Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu chỉ đạo.
NDĐT - Dịch cúm A(H7N9) ở Trung Quốc, dịch cúm A(H5N1) ở Campuchia đã ghi nhận tại các tỉnh sát biên giới, hiện tượng gia cầm nhập lậu mặc dù đã được hạn chế song vẫn chưa triệt để, do đó vi rút cúm gia cầm có thể xâm nhập qua gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào nước ta và lây truyền sang người. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, sáng nay, 3-3, Bộ Y tế đã họp Ban chỉ đạo phòng chống các chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao trên người, có khả năng xâm nhập vào nước ta và đưa ra các giải pháp phòng chống.
Cảnh báo về vi rút cúm gia cầm độc lực cao
Từ năm 2013 đến nay, thế giới ghi nhận 1.258 trường hợp mắc cúm A(H7N9), 435 trường hợp tử vong do cúm A(H7N9). Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức, dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 3-2013, có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Từ tháng 10-2016 tới nay dịch cúm A(H7N9) đang có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 460 trường hợp mắc tại 14 tỉnh, thành phố.
Trong đợt dịch thứ 5 có sự gia tăng về tỷ lệ các trường hợp mắc cúm A(H7N9) ở người có tiền sử tiếp xúc với gia cầm (91% so với 85%), thời gian từ ngày khởi phát đến ngày tử vong nhanh hơn (8,5 ngày so với 17 ngày), tuy nhiên tỷ lệ tử vong thấp hơn các đợt dịch trước (29% so với 40,8%).
Phân tích đặc điểm vi rút cúm A(H7N9) cho thấy có sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) đối với gia cầm từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gen vi rút cúm ở 2 bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) tại Quảng Đông và bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) ở Đài Loan (theo thông báo ngày 25/02/2017 của Tổ chức Y tế thế giới). Tuy nhiên, sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Theo Cục trưởng Trần Đắc Phu, tại Việt Nam, từ năm 2013 đến nay, ngành y tế đã chủ động triển khai tích cực việc giám sát thông qua giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm cúm quốc gia và đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên gia cầm cũng như trên người.
Với cúm A(H5N1), theo WHO đến nay đã có 16 nước trên thế giới ghi nhận trường hợp mắc chủ yếu là các nước thuộc châu Á, châu Phi, tích lũy từ năm 2003 đến nay thế giới ghi nhận 856 trường hợp mắc, 452 trường hợp tử vong. Tuy nhiên gần đây, số trường hợp mắc đã giảm đi, chủ yếu xảy ra tại Ai Cập. Đầu năm 2017, theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tại Campuchia xảy ra ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Sveyrieng là tỉnh có chung đường biên giới khu vực Tây Nam của Việt Nam và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.
Ghi nhận từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã có 127 người mắc, 64 trường hợp tử vong. Trong giai đoạn 2003-2005, Việt Nam là một trong những quốc gia có số mắc cao nhất thế giới. Tuy vậy, từ năm 2006 đến nay số mắc đã giảm đi rất nhiều và đặc biệt trong các năm 2015, 2016 và những tháng đầu năm 2017 không ghi nhận trường hợp mắc.
Mặc dù không ghi nhận các trường cúm A(H5N1) trên người, nhưng dịch vẫn lưu hành trên đàn gia cầm qua các năm. Gần đây nhất, theo thông báo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016, tại nước ta đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm tại 7 xã, phương của 6 huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh, thành phố: Nghệ An, Cần Thơ và Cà Mau. Trong thời gian đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận rải rác ở các địa phương, hiện nay cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 07 tỉnh là Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày.
Theo nhận định của Cục Thú y về tình hình dịch cúm gia cầm thì nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Việt Nam tích cực, chủ động đối phó với dịch cúm
Mặc dù dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, song cho đến nay Việt Nam đã và đang ngăn chặn được sự xâm nhập của cúm A(H7N9) và khống chế thành công cúm A(H5N1) lây truyền sang người. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tập trung triển khai tích cực các hoạt động phòng chống, đặc biệt về công tác chuyên môn như củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các Trung tâm cúm quốc gia, đến nay nước ta đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng vi rút cúm gia cầm bao gồm cả cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) đồng thời có thể giải trình tự gien để phát hiện sự biến chủng của vi rút. Tại 29 cửa khẩu quốc tế lớn của Việt Nam, trong hơn 2 tháng đầu năm 2017 đã giám sát trên 900.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Campuchia, không ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm ở người.
Đồng thời, đã triển khai giám sát tất cả các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các điểm giám sát trọng điểm quốc gia và tại các cơ sở y tế, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, xác định sớm trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Đã xét nghiệm 3.747 mẫu bệnh phẩm, không phát hiện trường hợp nhiễm vi rút cúm A(H7N9), A(H5N1), A(H5N6) ở người. Duy trì mạng lưới sẵn sàng thu dung, điều trị, cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ và khi có bệnh nhân giảm thiểu các biến chứng và tử vong. Thường xuyên kiện toàn các đội đáp ứng nhanh chống dịch tại Bộ Y tế, các Viện khu vực, các địa phương; tổ chức tập huấn về giám sát, điều trị cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) cho cán bộ của ngành y tế và các đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải tích cực, chủ động để ngăn chặn sự xâm nhập vi rút cúm gia cầm vào nước ta cũng như triển khai các biện pháp phòng chống chủ động lây truyền sang người, hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm và tử vong cho người.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Nếu Việt Nam làm tốt công tác kiểm soát ở khu vực cửa khẩu, thì sẽ không có dịch trên gia cầm. Do đó, cần mở rộng phạm vi, đối tượng giám sát (giám sát trọng điểm, EBS, SARI), đặc biệt tại các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, Campuchia; chợ đầu mối giao lưu, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Khuyến cáo người dân đi du lịch đến những vùng có dịch và những người tiếp xúc với gia cầm, khi có triệu chứng phải được chăm sóc đặc biệt tại các cơ sở y tế.
Những vùng có dịch gia cầm, cần phải kiểm soát chặt chẽ, tiêu hủy đàn gia cầm có virus để tránh lây lan. Ngăn chặn triệt để gia cầm nhập lậu để không gây nguy hại đến gia cầm trong nước và sức khỏe người dân. Thứ trưởng đề nghị các địa phương tổ chức tốt việc giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên gia cầm và ở người; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Cần tiếp tục truyền thông sâu rộng, chủ động thông báo tình hình dịch bệnh để các bên liên quan cùng vào cuộc kịp thời.
Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế đang triển khai phương pháp test xác định cúm nhanh để có phương pháp xử lý kịp thời và cố gắng áp dụng sớm nhất trong tháng 3 năm nay tại các tỉnh vùng ven và thí điểm ban đầu tại Lạng Sơn. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan y tế tăng cường mở rộng giám sát tại khu vực biên giới và sẽ mở ba phòng xét nghiệm nhanh tại ba tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai. Trong tháng 5, sẽ tiếp tục mở rộng phòng xét nghiệm nhanh tại các tỉnh phía Bắc và Tây Nam.
Nguồn: http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/1135/trien-khai-nhieu-bien-phap-phong-chong-chung-vi-rut-cum-gia-cam-doc-luc-cao