PHÒNG NGỪA LÂY NHIỄM SỞI TRONG CƠ SỞ Y TẾ

Thứ sáu, 18 Tháng 4 2014 17:44
  1. Đặt vấn đề

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi mà tiếp xúc với nguồn lây thì khả năng mắc bệnh là rất lớn. Tất cả trẻ bị nhiễm vi rút sởi đều có biểu hiện lâm sàng điển hình. Sau khi mắc sởi gây suy giảm miễn dịch do đó các trẻ em rất dễ bị biến chứng do mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, trong giai đoạn 2000-2012, nhờ có vắc xin đã cứu sống cho 13,8 triệu trẻ em trên thế giới. Tuy nhiên, Sởi vẫn là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

Theo thống kê của Bộ Y tế cho biết, năm 2014 tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp, đến ngày 16/4/2014 đã ghi nhận 3.126 trường hợp mắc sởi trên 8.441 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi đã xác định trên 108 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.

  1. Hướng dẫn phòng ngừa

Bệnh sởi chủ yếu lây qua đường không khí do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.

  1. Sàng lọc, thiết lập khu vực khám, điều trị sởi riêng, hạn chế lây nhiễm chéo

Bộ Y tế yêu cầu tổ chức phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, tập trung các nguồn lực phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân, không để tình trạng chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi và các bệnh đường hô hấp

Thiết lập khu vực riêng khám, điều trị bệnh sởi có biển cảnh báo và phân luồng khám chữa bệnh; thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

 

  1. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện

Rà soát thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng ngừa dịch sởi trong cơ sở y tế

Dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch.

  1. Áp dụng phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa lây truyền qua đường không khí

Áp dụng phòng ngừa chuẩn, chủ yếu tập trung vào rửa tay, mang phương tiện phòng hộ thích hợp, khử tiệt khuẩn đúng dụng cụ

Áp dụng bổ sung thêm phòng ngừa lây truyền qua đường không khí:

  • Bệnh nhi cần được nằm phòng riêng
  • Phòng phải có xử lý không khí tốt: Tốt nhất là phòng cách ly áp lực âm. có ít nhất 12 luồng khí lưu thông. Nếu không có, phòng phải thoáng khí, mở cửa sổ để đối lưu không khí, ở cách xa các phòng bệnh khác
  • Rửa tay
  • Nếu nhân viên y tế chưa chủng ngừa sởi: mang khẩu trang N95 khi vào phòng bệnh 

    1. Biện pháp khác

Tập huấn về phòng ngừa cho nhân viên y tế

Tổ chức tuyên truyền đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Hướng dẫn cho người nhà phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban để trẻ được khám, điều trị kịp thời phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh