Ngày 02/9/2016, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) lần thứ 4 và tiếp tục khẳng định tình trạng dịch bệnh do vi rút Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do sự liên quan giữa vi rút Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (GBS), đồng thời cho rằng sự lan truyền của vi rút Zika sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Trong năm 2016, dịch bệnh do vi rút Zika tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 02/9/2016 đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Dịch bệnh lưu hành rộng tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe; tại các nước khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika tại một số nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. Đặc biệt, trong thời gian từ cuối tháng 8/2016 đến nay, tại Singapore bùng phát dịch do vi rút Zika với số trường hợp mắc tăng nhanh hàng ngày. Trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm vi rút Zika tại Singapore được phát hiện vào ngày 28/8/2016, sau đó Bộ Y tế Singapore đã tổ chức tăng cường giám sát rộng rãi bệnh do vi rút Zika đến từng hộ gia đình và đến nay đã ghi nhận 242 trường hợp mắc, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 20-27 trường hợp mắc mới. Kết quả giải trình tự gien cho thấy đây là chủng vi rút có nguồn gốc châu Á, không phải là chủng xâm nhập từ các nước khu vực Nam Mỹ. Trước tình hình dịch bệnh do vi rút Zika bùng phát tại Singapore, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tăng cường các biện pháp giám sát tại cửa khẩu để chủ động phát hiện sớm và ngăn ngừa các trường hợp xâm nhập.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là tại Singapore, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá nguy cơ và nhận định trong thời gian tới nước ta có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới bệnh do vi rút Zika do nước ta đã lưu hành vi rút Zika trong cộng đồng; trong khi đó muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, đây là cũng là muỗi truyền bệnh do vi rút Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa nên thuận lợi cho việc truyền vi rút Zika từ muỗi sang người chưa có miễn dịch. Thêm vào đó, do sự giao lưu đi lại thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nên có nguy cơ rất lớn các trường hợp bị nhiễm vi rút Zika sau khi từ các nước trong khu vực trở về, đặc biệt là tại Singapore, đây cũng là nguồn truyền bệnh cho gia đình và cộng đồng nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh phù hợp.
Để chủ động phòng chống không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, ổn định an sinh xã hội, Bộ Y tế đã chủ động ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch; đồng thời cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, đặc biệt là các hành khách về từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh Zika để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, tổ chức cách ly, hướng dẫn các biện pháp phòng muỗi đốt và tự theo dõi sức khỏe để chủ động đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh.
Công tác giám sát cũng được tăng cường tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế cũng phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur cập nhật hướng dẫn giám sát nhằm tăng khả năng phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika tại cộng đồng; đồng thời triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex do USCDC hỗ trợ để giám sát sàng lọc đồng thời 3 bệnh Zika, sốt xuất huyết, Chikungunia để phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ do vi rút Zika.
Công tác truyền thông cũng tiếp tục được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp kịp thời tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước tới người dân để không hoang mang lo lắng, phổ biến các thông điệp hướng dẫn cho cộng đồng và riêng cho phụ nữ mang thai, người dự định có thai để yên tâm không đi xét nghiệm ồ ạt gây quá tải cho hệ thống y tế. Tiếp tục tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”.
Qua báo cáo của hệ thống giám sát, đến nay trên phạm vi toàn quốc đã xét nghiệm 2.554 mẫu bệnh phẩm và đã phát hiện 03 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Phú Yên. Đây là 3 trường hợp nhiễm vi rút Zika đơn lẻ trong cộng đồng. Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức giám sát chủ động chủ động để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút Zika và tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời; đồng thời phối hợp thường xuyên với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Hiện nay, vi rút Zika chưa có vắc xin phòng bệnh, lây truyền chủ yếu qua muỗi và đường tình dục do đó để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
1. Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng (bọ gậy):
- Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, hương muỗi
- Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong triển khai các đợt phun hóa chất.
- Diệt loăng quăng (bọ gậy): đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước nhỏ; thu dọn, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, không để nước đọng ở những vật dụng như vỏ lốp, gáo dừa, …; thường xuyên thay nước lọ hoa, bỏ dầu hoặc muối và bát nước kê chân chạn,…
2. Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục.
3. Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nhiễm vi rút Zika và các dị tật của thai nhi.
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế