Thông tin quan trọng

Thứ ba, 23 Tháng 2 2010 01:39

Thông báo số 238/TB-DPMT, ngày 11/02/2010 của Bộ Y tế Về tình hình cúm A(H1N1), cúm A(H5N1) và tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả

BỘ Y TẾ

CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG

Số: 238 /TB-DPMT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Về tình hình cúm A(H1N1), cúm A(H5N1) và tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả

 

Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế thông báo tình hình dịch cúm A(H1N1) và tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả, đến 17h00 ngày 10/02/2010 như sau:

1. Tình hình dịch trên thế giới:

Cúm A(H1N1): Theo thông báo số 86 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 31/01/2010, toàn thế giới đã có hơn 211 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận bệnh nhân dương tính với vi rút cúm A(H1N1), trong đó có ít nhất 15.174 trường hợp tử vong.

Cúm A(H5N1) trên người: Ngày 08/02/2010, Bộ Y tế Ai Cập thông báo thêm 02 ca nhiễm vi rút cúm A(H5N1) trên người, cả 2 trường hợp này hiện đang được điều trị bằng Oseltamivir. Điều tra dịch tễ cho thấy, cả 02 trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết.

Như vậy, đến ngày 08/02/2010, toàn thế giới đã ghi nhận 473 trường hợp dương tính với vi rút cúm A(H5N1) tại 15 quốc gia, trong đó có 282 trường hợp tử vong.

2. Tình hình dịch tại Việt Nam:

2.1. Về tình hình dịch cúm A(H1N1):Theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, tính đến 17h00 ngày 10/02/2010, Việt Nam đã ghi nhận 11.186 trường hợp dương tính, 58 trường hợp tử vong.

Trường hợp tử vong thứ 58 tại Điện Biên.

Bệnh nhân nam, 37 tuổi, địa chỉ: xã Chà Nưa, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Ngày 17/01/2010, bệnh nhân đến Trạm Y tế xã khám và điều trị vì xuất hiện triệu chứng ho, khó thở, sốt cao. Ngày 22/01/2010, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện huyện Mường Chà trong tình trạng sốt cao 39oC, khó thở. Diễn biến bệnh ngày càng nặng, ngày 25/01/2010, bệnh nhân được chuyển tiếp lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên và được chẩn đoán Viêm phổi nặng nghi do cúm A(H1N1). Tại đây, bệnh nhân được điều trị thuốc kháng vi rút, hồi sức tích cực và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Ngày 27/01/2010, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trả lời kết quả dương tính với vi rút cúm A(H1N1). Bệnh diễn biến nặng và tử vong lúc 12h00 ngày 04/02/2010.

2.2. Về tình hình dịch cúm A(H5N1):

Dịch cúm trên gia cầm:

Theo thông báo của Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tuần ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm mới phát sinh tại các địa phương là Hà Tĩnh, Cà Mau, Quảng Trị, Kon Tum và Nghệ An.

Hiện nay, cả nước còn 07 tỉnh là Cà Mau, Hà Tĩnh, Điện Biên, Sóc Trăng, Kon Tum, Quảng Trị và Nghệ An có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Dịch cúm A(H5N1) trên người:

Trong tuần không ghi nhận truờng hợp cúm A(H5N1) trên người.

2.3. Về tình hình dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả: Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, đến ngày 04/02/2010 bệnh viện đa khoa huyện An Phú đã tiếp nhận điều trị tổng số 08 bệnh nhân Tả người Căm Pu Chia, đến ngày 01/02/2010, đã có 02 bệnh nhân người Việt Nam nhập viện điều trị do tiêu chảy cấp, ngày 05/02/2010, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm khẳng định 02 bệnh nhân này nhiễm phẩy khuẩn Tả, cụ thể như sau:

Bệnh nhân thứ nhất: Bệnh nhân nam, 25 tuổi, nghề nghiệp: làm ruộng.

