chuyến bay, lái xe taxi, nhân viên khách sạn và 30 nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám bệnh nhân.
Trước đó vào tháng 6/2015, Thái Lan đã ghi nhận trường hợp MERS-CoV đầu tiên cũng là khách du lịch nhập cảnh từ Oman. Bệnh nhân này đã được điều trị khỏi hoàn toàn và về nước.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch MERS-CoV trên thế giới, đặc biệt tại các nước khu vực Trung Đông và một số nước trong khu vực để kịp thời thông báo và triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp. 

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế

dtvantrang@gmail.com

Thứ hai, 01 Tháng 2 2016 08:50

Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika có nguy cơ sinh ra những em bé đầu và não bị teo nhỏ bất thường. Hàng trăm trẻ đã chết chỉ riêng tại Brazil.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phát ra những cảnh báo mạnh mẽ về việc lây lan nhanh chóng của virus Zika (đặc biệt hiện nay là ở châu Mỹ), và ước tính tới cuối năm 2016 sẽ có tới 4 triệu người bị ảnh hưởng.

Theo các thông báo chính thức từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), phụ nữ mang thai không nên du lịch tới khoảng hơn 20 quốc gia, hầu hết nằm trong khu vực Mỹ Latin và Caribe - nơi bệnh tật đang bùng phát dữ dội.

Những phụ nữ mang thai đã đi du lịch tới các quốc gia trong khu vực nói trên đều cần được xét nghiệm xem có nhiễm virus Zika hay không.

Tuy nhiên nhìn vào bản đồ bên dưới, chúng ta có thể thấy dịch bệnh đang lan nhanh trên toàn cầu. Và tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận ca nào mắc bệnh nhưng Bộ Y tế cũng đã phát đi những cảnh báo.

Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.<br />

Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.

Bản đồ virus Zika

Virus Zika là một loại virus nhiệt đới mới, đang hoành hành ở châu Mỹ và có nguy cơ lan rộng toàn cầu.

Virus Zika được phát hiện từ năm 1947 tại rừng Zika, Uganda. Tuy khá phổ biến ở châu Phi cũng như châu Á nhưng Zika lại không phát triển mạnh ở các quốc gia nằm ở Tây bán cầu. Cho tới tháng 5/2015, nó bất ngờ bùng phát ở Brazil.

Đến thời điểm hiện tại, khi hầu hết dân số trong khu vực này chưa từng mắc bệnh và rất ít người có hệ thống miễn dịch đủ khả năng chống lại Zika thì Zika càng được đà phát triển mạnh mẽ.

Hàng triệu người sống trong vùng nhiệt đới của châu Mỹ có thể đã mắc bệnh.

Trên thực tế, virus Zika không gây triệu chứng hay các hậu quả lâu dài trong hầu hết trường hợp. Có đến 80% người nhiễm virus Zika mà không có bất kỳ triệu chứng nào.

Nhưng hiện nay, nó đang tấn công vào phụ nữ mang thai, và đó là điều các nhà khoa học đang tập trung tìm hiểu, giải quyết.

Bộ Y tế Việt Nam làm gì để ứng phó với virus Zika?

Chiều 29/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi họp khẩn cấp tại Văn phòng EOC – Cục Y tế dự phòng để đưa ra các phương án phòng chống dịch Zika xâm nhập vào Việt Nam.

Ông Long cho biết, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, chúng ta không loại trừ khả năng nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào nước ta.

Thứ nhất là do trong nước đang có sẵn vecto truyền bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika hoàn toàn có thể lây truyền nơi có muỗi Aedes lưu hành.

Thứ hai là chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này, đây là loại vi rút mà thế giới chưa có vắc xin và thuốc đặc trị.

Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra.

Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng.

Khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm vi rút Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình.

Các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.

Bộ Y tế sẽ công bố danh sách các quốc gia đang có dịch bệnh trên website chính thức của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng, cập nhật các thông tin cần thiết đến với người dân.

Thứ trưởng Long cũng khuyến cáo người dân, nhất là phụ nữ đang trong thai kỳ, hạn chế đến các vùng đang lưu hành dịch.

Thứ trưởng Long nhấn mạnh Bộ Y tế sẽ nỗ lực hết mình trong công tác phòng chống dịch do vi rút Zika và phối hợp toàn diện với WHO, CDC trong việc đảm bảo an ninh dịch bệnh cho người dân.

Virus Zika là gì? Lan truyền như thế nào?

Bởi vì virus Zika do muỗi lây truyền và được tìm thấy trong những loài muỗi gây các bệnh sốt xuất huyết, nên có thể ai đó sẽ nhầm tưởng là một dạng sốt xuất huyết. Nhưng không phải!

Như chúng ta đã biết, sốt xuất huyết là một nhóm các bệnh gây ra bởi nhiều loài virus khác nhau, trong đó virus Dengue chính là loại chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam.

Nhiều loại virus gây ra các loại sốt xuất huyết khác trên thế giới mà chúng ta đã từng nghe đến như: sốt vàng da (do virus Amaril), Ebola (do virus Ebola)...

Loại virus gây sốt xuất huyết Dengue hay sốt vàng da (kể cả một căn bệnh cực nguy hiểm khác do virus West Nile gây ra)... đều được lây truyền bởi một số loài muỗi trong chi Aedes.

Đặc biệt trong đó là loài Aedes Aegypti mà chúng ta vẫn được biết đến với tên gọi là muỗi vằn.

Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.<br />

Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.

Loài muỗi này nguy hiểm ở chỗ, nó sinh trưởng rất mạnh, bất kể trong những môi trường nước bé nhỏ như nắp chai lọ. Nó đốt người vào buổi sáng và chiều tối, chứ không đốt về đêm.

Một loài khác trong chi Aedes, là loài Aedes Albopictus ở châu Á, cũng được cho là 1 nguyên nhân lan truyền virus Zika, nhưng chưa có bằng chứng thật rõ ràng. Loài muỗi này cũng có tại New York và Chicago, Mỹ vào mùa hè.

Mặc dù Zika được xác định là lây truyền chủ yếu do muỗi vằn đốt, nhưng theo The New York Times, cũng đã có báo cáo cho thấy Zika có thể lây lan khi truyền máu hay quan hệ tình dục. Đã có trường hợp tìm thấy virus Zika trong tinh dịch.

Muỗi vằn Aedes Aegypti vật chủ lây truyền virus Zika.<br />

Muỗi vằn Aedes Aegypti vật chủ lây truyền virus Zika.

Tật đầu nhỏ là gì? Zika có thể ảnh hưởng tới não bộ của trẻ nhỏ như thế nào?

Đến thời điểm này, các chuyên gia vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.

Nghi vấn Zika gây ra tật đầu nhỏ (đầu nhỏ bất thường và não bị ảnh hưởng) chỉ mới được đặt ra tháng 10/2015 khi các bác sỹ ở Brazil nhận thấy có nhiều trẻ gặp phải hiện tượng này.

Mặc dù đã có nhiều bằng chứng để kết luận virus Zika là nguyên nhân chính, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng tật đầu nhỏ có thể là do nhiều virus khác tác động đồng thời.

Tại Brazil, mỗi năm có khoảng 3 triệu trẻ em được sinh ra. Và chưa có con số chính xác về số trẻ bị tật đầu nhỏ, hiện ở nước này mới ghi nhận được khoảng 150 trường hợp.

Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.<br />

Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.

Theo tiến sỹ Constantine Stratakis, trưởng khoa tại Viện Quốc gia về Sức khoẻ Trẻ em và Phát triển Con người Mỹ, có khoảng 15% trường hợp chỉ đơn giản là kích thước đầu nhỏ hơn bình thường chứ không bị vấn đề gì khác.

Đối với phần lớn trường hợp còn lại, não bộ của trẻ có thể không phát triển bình thường trong suốt quá trình còn là thai nhi và có thể dừng phát triển sau năm đầu tiên chào đời.

Những trẻ này đối mặt với hàng loạt hậu quả như chậm phát triển hay mất khả năng nghe.

Hậu quả ở các trẻ nhỏ có thể khác nhau. Và việc tìm ra nguyên nhân đằng sau tật đầu nhỏ giúp các bác sỹ đưa ra dự đoán đối với tình trạng bệnh của trẻ sơ sinh.

Một trong những nguyên nhân chính có thể là do các bất thường của gen. Bệnh đầu nhỏ có thể do thai nhi bị nhiễm virus, bao gồm virus sởi Đức (rubella), bệnh do nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, virus CMV.

Phụ nữ mang thai nếu sử dụng thức uống có cồn và lại bị thiếu dinh dưỡng hoặc tiểu đường thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ bị tật đầu nhỏ.

Nếu chứng bệnh này xuất hiện trong năm đầu đời của trẻ, thì có thể nguyên nhân là do não bị tổn thương trong quá trình sinh nở.

Theo tiến sỹ Hannah M. Tully, chuyên khoa thần kinh học tại Bệnh viện Trẻ em Seattle, “không có cách chữa trị nào cho tật đầu nhỏ ngoài các liệu pháp hỗ trợ sau khi mang bệnh”.

Phụ nữ mang thai nên tránh tới các quốc gia nào?

Hiện tại, phụ nữ mang thai nên tránh tới khoảng 20 quốc gia, hầu hết tại khu vực Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ theo sơ đồ bên dưỡi.

Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.<br />

Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.

Tổ chức Y tế liên châu Mỹ cho hay, virus Zika sẽ lây lan trong mọi quốc gia ở châu Mỹ ngoại trừ Canada và Chile.

Làm cách nào để biết đã mắc virus Zika hay chưa? Có cách nào để kiểm tra hay không?

Khi mắc Zika, cơ thể thường sẽ không có triệu chứng gì. Và rất khó để chẩn đoán.

Cho tới thời điểm hiện tại, virus Zika vẫn chưa được xem là mối lo ngại do các triệu chứng thường không rõ ràng.

Như phần đầu chúng tôi đã nêu, cứ 5 người mắc Zika thì chỉ 1 là có các triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp, mắt đỏ. Vì thế, 80% trường hợp thường không cần đưa đi bệnh viện xử lý.

Để kiểm tra cơ thể có nhiễm Zika hay chưa, cần gửi mẫu máu hoặc mô từ tuần đầu tiên nhiễm virus tới các phòng thí nghiệm được trang bị đủ phương tiện, giúp phát hiện Zika thông qua các xét nghiệm phân tử phức tạp.

Nếu mang thai và mới đi du lịch tới khu vực có virus Zika, cần làm gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nên đi siêu âm để kiểm tra. Một số trường hợp cần tới xét nghiệm máu.

Ngày 19/1/2016, CDC đã đưa ra hướng dẫn tạm thời cho những phụ nữ mang thai đã đi du lịch tới vùng có virus Zika, cũng như cho các bác sỹ. Hướng dẫn này khá phức tạp và có thể sẽ thay đổi.

Đồ họa: The New York Times. Soha.vn chuyển ngữ. Truy cập vào đường link sau để cập nhật hướng dẫn mới: www.cdc.gov/travel/notice/<br />

Đồ họa: The New York Times. Soha.vn chuyển ngữ. Truy cập vào đường link sau để cập nhật hướng dẫn mới: www.cdc.gov/travel/notice/

Nhìn chung, hướng dẫn khuyến cáo những phụ nữ mang thai đã đi du lịch tới những vùng có virus Zika thì nên tới gặp bác sỹ.

Những người gặp phải các triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp, chấm đỏ ở mắt trong thời gian đi du lịch hay trong vòng 2 tuần sau khi trở về nhà thì cần xét nghiệm máu.

Khuyến cáo này thật ra cũng gây ra tranh cãi, do những phụ nữ không có triệu chứng gì vẫn có thể là đã nhiễm virus; và cũng không có bằng chứng nào cho thấy trẻ sinh ra chỉ bị bệnh nếu mẹ có các dấu hiệu bất thường.

Kể cả những phụ nữ đã được xét nghiệm máu thì cũng không thể hoàn toàn an tâm, do các xét nghiệm chỉ hiệu quả trong tuần đầu sau khi nhiễm.

Theo lý giải của CDC, phụ nữ mang thai đã du lịch tới các vùng có virus Zika, dù có triệu chứng hay không, bất kể âm tính hay dương tính khi xét nghiệm máu, thì vẫn nên siêu âm để xem thai nhi có bị tật đầu nhỏ hay vôi hoá hộp sọ hay không.

Thế nhưng, thực tế là siêu âm trong 6 tháng đầu thai kỳ thường không phát hiện ra loại bệnh nêu trên.

Một số trường hợp cần tới chọc ối để xét nghiệm bệnh. Nhưng đây cũng là phương án có thể gây rủi ro cho thai nhi và không khuyến khích thực hiện trong 15 tuần đầu của thai kỳ.

Hiện tại, một số công ty đang nghiên cứu cách xét nghiệm nhanh để phát hiện virus Zika

Đang ở độ tuổi sinh đẻ, nhưng chưa mang thai và chưa có ý định mang thai, có đến các vùng có virus Zika được không?

Nên sử dụng biện pháp tránh thai!

Một nửa số trường hợp mang thai là ngoài ý muốn.

Theo tiến sỹ Laura E. Riley, chuyên khoa về các trường hợp mang thai rủi ro cao và các bệnh do virus thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nếu muốn tới thăm quốc gia có virus, hãy sử dụng các biện pháp tránh thai để đảm bảo không mang thai ngoài ý muốn.

Phụ nữ mang thai ngoài ý muốn trong thời gian du lịch hay thời gian ngắn sau khi trở về nhà sẽ phải xét nghiệm máu, siêu âm hàng tháng và luôn ở tâm trạng cực kỳ căng thẳng.

Lúc đi thăm khu vực bị virus thì chưa mang thai, nhưng hiện tại mang thai, liệu có rủi ro không?

Theo các chuyên gia, rủi ro là rất thấp.

Theo tiến sỹ Laura E.Riley, mặc dù cũng có ngoại lệ nhưng rủi ro là rất thấp nếu ai đó ở vùng có virus trước khi mang thai. Do virus Zika không tồn tại lâu trong cơ thể.

Vấn đề có nghiêm trọng không nếu nhiễm Zika trong quá trình mang thai?

Càng ở giai đoạn đầu của thai kỳ thì càng nguy hiểm.

Thời gian nguy hiểm nhất là 3 tháng đầu thai kỳ - cũng là khi hầu hết phụ nữ không biết mình đã mang thai. Các chuyên gia cũng chưa biết làm thế nào virus xâm nhập nhau thai và ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ thai nhi.

Các virus cũng được truyền bởi muỗi vằn như sốt vàng, sốt xuất huyết Dengue, hay bệnh do virus West Nile thì thường không tác động như vậy.

Trong khi đó, các virus thuộc nhóm khác bao gồm virus Rubella và CMV thì gây hậu quả tương tự virus Zika.

Trẻ mới sinh có cần xét nghiệm không?

Theo các chuyên gia, nếu người mẹ đã tới thăm hay sống tại quốc gia có virus và xét nghiệm của người mẹ là dương tính hay trung tính thì trẻ mới sinh cũng cần xét nghiệm.

Nguyên nhân là do virus Zika không chỉ gây nên tật đầu nhỏ mà còn có thể ảnh hưởng tới khả năng nghe nhìn cũng như các vấn đề bất thường khác của trẻ.

Khuyến cáo này áp dụng cho trẻ có mẹ gặp các triệu chứng của Zika như phát ban, đau khớp, mắt đỏ, sốt trong quá trình sống hay trong 2 tuần trở về từ các quốc gia có virus.

Có biện pháp điều trị hay không?

Không!

CDC không đưa ra loại thuốc nào để điều trị khi nhiễm virus Zika. Do các triệu chứng thường nhẹ với người bình thường, và chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Có vacxin phòng ngừa không? Mọi người có thể tự bảo vệ bằng cách nào?

Rất khó phòng ngừa nhiễm virus Zika nếu bạn đang ở tại vùng có virus Zika.

Hiện chưa có vacxin ngừa virus Zika. Tuy đã có các công trình nghiên cứu nhằm tìm ra vacxin này nhưng còn mất nhiều năm cũng như chi phí hàng trăm triệu USD cho việc thử nghiệm.

Và cũng chưa có cách nào để triệt để phòng trừ muỗi đốt, vì thế CDC đưa ra khuyến cáo phụ nữ có thai không nên đi đến vùng có virus Zika, và những phụ nữ dự định có thai thì nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi đi.

Khách du lịch tới các quốc gia có virus thì được khuyến cáo tránh hoặc giảm thiểu muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn, ở trong phòng có điều hoà, phòng đã có các biện pháp che chắn muỗi, luôn sử dụng kem chống côn trùng, mặc quần áo dài tay, đi giày, đội mũ.

Nếu virus Zika đã xuất hiện ở châu Phi và châu Á cả vài thập kỷ thì vì sao chưa có phát hiện nào trước đây về mối liên hệ với tật đầu nhỏ?

