Thứ sáu, 05 Tháng 2 2016 22:12
TPO - Chiều 4/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra công tác giám sát dịch Zika tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất và làm việc với Viện Pasteur TPHCM về công tác xét nghiệm, chẩn đoán phòng chống virus Zika.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giám sát phòng chống Zika tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quốc Ngọc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giám sát phòng chống Zika tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quốc Ngọc

Theo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, mỗi tháng tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp nhận khoảng 700 hành khách đến từ Nam Mỹ. Trong đó, 50% là khách từ Brazil - quốc gia đang bị dịch bệnh do virus Zika hoành hành.

Bên cạnh biện pháp đo thân nhiệt tất cả những ai nhập cảnh vào Việt Nam đang thực hiện tại đây, Bộ trưởng y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và Viện Pasteur TPHCM phối hợp triển khai ngay tờ rơi hướng dẫn cách phòng chống Zika, cũng như tờ khai y tế cho hành khách đến từ vùng dịch. Việc này phải làm tương tự như đang thực hiện giám sát đối với bệnh MERS-CoV.

Ngoài ra, do triệu chứng lâm sàng của bệnh không rõ ràng, nên theo bà Tiến, biện pháp phòng chống virus Zika hiệu quả vẫn là phải diệt muỗi, lăng quăng. Đặc biệt, đối với ca nghi ngờ đến từ vùng dịch, cần phải ngăn ngừa tối đa việc bị muỗi đốt cho những người này. Do đó, bộ trưởng yêu cầu phát gen bôi ngoài da chống muỗi đốt cho những đối tượng này và hướng dẫn họ sử dụng liên tục trong 14 ngày. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nơi lưu trú của những người đến từ vùng dịch.

 

Bộ trưởng Y tế thị sát công tác phòng chống virus Zika - ảnh 1Đo thân nhiệt tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn được duy trì từ dịch MERS-CoV năm 2015. Ảnh: Quốc Ngọc

Ngoài vấn đề ngăn chặn từ cửa khẩu, trong buổi họp chiều cùng ngày, ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, để ứng phó nhanh với tình hình bệnh do virus Zika, viện sẽ tiến hành giám sát virus này tại 8 tỉnh thành nhằm đánh giá khả năng virus Zika có lưu hành tại khu vực phía Nam hay không. Theo kế hoạch, trong vòng 5 tuần kể từ 15/2, các điểm giám sát sẽ được triển khai tại các bệnh viện thuộc TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang.

 

Tại mỗi điểm giám sát, sẽ lấy mẫu máu của 4 bệnh nhân (2 người lớn, 2 trẻ em) đầu tiên trong ngày thỏa tiêu chí như nóng sốt, phát ban kèm theo viêm kết mạc không mủ, xung huyết kết mạc, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi. Mẫu bệnh phẩm sẽ được vận chuyển về Viện Pasteur TPHCM hàng tuần. Viện sẽ chịu trách nhiệm thực hiện xét nghiệm xác định virus Zika và cho biết kết quả.

Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-truong-y-te-thi-sat-cong-tac-phong-chong-virus-zika-967509.tpo

Thứ sáu, 05 Tháng 2 2016 22:11

TTO - Chiều 4-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đầu đoàn của Bộ Y tế đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để kiểm tra tình hình phòng chống  bệnh do vi rut Zika (virus gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ). 

Phát kem chống muỗi cho người từ vùng dịch “bệnh đầu nhỏ” về
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống dịch do virut Zika tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Ảnh: Thùy Dương

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc họp ở Viện Pasteur TP.HCM với Viện Y tế công cộng, Viện sốt rét, Sở Y tế TP.HCM… để đưa ra các giải pháp phòng chống bệnh do virut Zika gây ra. 

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định bệnh do virut Zika có nguy cơ cao xâm nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam gần như chưa có miễn dịch cộng đồng về căn bệnh này. Bệnh do virut Zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, cũng là loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, trong khi nước ta là vùng lưu hành loại muỗi này, đặc biệt là ở miền Nam. Nếu chỉ xuất hiện 1-2 ca bệnh do virut Zika, bệnh sẽ lây lan nhanh.

Hiện nay, tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mỗi tháng có khoảng 700 người đi từ các nước đang có dịch bệnh này về Việt Nam. Và các nước châu Á cũng đang lo lắng về nguy cơ xâm nhập của virut này vì mới đây Đài Loan đã phát hiện một người Thái Lan bị nhiễm virut Zika khi nhập cảnh vào Đài Loan. 

Để phòng chống dịch bệnh này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch tại những nước đang có dịch. Trong những ngày tới, các cơ quan chức năng sẽ mua kem chống muỗi cắn phát cho những người đi từ vùng dịch về, những hành khách đi từ vùng dịch về bị sốt sẽ được cách ly ngay. Những người từ vùng dịch về cần có khai báo và theo dõi tại địa phương.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phun hóa chất để diệt muỗi. Tuy nhiên, đây chỉ là là biện pháp tạm thời mà diệt lăng quăng là biện pháp cơ bản để diệt muỗi. 

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160204/phat-kem-chong-muoi-cho-nguoi-tu-vung-dich-benh-dau-nho-ve/1049548.html
 

 

Thứ sáu, 05 Tháng 2 2016 22:10

Chiều 4.2, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra công tác giám sát virus Zika (được Tổ chức Y tế Thế giới cho là gây bệnh đầu nhỏ) tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và chủ trì cuộc họp với ngành y tế TPHCM để ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm này tràn vào Việt Nam.

Theo Bộ Trưởng Bộ Y tế - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguy cơ virus Zika xâm nhập vào nước ta là rất lớn. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TPHCM, mỗi tháng có khoảng 700 hành khách từ Nam Mỹ quá cảnh tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong đó 70% hành khách đến từ Brasil – nơi có virus Zika hoành hành. Do đó, khả năng hành khách mang theo virus từ vùng có dịch về là rất lớn. 

Bên cạnh đó, việc phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika rất khó khăn. Bởi 80% trường hợp nhiễm không có biểu hiện lâm sàng. Tại Việt Nam, mật độ muỗi Aedes – vật truyền virus Zika hiện đang rất cao. Cộng với yếu tố dịch bệnh mới nổi, miễn dịch bằng không. Nếu virus Zika “lọt lưới” và lưu hành ở Việt Nam thì khả năng lan truyền bệnh rất nhanh.

Bộ trưởng đánh giá cao các biện pháp Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TPHCM đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh mới nổi này bao gồm: tiến hành phun xịt hóa chất để diệt muỗi, đo thân nhiệt từ xa cho hành khách 24/24 giờ để phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm. Đơn vị này cũng đã áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách về từ vùng có dịch (các nước ở Nam Mỹ). Bên cạnh tờ khai y tế, hành khách đi về từ vùng có dịch được phát tờ hướng dẫn về cách phát hiện nhiễm virus và cách khai báo với cơ sở y tế ở Việt Nam. 

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề xuất đề xuất nhân viên cửa khẩu nên phát gel và thuốc xịt chống muỗi đốt cho hành khách đi về từ vùng có dịch và những người chuẩn bị sang vùng có dịch bệnh nhằm hạn chế khả năng truyền virus cho người khác. Bộ trưởng khuyến cáo, thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp này, nhóm phụ nữ mang thai và chuẩn bị mang thai nên hết sức cẩn thận, tránh đi du lịch đến vùng có dịch. 

Về chẩn đoán virus Zika, PGS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM khẳng định đơn vị này có thể thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân mắc virus Zika trong thời gian từ 6 đến 8 giờ đồng hồ. Đáng chú ý là để tăng cường giám sát chặt chẽ các ca bệnh mắc virus Zika, Viện Pasteur TPHCM đã quyết định hạ thấp định nghĩa ca bệnh. Lí do là bệnh sốt xuất huyết có các triệu chứng lâm sàng dễ nhận biết nhưng bệnh do virus Zika thì khả năng biểu hiện lâm sàng chỉ có 20% trường hợp, 80% trường hợp còn lại không có biểu hiện rõ ràng. Các trường hợp có biểu hiện lâm sàng thì lại giống với những triệu chứng của sốt xuất huyết.

 

Nguồn: http://laodong.com.vn/suc-khoe/tphcm-trien-khai-bien-phap-khoa-virus-gay-benh-dau-nho-515178.bld

 

Thứ sáu, 05 Tháng 2 2016 22:08

Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Zika nhưng virus này có thể đã xâm nhập nước ta. Virus Zika do muỗi Aedes lây truyền. Đây là loại muỗi gây dịch sốt xuất huyết đang phát triển mạnh ở Việt Nam với số người mắc lên đến vài chục ngàn.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về virus Zika

Ngày 1.2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika. Tổng giám đốc WHO - bà Margaret Chan - cho rằng, virus Zika lây truyền qua muỗi đốt được cho là nguyên nhân gây ra hàng nghìn trường hợp dị tật bẩm sinh ở Brazil. Virus Zika được thông báo sẽ “lây lan rất nhanh” và WHO cảnh báo rằng loại virus này có thể ảnh hưởng tới 4 triệu người, chỉ riêng tại khu vực Châu Mỹ. Sự lây lan dịch Zika như vũ bão này là điều cực kì đáng lo lắng. Đặc biệt, hiện tại, loại virus "gây teo não" này chưa có thuốc chữa và vaccine phòng bệnh, phải mất 10 năm nữa mới có vaccine ngừa virus nguy hiểm trên.

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus Zika có triệu chứng nhẹ hoặc không có biểu hiện gì. Do đó, rất nhiều trường hợp đã mắc bệnh nhưng không phát hiện được. Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus Zika với gần 4.000 ca, trong số này có 49 ca tử vong.

Nhiều nguy cơ xâm nhập Việt Nam

PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế - cho biết, tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan đã ghi nhận sự xuất hiện của loại virus này. Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Zika nhưng virus này có thể đã xâm nhập nước ta. Virus Zika do muỗi Aedes lây truyền. Đây là loại muỗi gây dịch sốt xuất huyết đang phát triển mạnh ở Việt Nam với số người mắc lên đến vài chục ngàn. Vì vậy, nguy cơ xâm nhập và lan truyền bệnh vào Việt Nam là rất lớn.

“Hiện nay, sự giao lưu, du lịch, thương mại, lao động giữa các nước rất lớn nên nguy cơ virus Zika có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta không hề nhỏ", ông Phu cảnh báo.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra. Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng. Khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình. Các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế. Thứ trưởng Long cũng khuyến cáo người dân, nhất là phụ nữ đang trong thai kỳ, hạn chế đến các vùng đang lưu hành dịch.

PGS-TS Trần Đắc Phu còn cho biết, khi nhiễm virus Zika, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như: Đau cơ, nhức đầu, đau khớp, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes nhưng có một số bằng chứng nghi ngờ có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, dù rất hiếm. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 12 ngày.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho rằng, thông thường, muỗi Aedes chỉ có thể mang 1 trong 2 loại virus. Nếu như muỗi đã mang virus sốt xuất huyết thì khó có thể cùng lúc mang virus Zika. Tuy nhiên, không loại trừ virus biến chủng, tái tổ hợp cả 2 chủng virus này, khi đó sẽ rất nguy hiểm. “Khi nhiễm virus Zika, các biểu hiện lâm sàng của bệnh tương đối nhẹ, giống như nhiễm Rubella. Đáng ngại nhất là phụ nữ mang thai nhiễm bệnh, có thể tác động trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi”, PGS Kính lo ngại.

Hiện tại, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với WHO để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta. Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu tổ chức ngay các hoạt động giám sát trường hợp nghi mắc bệnh do virus Zika, đặc biệt các trường hợp đi về từ các quốc gia hiện đang có dịch bệnh. Lồng ghép hoạt động giám sát virus Zika vào hoạt động giám sát trọng điểm sốt xuất huyết Dengue.

