Thông tin quan trọng

Thứ hai, 19 Tháng 7 2010 08:03
Đính kèmDung lượng
097_nhin_lai_2_nam_hoat_dong.ppt5.4 MB
Thứ hai, 19 Tháng 7 2010 04:04
Đính kèmDung lượng
095_bao_cao_de_tai_tiem_an_toan.ppt3.3 MB
Thứ hai, 19 Tháng 4 2010 07:32

Thông báo số 504/TB-DPMT, ngày 12/4/2010 của Bộ Y tế Về tình hình tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả tại TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 504 /TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2010

THÔNG BÁO

Về tình hình tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả

tại TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế xin thông báo tình hình tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả tại TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh như sau:

1. Tình hình dịch tiêu chảy cấp tại TP. Hồ Chí Minh:

Theo báo cáo từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 04/4 – 11/4/2010, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 04 trường hợp tiêu chảy cấp, xét nghiêm dương tính với phẩy khuẩn Tả, gồm 02 trường hợp tại Phường 6, Quận 8; 01 trường hợp tại Phường 14, Quận 8; 01 trường hợp tại Phường 7, Quận 5.

Các trường hợp này đều khởi bệnh với triệu chứng đi ngoài phân lỏng, nhiều lần/ngày, sau đó đến khám và được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, các bệnh nhân trên đã được điều trị ổn định, không còn dấu hiệu mất nước.

Kết quả điều tra hiện chưa phát hiện được nguồn lây và các yếu tố dịch tễ liên quan.

2. Tình hình dịch tiêu chảy cấp tại Bắc Ninh:

Bệnh nhân nam, 50 tuổi, thương trú tại xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 05/4/2010, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện huyện Lương Tài sau đó được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Điều tra dịch tễ cho thấy, trong vòng 05 ngày trước khi khởi phát, bệnh nhân có ăn tiết canh, rau sống, gia đình sử dụng hố xí xả phân trực tiếp xuống ao. Kết quả xét nghiệm mẫu nước ao cạnh nhà bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn Tả.

Hiện tại, bệnh nhân trên đã được điều trị ổn định, số lần tiêu chảy giảm, không còn dấu hiệu mất nước.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Sở Y tế các tỉnh/thành phố tăng cường công tác giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch, điều tra xác định nguồn lây và các yếu tố dịch tễ liên quan, tuyên truyền cho người dân các biện pháp chủ động để phòng, chống dịch.

3. Khuyến cáo của Bộ Y tế:

Bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền nhanh, để chủ động phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục Y tế dự phòng và Môi trường khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện một số nội dung sau:

1. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

2. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, đặc biệt là phòng tránh bệnh Tả.

3. Trong vùng có dịch, các gia đình không nên tổ chức ăn uống đông người.

4. Khi phát hiện trong gia đình có người bị tiêu chảy cấp, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

 

CỤC TRƯỞNG

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ

(Đã ký)

Nguyễn Huy Nga

 

Thứ sáu, 09 Tháng 4 2010 07:58

Thông báo số 469/TB-DPMT, ngày 06/4/2010 của Bộ Y tế Về trường hợp dương tính với vi rút cúm A(H5) tại Bắc Kạn

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 469 /TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về trường hợp dương tính với vi rút cúm A(H5) tại Bắc Kạn

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo ca bệnh dương tính với vi rút cúm A(H5) tại tỉnh Bắc Kạn như sau:

Bệnh nhân nam, 22 tuổi, địa chỉ: xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ngày 28/3/2010, bệnh nhân xuất hiện sốt; Ngày 30/3/2010, bệnh nhân đến Trạm Y tế xã khám và chuyển lên Bệnh viện huyện Chợ Mới điều trị; Ngày 02/4/2010, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và được chẩn đoán Viêm phổi nặng nghi cúm A(H5N1), đến 20h00 cùng ngày bệnh nhân được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Ngày 03/4/2010, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H5).

Hiện tại, bệnh nhân đang được thở máy, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, tại nhà và xung quanh khu vực nơi bệnh nhân đang sinh sống có hiện tượng gia cầm ốm/chết.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;

2.Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

 

KT. CỤC TRƯỞNG

PHÓ CỤC TRƯỞNG

(Đã ký)

Nguyễn Văn Bình

 

Thứ hai, 22 Tháng 3 2010 06:11

Thông báo số 394/TB-DPMT, ngày 19/3/2010 của Bộ Y tế Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Dương

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 394 /TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Dương

 

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Bình Dương như sau:

Bệnh nhân nữ, 03 tuổi, thường trú tại Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Bệnh khởi phát ngày 05/3/2010 với biểu hiện sốt cao, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Thuận An và phòng khám tư nhân khám và điều trị nhưng không đỡ. Ngày 10/3/2010, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng II điều trị và được chẩn đoán sau hội chẩn là: Viêm phổi nặng nghi do cúm A(H5N1).

Kết quả xét nghiệm ngày 15/3/2010 tại Bệnh viện Nhi đồng II dương tính với vi rút cúm A(H5). Tại đây, bệnh nhân đã được điều trị tích cực bằng thuốc kháng vi rút, thở máy, kháng sinh hỗ trợ. Bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân tử vong ngày 17/3/2010.

Ngày 17/3/2010, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh khẳng định kết quả dương tính với vi rút cúm A(H5N1).

Đây là trường hợp tử vong thứ hai do cúm A(H5N1) trong năm 2010. Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;

2.Không vận chuyển, mua bán, chế biến gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

CỤC TRƯỞNG

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ

(Đã ký)

Nguyễn Huy Nga

 

Thứ năm, 04 Tháng 3 2010 02:28

Thông báo số 259/TB-DPMT, ngày 26/02/2010 của Bộ Y tế Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Tiền Giang

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số:259/TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Tiền Giang

 

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Tiền Giang như sau:

Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, thường trú tại Xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Bệnh khởi phát ngày 13/02/2010, bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị ở nhà và đến trạm y tế xã điều trị nhưng không đỡ. Ngày 21/02/2010, bệnh nhân thấy mệt hơn, đau ngực, khó thở, được người nhà đưa đến điều trị tại Bệnh viện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng do vi rút – sốc nhiễm trùng nặng, bệnh nhân đã được hồi sức, điều trị tích cực. Bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân tử vong lúc 09h00 ngày 23/02/2010.

Điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân có tiền sử giết mổ và chế biến thủy cầm bị bệnh. Ngày 23/02/2010, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H5N1).

Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A(H5N1) trong năm 2010. Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;

2.Không vận chuyển, mua bán, chế biến gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

 

CỤC TRƯỞNG

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ

(Đã ký)

Nguyễn Huy Nga

 

Thứ năm, 04 Tháng 3 2010 02:11

Thông báo số 271/TB-DPMT, ngày 01/3/2010 của Bộ Y tế Về 02 trường hợp dương tính với cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa và Tuyên Quang

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 271/TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về 02 trường hợp dương tính với cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa và Tuyên Quang

 

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo 02 ca bệnh dương tính với cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa và Tuyên Quang như sau:

1. Trường hợp tại Khánh Hòa: bệnh nhân nữ, 03 tuổi, thường trú tại xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khởi phát ngày 27/01/2010 với triệu chứng sốt cao 390C, ho, sổ mũi. Ngày 28/01/2010, bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện huyện Ninh Hòa khám và được chẩn đoán Viêm đường hô hấp trên; bệnh nhân đã được lấy mẫu bệnh phẩm trong khuôn khổ dự án Nâng cao năng lực phòng xét nghiệm hợp tác Việt – Úc. Ngày 12/02/2010, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang dương tính với cúm A(H5N1).

Hiện nay, trẻ đã được điều trị hồi phục và khoẻ mạnh. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, mọi người trong gia đình và xung quanh không có ai bị bệnh tương tự, không có hiện tượng gà vịt ốm/chết hàng loạt, gia đình bệnh nhân có nuôi gà nhưng không có hiện tượng gà ốm/chết. Khoảng gần 1 tháng trước, tại trại đà điểu (cách nhà bệnh nhân gần 1 km) có hiện tượng đà điểu chết không rõ nguyên nhân.

Ngày 27/02/2010, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5N1).

Theo thông báo ngày 25/02/2010 của Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay tại huyện Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có dịch cúm trên gia cầm chưa qua 21 ngày.

2. Trường hợp tại Tuyên Quang: Bệnh nhân nữ, 17 tuổi, thường trú tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Khởi phát bệnh ngày 19/02/2010 với triệu chứng sốt cao 38,90C, ho, đau họng. Bệnh nhân được đưa đến điều trị tại phòng khám đa khoa Tân Trào, sau đó được chuyển tiếp đến bệnh viện đa khoa huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày 24/02/2010. Tại đây bệnh nhân được điều trị bằng Tamiflu theo phác đồ điều trị đối với ca nghi cúm A(H5N1).

Hiện tại, bệnh nhân khó thở nhẹ, không phải thở máy, hình ảnh Xquang phổi tiến triển tốt và đang được quản lý, điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Sơn Dương.

Tiền sử dịch tễ liên quan: khoảng 10 ngày trước đây tại nhà bệnh nhân có xảy ra hiện tượng gà ốm/chết không rõ nguyên nhân, bệnh nhân có tham gia tiêu hủy gà ốm/chết của gia đình.

Ngày 27/02/2010, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H5N1).

 

Như vậy, từ đầu năm 2010 đến nay, cả nước đã nghi nhận 03 trường hợp dương tính với cúm A(H5N1) ở người, trong đó có 01 ca tử vong.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;

2.Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

 

 

 

 

CỤC TRƯỞNG

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ

(Đã ký)

Nguyễn Huy Nga

 

Trang