TT (TP.HCM) - Khả năng lây dịch từ Campuchia vào phía Nam nước ta là rất lớn - TS.BS Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cảnh báo.
Ngày 21-4, lãnh đạo các sở y tế, trung tâm y tế dự phòng, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, bệnh viện đa khoa của 20 tỉnh thành phía Nam đã tham dự hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm khu vực phía Nam được tổ chức tại Viện Pasteur TP.HCM.
Ông Lê Hoàng San, viện phó Viện Pasteur TP.HCM, cho biết hiện nay tại phía Nam đã có các ca bệnh tả ở An Giang (5 ca) và TP.HCM (7 ca). Trước tình hình bệnh tả có nguy cơ lây lan, ông Lê Hoàng San đề nghị các địa phương có kế hoạch phòng chống, tăng cường giám sát các ca bệnh, đồng thời chuẩn bị thuốc men, dịch truyền... nếu có ca bệnh xảy ra.
Với các ca bệnh nghi ngờ, các tỉnh nên chủ động xét nghiệm để điều trị, sau đó gửi bệnh phẩm cho Viện Pasteur để được xác định lại (đến nay Bộ Y tế chỉ công nhận những ca tả do Viện Pasteur xét nghiệm).
Khó kiểm soát
Nước sông ở An Phú, An Giang có phẩy khuẩn tả Bà Nguyễn Thị Phương Lan, trưởng phòng thí nghiệm vi khuẩn đường ruột Viện Pasteur TP.HCM, cho biết từ tháng 1 đến tháng 4-2010 Viện Pasteur TP.HCM đã lấy các loại mẫu nước sông và mồi tôm ở năm tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau xét nghiệm tìm phẩy khuẩn tả, trong đó chỉ có nước sông ở huyện An Phú, An Giang có phẩy khuẩn tả. Tại TP.HCM, Viện Pasteur cũng lấy 10 mẫu nước uống sinh hoạt, 22 mẫu phân của người tiếp xúc với ca bệnh, người bán hàng rong và 1 mẫu thực phẩm để xét nghiệm tìm phẩy khuẩn tả, tuy nhiên đã không tìm thấy. Hiện Viện Pasteur TP.HCM mới lấy mẫu nước sông ở “xóm ghe” Q.7 - nơi có hai ca bệnh tả - để xét nghiệm tìm vi khuẩn tả. |
Theo ông Hoàng San, hiện TP.HCM vẫn chưa tìm được nguồn lây bệnh tả nên chưa xử lý dứt điểm nguồn lây bệnh, chỉ tập trung xử lý các ca bệnh dương tính. TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước với mỗi ngày có khoảng 1 triệu khách vãng lai từ nhiều vùng miền, thậm chí từ nước có bệnh tả. Do vậy dự báo bệnh tả ở TP.HCM khó kiểm soát, có thể kéo dài và lan tràn trong cộng đồng rất lớn.
TS.BS Lê Trường Giang, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thừa nhận dù TP đã nỗ lực, chủ động trong công tác phòng chống bệnh tả, tuy nhiên vẫn có hai điểm yếu. Đó là việc quản lý hàng rong và các ghe thuyền. Bất cứ chỗ nào trên địa bàn TP.HCM đều có mặt của hàng rong và số lượng hàng rong trong TP là bao nhiêu thì không đếm được, trong đó có nhiều hàng rong chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
TP có chủ trương từ nay đến cuối tháng 5 toàn bộ người bán hàng rong sẽ được tập huấn lại về kiến thức, kỹ năng vệ sinh an toàn thực phẩm. Về lâu dài, UBND TP sẽ đưa những người bán hàng rong vào những khu ăn uống tập trung. Còn trước mắt trong thời gian này, những hàng rong không đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm thì các phường, xã phải cấm không cho bán, thậm chí cưỡng chế, tịch thu.
Để quản lý ghe, thuyền, tàu từ các tỉnh đến, đặc biệt là các tỉnh miền Tây khi những người này ở trên ghe, ăn trên bờ, tắm dưới sông và đi vệ sinh xuống sông, ông Giang cho rằng TP cần có thời gian.
Trước mắt, UBND TP đã quyết định giao Công ty Cấp nước TP phải đưa xe bồn hoặc bồn nước lớn đặt trên những khu vực này để cung cấp nước sạch cho dân theo giá nước máy của TP. Như vậy, giá nước máy sẽ rẻ hơn 20 lần so với giá nước thực tế hiện các ghe này đang phải mua. Đồng thời TP sẽ tiếp tục đưa những xe vệ sinh công cộng lưu động tới và trong tương lai sẽ xây những nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu vệ sinh của khách vãng lai.