Có thể do Zika chưa bao giờ tấn công trên diện rộng như gần đây.

Tật đầu nhỏ khá hiếm, và lại có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, bao gồm nhiễm virus Rubella hay CMV khi mang thai; thai nhiễm độc cồn, thuỷ ngân, phóng xạ; hay người mẹ bị thiếu dinh dưỡng hoặc tiểu đường trầm trọng.

Đầu nhỏ cũng có thể do các rối loạn về gen, bao gồm hội chứng Down.

Cho tới thời điểm hiện tại, ngành y tế nói chung vẫn chưa quan tâm nhiều tới virus Zika. Do virus này xuất hiện cùng trong vùng có bệnh sốt xuất huyết Dengue hay Chikungunya.

Và khi so sánh các virus này với nhau thì Zika vẫn được coi là ít nguy hiểm (Dengue được ví với “sốt gãy xương” còn Chikungunya được ví với “sốt khom lưng”).

Virus Zika lây lan từ châu Phi sang châu Á từ 50 năm về trước. Vào năm 2007, từ Đông Nam Á, Zika lan sang Nam Thái Bình Dương rồi phát triển nhanh chóng mặt.

Tuy nhiên dân số trên vùng đảo này khá nhỏ, cộng với việc ít xảy ra các hậu quả nghiêm trọng nên dịch này khi đó không được chú ý.

Nhưng tới năm 2013, khi bùng phát ở vùng Polynesia thuộc Pháp – nơi có 270. 000 cư dân - các bác sỹ xác nhận 42 trường hợp có triệu chứng Guillain-Barrê (triệu chứng có thể gây nên tê liệt).

Con số này cao gấp 8 lần số thời điểm thông thường và là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Zika có thể tấn công hệ thống thần kinh, bao gồm não bộ.

Tháng 5/2015, Zika được xác nhận có mặt ở Brazil – quốc gia có tới 200 triệu dân – và nhanh chóng bùng phát.

Và chỉ tới tháng 10 vừa qua, khi các bác sỹ ở Pernambuco báo cáo về số lượng ngày càng tăng trẻ bị tật đầu nhỏ, thì tiếng chuông cảnh tỉnh về hậu quả đầu nhỏ do Zika chính thức ngân lên.

Pernambuco có 9 triệu dân và mỗi năm có 129. 000 trẻ được sinh ra. Thông thường, một năm có khoảng 9 trẻ mắc tật đầu nhỏ.

Và tới tháng 11/2015, khi Brazil tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp, Pernambuco đã có tới 646 trẻ bị bệnh này.

Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO, quan ngại sâu sắc về virus Zika

Ngày 28/1/2016 tại Geneva, Thụy Sĩ, bà Margaret Chan đã có bài phát biểu trong cuộc họp của WHO về Zika.

Vị TGĐ của WHO đã cung cấp một lược sử ngắn gọn về virus, và giải thích lý do tại sao WHO quan ngại sâu sắc về tình hình dịch bệnh.

Bà khẳng định, một mối quan hệ nhân quả giữa việc nhiễm virus Zika và dị tật thai, hội chứng thần kinh vẫn chưa thể chính thức xác nhận, nhưng đang được các chuyên gia theo dõi chật chẽ.

"Tôi đã nhanh chóng thay đổi hồ sơ rủi ro của Zika, từ một mối đe dọa từ nhẹ đến một tỷ lệ đáng báo động. Việc tăng tỷ lệ trẻ bị tật đầu nhỏ là đặc biệt đáng báo động, vì nó đặt thêm một gánh nặng về phía gia đình và cộng đồng".

WHO quan ngại sâu sắc về tình hình Zika bởi 4 nguyên nhân chính:

• Mối liên hệ giữa virus với các dị tật thai và hội chứng thần kinh

• Khả năng lan truyền quốc tế hơn nữa của bệnh do sự phân bố địa lý rộng lớn của vectơ muỗi

• Thiếu khả năng miễn dịch của dân số tại khu vực mới bị ảnh hưởng

• Chưa có vắc-xin, phương pháp điều trị cụ thể, và các xét nghiệm chẩn đoán nhanh chóng.

