Thông tin

Thứ hai, 07 Tháng 9 2015 14:40

Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyển hóa và nội tiết lâm sàng (Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism) cho thấy sử dụng kháng sinh làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 2. Sự gia tăng sử dụng kháng sinh ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 được tìm thấy 15 năm trước và 15 năm sau khi bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường.

Nguồn: http://press.endocrine.org/doi/10.1210/jc.2015-2696

Thứ hai, 07 Tháng 9 2015 14:21

Trong khi các nguyên tắc toàn cầu về kiểm soát kháng kháng sinh có thể phù hợp, hành động của các chuyên gia quốc gia là cần thiết để thực hiện ở cấp độ quốc gia. Các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp tương tự với mức thu nhập của họ, nhưng không nhất thiết giống nhau về cách kháng sinh được cung cấp, chi trả và sử dụng. Các giải pháp khả thi cần phải được các chuyên gia y tế am hiểu điều kiện từng quốc gia thiết kế phù hợp với hệ thống y tế của quốc gia đó. Nhiều nước thu nhập thấp và trung bình, cần phải có hỗ trợ từ bên ngoài để bắt đầu thực hiện, sau đó có thể tự thực hiện. Hiệp hội Kháng kháng sinh toàn cầu đã rất thành công khi thực hiện vai trò của mình với 8 quốc gia thành viên.

 

Nguồn: http://www.cell.com/trends/microbiology/fulltext/S0966-842X(15)00149-3

Thứ hai, 31 Tháng 8 2015 14:59

Một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Antimicrobial Agents and Chemotherapy cho thấy có sự gia tăng đáng kể các gien kháng kháng sinh như sulfonamides, trimethoprim và beta-lactam ở các sinh viên Thụy Điển du học tại Ấn Độ hoặc Trung Phi. Không có sinh viên nào sử dụng kháng sinh trong 6 tháng trước khi đi du học hoặc trong thời gian du học.

 

Nguồn:

http://aac.asm.org/content/early/2015/08/04/AAC.00933-15.full.pdf+html?ijkey=ApED6UHo8GluE&keytype=ref&siteid=asmjournals

Thứ hai, 31 Tháng 8 2015 14:37

Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. FDA) đưa ra cảnh báo ba nhà sản xuất thiết bị nội soi có liên quan tới sự bùng phát nhóm vi khuẩn đường ruột kháng carbapenem (Carbapenem-Resistant Enterobacteriaceae-CRE). Các cảnh báo được áp dụng đối với công ty Olympus, Fujifilm và Pentax. FDA cho rằng Olympus và Pentax đã không báo cáo các trường hợp nhiễm khuẫn trong vòng 30 ngày. Pentax và Fujifilm bị khiển trách vì các biện pháp vệ sinh và tiệt trùng kém hiệu quả. Cả 3 công ty được 15 ngày để lên kế hoạch cải thiện tình hình.

Nguồn: http://cddep.org/blog/posts/weekly_digest_universal_flu_vaccine_progress_fda_issues_warnings_duodenoscope_makers_0

Thứ tư, 19 Tháng 8 2015 22:34

12/08/2015

 

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh Mers-CoV hiện nay tại Hàn Quốc, Bộ Y tế quyết định dừng áp dụng khai báo y tế phòng chống dịch Mers-CoV đối với hành khách nhập cảnh đến từ Hàn Quốc tại các cửa khẩu quốc tế ở Việt Nam.
 
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến 10/8/2015, dịch bệnh Mers-CoV tại Hàn Quốc đã qua 36 ngày liên tục không ghi nhận trường hợp mắc Mers-CoV mới. Ngày 28/7/2015, Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc công bố dịch bệnh Mers-CoV tại nước này đã chấm dứt và hầu hết các nước đã dỡ bỏ khuyến cáo công dân hạn chế đến Hàn Quốc.

Căn cứ vào tình hình dịch Mers-CoV tại Hàn Quốc hiện nay, ngày 12/8/2015, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5843/BYT-DP về việc dừng áp dụng khai báo y tế phòng chống Mers-CoV tại các cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh vào nước ta đến từ Hàn Quốc kể từ 0 giờ ngày 15/8/2015.

Đối với các nước Trung Đông, Bộ Y tế vẫn tiếp tục thực hiện áp dụng khai báo y tế phòng chống Mers-CoV theo nội dung Công văn số 3719/BYT-DP ngày 03/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tại các quốc gia này, tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp và đang tiếp tục được theo dõi. Theo số liệu của cơ quan IHR, tính đến chiều ngày 11/8/2015, Ả rập Xê út ghi nhận thêm 17 trường hợp nhiễm Mers-CoV, trong đó có 3 người đã tử vong.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Thông tư số 46/2014/TT-BYT ngày 5/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Mers-CoV và các khuyến cáo cũng như biện pháp phòng chống dịch bệnh tại website chính thức của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
 
Thứ hai, 03 Tháng 8 2015 12:49
 

28/07/2015

 

Chiều ngày 27/7, Bộ Y tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng các nước ASEAN+3 về ứng phó với bệnh MERS-coV. Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia đồng chủ trì Hội nghị với vai trò là Chủ tịch luân phiên của nhóm Bộ trưởng các nước ASEAN+3. 
 
