Hà Nội: Phòng chống sốt xuất huyết cần huy động toàn dân

Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017 11:10

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố năm nay đến sớm hơn mọi năm khoảng 2 tháng, số ca mắc tăng nhanh từ tháng 5, 6, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy và Ba Đình.

 

 

Theo đánh giá, dưới tác động của thời tiết El Nino điển hình, nắng, mưa đan xen bất thường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển. Thêm vào đó, địa bàn thành phố rộng, kết cấu khu dân cư tập trung, nhiều ngõ, ngách nhỏ, dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều công trường xây dựng lớn, nhỏ, nhiều khu nhà trọ, chợ truyền thống, vì vậy khi xuất hiện dịch thì khả năng lây lan và bùng phát sẽ nhanh.

Tính đến ngày 29/6, toàn thành phố ghi nhận 2889 trường hợp sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. Hơn 90% số trường hợp mắc đã khỏi bệnh, chỉ còn 230 trường hợp đang được điều trị tại các bệnh viện. Hầu hết các ổ dịch có quy mô khu dân cư, thôn, xóm, chưa có ổ dịch lớn tập trung.

Chủ động phối hợp toàn dân phòng dịch sốt xuất huyết

Ngay từ những ngày đầu năm 2017, khi dự đoán dịch có thể diễn biến phức tạp do thời tiết biến đổi và dân cư biến động, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh với tất cả các giải pháp đồng bộ, thực hiện phòng chống dịch thường xuyên, liên tục, chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt công tác tiếp nhận và điều trị cho người bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế để giám sát, thông tin về tình hình bệnh nhân.

Dự phòng dịch bệnh luôn là bước đi quan trọng hàng đầu để phòng chống dịch. Do đó, từ đầu năm Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (TT YTDP HN) đã phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các quận, huyện, chú trọng 10 quận, huyện có số mắc tăng cao để triển khai phòng chống dịch như xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch, giám sát dịch,…

Một trong những hoạt động được ưu tiên của TT YTDP HN là phát động các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, cùng người dân trên các quận, huyện hoàn thành chiến dịch tổng vệ sinh môi trường đợt 1 trên quy mô toàn thành phố; phối hợp với người dân phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng để diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng.

Ngành y tế Hà Nội nhận thức rõ tầm quan trọng của ý thức và sự phối hợp chủ động của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Vì thế, song song với các hoạt động triển khai, TT YTDP HN kết hợp với các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức, huy động cộng đồng cùng chung tay phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Trong năm nay, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền dưới mọi hình thức, đặc biệt tập trung vào sử dụng loa di động đến từng ngõ, ngách để mọi người dân được biết; tổ chức họp tổ dân phố phát huy vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, các đoàn thể, mặt trận, cộng tác viên trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe phòng chống dịch đến từng cá nhân, từng gia đình…

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội nhấn mạnh: Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cơ bản nhất vẫn là dựa vào cộng đồng. Mà hiệu quả nhất là từ những công việc vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, chủ động lật úp, thau rửa các dụng cụ chứa nước lớn, thả cá diệt bọ gậy, thực hiện ngủ màn,… những công việc nhỏ hàng ngày của mỗi người dân.

Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh trong thời gian tới, việc tuyên truyền sẽ tập trung hơn nữa đến những nhóm đối tượng khác là chủ các cơ sở sản xuất, chủ nhà trọ, chủ các công trường xây dựng,… Rõ ràng việc phối hợp phòng chống dịch của toàn dân, đòi hỏi sự quan tâm và thực hiện của cả các doanh nghiệp, chủ sản xuất, các công trường trên toàn thành phố,… Ông Hạnh cho biết Hà Nội đang đề nghị những nhóm đối tượng trên ký cam kết sẽ xử lý theo quy định nếu vi phạm các điều kiện về vệ sinh môi trường tại địa phương. Đồng thời, vai trò xung kích của lực lượng Đoàn viên thanh niên được phát huy tối đa để hỗ trợ người dân giám sát chặt chẽ và xử lý các ổ bọ gậy nguồn tại các địa bàn dân cư.

TS Nguyễn Nhật Cảm bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, người dân sẽ cùng tham gia hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc phun hóa chất diệt muỗi, đặc biệt là phát huy tinh thần tự giác của các chủ nhà trọ, chủ các công trường xây dựng cùng ký cam kết trong công tác tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh, thông báo ngay cho chính quyền địa phương biết khi có người mắc mới hoặc nghi mắc sốt xuất huyết.

Về điều trị, ThS.BS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa, từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện tiếp nhận khoảng 700 trường hợp khám nghi ngờ và mắc sốt xuất huyết. Hiện tại, khoa truyền nhiễm của bệnh viện có gần 30 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết. Với chức năng đầu ngành truyền nhiễm của thành phố, bệnh viện đã tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế cho toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ của các khoa khám bệnh, hồi sức cấp cứu, nhi và khoa truyền nhiễm để sẵn sàng khám và điều trị cho bệnh nhân cũng như hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới. Bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhân lực, các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh.

Xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm các điều kiện vệ sinh môi trường

Vào ngày 30/6, ngay sau buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, Đoàn Công tác số 1 của Bộ Y tế do ThS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đã kiểm tra thực tế tại công trường xây dựng tòa nhà HongKong Tower (số 243A Đê La Thành, quận Đống Đa) và làm việc với UBND phường Láng Thượng (quận Đống Đa) về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ khu công trường xây dựng vẫn còn những điểm ngập nước có ổ bọ gậy. Trước đó công trường có 1 công nhân mắc sốt xuất huyết đã điều trị khỏi bệnh. Đại diện công trường cam kết sẽ thực hiện theo hướng dẫn của TTYT quận Đống Đa, Trạm y tế phường Láng Thượng tiến hành ngay việc tổng vệ sinh môi trường, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của công nhân và khai báo ngay nếu phát hiện công nhân có biểu hiện sốt xuất huyết.

Theo bà Trần Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường cho biết, đến nay, trên địa bàn phường có 32 ca bệnh sốt xuất huyết với 6 ổ dịch quy mô nhỏ dưới 3 bệnh nhân, trong đó 4 ổ dịch đã ngừng hoạt động, không có trường hợp tử vong. Hiện tại, khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết là phường có 3 công trường xây dựng lớn đang thi công kết hợp với nhiều công trình xây dựng hộ gia đình là điều kiện thuận lợi cho các bổ bọ gậy phát sinh và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Trong thời gian tới, UBND phường sẽ thực hiện theo hướng dẫn phòng chống dịch của TTYT quận Đống Đa và TTYT Dự phòng Hà Nội là lập danh sách lại toàn bộ các hộ gia đình theo từng tổ dân phố, giám sát chặt các điều kiện vệ sinh môi trường tại các nghĩa trang, các công trường xây dựng, trường học, các dãy nhà trọ,… tổ chức ký cam kết với tất cả các đơn vị trên địa bàn phường, kiên quyết xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế