Thông tin

Thứ hai, 18 Tháng 4 2016 19:34
Vi rút Zika có ảnh hưởng không lớn đến sức khỏe của người dân bình thường; tuy nhiên trước nguy tiềm ẩn tác động của vi rút Zika gây chứng đầu nhỏ đối với trẻ sơ sinh, Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

1. Người dân nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc cần đến cơ quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán xác định bệnh.

2. Người dân không nên tự xét nghiệm xác định vi rút Zika khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế. Việc xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika chỉ tiến hành khi có chỉ định của cơ quan y tế.

3. Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu, sống trong vùng có dịch hoặc đã từng đến vùng có dịch nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định vi rút Zika.

4. Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu có chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm vi rút Zika dương tính nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định vi rút Zika.

5. Để chủ động phòng ngừa bị nhiễm vi rút Zika, người dân chủ động áp dụng các biện pháp tránh bị muỗi đốt và tích cực tham gia diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy).
 
 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-vi-rut-zika/909/nhung-truong-hop-phai-xet-nghiem-phat-hien-vi-rut-zika
Thứ hai, 18 Tháng 4 2016 19:33
Trong khi các nỗ lực của các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục để chứng minh sự liên hệ giữa vi rút Zika và các bất thường về hệ thống thần kinh, các báo cáo kết quả gần đây của các nhà khoa học cho thấy có sự thống nhất mang tính khoa học về sự liên quan giữa vi rút Zika với chứng đầu nhỏ và Hội chứng Guillain-Barré.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra một số câu hỏi, đáp để giải thích rõ hơn về các mối liên quan này:

1. Sự kiện nào khiến WHO phải điều tra về mối liên quan này? 
Vụ dịch do vi rút Zika tại Brazil vào đầu năm 2015 với sự gia tăng bất thường các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh cũng như sự gia tăng các trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré. Tương tự sự kiện này ở Brazil, vụ dịch do vi rút Zika tại French Polynesia vào năm 2013-2014 cũng có sự gia tăng các trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré, chứng đầu nhỏ, và những rối loạn về thần kinh trên quần đảo này. Cộng đồng khoa học đã đáp ứng nhanh chóng với những vấn đề này, bắt đầu với việc xây dựng các kiến thức nền tảng về vi rút Zika và các biến chứng nặng do vi rút này gây ra một cách nhanh nhất.

2. Có sự giải thích nào khác về chứng đầu nhỏ và hội chứng Guillain-Barré?
Hội chứng Guillain-Barré và chứng đầu nhỏ là những tình trạng bất thường do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến hệ thần kinh. Chứng đầu nhỏ có thể do các nguyên nhân nhiễm khuẩn trong thời kỳ bào thai, nhiễm hóa chất, bất thường về gien, trong khi đó hội chứng Guillain-Barré là do tự miễn bởi nhiễm trùng một số vi sinh vật.
Các nhà khoa học không loại trừ khả năng từ các nguyên nhân khác khi kết hợp với nhiễm vi rút Zika gây nên những bất thường về thần kinh; do đó vẫn cần thêm các nghiên cứu để có kết luận về các vấn đề này.

3. Liệu có sự liên quan giữa vi rút Zika và các rối loạn thần kinh?
Gần đây, có một số báo cáo gợi ý rằng có thể có mối liên quan giữa vi rút Zika và các bất thường về thần kinh như: viêm tủy sống, bất thường về não mà không phải chứng đầu nhỏ. WHO và các đối tác đang tiến hành xem xét các báo cáo mới nhất về các bất thường của hệ thần kinh và đánh giá các bằng chứng khoa học liên quan cũng như đối với chứng đầu nhỏ và hội chứng Guillain-Barré.

4. Khuyến cáo của WHO tới các quốc gia?
Do những nguy cơ nghiêm trọng của vi rút Zika đối với cộng đồng và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, WHO khuyến cáo các quốc gia đang có sự lưu hành vi rút Zika nên triển khai các tích cực các hành động cụ thể để bảo vệ cộng đồng. Giảm nguy cơ bị muỗi đốt là biện pháp hiệu quả nhất để phòng lây nhiễm vi rút Zika. Các quốc gia bị ảnh hưởng phải nâng cao các nỗ lực kiểm soát véc tơ truyền bệnh cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp tự bảo vệ, không để bị muỗi đốt, loại trừ muỗi và bọ gậy. Cần cung cấp các biện pháp hỗ trợ và chăm sóc trước, trong và sau khi mang thai đối với phụ nữ cũng như các trường hợp mắc hội chứng Guillain-Barré.