Nơi sống: Ấp Phú Nhơn - Xã Phú Hội - huyện An Phú

Ngày khởi phát: 30/01/2010

Ngày nhập viện: 31/01/2010

Nơi điều trị: Bệnh viện đa khoa huyện An Phú, An Giang

Bệnh nhân thứ hai: Bệnh nhân nam,41 tuổi, nghề nghiệp: làm ruộng

Nơi sống: Ấp Bình Dị - Xã Khánh Bình - huyện An Phú

Ngày nhập viện: 01/02/2010

Nơi điều trị: Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Ky huyện An Phú

Yếu tố dịch tễ: Hai bệnh nhân trên sống tại huyện An Phú nhưng thường xuyên qua Căm Pu Chia làm ruộng (khu vực có nhiều bệnh nhân tả). Điều tra trong vòng 05 ngày trước khi khởi bệnh, không rõ thực phẩm, nước uống nghi ngờ liên quan dịch tễ.

3. Khuyến cáo của Bộ Y tế:

3.1. Học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên công tác tại các trường học, những người đang công tác tại các công sở, người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực tập trung đông người như nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chung cư, ký túc xá,... chủ động theo dõi sức khoẻ hàng ngày để phát hiện triệu chứng cúm và các bệnh đường hô hấp. Nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ bệnh cúm thì cần chủ động cách ly và thông báo cho đơn vị và y tế cơ quan biết để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

3.2. Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, bệnh hệ thống...), người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

3.3. Mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi, đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế.

3.4. Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc; tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm ốm, chết mà phải thông báo ngay cho chính quyền và cơ quan Thú y địa phương để xử lý kịp thời phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người.

3.5. Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng nước sạch để phòng tránh bệnh Tả và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá khác, đặc biệt là các bữa cỗ tập trung đông người trong dịp Tết Nguyên Đán.

3.6. Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm, tiêu chảy cấp hãy thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989.671115, Fax: 04.37366241, Email: baocaodich@gmail.com ).

Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với tất cả các địa phương, bộ/ban ngành liên quan, các nước và các tổ chức quốc tế để theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp khống chế dịch, giảm thiểu sự lây lan và tác hại của dịch

 

 

CỤC TRƯỞNG

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ

(Đã ký)

Nguyễn Huy Nga

 

Thứ tư, 06 Tháng 1 2010 07:25

Trước ca tử vong do cúm A/H5N1 thứ 5 trong năm nay vừa xảy ra tại Điện Biên vào cuối tháng 11, Bộ Y tế đã cảnh báo các địa phương về tình hình dịch cúm A/H5N1 có thể bùng phát mạnh vào mùa đông năm nay. Sở Y tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức hội nghị với các sở, ban, ngành có liên quan nhằm "hâm nóng" công tác phòng, chống cúm A/H1N1.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Bác sĩ Võ Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, so với nhiều tỉnh, thành thuộc địa bàn có nguy cơ cao trong cả nước, Bà Rịa Vũng Tàu được ghi nhận số ca nhiễm và nghi nhiễm cúm A/H1N1 không nhiều. Bà Rịa Vũng Tàu đã khống chế và kiểm soát tình hình dịch cúm A/H1N1 tương đối tốt. Tuy vậy, diễn biến dịch vẫn đang theo chiều hướng phức tạp, nhất là trong thời điểm mùa đông, khi cúm A/H5N1 có dấu hiệu gia tăng trở lại, dịch sẽ càng phức tạp hơn và nguy cơ tái tổ hợp cúm mới có thể xảy ra.

Theo bác sĩ Võ Văn Hùng, ở thời điểm này, công tác phòng, chống cúm A/H1N1 của cộng đồng đang "chững" lại và đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch bệnh nguy hiểm này. Nếu không "hâm nóng" công tác phòng, chống dịch và đưa ra những phương án mới, thích hợp cho diễn biến của giai đoạn tiếp theo, việc dịch bùng phát trở lại và lây lan trên diện rộng là hoàn toàn có thể xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Khánh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP Bà Rịa Vũng Tàu khẳng định, nếu ngành y tế không quyết liệt, yêu cầu chính quyền địa phương vào cuộc, dịch cúm A/H1N1 tại Châu Đức còn có thể kéo dài và lây lan trong cộng đồng. Biện pháp phòng chống dịch đơn giản, tuân thủ theo khuyến cáo về phòng hộ cá nhân đã phát huy tác dụng khá rõ. Chỉ với việc đeo khẩu trang cho mọi học sinh, giáo viên và những người có liên quan (bảo đảm 100%), vệ sinh môi trường tốt, số ca nghi nhiễm cúm A/H1N1 (do viện Pasteur không còn làm xét nghiệm khẳng định kể từ ngày 1/10) tại Châu Đức đã giảm mạnh, dịch dần được khống chế và nằm trong tầm kiểm soát. Kinh nghiệm cho thấy, ổ dịch cúm A/H1N1 có thể nhanh chóng được dập tắt nếu khống chế quyết liệt bằng các việc kết hợp các biện pháp. Đơn cử như ổ dịch tại Trường tiểu học Lê Thành Duy (thị xã Bà Rịa) đã được dập tắt chỉ trong vòng 10 ngày.

Bác sĩ Nguyễn Khánh Vân còn cho rằng, ý thức người dân còn thấp và chưa chủ động phòng, chống dịch theo đúng khuyến cáo, ví dụ như với ổ dịch tại Nhà máy Thép tấm lá Phú Mỹ, chỉ đến khi chính quyền huy động lực lượng công an chốt hai đầu khu cư xá mới thực sự cách ly được người nghi nhiễm cúm A/H1N1 và có liên quan. Còn ở Trường tiểu học Lê Thành Duy, người dân đã ùn ùn kéo đến đưa con em về, không cho tới lớp khi có thông tin về trường hợp một ca bệnh tại đây. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cần tăng cường hơn nữa, để người dân hiểu đúng, đủ, không quá hoang mang lo sợ, cũng không quá chủ quan, thờ ơ trong phòng, chống dịch.

Không được chủ quan

Theo kết quả của cuộc giám sát công tác phòng, chống cúm A/H1N1 vừa qua, số đơn vị còn chủ quan, lơ là trước dịch bệnh này còn nhiều. Ở các trường học, không chỉ học sinh mà cả giáo viên vẫn chưa có đầy đủ thông tin, kiến thức cần thiết trong phòng, chống cúm A/H1N1

Bác sĩ Ngô Phê, Trưởng Phòng Kế hoạch - tổng hợp, Trung tâm y tế Châu Đức chia sẻ kinh nghiệm trong khâu cách ly khi ở đơn vị này có đến 95,5% số bệnh nhân là học sinh. Bác sĩ Phê cho biết, có những bệnh nhân xét nghiệm kết quả dương tính với cúm A/H1N1 nhưng bệnh tự khỏi trong vòng 3 - 4 ngày, không cần điều trị tamiflu. Một số trường hợp bệnh nhẹ, cho toa về nhà điều trị viêm họng, sau 3 - 4 ngày có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng bệnh nhân đã hết sốt, trở lại sinh hoạt bình thường. Kinh nghiệm của huyện Châu Đức cho thấy, khả năng điều trị ngoại trú cho bệnh nhân trong trường hợp nhẹ hoặc điều trị tại trạm y tế xã, phường vẫn được coi là phương án lựa chọn khả quan nếu dịch lây lan rộng. Chỉ những trường hợp nặng, hoặc có yếu tố nguy cơ mới cần thiết phải điều trị cách ly tại bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nhằm giảm tải. Đây cũng là vấn đề đang được thảo luận và triển khai thực hiện từng bước tại các đơn vị y tế cơ sở. Trong tháng 11 vừa qua, Sở Y tế đã yêu cầu các địa phương rà soát lại phương tiện, trang thiết bị, nhân lực của trạm y tế xã, phường nhằm chuẩn bị triển khai phương án tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1.

Minh Thư

Thứ hai, 28 Tháng 12 2009 06:17

   Khi Cúm A(H1N1) đã lây lan ra ngoài cộng đồng nhất là trong các công sở, trường học, khu nhà cao tầng đã làm cho người dân hết sức hoang mang, nhiều cầu hỏi được đặt ra từ những người dân như: Làm thế nào để biết là chúng tôi bị cúm hoặc người khác bị cúm A(H1N1)? Chúng tôi phải làm gì để phòng ngừa cho mình không lây bệnh và cho cả người thân trong gia đình? Biện pháp phòng ngừa nào có hiệu quả ? Sử dụng khẩu trang nào để phòng ngừa cúm A(H1N1)? Rửa tay như thế nào là có hiệu quả?..... Để đáp ứng những nhu cầu thực tế của người dân. Chúng tôi xin có một số hướng dẫn cụ thể như sau:

      Vi rút Cúm A(H1N1) là một loại vi rút có khả năng lây từ động vật sang người, từ người sang người và ngược lại. Đường lây truyền chủ yếu của Cúm A(H1N1) là qua các giọt bắn khi chúng ta nói chuyện, hắt hơi và ho. Các hạt này là những phần tử nhỏ có kích thước > 5µm. Chúng chứa các vi rút cúm trong đó và các phần tử nhỏ này bắn ra với một vận tốc rất nhanh với vận tốc là 30-80 cm/giây và đi xa trong vòng 1 m. Ngoài ra chúng còn lây truyền qua đường tiếp xúc với dụng cụ, bề mặt và bàn tay có tiếp xúc với các dịch từ đường hô hấp của người bị nhiễm cúm A(H1N1) và những giọt bắn sau khi phát tán ra môi trường chúng cũng sẽ lại rơi xuống các bề mặt, dụng cụ và sàn nhà nơi chúng ta sinh sống. Vi rút Cúm có thể sống vài giờ đến 48 giờ trên bề mặt, trên bàn tay sau nhiều giờ, và lâu hơn ở những người nhân viên làm phòng xét nghiệm nuôi cấy vi rút và trong không khí tồn đọng không được lưu thông trong nhiều giờ. Một con đường thứ 3 là lây truyền quan những giọt (phần tử) nhỏ có kích thước nhỏ như những hạt khí dung (< 5µm). Những phần tử khí dung này được sinh ra trong quá trình chăm sóc đường thở của người bệnh nhiễm Cúm A(H1N1) có biểu hiện suy hô hấp và phải hỗ trợ hô hấp bằng máy thở cơ học và hút đàm qua nội khí quản, đặt nội khí quản thở máy, ....

   Người nuốt, hít phải những phần tử có chứa vi rút này, vi rút sẽ cư trú tại vùng hầu họng sau đó vào trong niêm mạc phế quản nhân lên và lan xuống phổi khi cơ địa người bị nhiễm giảm sức đề kháng (người già, người mắc bệnh mãn tình ở đường hô hấp, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai). Nếu người khỏe mạnh có sức đề kháng tốt vi rút sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt và có thể tự khỏi, những người này chỉ cần theo dõi tại nhà mà không cần phải đến bệnh viện. Một số khi vi rút xâm nhập vào vùng hầu họng có biểu hiện như cúm thông thường là sốt, ho, đau họng, đau mình mẩy, và thường sẽ đến bệnh viện khám bệnh và tư vấn, trong trường hợp này nếu có yếu tố dịch tễ nghi ngờ như đến hoặc về từ vùng dịch tễ cúm đang lưu hành trong vòng 7 ngày, hoặc có tiếp xúc với những người bị nghi ngờ hoặc đã xác định có nhiễm cúm A(H1N1) trong vòng 7 ngày, họ sẽ được theo dõi và nếu có biểu hiện nhiễm cúm sẽ được làm xét nghiệm (trong trường hợp nơi đó có khả năng làm xét nghiệm định danh), nếu dương tính sẽ được uống thuốc tiêu diệt vi rút, tại những nơi không có khả năng làm xét nghiệm, có thể phải xem xét đến khả năng tiếp xúc quá gần (như mẹ chăm sóc con, người trong cùng một gia đình,..) thì sẽ được uống thuốc phòng ngừa. Một số trường hợp suy giảm miễn dịch như đã nêu trên thì vi rút sẽ tấn công vào phổi gây viêm phổi và những biến chứng nặng toàn thân khác (Sơ đồ 1) và những người này bắt buộc phải nhập viện để điều trị, quản lý và theo dõi. Tỷ lệ những người nhóm bệnh này là không cao trong cộng đồng dân cư.