 

Nguồn: http://laodong.com.vn/suc-khoe/virus-zika-nhieu-nguy-co-xam-nhap-vao-viet-nam-514673.bld

 

Thứ năm, 04 Tháng 2 2016 22:11

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan khẳng định: “Sự kiện chùm ca bệnh dị tật đầu nhỏ và các bệnh lý thần kinh khác được ghi nhận gần đây tại Brazil, tiếp sau một chùm ca bệnh tương tự ở Polynesia thuộc Pháp vào năm 2014, tạo thành một Tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

Sự phối hợp quốc tế trong ứng phó là hết sức cần thiết nhằm tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm vi-rút, các dị tật bẩm sinh và các biến chứng thần kinh, tăng cường sự kiểm soát các quần thể muỗi và thúc đẩy việc phát triển các xét nghiệm chẩn đoán và vắc-xin để bảo vệ người dân có nguy cơ, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai”.

Zika với chùm ca bệnh dị tật đầu nhỏ thực sự trở thành một sự kiện bất thường, đe dọa sức khỏe công cộng.
Zika với chùm ca bệnh dị tật đầu nhỏ thực sự trở thành một sự kiện bất thường, đe dọa sức khỏe công cộng.

Theo đó, một cuộc họp trực tuyến của Ủy ban khẩn cấp, theo Điều lệ Y tế Quốc tế đã được triệu tập ngày 3/2 để thu thập ý kiến về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa đối với sức khỏe liên quan tới diễn biến lây lan của bệnh do vi-rút Zika tại châu Mỹ Latinh và vùng Caribê.

Để đánh giá mức độ đe dọa, 18 chuyên gia và cố vấn đã xem xét cụ thể sự tương quan mạnh, về mặt thời gian và không gian, giữa nhiễm vi-rút Zika và sự gia tăng các trường hợp dị tật bẩm sinh và các biến chứng thần kinh được phát hiện.

Các chuyên gia đồng ý rằng mối quan hệ nhân quả giữa nhiễm vi-rút Zika trong thai kỳ và dị tật đầu nhỏ là hết sức đáng ngờ, mặc dù chưa được khoa học chứng minh. Tất cả đều đồng ý sự cấp thiết trong việc điều phối các nỗ lực quốc tế để tiến hành điều tra và tìm hiểu rõ hơn về mối tương quan này.

Các chuyên gia cũng xem xét các hình thức lây truyền gần đây và sự phân bố địa lý rộng lớn của các loài muỗi có thể truyền vi-rút.

Việc chưa có vắc-xin cũng như các xét nghiệm chẩn đoán nhanh, tin cậy cũng như thiếu miễn dịch trong cộng đồng ở các nước mới bị ảnh hưởng được cũng là những lý do gây quan ngại.

Tuy nhiên, tại cuộc họp này, các chuyên gia cũng cho rằng không có cơ sở về y tế công cộng cho việc khuyến cáo hạn chế về du lịch hoặc thương mại để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút Zika. Bởi các chùm ca mắc rối loạn thần kinh gần đây bị nghi ngờ liên quan tới vi rút Zika mới là mối quan ngại gây là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp chứ không phải bản thân vi rút Zika.

Hiện tại, các biện pháp bảo vệ quan trọng nhất là sự kiểm soát quần thể muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt cho những người có nguy cơ, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Theo đó, để phòng ngừa và kiểm soát Zika cần giảm số lượng muỗi bằng cách giảm nguồn (loại bỏ và xử lý các điểm sinh sản) và làm giảm tiếp xúc giữa muỗi và con người.

Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng; mặc quần áo (tốt hơn là màu sáng) che càng kín cơ thể càng tốt; sử dụng các rào cản vật chất như lưới, đóng kín cửa ra vào và cửa sổ; ngủ có màn chống muỗi. Ngoài ra, cần đổ hết nước và làm sạch các thùng chứa nước như xô, chậu hoa hoặc lốp xe cũ để loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản.

Đặc biệt chú ý và giúp đỡ những người không có khả năng tự bảo vệ mình đầy đủ, chẳng hạn như trẻ em, người ốm hoặc người già.

Nguồn: http://dantri.com.vn/suc-khoe/who-vi-rut-zika-bung-phat-la-hien-tuong-bat-thuong-20160203175110956.htm

Thứ năm, 04 Tháng 2 2016 22:09
TTO - Các nhà khoa học tại một công ty dược phẩm ở Hyderabad cho biết đã phát triển được loại vắc-xin đầu tiên trên thế giới phòng virút Zika.
Ấn Độ đã bào chế được vắc xin phòng virút Zika?
Nghiên cứu trên một loại virút Zika nhập khẩu, công ty dược phẩm ở Hyderabad đã phát triển được 2 loại vắc xin phòng ngừa virút Zika - Ảnh: NDTV

Theo NDTV, các nhà khoa học Ấn Độ cho biết thực tế là họ đã bào chế được tới 2 loại vắc xin như vậy và họ đã gửi hồ sơ đăng ký bản quyền sáng chế từ 9 tháng trước.

Thông tin bất ngờ này được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu của dịch bệnh teo não ở trẻ sơ sinh liên quan tới virút Zika.

Hơn 20 quốc gia ở châu Mỹ La tinh ghi nhận có dịch, xác định ca nhiễm virút Zika đầu tiên qua đường tình dục tại bang Texas, Mỹ.

Trong lúc thế giới đang tìm kiếm một loại vắc xin và các tập đoàn y tế toàn cầu đang bắt tay vào những nghiên cứu đầu tiên, công ty TNHH Bharat Biotech ở Hyderabad cho biết họ đã đăng ký bản quyền sáng chế cho loại vắc xin phòng virút Zika của mình.

Bác sỹ Krishna Ella, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty Bharat Biotech cho biết: “Về virút Zika, có lẽ chúng tôi là công ty nghiên cứu vắc xin đầu tiên trên thế giới nộp đơn đăng ký bản quyền sáng chế cho loại vắc xin này từ 9 tháng trước”.

Sử dụng một loại virút Zika nhập khẩu để nghiên cứu, công ty Bharat Biotech tới nay đã phát triển được 2 loại vắc xin, tuy nhiên việc thử nghiệm chúng trên động vật và người vẫn còn là một quá trình dài.

Bác sỹ Ella cho biết ông đang tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ về vấn đề này và Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) đã đề nghị giúp đỡ.

Bác sĩ Soumya Swaminathan, tổng giám đốc ICMR cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về loại vắc xin phòng virút Zika của công ty Bharat Biotech. Chúng tôi sẽ xem xét nó từ góc độ khoa học và tính khả thi của loại vắc xin này”.

Bác sĩ Ella cho biết, trong viễn cảnh tốt đẹp nhất, công ty của ông có thể tạo ra một triệu liều vắc xin trong bốn tháng.

Ông cũng đã tìm kiếm sự can thiệp trực tiếp của thủ tướng Narendra Modi để giúp đẩy nhanh việc phát triển và phân phối loại vắc xin này, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm ra, quan liêu. Cũng theo ông Ella, loại vắc xin của công ty ông có thể giúp các quốc gia như Brazil.

Các chuyên gia y tế đã ca ngợi tầm nhìn xa của công ty Bharat Biotech trong việc nghiên cứu loại vắc xin ngay từ lúc virút Zika vẫn còn chưa được quan tâm phòng ngừa.

 
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160203/an-do-da-bao-che-duoc-vac-xin-phong-virut-zika/1049017.html
 

 

Thứ năm, 04 Tháng 2 2016 22:08

Ngành y tế khuyến cáo người dân nếu không có việc cần kíp thì nên hạn chế đi du lịch ở những vùng đang có dịch bệnh do vi rút Zika, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Chiều 2/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch trong dịp Tết nguyên đán và mùa đông xuân 2016 diễn ra tại 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch trong dịp Tết nguyên đán và mùa đông xuân 2016. Ảnh: T.Minh.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong dịp Tết và mùa đông xuân này, Zika vẫn là mối đe dọa lớn đối với toàn cầu. Tại Việt Nam mặc dù chưa phát hiện ca bệnh nhưng không được lơi là cảnh giác bởi bệnh này đến 80% không có biểu hiện lâm sàng, các triệu chứng cũng như phương thức truyền bệnh giống với sốt xuất huyết và bệnh sốt do vi rút chikungunya. Do đó, cùng với việc giám sát chặt chẽ hành khách đi đến từ các vùng dịch tại các cửa khẩu quốc tế, công tác truyền thông cho người dân trong thời điểm này là hết sức quan trọng. Theo đó, ngành y tế khuyến cáo người dân nếu không có việc cần kíp thì nên hạn chế đi du lịch ở những vùng đang có dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Đối với công tác giám sát, Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị chức năng cần kiểm tra tính nhạy cảm với hóa chất của muỗi Ades aegypty, vec tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, đồng thời cũng là vật trung gian truyền bệnh do vi rút Zika. Nguyên nhân là do thời điểm này, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn lan rộng ở khu vực phía Nam, trong khi mọi năm loài muỗi này rất khó sống được trong điều kiện thời tiết lạnh.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, tính đến ngày 1/2, đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh, đáng chú ý là là Brasil, Colombia, Mexico ... Năm 2015, các vụ dịch lan rộng ở khu vực trung và nam Mỹ, đặc biệt tại Brazil, đồng thời ghi nhận rải rác tại một số nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và New Caledonia.

