Trước ca tử vong do cúm A/H5N1 thứ 5 trong năm nay vừa xảy ra tại Điện Biên vào cuối tháng 11, Bộ Y tế đã cảnh báo các địa phương về tình hình dịch cúm A/H5N1 có thể bùng phát mạnh vào mùa đông năm nay. Sở Y tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị với các sở, ban, ngành có liên quan nhằm "hâm nóng" công tác phòng, chống cúm A/H1N1.
Nhiều bài học kinh nghiệm
Bác sĩ Võ Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, so với nhiều tỉnh, thành thuộc địa bàn có nguy cơ cao trong cả nước, Bà Rịa Vũng Tàu được ghi nhận số ca nhiễm và nghi nhiễm cúm A/H1N1 không nhiều. Bà Rịa Vũng Tàu đã khống chế và kiểm soát tình hình dịch cúm A/H1N1 tương đối tốt. Tuy vậy, diễn biến dịch vẫn đang theo chiều hướng phức tạp, nhất là trong thời điểm mùa đông, khi cúm A/H5N1 có dấu hiệu gia tăng trở lại, dịch sẽ càng phức tạp hơn và nguy cơ tái tổ hợp cúm mới có thể xảy ra.
Theo bác sĩ Võ Văn Hùng, ở thời điểm này, công tác phòng, chống cúm A/H1N1 của cộng đồng đang "chững" lại và đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch bệnh nguy hiểm này. Nếu không "hâm nóng" công tác phòng, chống dịch và đưa ra những phương án mới, thích hợp cho diễn biến của giai đoạn tiếp theo, việc dịch bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bác sĩ Nguyễn Khánh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP Bà Rịa Vũng Tàu khẳng định, nếu ngành y tế không quyết liệt, yêu cầu chính quyền địa phương vào cuộc, dịch cúm A/H1N1 tại Châu Đức còn có thể kéo dài và lây lan trong cộng đồng. Biện pháp phòng chống dịch đơn giản, tuân thủ theo khuyến cáo về phòng hộ cá nhân đã phát huy tác dụng khá rõ. Chỉ với việc đeo khẩu trang cho mọi học sinh, giáo viên và những người có liên quan (bảo đảm 100%), vệ sinh môi trường tốt, số ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 (do viện Pasteur không còn làm xét nghiệm khẳng định kể từ ngày 1/10) tại Châu Đức đã giảm mạnh, dịch dần được khống chế và nằm trong tầm kiểm soát. Kinh nghiệm cho thấy, ổ dịch cúm A/H1N1 có thể nhanh chóng được dập tắt nếu khống chế quyết liệt bằng các việc kết hợp các biện pháp. Đơn cử như ổ dịch tại Trường tiểu học Lê Thành Duy (thị xã Bà Rịa) đã được dập tắt chỉ trong vòng 10 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Khánh Vân còn cho rằng, ý thức người dân còn thấp và chưa chủ động phòng, chống dịch theo đúng khuyến cáo, ví dụ như với ổ dịch tại Nhà máy Thép tấm lá Phú Mỹ, chỉ đến khi chính quyền huy động lực lượng công an chốt hai đầu khu cư xá mới thực sự cách ly được người nghi nhiễm cúm A/H1N1 và có liên quan. Còn ở Trường tiểu học Lê Thành Duy, người dân đã ùn ùn kéo đến đưa con em về, không cho tới lớp khi có thông tin về trường hợp một ca bệnh tại đây. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cần tăng cường hơn nữa, để người dân hiểu đúng, đủ, không quá hoang mang lo sợ, cũng không quá chủ quan, thờ ơ trong phòng, chống dịch.
Không được chủ quan
Theo kết quả của cuộc giám sát công tác phòng, chống cúm A/H1N1 vừa qua, số đơn vị còn chủ quan, lơ là trước dịch bệnh này còn nhiều. Ở các trường học, không chỉ học sinh mà cả giáo viên vẫn chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức cần thiết trong phòng, chống cúm A/H1N1
Bác sĩ Ngô Phê, Trưởng Phòng Kế hoạch - tổng hợp, Trung tâm y tế Châu Đức chia sẻ kinh nghiệm trong khâu cách ly khi ở đơn vị này có đến 95,5% số bệnh nhân là học sinh. Bác sĩ Phê cho biết, có những bệnh nhân xét nghiệm kết quả dương tính với cúm A/H1N1 nhưng bệnh tự khỏi trong vòng 3 - 4 ngày, không cần điều trị tamiflu. Một số trường hợp bệnh nhẹ, cho toa về nhà điều trị viêm họng, sau 3 - 4 ngày có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng bệnh nhân đã hết sốt, trở lại sinh hoạt bình thường. Kinh nghiệm của huyện Châu Đức cho thấy, khả năng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân trong trường hợp nhẹ hoặc điều trị tại trạm y tế xã, phường vẫn được coi là phương án lựa chọn khả quan nếu dịch lây lan rộng. Chỉ những trường hợp nặng, hoặc có yếu tố nguy cơ mới cần thiết phải điều trị cách ly tại bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nhằm giảm tải. Đây cũng là vấn đề đang được thảo luận và triển khai thực hiện từng bước tại các đơn vị y tế cơ sở. Trong tháng 11 vừa qua, Sở Y tế đã yêu cầu các địa phương rà soát lại phương tiện, trang thiết bị, nhân lực của trạm y tế xã, phường nhằm chuẩn bị triển khai phương án tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1.
Minh Thư