Thông tin

Thứ bảy, 26 Tháng 3 2016 20:30

Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Castro đánh giá Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quá thận trọng trong việc đưa ra kết luận về mối liên quan giữa virus Zika với bệnh đầu nhỏ, teo não ở bào thai và trẻ sơ sinh.

Brazil: WHO quá thận trọng trong vấn đề Zika  - Ảnh 1

Một em bé bị chứng đầu nhỏ liên quan tới virus Zika tại Marica, bang Rio de Janeiro ngày 9/3. Ảnh: THX/TTXVN.

Ngày 14/3, Bộ trưởng Castro tuyên bố Brazil hoàn toàn có thể khẳng định thông qua các kết quả nghiên cứu khoa học về sự liên quan giữa dịch bệnh virus Zika hiện nay với bệnh đầu nhỏ và teo não, mặc dù WHO chưa công nhận. Tại những vùng có dịch ở nước Nam Mỹ này, tỷ lệ trẻ bị mắc bệnh đầu nhỏ tăng đáng kể và sự liên quan này cũng được thể hiện ở góc độ dịch tễ học.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế Brazi cho biết từ tháng 10 năm ngoái tới nay, đã có 745 trẻ sơ sinh mắc bệnh đầu nhỏ và hiện 4.231 trẻ có triệu chứng tương tự đang được tiến hành các xét nghiệm. Trong đa phần các trường hợp đã được khẳng định bị bệnh đầu nhỏ, các nghiên cứu cho thấy có sự liên quan với virus Zika. Trước đó, trung bình mỗi năm Brazil chỉ có khoảng 150 trẻ em bi bệnh đầu nhỏ.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Castro bày tỏ mọi sự thận trọng không bao giờ thừa và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ mà WHO dành cho Brazil trong phòng chống dịch bệnh virus Zika. Ông cũng cho biết Chính phủ Brazil đã nỗ lực hết sức trong việc nghiên cứu test phát hiện nhanh bệnh nhân nhiễm bệnh cũng như điều chế vaccine phòng chống virus Zika.

Bộ trưởng Castro nêu rõ cho tới nay, ý thức của người dân Brazil về phòng chống muỗi Aedes, truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt rét vàng và virus Zika, đã tăng lên đáng kể. Kết quả điều tra cho thấy 85% người dân đã thay đổi thói quen khi thường xuyên kiểm tra xem có ổ muỗi nơi sinh sống hay không để hạn chế tối đa việc muỗi sinh nở.

Về việc tổ chức Thế vận hội Olympic Río de Janeiro 2016, quan chức Brazil nhấn mạnh không thể khẳng định hoàn toàn là không có ai sẽ bị lây nhiễm nhưng khả năng lây bệnh đã giảm đi đáng kể do những biện pháp y tế và vệ sinh phòng ngừa phát huy hiệu quả. Ngoài ra, thời tiết lạnh giữa mùa Đông khi diễn ra Thế vận hội vào tháng 8 sẽ hạn chế muỗi sinh sôi.

Theo TTXVN

Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/tin-the-gioi/brazil-who-qua-than-trong-trong-van-de-zika-a137018.html

Thứ bảy, 26 Tháng 3 2016 20:28

(ĐSPL) - Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trên 200 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm lấy từ nhiều tỉnh, thành có kết quả âm tính với virus Zika. 

VTV đưa tin, nhằm tăng cường giám sát, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của virus Zika tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiến hành lấy khoảng hơn 200 mẫu xét nghiệm bệnh phẩm trên nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm để tiến hành xét nghiệm phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika; trong đó có 3 trường hợp bệnh nhân nghi nhờ nhiễm Zika từ bệnh viện Phụ sản Trung ương và bệnh viện Bạch Mai. Theo kết quả xét nghiệm, đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika ở nước ta.

Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, truyền thông và phối hợp với các đơn vị hữu quan để ngăn chặn tối đa các nguy cơ dịch bệnh Zika xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.