TS. Masaya Kato, đại diện WHO tại Việt Nam thông tin về dịch bệnh do vi rút Zika. Ảnh: T.M.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, TS. Masaya Kato cho biết, vi rút Zika có tốc độ lan truyền rất nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Mỹ và tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu nặng tại Brasil. Tuy nhiên, lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của vi rút mà do các biến chứng nguy hiểm của bệnh này đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây teo não và hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân.

Sau cuộc họp Ủy ban tình trạng khẩn cấp của WHO ngày 1/2, các chuyên gia của WHO đã thống nhất nhận định: có một sự liên quan khá rõ ràng giữa việc nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai của người mẹ và chứng não nhỏ của trẻ sơ sinh; mặc dù chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ chứng minh. Sự lưu hành rộng rãi muỗi Aedes sẽ tạo điều kiện để lây truyền rộng rãi vi rút Zika trên thế giới. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch; do đó sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh trong thời gian tới.

Các chuyên gia của WHO cũng cho rằng, những chùm ca bệnh liên quan đến chứng đầu nhỏ và hội chứng thần kinh Guillain-Barré tại Brasil, kết hợp với chùm ca bệnh tại French Polynesia in 2014 là một sự kiện “không bình thường” và đe dọa y tế công cộng tới các khu vực khác trên thế giới. Với tình huống này, cần có một sự điều phối quốc tế trong đáp ứng nhằm giảm thiểu tác động đối với các quốc gia bị ảnh hưởng và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.

Hiện tại, WHO không khuyến cáo áp dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm hạn chế việc đi lại và thương mại nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi rút Zika. Biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh do vi rút Zika trong thời điểm này là khống chế quần thể muỗi và ngăn ngừa bị muỗi đốt cho người dân tại các khu vực có nguy cơ, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai.

Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika; tuy nhiên ngành y tế nhận định nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và thế giới; trong khi đó hiện nay người dân không có miễn dịch đối với vi rút Zika, đồng thời nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - loại muỗi truyền vi rút Zika.

Theo thống kê từ các cửa khẩu quốc tế, hàng tuần Việt Nam có khoảng 200.000 lượt hành khách nhập cảnh và trên 170.000 hành khách xuất cảnh.

 

Bệnh do vi rút Zika là bệnh nhiễm vi rút Zika cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch. Vi rút này được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Có một số bằng chứng gợi ý vi rút có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận này là rất hiếm. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Khoảng 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Hiện nay chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh do vi rút Zika.

 

Cùng với việc ngăn ngừa dịch bệnh do vi rút Zika lây lan vào nước ta, trong dịp Tết nguyên đán và mùa đông xuân 2016 này, ngành y tế  cũng khuyến cáo người dân chủ động phòng chống một số bệnh dịch nguy hiểm khác như: cúm gia cầm, cúm mùa, sốt xuất huyết Dengue, MERS-CoV và một số bệnh lây truyền qua đường thực phẩm như liên cầu lợn, ngộ độc rượu… Tại cuộc họp, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm trong dịp Tết, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập lậu gia cầm…

Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính, trong thời gian gần đây, tại BV ghi nhận 2-3 ca nhiễm liên cầu lợn/ tháng đều là những ca có biểu hiện triệu chứng rất nặng.

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/

Trang