TS.BS. Seizaburo Kashiwagi; Giám đốc danh dự Trung tâm y khoa – Bệnh viện quốc gia Nhật Bản

   Do đường lây truyền chủ yếu ngoài cộng đồng là qua giọt bắn và tiếp xúc, cho nên việc phòng ngừa là làm sao ngăn chặn và giảm lượng vi rút phát tán ra môi trường, giảm nguy cơ con người hít và nuốt phải chúng . Các biện pháp hiệu quả bao gồm:

   1. Thực hiện nghiêm ngặt quy tắc vệ sinh đường hô hấp khi ho, hắt hơi, quy tắc này bao gồm: Hãy dùng khăn giấy để che miệng và mũi lại khi ho hoặc hắt hơi. Hoặc ho và hắt hơi vào phía trên tay áo vào vùng khuỷu, đừng ho hoặc hắt hơi vào bàn tay. Sau đó bạn bỏ khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy và đi rửa tay hoặc sát trùng tay với dung dịch có chứa cồn ngay lập tức (Sơ đồ 2). Trong trường hợp không có khăn giấy, bạn có thể dùng khăn vải, nhưng chỉ cho riêng mình và phải giặt sạch phơi nắng hàng ngày và thay thường xuyên.

   2. Hãy hướng dẫn mọi người dân (đặc biệt là đối tượng học sinh, giáo viên những người trực tiếp chăm sóc dạy trẻ học, những người làm trong cơ quan xí nghiệp tập trung quá đông người) việc tăng cường rửa tay hoặc sát trùng tay với dung dịch có chứa cồn (khi không có sẵn nước và xà phòng rửa tay), mọi lúc, mọi nơi khi có tiếp xúc với bề mặt nguy cơ và khi chăm sóc người bệnh tại gia đình, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, chùi mũi,....Rất nhiều quốc gia trên thế giới sau khi phát động chiến dịch tăng cường rửa tay ngoài cộng đồng, trường học, đã làm giảm trên 40% tần suất bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp (bao gồm cả Cúm mùa), bị viêm phổi ở cộng đồng và trẻ dưới 5 tuổi, học sinh trường học.

   3. Khi bạn có sốt và ho, bạn có khả năng bị nhiễm cúm A; Hãy ở nhà và hạn chế đến nơi đông người. Bạn hãy đeo khẩu trang (Loại khẩu trang y tế có 3 lớp và bán thấm) để ngăn chặn sự phát tán nguồn bệnh tới người khác Và khi bạn khỏe mạnh chỉ khi nào phải đi vào vùng có nguy cơ lây nhiễm cúm hoặc tiếp xúc với người đang nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm cúm A(H1N1), bạn mới cần đeo khẩu trang y tế như trên để phòng ngừa lây lan cho mình. Bạn không cần thiết lúc nào cũng phải mang khẩu trang mọi lúc, mọi nơi. Loại khẩu trang đặc biệt có độ lọc cao (N95. 97, 100) chỉ dùng cho đối tượng NVYT trực tiếp chăm sóc người bệnh có nguy cơ hít phải các hạt khí dung có chứa vi rút mà thôi. Khi bạn không có khẩu trang bên mình, bạn hãy đứng cách xa người bệnh trên 1 m và nên tập thói quen xúc miệng với dung dịch sát khuẩn mỗi buổi sáng, tối ở nhà mình. Và khi bạn đã đeo khẩu trang rồi, không bao giờ được sờ vào mặt trước của khẩu trang, nhất là sau đó không rửa tay thì nguy cơ lây nhiễm cho chính bạn là rất cao.

   4. Hãy để nhà cửa thông thoáng, hãy mở rộng cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế dùng máy lạnh, hạn chế tập trung ở những khu vực có thông khí không tốt. Người ta đã nghiên cứu rằng khi chúng ta mở cửa sổ và cửa chính để thông khí tự nhiên thôi và có thể bổ xung thêm một số quạt thổi thích hợp trong môi trường thì cũng sẽ đạt được 12 luồng không khí đổi mới được trao đổi mỗi giờ. Và như vậy nếu lượng vi rút phát tán trong không khí từ người bệnh vào môi trường sau 30 phút chỉ còn lại là 0,3% và sau 1 giờ còn lại 0%. Và cho đến hiện nay đây vẫn là phương pháp hữu hiệu để làm pha loãng và giảm nồng độ vi rút trong không khí và môi trường hữu hiệu nhất, ít tốn kém và dễ thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

   5. Có cần thiết phải mua dự trữ thuốc kháng vi rút (Tamiflu, Oseltamivir phosphate ) để điều trị cho mình không? Hoặc là khi nào có ho và sốt là tự đi mua thuốc uống? Nếu bạn nghĩ như vậy thật là sai lầm: thứ nhất không phải tất cả mọi người bị cúm đều phải dùng thuốc. Trong trường hợp bạn khỏe mạnh, dù có tiếp xúc với nguồn bệnh và người đang nghi ngờ nhiễm hoặc nhiễm cúm A(H1N1), bạn cũng chỉ cần theo dõi sức khỏe của mình trong vòng 7 ngày sau khi tiếp xúc, nếu có ho và sốt, bạn hãy đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn, không tự ý mua thuốc điều trị, vì nguy cơ kháng thuốc cho bạn và cộng đồng là rất cao. Và giả sử rằng lần sau bạn bị cúm A(H1N1) thật thì liệu thuốc đó có còn tác dụng hay không?

   6. Sau cùng bạn hãy giữ cho mình và những thành viên trong gia đình mình có một cuộc sống lành mạnh, một tinh thần sảng khoái, đừng quá lo lắng về bệnh Cúm A(H1N1) hiện nay. Hãy ăn đủ và cân đối các loại thực phẩm, hãy ngủ sớm, tập thể dục đều đặn, hạn chế đến nơi đông người nếu không cần thiết, chú ý vệ sinh răng miệng, xúc miệng vào buổi tối trước khi đi ngủ.

   Với những hiểu biết như trên, bạn có thể yên tâm đồng hành với dịch cúm A(H1N1) và sẵn sàng ứng phó khi tình huống bệnh có thể xảy ra với bạn, con cái và những người thân của bạn.

BS.CKII.  Nguyễn Thị Thanh Hà                 
Trưởng khoa Chống Nhiễm Khuẩn, Bệnh viện Nhi Đồng 1
Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm Khuẩn TP Hồ Chí Minh

Thứ hai, 14 Tháng 12 2009 10:45

Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm nhân lực cho Khoa (tổ) kiểm soát nhiễm khuẩn hoạt động. Ngoài nhân lực cho các bộ phận như khử khuẩn, tiệt khuẩn, giặt là, bộ phận giám sát nhiễm khuẩn phải bảo đảm tối thiểu 01 nhân lực được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn/150 giường bệnh.