Công bố 200 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm virus Zika trên toàn quốc  - Ảnh 1

Tính tới thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus zika. (Ảnh minh họa) 

Như vậy, dù tính tới thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus zika. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nguy cơ dịch do virus zika xâm nhập vào Việt Nam là rất cao, vì nhiều quốc gia giáp Việt Nam như Trung Quốc, Lào... đã có người nhiễm bệnh này.

Báo Phụ nữ Việt Nam đưa tin trước đó, để ngăn ngừa dịch bệnh, Bộ Y tế đã tổ chức lễ phát động Chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút zika và sốt xuất huyết”.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Chỉ thị Về việc tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và triển khai công tác phòng chống bệnh do virus zika, sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, để phòng bệnh do virus zika, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng), tránh để muỗi đốt.

 

Còn trên thế giới, tình hình dịch bệnh do virus Zika vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ y tế quốc tế và đánh giá, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ với virus Zika.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch bệnh này vẫn tiếp tục là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.

 

 

TTXVN cũng đưa tin, đến nay đã có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virus Zika. Nguy cơ dịch bệnh do virus Zika xâm nhập và lan truyền đối với Việt Nam là rất lớn do có sự giao lưu đi lại, du lịch, người lao động trở về từ vùng có dịch. Đồng thời, muỗi truyền virus Zika cũng chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hiện đang lưu hành phổ biến ở Việt Nam.

 

Bộ Y tế nêu rõ: Trong năm 2015, tại nước ta dịch sốt xuất huyết bùng phát và chưa có dấu hiệu giảm vào những tháng đầu năm 2016 tại một số tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân khiến cho bệnh sốt xuất huyết khó khống chế là do phần lớn người dân chưa có ý thức tự diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy) để chủ động phòng chống dịch bệnh.

Để ngăn ngừa không để dịch bệnh do virus Zika xâm nhập, lây lan cũng như dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế tăng cường truyền thông vận động người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống dịch bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết; tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế mức thấp nhất trường hợp mắc bệnh và tử vong.

Đồng thời, Sở Y tế làm đầu mối tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do virus Zika, dịch sốt xuất huyết”. Các tỉnh đã đăng ký lịch cần triển khai ngay trong tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2016 trước khi mùa mưa đến.

Sở Y tế các địa phương hướng dẫn người dân tự xử lý các dụng cụ chứa nước như đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá ăn lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, thường xuyên thay nước bình hoa, thu dọn các vật phế thải như chai, lọ, lốp xe, vỏ dừa..., dễ gây đọng nước ở quanh nhà. Đặc biệt, người dân nên dùng kem xua muỗi, ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày để phòng muỗi đốt.

Đức An (Tổng hợp)

 

Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/cong-bo-200-mau-benh-pham-xet-nghiem-virus-zika-a137911.html

Thứ bảy, 26 Tháng 3 2016 20:25

(ĐSPL) – Hôm nay (22/3), Hàn Quốc đã xác nhận trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên tại nước này, làm dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh sẽ có khả năng lan ra khắp cả nước.

Hàn Quốc xác nhận ca nhiễm virus Zika đầu tiên - Ảnh 1

Hành khách đi bộ qua một cảm biến kiểm soát tại sân bay quốc tế Incheon, Seoul. Ảnh: Yonhap

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, bệnh nhân là người đàn ông 43 tuổi, được phát hiện nhiễm Zika khi kết quả xét nghiệm dương tính với virus truyền qua muỗi sau khi kết thúc chuyến du lịch tại Brazil từ ngày 15/2 đến ngày 11/3.

Sau khi phát hiện lây nhiễm, bệnh nhân ngay lập tức được cách ly và điều trị tại bệnh viện Gwangju, cách Seoul 329 km về phía nam.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cũng cho biết, hiện Trung tâm này đang theo dõi và kiểm tra sức khỏe của người thân và đồng nghiệp mà bệnh nhân này đã tiếp xúc sau khi về nước.