 

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế
Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-vi-rut-zika/912/hoi-dap-ve-moi-lien-quan-giua-vi-rut-zika-voi-chung-dau-nho-va-hoi-chung-guillain-%E2%80%93-barre
Thứ hai, 18 Tháng 4 2016 19:32
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) đã khẳng định vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ cũng như một số biến chứng nghiêm trọng khác về não và đã đăng tải báo cáo trên Tạp chí khoa học New England Journal of Medicine.

Nghiên cứu này khẳng định rõ ràng rằng vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Chúng tôi cũng đang tiến hành thêm các nghiên cứu để xác định liệu trẻ em bị chứng đầu nhỏ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika có phải chỉ là phần nổi của tảng băng mà chúng ta có thể nhìn thấy được về những tác tác động đối với não và các vấn đề về phát triển”, Ông Tom Frieden, Giám đốc của USCDC phát biểu. “Chúng tôi xác nhận tiếp tục sử dụng những hướng dẫn ban đầu cho các phụ nữ mang thai và những người chồng/bạn tình để thực hiện các biện pháp tránh bị nhiễm vi rút Zika cũng như đối với các cán bộ y tế, người tiếp xúc hàng ngày với các bệnh nhân”.

Thông tin chung
Báo cáo chỉ ra rằng không có một bằng chứng riêng rẽ nào có thể cung cấp đầy đủ những bằng chứng về việc nhiễm vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ cũng như một số biến chứng nghiêm trọng khác về não. Tuy nhiên, sự gia tăng các bằng chứng khoa học cũng như việc đánh giá cẩn thận các nghiên cứu khoa học được đăng tải trong thời gian gần đây đã hỗ trợ thêm các kết luận của các tác giả.

Việc phát hiện nhiễm vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ và một số biến chứng nghiêm trọng khác về não có nghĩa phụ nữ bị nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai sẽ gia tăng nguy cơ sinh ra trẻ em có những vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng tất cả phụ nữ bị nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai sẽ sinh ra trẻ em có vấn đề về sức khỏe. Thực tế tại các vụ dịch Zika hiện nay, nhiều phụ nữ bị nhiễm vi rút Zika vẫn sinh ra những trẻ em khỏe mạnh. 

Việc xác định mối liên hệ giữa nhiễm vi rút Zika và các biến chứng nghiêm trọng về não là bước đi quan trọng trong việc định hướng các nỗ lực hơn nữa trong việc phòng bệnh, trong đó tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, củng cố các hoạt động truyền thông về các nguy cơ đối với sức khỏe của vi rút Zika. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khác vẫn chưa có câu trả lời. Việc trả lời những câu hỏi này sẽ tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu nhằm giúp nâng cao các nỗ lực phòng bệnh, có thể giảm thiểu những tác động của vi rút Zika đối với các thai nhi.

Tại thời điểm này, USCDC chưa có sự thay đổi nào về những hướng dẫn trong phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Theo đó, phụ nữ mang thai không nên đi đến các khu vực có dịch; nếu phải đi đến hoặc đang sống ở vùng có dịch với sự lưu hành vi rút Zika, cần tư vấn cán bộ y tế để biết về các yếu tố nguy cơ và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng muỗi đốt cũng như áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm vi rút Zika qua đường tình dục để giảm thiểu các tác động của vi rút Zika đối với thai nhi.

 

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế
Nguồn: Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ
http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-vi-rut-zika/913/trung-tam-du-phong-va-kiem-soat-benh-tat-hoa-ky-uscdc-khang-dinh-vi-rut-zika-gay-ra-chung-dau-nho
Thứ hai, 11 Tháng 4 2016 20:09

Theo các quan chức y tế Mỹ, nhiều bang và thành phố cần áp dụng chiến lược "tiếp cận 4 chiều" nhằm ngăn chặn sự lây lan của vật trung gian mang virus Zika.

Theo số liệu trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính tới ngày 30/3, 312 trường hợp nhiễm virus Zika ở Mỹ sau khi đi du lịch tới các nước có dịch. Trong số đó, 27 bệnh nhân là phụ nữ mang thai, 6 trường hợp nhiễm bệnh qua đường tình dục và một người mắc hội chứng thần kinh nguy hiểm Gullain-Barre.

Tại các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ, 352 trường hợp nhiễm virus Zika, với 3 bệnh nhân nhiễm bệnh sau khi đi du lịch và 349 người khác nhiễm bệnh tại địa phương.

Kiểm soát lẻ tẻ

Tiến sĩ Lyle Petersen, giám đốc Bộ phận Vector-truyền thuộc CDC, cho hay, các cơ quan kiểm soát muỗi ở khu vực hoạt động nhỏ lẻ, phân tán và thường nhận sự phối hợp và tài trợ chi phí từ chính quyền địa phương. Thậm chí tại nhiều khu vực, hoạt động này không có sự phối hợp với cơ sở y tế địa phương, theo Reuters.

Đa số chương trình được tài trợ để giảm số lượng muỗi lại dành kinh phí cho việc kiểm soát những loại muỗi gây phiền toái cho người dân, hơn là khống chế loại muỗi mang nguồn lây bệnh.

Hệ thống giám sát ở hầu hết các bang và thành phố đang tập trung vào loại muỗi cắn vào ban đêm, sinh sản trong các vật dụng chứa nước cỡ lớn, và không thể phát hiện loại muỗi vằn Aedes (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) thường trú ngụ ở các chậu hoa, lốp xe, thùng rác và các hồ nước nhỏ. Không giống nhiều loại muỗi khác, trứng của muỗi vằn Aedes có thể khô và bám vào bề mặt xe chở hàng và sản sinh khi trời đổ mưa.

            
 

Khu vực được báo cáo có trường hợp nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch (xanh nhạt) và những vùng có bệnh nhân nhiễm virus tại địa phương (đậm) 

Trong khi đó, nhiều quan chức bày tỏ lo ngại về chi phí cho việc đối phó với virus Zika. Theo ông Daniel Kass, Phó ủy viên về sức khỏe môi trường New York, thành phố có số lượng lớn người du lịch và từng đối diện với dịch sốt vàng da được dự đoán sẽ phải chi từ 5 tới 6 triệu USD cho việc chuẩn bị đối phó với virus Zika.

Loại muỗi vằn Aedes aegypti không phổ biến ở New York nhưng thành phố này là “nhà” chứa muỗi Aedes albopictus – một loại muỗi khác cũng có khả năng truyền virus Zika.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama yêu cầu Quốc hội chi khoảng 1,9 tỷ USD trong quỹ khẩn cấp để đối phó với virus Zika nhưng vấp phải sự phản đối từ thành viên đảng Cộng hòa. Thành viên đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ nên sử dụng 3 tỷ USD trong quỹ còn lại từ chiến dịch chống dịch Ebola trước khi chi nhiều hơn cho cuộc chiến chống virus Zika.

Tiếp cận 4 chiều

Zika liên quan tới hàng nghìn trường hợp nghi mắc dị tật đầu nhỏ ở Brazil. Virus này đã lây lan nhanh chóng sang Puerto Rico, vùng lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ. Puerto Rico sẽ là khu vực thuộc Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh nguy hiểm này. Tại Puerto Rico, trọng tâm của chiến dịch chống Zika hiện nay là bảo vệ phụ nữ mang thai trước các loại muỗi mang theo virus này.

Zika được dự báo lan sang các bang miền Nam nước Mỹ ngay khi nhiệt độ tăng cao vào mùa xuân và hè. Do đó, theo các quan chức y tế Mỹ, nhiều bang và thành phố cần thực hiện chiến lược mới chống các loại muỗi khác nhau nhằm đối phó sự lây lan của vật trung gian mang virus Zika.

Theo CDC, các loài muỗi gây phát tán virus Zika bằng cách đốt người sống trong và xung quanh nơi ở, khiến chiến dịch phun thuốc diệt côn trùng vào ban đêm trở nên vô hiệu.

Tiến sĩ Thomas Frieden, giám đốc CDC, cho hay các cơ sở y tế cần phải có "cách tiếp cận 4 chiều", tập trung vào loại muỗi vằn Aedes trong nhà và ngoài trời cũng như tiêu diệt ấu trùng và côn trùng trưởng thành.

“Ít nhất chúng ta có thể giảm thiểu và kiểm soát đáng kể dịch bệnh”, ông Frieden phát biểu tại “Hội nghị Kế hoạch Hành động chống virus Zika” tại trụ sở của CDC ngày 1/4.

Đa số loại muỗi hoạt động vào lúc hoàng hôn hầu như không gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, muỗi vằn Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày và hút máu nhiều người cùng lúc.

Theo ông Frieden, muỗi Aedes aegypti được gọi là “gián muỗi” vì rất khó giết. “Thật không may, tại một số khu vực ở Mỹ, loại muỗi này thường kháng thuốc diệt côn trùng", ông Frieden nói nhưng nhấn mạnh, nhân viên y tế vẫn có thể dùng loại thuốc này để diệt muỗi.

Virus Zika được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1947 tại rừng Zika của Uganda. Bệnh nhân nhiễm virus thường bị sốt, đau mắt, đau đầu, đau khớp, đôi khi buồn nôn và đau dạ dày. Virus Zika được cho là lây truyền từ người sang người thông qua vật trung gian là muỗi vằn Aedes, loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tháng 1, nó bắt đầu lây lan nhanh ở Brazil, và các nước khác tại Nam Mỹ và Bắc Mỹ sau đó là nhiều nước ở châu Âu lẫn châu Á. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 2 ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu khi Zika lây lan nhanh chóng ở châu Mỹ. Virus này liên quan tới dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng thần kinh nguy hiểm Guillain-Barre.

Theo WHO, đến nay đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào... đã ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm virus Zika. Sáng 5/4, Bộ Y tế xác nhận 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ở Việt Nam.

Hải Anh

 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

(Nguồn: http://news.zing.vn/my-thay-doi-cach-diet-muoi-de-doi-pho-zika-post639572.html)

 

 
 

Tin cũ hơn

 

 

Thứ hai, 11 Tháng 4 2016 20:08

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi rút Zika. Cục Y tế dự phòng đăng tải toàn văn Quyết định ban hành Hướng dẫn nêu trên dưới đây:
 

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/902/bo-y-te-ban-hanh-huong-dan-tam-thoi-cham-soc-phu-nu-mang-thai-trong-boi-canh-dich-benh-do-vi-rut-zika

 

Thứ hai, 11 Tháng 4 2016 20:06

 

Sáng ngày 28/3/2016,  Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC) tại Cục Y tế dự phòng để cập nhật tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và bàn kế hoạch đáp ứng trong tình huống dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi họp EOC ngày 28/3/2016.
 
Tham dự cuộc họp có đại diện các thành viên của Văn phòng EOC, đại điện các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Y tế, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đánh giá dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp, hiện đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp bệnh trên phạm vi toàn cầu, trong thời gian tới sẽ ghi nhận thêm các quốc gia có ca mắc vi rút Zika. WHO tiếp tục khẳng định dịch bệnh do vi rút Zika là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa nhiễm vi rút Zika chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (Guillain-Barré).

Tại Việt Nam, ngày 22/3/2016, Bộ Y tế đã nhận được thông tin về 01 du khách người Australia có xét nghiệm dương tính với vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam, Cơ quan Đầu mối thực hiện IHR của Việt Nam đã liên hệ với Australia và tổ chức điều tra, giám sát tại thực địa để khẳng định. Trước tình hình trên Văn phòng EOC nhận định nguy cơ vi rút Zika xâm nhập và lây lan trong cộng đồng là rất lớn.

Sau khi nghe các đại biểu tham dự báo cáo về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và các hoạt động dự phòng đã triển khai của các đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Cần phải nâng cao mức cảnh báo đối với toàn bộ hệ thống y tế trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika để chủ động triển khai các biến pháp phòng chống dịch hiệu quả”. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế khẩn trương triển khai thực hiện các công tác sẵn sàng đáp ứng trên mọi phương diện, tập trung vào các nội dung cụ thể sau:  

Công tác giám sát, đáp ứng: tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika tại khoa khám bệnh; rà soát và công bố các đơn vị có khả năng xét nghiệm vi rút Zika trong cả nước, tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ thuật xét nghiệm đối với các đơn vị tuyến tỉnh để mở rộng các đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm xác định; tổ chức việc sàng lọc, quản lý và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, sàng lọc và các biện pháp xử lý đối thành lập 04 đội phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại 4 khu vực, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần thiết.
 

Công tác truyền thông: xây dựng nội dung truyền thông phù hợp với tình hình dịch bệnh dành cho cộng đồng và các cơ quan thông tấn, báo chí, đảm bảo thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình dịch bệnh, hoạt động phòng chống dịch và các khuyến cáo của Bộ Y tế lên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội đặc biệt là khuyến cáo đối với với các phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang mang thai phòng lây nhiễm vi rút Zika.
Công tác khám chữa bệnh: tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm trong các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các phòng khám đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika; rà soát các cơ sở khám chữa bệnh có đủ năng lực xét nghiệm xác định vi rút Zika; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trong việc khám sàng lọc, chẩn đoán điều trị, chủ động lấy mẫu gửi các đơn vị xét nghiệm khẳng định và thông báo kết quả cho các đơn vị y tế dự phòng; chủ động tổ chức việc diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) tại các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt là khu vực điều trị bệnh nhân nhiễm vi rút Zika, hướng dẫn bệnh nhân phòng chống muỗi đốt trong quá trình điều trị để tránh lây lan.
Công tác hậu cần: chủ động rà soát, tổng hợp nhu cầu kinh phí và đề xuất cơ chế tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cấp bổ sung để đảm bảo kinh phí phục vụ phòng chống dịch kịp thời, nhất là đối với việc xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán xác định trong trường hợp dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài; sử dụng các nguồn lực từ bảo hiểm y tế để thanh toán chi phí khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm vi rút Zika.
 
Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh sự thống nhất, tập trung chỉ đạo của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, chung tay phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế cùng với sự hưởng ứng tham gia của từng người dân trong việc triển khai các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy tại các khu vực dân cư đóng vai trò rất lớn trong việc ngăn ngừa sự lây lan vi rút Zika trong cộng đồng.
 
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Nguồn: http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-vi-rut-zika/895/thu-truong-nguyen-thanh-long-%E2%80%9Cbo-y-te-nang-cao-muc-canh-bao-doi-voi-toan-bo-he-thong-y-te-trong-viec-phong-chong-dich-benh-do-vi-rut-zika%E2%80%9D
Thứ hai, 11 Tháng 4 2016 20:02

3 ứng dụng đuổi muỗi trên smartphone dưới đây sẽ giúp bạn không còn bị ám ảnh bởi tiếng muỗi vo ve mỗi đêm nữa.

Thời gian này ở Việt Nam đang sắp bước vào mùa hè, và lúc này cũng là thời điểm muỗi phát triển rất nhiều. Kéo theo đó là sự kiện virus Zika đã xuất hiện tại Việt Nam, và theo thông tin virus Zika… lây truyền chủ yếu từ muỗi sang người.

Tuy nhiên bạn có thể chống muỗi bằng các phần mềm ứng dụng đuổi muỗi mà không hề cần sử dụng hóa chất hoặc yêu cầu phức tạp, chỉ cần với 1 chiếc điện thoại bên cạnh là đủ.

1. Anti Mosquito Free

Hình ảnh Ứng dụng đuổi muỗi trên smartphone giúp bạn đối phó với virus Zika số 1
 

Ứng dụng này giả lập tần số sóng siêu âm của loài dơi và chuồn chuồn, vốn là kẻ thù của muỗi, khiến chúng sợ và tránh xa khu vực phát sóng. Anti Mosquito Free cung cấp 3 tần số khác nhau 17kHz, 19kHz và 22kHz để người dùng điều chỉnh cho phù hợp, từ đó ứng dụng sẽ sử dụng loa của điện thoại để phát ra sóng âm này làm cho muỗi khó chịu nhưng không ảnh hưởng tới người sử dụng.

 

2. Anti-Mosquito Ultra-Sonic Pro

Hình ảnh Ứng dụng đuổi muỗi trên smartphone giúp bạn đối phó với virus Zika số 2
 

Ứng dụng này sử dụng tần số từ 16kHz đến 20kHz để đuổi muỗi và côn trùng. Tuy nhiên đây là ứng dụng có giao diện người dùng đơn giản nhất chỉ với 1 nút nhất bật hoặc tắt mà không cần thiết phải lựa chọn bất kì tần số nào trước. Anti-Mosquito Ultra-Sonic Pro cũng được phát hành miễn phí trên Android.

3. Anti Mosquito Sonic Repellent

Cách thức hoạt động cũng giống như ứng dụng trên, tuy nhiên Anti Mosquito Sonic Repellent có dải băng tần rộng hơn (từ 10kHz cho đến 20kHz) và tích hợp tính năng hẹn giờ tắt ứng dụng. Đây cũng là ứng dụng được phát hành miễn phí hoàn toàn trên Android.

Hình ảnh Ứng dụng đuổi muỗi trên smartphone giúp bạn đối phó với virus Zika số 3
 

Nhìn chung, tất cả các ứng dụng đều sử dụng phương thức phát giả lập băng tần sóng siêu âm để đuổi muỗi vì hầu hết chúng rất nhạy và "sợ" những âm thanh ở tần số này. Ngoài việc sử dụng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi thì những ứng dụng này cũng là sự lựa chọn hữu hiệu và tiện dụng khi đi du lịch hoặc cắm trại để tránh bị phá hỏng cuộc vui cũng như có được những giấc ngủ ngon.

Trang Vũ (Tổng hợp)

http://www.tinmoi.vn/ung-dung-duoi-muoi-tren-smartphone-giup-ban-doi-pho-voi-virus-zika-011402353.html

 

Trang