Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu; đặc biệt chú ý những người đến từ vùng có dịch cúm A(H7N9) và các chủng virus gia cầm khác; xử lý y tế kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tham mưu với UBND tỉnh tổ chức diễn tập liên ngành phòng chống dịch cúm gia cầm.
Lạng Sơn siết chặt kiểm dịch y tế
Các địa phương tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân sử dụng gia cầm có nguồn gốc, đảm bảo ATTP; thông tin kịp thời để người dân không hoang mang; kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh, nhất là tại các tỉnh trọng điểm có nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm cao và các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc và Campuchia.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) ở người. Mọi người không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý những người trở về nước từ nơi có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo khách du lịch khi đi đến các nước đang có dịch bệnh cúm A(H7N9) không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; thường xuyên rửa tay với xà phòng; luôn tuân thủ ATVSTP vv…
Thanh Hằng
http://www.baomoi.com/tang-cuong-kiem-dich-y-te-bien-gioi-de-phong-chong-dich-cum-gia-cam/c/21981581.epi