 

Ngày 1/2, Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp về Zika đồng thời nhận định mối quan hệ giữa virus và chứng đầu nhỏ là rất đáng nghi ngờ. Đến nay, Zika chưa được chứng minh là gây ra dị tật đầu nhỏ dẫn đến hàng loạt vấn đề phát triển ở trẻ sơ sinh nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho giả thiết này.

Theo thông báo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (eCDC) hiện đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận virus Zika xâm nhập hoặc lưu hành.

 

 

Ở châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan đã xác nhận các trường hợp lây nhiễm virus Zika.

 

Nguyễn Hằng (Theo Yonhap News)

Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/tin-the-gioi/han-quoc-xac-nhan-ca-nhiem-virus-zika-dau-tien-a138084.html

Thứ bảy, 26 Tháng 3 2016 20:23

(ĐSPL) - Hành khách qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh trước khi xuất và nhập cảnh đều phải đo thân nhiệt kiểm soát nguy cơ nhiễm virus Zika.

Theo Dân Việt, chiều 25/3, bác sĩ Nguyễn Hoa Hội - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế cho biết, từ khi thông tin cảnh báo về dịch bệnh Zika, Trung tâm đã triển khai các bước chuẩn bị để chủ động phòng chống dịch tại các cửa khẩu.

Mỗi ngày bình quân có khoảng 5.000 hành khách xuất và nhập cảnh qua Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh phải qua máy kiểm tra thân nhiệt.

Vì vậy, ông Hội cho biết, trong thời điểm này toàn bộ lực lượng của đơn vị đang túc trực 24/24 tại các cửa khẩu đi và đến tỉnh Khánh Hòa để giám sát thân nhiệt hành khách xuất và nhập. Hiện chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện nhiễm virus Zika.

Bên cạnh đó, trung bình mỗi tuần Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh có khoảng 210 chuyến bay quốc tế xuất nhập cảnh. Tại các cảng hàng hải có khoảng 1 đến 2 chuyến tàu quốc tế xuất nhập trong ngày.

Do đó, nguy cơ virus Zika xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu rất lớn. Tại 7 cửa khẩu hàng không, hàng hải vào Khánh Hòa, đơn vị đã bố trí lực lượng trực tiếp, gián tiếp giám sát địa bàn.

5.000 người phải đo thân nhiệt mỗi ngày tại Sân bay Cam Ranh phòng Zika - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Trong đó, Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh được xem là điểm nóng nên hiện Khánh Hòa cũng đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh Zika từ mức chưa có ca nhiễm lên mức độ đã có ca nhiễm.

Bên cạnh những phương án khẩn cấp phòng chống virus Zika, toàn hệ thống cũng đang vào cuộc để không để dịch sốt xuất huyết bùng phát như năm 2015 bởi 2 dịch bệnh này đều chung một loại muỗi truyền bệnh. Một khi dịch Zika xâm nhập cùng dịch sốt xuất huyết bùng phát thì hậu quả kép sẽ khôn lường.

Công tác giám sát cộng đồng đang được Sở Y tế Khánh Hòa chỉ đạo các trung tâm y tế, đặc biệt là TP Nha Trang phân tích tầm soát virus Zika trên tất cả ca bệnh nghi sốt xuất huyết dạng nhẹ để chuyển  Viện Pasteur Nha Trang. Nếu tình huống xấu xảy ra sẽ kịp thời khoanh vùng.

 

Cùng ngày, Viện Pasteur Nha Trang (Bộ Y tế) đã gửi văn bản đề nghị Sở Y tế 11 tỉnh thành miền Trung phối hợp thu thập các mẫu máu có liên quan đến những biểu hiện nhiễm virus Zika chuyển về Viện xét nghiệm thực hiện tầm soát phát hiện sớm nếu có bệnh nhân nhiễm virus Zika.

Được biết, ngày 28/3, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức lễ phát động chiến dịch quy mô lớn “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết” với sự vào cuộc của tất cả các sở, ngành, đoàn thanh niên, hội phụ nữ…

Nhận định tình hình dịch bệnh Zika, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện virus Zika đang lưu hành tại 59 quốc gia đặc biệt là khu vực châu Mỹ la tinh. Việc virus Zika xâm nhập vào Việt Nam không chỉ do người Việt Nam đi từ vùng dịch về, mà còn người của các nước, khách quốc tế đến Việt Nam nhiễm virus Zika, họ sang nước khác bị nhiễm rồi vào Việt Nam, tin tức trên Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM.

Trong khi đó, Việt Nam là nước lưu hành sốt xuất huyết, lưu hành muỗi truyền sốt xuất huyết, cho nên tôi cho rằng ở Việt Nam nguy cơ lưu hành virus Zika là hoàn toàn có thể.

Vì vậy, để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh dưới đây:

Thứ nhất, phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết.

Thứ hai, người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115.

Thứ ba, người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.

Thứ tư, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy, đồng thời tiến hành lật úp các dụng cụ, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, lon, hộp bia nước ngọt, lốp xe, vật dụng phế thải.

Đức An (Tổng hợp)

nguồn: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/5000-nguoi-phai-do-than-nhiet-moi-ngay-tai-san-bay-cam-ranh-a138640.html

Thứ tư, 23 Tháng 3 2016 13:38

Chưa đến 50% nhân viên y tế rửa tay đúng cách, nhiều bàn tay điều dưỡng và bác sĩ mang vi khuẩn, bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) công bố.

Phát động nhân viên y tế rửa tay để chống nhiễm khuẩn diễn ra ngày 12/11, bác sĩ Đoàn Xuân Quảng, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện Thống Nhất cho biết, khảo sát thực hiện từ đầu năm đến nay trên gần 300 nhân viên y tế của bệnh viện thì hơn nửa không rửa tay, rửa sai cách.

 

hon-nua-nhan-vien-y-te-khong-rua-tay-khi-lam-viec

Do thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, bàn tay của nhân viên y tế rất dễ nhiễm khuẩn nếu không rửa tay đúng cách. Ảnh: Thiên Chương

Trong 340 người được khảo sát hồi 3 tháng đầu năm thì có đến 168 người không rửa tay, 42 nhân viên y tế rửa không đúng cách. Đợt khảo sát thứ 2 tiến hành từ tháng 4 đến tháng 6, trong 300 thì có 122 người không rửa tay. Từ tháng 7 đến hết tháng 9, chỉ có 162/294 người rửa tay đúng cách.

Cấy vi khuẩn từ 52 đôi tay nhân viên y tế gồm điều dưỡng và bác sĩ, nhóm kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện Thống Nhất phát hiện khoảng 50% trong họ có bàn tay nhiễm vi khuẩn.

Đây không phải lần đầu các bác sĩ chuyên khoa chống nhiễm khuẩn tại TP HCM công bố kết quả khảo sát việc vệ sinh tay của nhân viên. Năm 2012, khảo sát của một nhóm bác sĩ chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện nhi ở TP HCM cho thấy chỉ 60% nhân viên y tế rửa tay đúng cách; nhiều bác sĩ chỉ vệ sinh tay qua loa thậm chí không rửa trước và sau khi khám cho bệnh nhân. 

Hơn 70% hộ lý, bảo mẫu và điều dưỡng thường xuyên rửa tay, trong khi đó chỉ có khoảng 40% bác sĩ và sinh viên thực tập rửa đúng kỹ thuật. Phần lớn bác sĩ chỉ rửa tay không dùng xà phòng, số khác thực hiện trước khi khám mà không vệ sinh lại đã tiếp tục khám cho bệnh nhân khác. Một số bác sĩ không mang găng tay, không đeo khẩu trang đúng quy định khi thăm khám cho bệnh nhân.

Giải thích lý do không rửa tay, rửa tay không đúng kỹ thuật hoặc không mang bao tay khi làm việc, phần lớn nhân viên y tế cho rằng do quá tải bệnh nhân, phải khám liên tục nên không kịp vệ sinh khi chuyển từ ca này sang ca khác.

Công bố mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, cứ 100 người nằm viện thì có khoảng 7 người mắc thêm một bệnh nhiễm trùng mới. Việc bội nhiễm này một phần do chính nhân viên y tế không tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có tình trạng không chú ý đến rửa tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân.

Cũng theo WHO, tay bẩn của nhân viên y tế có chứa những loại vi khuẩn làm tăng tình trạng bệnh do nhiễm khuẩn ở bệnh nhân, hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Từ thực trạng này, tổ chức Y tế thế giới kêu gọi nhân viên y tế phải chú ý đến việc rửa tay thường xuyên hơn nữa bằng dung dịch sát trùng; nếu không có những dung dịch này thì nhất thiết phải rửa bằng xà phòng thường.

WHO quy định 5 thời điểm cần vệ sinh tay ở mỗi lần chăm sóc bệnh nhân gồm trước khi tiếp xúc bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi phơi nhiễm với dịch tiết bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và sau khi tiếp xúc với vật dụng xung quanh bệnh nhân.

Thiên Chương

 

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hon-nua-nhan-vien-y-te-khong-rua-tay-khi-lam-viec-3106497.html

 

 

Chủ nhật, 13 Tháng 3 2016 21:42

Dịch Elizabethkingia, một loại nhiễm khuẩn hiếm khi xuất hiện ở người đã được báo cáo tại ban Wisconsin, Hoa Kỳ. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, khó thở, ớn lạnh hoặc viêm mô tế bào. Cần xét nghiệm để xác định bệnh. Đã có 48 người được xác nhận bị nhiễm vi khuẩn trong ngày 10/03, trong đó có 18 người đã tử vong. Hầu hết những người bị nhiễm khuẩn đều >65 tuổi và có những bệnh nghiêm trọng khác. Elizabethkingia hiện không phải là bệnh truyền nhiễm cần báo cáo với CDC. Mặc dù nó rất phổ biến trong môi trường, nhưng người bị nhiễm bệnh này rất hiếm và thường xuất hiện ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng. CDC đã gởi một đội điều tra tới Wisconsin để tìm hiểu nguyên nhân gây dịch này.

Nguồn: http://www.cddep.org/blog/posts/cddep_research_journal_nutrition_elizabethkingia_outbreak_wisconsin#sthash.4MzeQ9tH.dpuf

Chủ nhật, 13 Tháng 3 2016 18:55

Vac xin Zika còn nhiều năm nữa theo báo cáo của tổ chức sức khỏe thế giới (WHO). Các chuyên gia sức khỏe toàn cầu đã hợp tại Geneva đưa ra 3 chiến lược đối phó với Zika: Vac xin, công cụ chẩn đoán và công cụ kiểm soát vector. 18 nhóm nghiên cứu đang làm việc để phát triển vac xin, nhóm thành công nhất cũng cần nhiều tháng trước khi bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng sớm ở người. Jorge Kalil, trưởng trung tâm nghiên cứu Brazil, cho rằng có được vac xin trong vòng 3 năm là “quá lạc quan”. Trong giai đoạn dịch này, công cụ chẩn đoán là quan trọng, đặc biệt là để phân biệt nhiễm Zika với Dengue và Chikungunya – hai bệnh tương tự và cũng lây truyền qua cùng loại muỗi.

Nguồn: http://www.cddep.org/blog/posts/cddep_research_journal_nutrition_elizabethkingia_outbreak_wisconsin#sthash.4MzeQ9tH.dpuf

Trang