Bên cạnh đó, các bệnh viện phải thiết lập hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn, bao gồm: Hội đồng (ban) kiểm soát nhiễm khuẩn; Khoa (tổ) kiểm soát nhiễm khuẩn và mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có từ 150 giường bệnh hoặc bệnh viện hạng II trở lên phải thành lập Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; nếu có dưới 150 giường bệnh thành lập Tổ kiểm soát nhiễm khuẩn; các phòng khám đa khoa và các trạm y tế cần có nhân viên phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn tùy theo quy mô bệnh viện có các bộ phận sau: hành chính-giám sát; khử khuẩn-tiệt khuẩn; giặt là và các bộ phận khác do Giám đốc quyết định. ...

Thông tư còn hướng dẫn việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn và quy định rõ các điều kiện bảo đảm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn  như Vệ sinh tay, Thực hiện các quy định về vô khuẩn Làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ và phương tiện chăm sóc, điều trị, các biện pháp phòng ngừa cách ly;Giám sát phát hiện nhiễm khuẩn mắc phải và các bệnh truyền nhiễm trong cơ sở y tế; Vệ sinh môi trường và quản lý chất thải; Vệ sinh đối với người bệnh, người nhà người bệnh; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Quản lý và sử dụng đồ vải; Vệ sinh trong việc bảo quản, ướp, mai táng, di chuyển thi thể khi người bệnh tử.....

 

(16/10/2009 - Theo Cụcc QLKCB).

Thứ hai, 14 Tháng 12 2009 03:26

Ngày 20/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo cho biết, đã phát hiện biến thể trong các mẫu virus cúm A/H1N1 được lấy từ 2 bệnh nhân tử vong đầu tiên do cúm này ở Na Uy.

Tuy nhiên, WHO xác nhận biến thể này không có khả năng lây nhiễm cao hoặc trở thành một dạng nguy hiểm hơn so với virus cúm A/H1N1 hiện nay.

Trước đó, Viện Y tế cộng đồng của Na Uy đã thông báo cho WHO về biến thể trong kết quả xét nghiệm các mẫu virus cúm A/H1N1 lấy từ hai bệnh nhân tử vong và một bệnh nhân với những triệu chứng nguy hiểm.

Thứ hai, 14 Tháng 12 2009 03:25

Vi rút cúm A (H1N1) là gì?

Vi rút cúm A (H1N1) là một chủng vi rút cúm A mới xuất hiện gần đây và gây bệnh cho người. Hiện nay (tính đến ngày 12/5/09) đã có hơn 30 quốc gia xác nhận có bệnh nhân nhiễm loại vi rút cúm này với số lượng là 5.251 trong đó có 61 trường hợp tử vong. Ban đầu người ta gọi vi rút mới này là cúm heo vì các nhà khoa học tìm thấy nhiều gien của vi rút này giống với gien của loại vi rút cúm ở loài heo. Tuy nhiên với những phân tích chi tiết hơn cho thấy loại vi rút này rất khác biệt với loại vi rút cúm heo lưu hành ở khu vực Bắc Mỹ. Vi rút cúm A (H1N1) mới này là một loại lai có gien của 4 chủng vi rút gồm vi rút cúm người, cúm heo, cúm gia cầm ở Bắc Mỹ và gien của cúm heo ở Châu Âu và Châu Á.

Thứ hai, 14 Tháng 12 2009 03:23

Bộ Y tế ban hành Thông tư 18 /2009/TT-BYT Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh

BS Nguyễn Huy Mẫn

Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm nhân lực cho Khoa (tổ) kiểm soát nhiễm khuẩn hoạt động. Ngoài nhân lực cho các bộ phận như khử khuẩn, tiệt khuẩn, giặt là, bộ phận giám sát nhiễm khuẩn phải bảo đảm tối thiểu 01 nhân lực được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn/150 giường bệnh.

Trang