 

http://static.independent.co.uk/s3fs-public/styles/story_large/public/thumbnails/image/2016/01/04/09/Brazil-microcephaly-AP.jpeg

http://images.indianexpress.com/2016/01/zika-virus-map.jpg?w=820?w=345

http://outbreaknewstoday.com/wp-content/uploads/2016/01/8x11introENG.jpg

https://nationalpostcom.files.wordpress.com/2016/01/zikavirus_c_jr.jpg?quality=65&strip=all

http://www.michigan.gov/images/emergingdiseases/Zika_virus_pregnant_women_511704_7.png

http://images.askmen.com/1080x540/2016/01/13-013823-first_case_of_zika_virus_in_u_s_found_in_texas.jpg

https://i.ytimg.com/vi/V9pqGbU8brI/maxresdefault.jpg

http://www.trbimg.com/img-569c193a/turbine/hc-connecticut-zika-virus-0118-20160117

Thứ tư, 19 Tháng 8 2015 22:34

12/08/2015

 

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh Mers-CoV hiện nay tại Hàn Quốc, Bộ Y tế quyết định dừng áp dụng khai báo y tế phòng chống dịch Mers-CoV đối với hành khách nhập cảnh đến từ Hàn Quốc tại các cửa khẩu quốc tế ở Việt Nam.
 
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến 10/8/2015, dịch bệnh Mers-CoV tại Hàn Quốc đã qua 36 ngày liên tục không ghi nhận trường hợp mắc Mers-CoV mới. Ngày 28/7/2015, Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc công bố dịch bệnh Mers-CoV tại nước này đã chấm dứt và hầu hết các nước đã dỡ bỏ khuyến cáo công dân hạn chế đến Hàn Quốc.

Căn cứ vào tình hình dịch Mers-CoV tại Hàn Quốc hiện nay, ngày 12/8/2015, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5843/BYT-DP về việc dừng áp dụng khai báo y tế phòng chống Mers-CoV tại các cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh vào nước ta đến từ Hàn Quốc kể từ 0 giờ ngày 15/8/2015.

Đối với các nước Trung Đông, Bộ Y tế vẫn tiếp tục thực hiện áp dụng khai báo y tế phòng chống Mers-CoV theo nội dung Công văn số 3719/BYT-DP ngày 03/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tại các quốc gia này, tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp và đang tiếp tục được theo dõi. Theo số liệu của cơ quan IHR, tính đến chiều ngày 11/8/2015, Ả rập Xê út ghi nhận thêm 17 trường hợp nhiễm Mers-CoV, trong đó có 3 người đã tử vong.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Thông tư số 46/2014/TT-BYT ngày 5/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Mers-CoV và các khuyến cáo cũng như biện pháp phòng chống dịch bệnh tại website chính thức của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
 
Thứ hai, 03 Tháng 8 2015 12:49
 

28/07/2015

 

Chiều ngày 27/7, Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng các nước ASEAN+3 về ứng phó với bệnh MERS-coV. Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia đồng chủ trì Hội nghị với vai trò là Chủ tịch luân phiên của nhóm Bộ trưởng các nước ASEAN+3. 
 
IMG_2675.JPG
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến các nước ASEAN+3 tại điểm cầu Việt Nam ngày 27/7/2015.
 
Tại các điểm cầu quốc tế có sự tham gia của Ban thư ký ASEAN, Đại diện WHO khu vực SEARO và WPRO, Lãnh đạo Bộ Y tế và các quan chức cấp cao của 13 nước ASEAN+3 nhằm chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận của các quốc gia trong công tác giám sát dịch bệnh; thảo luận các biện pháp tăng cường ứng phó với MERS trong khu vực. 

Tại điểm cầu Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị, các thành phần tham dự gồm có Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ Truyền thông - Thi đua, khen thưởng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội, đại diện WHO tại Việt Nam.
 
Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia đồng chủ trì Hội nghị trong vai trò Chủ tịch luân phiên của nhóm Bộ trưởng các nước ASEAN+3, cùng với sự tham gia tích cực của Thái Lan trong vai trò hỗ trợ kết nối đường truyền giữa các quốc gia.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) đã xuất hiện tại 26 quốc gia trên thế giới kể từ khi dịch bệnh này được phát hiện tại Ả Rập Xê-út vào năm 2012. Tính đến ngày 27/7/2015, MERS-CoV đã cướp đi sinh mạng của 487 người. Các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có trường hợp nhiễm MERS-CoV gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch MERS-CoV có thể xảy ra giữa các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương đòi hỏi các quốc gia  cần có sự chia sẻ kinh nghiệm và có kế hoạch phối hợp mang tính đồng bộ, thống nhất trong công tác phòng chống bệnh MERS-CoV.
 

IMG_2671.JPG
Hình ảnh các điểm cầu tại các quốc gia ASEAN+3 qua màn hình trực tuyến ngày 27/7/2015.
 
Trong Hội nghị ngày 27/7/2015, Lãnh đạo Y tế các nước ASEAN đã thống nhất thông qua tuyên bố chung của Hội nghị trên cơ sở các ý kiến của các quốc gia thành viên. Tuyên bố chung trên bao gồm những nội dung chính sau:

1. Tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh tại mỗi quốc gia
2. Kịp thời chia sẻ thông tin dịch bệnh giữa các quốc gia trong khu vực
3. Phối hợp liên quốc gia trong việc điều tra ổ dịch và truy xuất những đối tượng tiếp xúc có nguy cơ.
4. Triển khai các biện pháp phòng chống hợp lý nhằm quản lý các nguy cơ.
5. Chia sẻ các bài học kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của quốc gia.

Cũng tại Hội nghị, các quốc gia đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc trong việc tổ chức hội nghị trực tuyến lần này, minh bạch trong quá trình chia sẻ thông tin và tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia khu vực vì mục tiêu chung ngăn chặn dịch bệnh trên phạm vi quốc tế.

Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các quốc gia ASEAN +3, thể hiện đậm nét sự sẻ chia trách nhiệm tích cực giữa các quốc gia trong công tác phòng chống dịch bệnh mới nổi. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các quốc gia khu vực trao đổi những kinh nghiệm quý báu về khả năng giám sát, tập huấn, truyền thông,... sẵn sàng ứng phó dịch bệnh của mỗi quốc gia, tăng cường năng lực và sự phối hợp giữa các quốc gia, hướng đến một cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV nào. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ phối hợp với các quốc gia ASEAN +3 trong công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV nói riêng và các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi nói chung, nỗ lực tăng cường khả năng ứng phó với dịch bệnh, kiện toàn Văn phòng EOC và năng lực cán bộ y tế, nhằm đảm bảo phát hiện sớm, xử lý các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, kịp thời thông tin với cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân các quốc gia ASEAN +3 và góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới.
 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

 

Thứ sáu, 24 Tháng 7 2015 22:39

17/07/2015



Tính đến ngày 17/7/2015, số lượng người nhiễm MERS tại Hàn Quốc vẫn là 186, trong đó có 36 trường hợp tử vong. Số lượng người bị cách ly tại quốc gia này giảm xuống 155 người trên tổng số 16.432 người. Số người đang điều trị là 16 người, bao gồm 4 bệnh nhân nặng. Như vậy kể từ ngày 5/7/2015 đến ngày 17/7/2015, Hàn Quốc không ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV mới trong 12 ngày liên tiếp. Hầu hết các trường học tại Hàn Quốc đã mở cửa trở lại.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hiện nay tổng số người nhiễm MERS-CoV là 1368 người, trong đó có  490 người đã tử vong tại 26 nước: Ca bệnh tại chỗ (9 nước): Ả Rập Xê Út,  Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Yemen, Lebanon, Iran; Ca bệnh xâm nhập (17 nước): Anh, Pháp, Tunisia, Italy, Hy Lạp Ai Cập, Mỹ,  Hà Lan, Algeria, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm MERS-CoV. Tuy vậy người dân cần chủ động tuân theo các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thứ sáu, 24 Tháng 7 2015 22:37

20/07/2015

Cơ quan Đầu mối (NFP) thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo: ngày 16/7/2015, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế quốc gia Trung Quốc đã báo cáo xác nhận 05 trường hợp nhiễm mới cúm A(H7N9) trên người, trong đó 03 trường hợp tử vong, 02 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch.
Phân tích đánh giá trong khoảng thời gian từ ngày 26/5 đến 18/6/2015 tất cả 05 trường hợp mắc mới đều là nam giới, tuổi từ 55-77 tuổi (tuổi trung bình là 66). Số người mắc tại 04 tỉnh: An Huy (2), Giang Tô (1), Thượng Hải (1) và Chiết Giang (1).

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp giám sát và kiểm soát sau:

1. Tăng cường công tác điều tra dịch tễ học, giám sát yếu tố gây bệnh và phân tích trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người, đánh giá tình hình dịch bệnh;
2. Tăng cường quản lý chặt chẽ ca bệnh và công tác điều trị;
3.Truyền thông rộng rãi phòng chống cúm A(H7N9) và yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh tới công chúng.
Thống kê đến nay, thế giới ghi nhận tổng số 677 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người, trong đó 271 trường hợp tử vong (271/677, tỷ lệ 40%).
Trong tổng số 677 người nhiễm bệnh do cúm A(H7N9): Trung Quốc 674 người (bao gồm cả Đài Loan 04, Hồng Kông 13), Malaysia 01 người, Canada 02 người.  
WHO tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tễ, tiến hành đánh giá nguy cơ và thông báo những thông tin mới nhất về cúm A(H7N9) tới Cơ quan Đầu mối IHR các quốc gia thành viên.

WHO đánh giá và khuyến cáo: 

1) Các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người sẽ gia tăng tại khu vực bị ảnh hưởng và các khu vực lân cận. Người từ khu vực bị ảnh hưởng khi đi du lịch có thể khởi phát và phát hiện bệnh ở quốc gia khác trong hoặc sau khi đến khu vực có cúm A(H7N9) trên gia cầm.
2) Chưa có bằng chứng vi rút cúm A(H7N9) lây từ người sang người.
3) Khách du lịch khi tới quốc gia có dịch cúm trên gia cầm lưu ý:
- Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ gia cầm;
- Không nên tới khu vực giết mổ gia cầm;
- Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi;
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;
- Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hành vệ sinh tốt;
4) Sau khi đi du lịch tới hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm gia cầm, cá nhân nào thấy xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nghiêm trọng cần xem xét nghĩ tới nhiễm cúm A(H7N9).
5) Chưa cần sàng lọc đặc biệt tại cửa khẩu, không hạn chế thương mại và du lịch tới các quốc gia bị ảnh hưởng.
6) Các quốc gia tiếp tục tăng cường giám sát cúm, bao gồm giám sát các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) và xem xét cẩn thận bất kỳ trường hợp nhiễm trùng hô hấp nào khác thường.
7) Duy trì năng lực cốt lõi, báo cáo theo quy định của IHR (2005) và đảm bảo chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh cúm của quốc gia.

 

Cơ quan Đầu mối IHR, Văn phòng EOC, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.
Thứ ba, 14 Tháng 7 2015 22:17

13/07/2015

 

Từ ngày 5/7/2015 đến 13/7/2015, Hàn Quốc không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm bệnh và tử vong mới do dịch MERS-CoV gây ra. Thống kê cho thấy có 186 trường hợp nhiễm MERS-CoV và 36 trường hợp tử vong, trong đó, ca tử vong gần đây nhất xảy ra ngày 10/7/2015. Trong tổng số 39 nhân viên y tế Hàn Quốc nhiễm MERS-CoV có: 08 bác sỹ, 15 y tá, 02 nhân viên chẩn đoán hình ảnh, 01 nhân viên vận chuyển, 02 nhân viên cấp cứu, 08 nhân viên chăm sóc, 02 bảo vệ, 01 nhân viên máy tính.

Hiện nay, có 20 trường hợp nhiễm MERS-CoV đang được điều trị tại Hàn Quốc, trong đó có 5 trường hợp bệnh nặng.  Những bệnh nhân có nguy cơ cao thường rơi vào trường hợp những người già, những người có bệnh kèm theo như: ung thư, tim mạch, bệnh đường hô hấp mãn tính hoặc trường hợp bệnh nhân bao gồm cả hai yếu tố trên.

Hai quốc gia Philippines và Thái Lan cũng không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới tại các nước này.
Tính đến ngày 13/7/2015, tổng số trường hợp nhiễm MERS-CoV trên thế giới là 1368 trường hợp, tổng số ca tử vong là 490 trường hợp tại 26 nước: Ca bệnh tại chỗ (9 nước): Ả Rập Xê Út,  Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Yemen, Lebanon, Iran; Ca bệnh xâm nhập (17 nước): Anh, Pháp, Tunisia, Italy, Hy Lạp, Ai Cập, Mỹ,  Hà Lan, Algeria, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm MERS-CoV. Tuy vậy người dân cần chủ động tuân theo các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Trang