Khả năng lây tả từ Campuchia là rất lớn
Dự báo về nguy cơ lây bệnh tả khu vực phía Nam, ông Giang cho rằng với một đường biên giới giáp ranh giữa nước ta với Campuchia dài như vậy, khả năng phẩy khuẩn tả từ vùng dịch đó đi theo con đường tự nhiên cũng như đi theo con người vào miền Nam là rất lớn. Ông Giang nhận định không chỉ An Giang có bệnh nhân tả, có thể nhiều tỉnh thành khác cũng đã có ca bệnh tả nhưng chưa được phát hiện.
Ông Phan Vân Điền Phương, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, tỏ ra lo lắng khi tình hình bệnh tả ở Campuchia vẫn diễn biến phức tạp. Nước bạn với nước ta cách nhau bởi một con sông, trong khi việc đi lại của người dân giữa hai nước diễn ra dễ dàng nên dù An Giang không phát hiện ca tả nào suốt một tháng nay sau năm ca đã xảy ra, nhưng vẫn tiềm tàng nhiều nguy cơ tái phát.
TS Trường Giang hoan nghênh tỉnh An Giang khi ngành y tế tỉnh này đã chủ động sang Campuchia hỗ trợ chống dịch, nhưng chỉ ngành y tế An Giang sẽ khó có thể giúp được Campuchia dập được ổ dịch. Do đó ông Giang đề xuất Viện Pasteur TP.HCM nên đề nghị chính thức với Bộ Y tế, thậm chí với Chính phủ, để VN có thể đưa một lực lượng mạnh mẽ hơn, hùng hậu hơn đến giúp nước bạn chống dịch, đồng thời cũng là giúp chính mình.
THÙY DƯƠNG
.......................................
Nguy cơ bùng phát dịch tả bên sông
TT (TP.HCM) - Như Tuổi Trẻ đã thông tin, hai cha con ông Trần Văn Em, sống trên ghe neo đậu tại kênh Tẻ (P.Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM), đã bị nhiễm bệnh tả. Trong khi đó nơi đây hiện còn hàng ngàn hộ dân đang sống trên những chiếc ghe vẫn vô tư ăn uống, sinh hoạt, vứt rác, tống các chất thải xuống dòng kênh như chưa có việc gì xảy ra.
Bà Nguyễn Thị T. (ngụ xã Phú Đức, Châu Thành, Bến Tre) có ghe neo cách ghe của ông Trần Văn Em khoảng 200m nhưng không biết có bệnh dịch tả đang xảy ra. Bà và ba cô con gái vẫn vô tư: “Hơn ba năm nay, từ hồi nào giờ tui và sấp nhỏ sống ở đây. Nước, đồ ăn mua trên những chiếc ghe hoặc xe đi bán dạo trên bờ, dưới sông mà chưa thấy mắc bệnh gì lớn. Có chăng chỉ là nhức đầu, đau bụng đi ngoài, tui ra nhà thuốc gần đây mua uống là khỏi ngay”.
Chính cuộc sống khó khăn, người dân ở đây phải sống tạm bợ trên những chiếc ghe bên dòng kênh Tẻ. Những chất loại thải trong cuộc sống họ không biết để đâu nên đành trút cả xuống kênh. Trên bờ, những hàng quán, xe đẩy rong buôn bán đồ ăn dạo. Những người dân này vô tư mua và ăn uống. Nước ngọt phải mua từng bình nên xài rất dè sẻn và chuyện tắm sạch, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn... dường như là khái niệm xa vời đối với người dân nghèo nơi đây. Đây là tác nhân có thể gây dịch tả rất lớn tại khu vực “xóm ghe” này.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 7, cho biết hiện cán bộ y tế đã giám sát các ca bệnh, chưa phát hiện thêm ca nào mới.
Ngoài việc giám sát, Trung tâm Y tế dự phòng còn cho phun thuốc khử trùng trên bề mặt 14 chiếc ghe đậu quanh khu xảy ra bệnh tả. “Chúng tôi cũng đã điều Công ty Công ích quận đem một bồn nước 5.000 lít đến ngay hiện trường để cung cấp nước sạch cho người dân tại đó. Những người sống trên ghe neo đậu gần khu vực phát bệnh có thể đến xin nước sạch về dùng để tránh lây bệnh”.
NGUYỄN ĐỨC THIỆN