IMG_2675.JPG
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến các nước ASEAN+3 tại điểm cầu Việt Nam ngày 27/7/2015.
 
Tại các điểm cầu quốc tế có sự tham gia của Ban thư ký ASEAN, Đại diện WHO khu vực SEARO và WPRO, Lãnh đạo Bộ Y tế và các quan chức cấp cao của 13 nước ASEAN+3 nhằm chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận của các quốc gia trong công tác giám sát dịch bệnh; thảo luận các biện pháp tăng cường ứng phó với MERS trong khu vực. 

Tại điểm cầu Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị, các thành phần tham dự gồm có Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ Truyền thông - Thi đua, khen thưởng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội, đại diện WHO tại Việt Nam.
 
Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia đồng chủ trì Hội nghị trong vai trò Chủ tịch luân phiên của nhóm Bộ trưởng các nước ASEAN+3, cùng với sự tham gia tích cực của Thái Lan trong vai trò hỗ trợ kết nối đường truyền giữa các quốc gia.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) đã xuất hiện tại 26 quốc gia trên thế giới kể từ khi dịch bệnh này được phát hiện tại Ả Rập Xê-út vào năm 2012. Tính đến ngày 27/7/2015, MERS-CoV đã cướp đi sinh mạng của 487 người. Các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có trường hợp nhiễm MERS-CoV gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch MERS-CoV có thể xảy ra giữa các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương đòi hỏi các quốc gia  cần có sự chia sẻ kinh nghiệm và có kế hoạch phối hợp mang tính đồng bộ, thống nhất trong công tác phòng chống bệnh MERS-CoV.
 

IMG_2671.JPG
Hình ảnh các điểm cầu tại các quốc gia ASEAN+3 qua màn hình trực tuyến ngày 27/7/2015.
 
Trong Hội nghị ngày 27/7/2015, Lãnh đạo Y tế các nước ASEAN đã thống nhất thông qua tuyên bố chung của Hội nghị trên cơ sở các ý kiến của các quốc gia thành viên. Tuyên bố chung trên bao gồm những nội dung chính sau:

1. Tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh tại mỗi quốc gia
2. Kịp thời chia sẻ thông tin dịch bệnh giữa các quốc gia trong khu vực
3. Phối hợp liên quốc gia trong việc điều tra ổ dịch và truy xuất những đối tượng tiếp xúc có nguy cơ.
4. Triển khai các biện pháp phòng chống hợp lý nhằm quản lý các nguy cơ.
5. Chia sẻ các bài học kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của quốc gia.

Cũng tại Hội nghị, các quốc gia đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc trong việc tổ chức hội nghị trực tuyến lần này, minh bạch trong quá trình chia sẻ thông tin và tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia khu vực vì mục tiêu chung ngăn chặn dịch bệnh trên phạm vi quốc tế.

Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các quốc gia ASEAN +3, thể hiện đậm nét sự sẻ chia trách nhiệm tích cực giữa các quốc gia trong công tác phòng chống dịch bệnh mới nổi. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các quốc gia khu vực trao đổi những kinh nghiệm quý báu về khả năng giám sát, tập huấn, truyền thông,... sẵn sàng ứng phó dịch bệnh của mỗi quốc gia, tăng cường năng lực và sự phối hợp giữa các quốc gia, hướng đến một cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV nào. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ phối hợp với các quốc gia ASEAN +3 trong công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV nói riêng và các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi nói chung, nỗ lực tăng cường khả năng ứng phó với dịch bệnh, kiện toàn Văn phòng EOC và năng lực cán bộ y tế, nhằm đảm bảo phát hiện sớm, xử lý các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, kịp thời thông tin với cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân các quốc gia ASEAN +3 và góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới.
 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

 

Thứ sáu, 24 Tháng 7 2015 22:39

17/07/2015



Tính đến ngày 17/7/2015, số lượng người nhiễm MERS tại Hàn Quốc vẫn là 186, trong đó có 36 trường hợp tử vong. Số lượng người bị cách ly tại quốc gia này giảm xuống 155 người trên tổng số 16.432 người. Số người đang điều trị là 16 người, bao gồm 4 bệnh nhân nặng. Như vậy kể từ ngày 5/7/2015 đến ngày 17/7/2015, Hàn Quốc không ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV mới trong 12 ngày liên tiếp. Hầu hết các trường học tại Hàn Quốc đã mở cửa trở lại.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hiện nay tổng số người nhiễm MERS-CoV là 1368 người, trong đó có  490 người đã tử vong tại 26 nước: Ca bệnh tại chỗ (9 nước): Ả Rập Xê Út,  Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Qatar, Oman, Jordan, Kuwait, Yemen, Lebanon, Iran; Ca bệnh xâm nhập (17 nước): Anh, Pháp, Tunisia, Italy, Hy Lạp Ai Cập, Mỹ,  Hà Lan, Algeria, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

Hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm MERS-CoV. Tuy vậy người dân cần chủ động tuân theo các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Trang