Sáng 17/3, tại Lạng Sơn đã diễn ra buổi diễn tập phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 lây sang người được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trước bối cảnh diễn biến dịch cúm gia cầm diễn ra phức tạp tại Trung Quốc, đồng thời lại xuất hiện thêm những trường hợp bệnh nhân xâm nhập từ Trung Quốc ở Đài Loan, Malaisia, Canada, ngành y tế và nông nghiệp Việt Nam cùng phối hợp tổ chức buổi diễn tập trên nhằm mục tiêu tăng cường khả năng phòng chống dịch cúm gia cầm, sẵn sàng đáp ứng các tính huống dịch có thể xảy ra.
Tại tỉnh Lạng Sơn hiện nay chưa ghi nhận bệnh nhân mắc Cúm A/H7N9 nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao do có 11 cửa khẩu với Trung Quốc và nhiều đường mòn lối mở khác; Gia cầm nhập lậu khó kiểm soát; Số lượng người xuất nhập cảnh nhiều.
Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 lây sang người trên địa bàn tỉnh biên giới Lạng Sơn, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kịch bản diễn tập phòng chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh với các nội dung nhằm:
1.Củng cố kỹ năng điều tra, giám sát, xử lý tình huống xuất hiện trường hợp nghi ngờ mắc cúm A/H7N9.
2.Nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn sinh học, năng lực lấy mẫu bảo quản vận chuyển bệnh phẩm và phối hợp với đơn vị vận chuyển cấp cứu vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở điều trị.
3.Đánh giá thực trạng năng lực ứng phó dịch bệnh trên người cũng như trên gia cầm, đặc biệt là công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch bệnh.
4.Nâng cao năng lực và hoàn thiện các hoạt động đáp ứng chống dịch.
Tình huống giả định được đặt ra là vào ngày 13/3/2017, Chi Cục Thú Y Lạng Sơn thông báo kết quả xét nghiệm trên gà, vịt có 01 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút cúm A/H7N9 của gia đình bà Nông Thị H, địa chỉ khu Hoàng Văn Thụ, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Để chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trên người, Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc đã tổ chức lập danh sách và giám sát sức khỏe những người trong gia đình Bà H và những người có tiếp xúc với gia cầm của gia đình. Nhận định đây có thể là một trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người, Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc báo cáo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Sở Y tế ( thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người của tỉnh) ngay lập tức cử đội chống dịch cơ động số 1 tiến hành điều tra xác minh và xử lý tại thực địa.
Đội chống dịch cơ động đã nhanh chóng đến khoanh vùng, bao vây ổ dịch trên đàn gia cầm mắc bệnh cúm A/H7N9 không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tiếp đó, Đội giám sát, khoanh vùng, điều tra, xử lý ổ dịch trên người; Vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân đến khu điều trị cách ly của tỉnh ( Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng). Cuối cùng, Đội cùng họp tổng kết, rút kinh nghiệm giữa các thành viên ban chỉ đạo diễn tập, các đơn vị tham gia và các thành viên tham gia diễn tập.
Đối với các đơn vị thú ý, ngay sau khi nhận được Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y trung ương, Chi cục Thú y đã lập tức thông báo cho Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, UBND huyện Cao Lộc thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh huyện Cao Lộc, tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo quy định, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh Cúm gia cầm gây ra, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.
Buổi diễn tập diễn ra thành công tốt đẹp và thể hiện rõ sự quyết tâm phòng chống nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng trong sự phối hợp thống nhất giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Diễn tập cũng là dịp hai bên cùng rút kết những kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong công tác phòng dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cục Y tế dự phòng
http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/1141/nganh-y-te-va-nong-nghiep-phoi-hop-dien-tap-phong-chong-cum-gia-cam-tai-lang-son