Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika có nguy cơ sinh ra những em bé đầu và não bị teo nhỏ bất thường. Hàng trăm trẻ đã chết chỉ riêng tại Brazil.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phát ra những cảnh báo mạnh mẽ về việc lây lan nhanh chóng của virus Zika (đặc biệt hiện nay là ở châu Mỹ), và ước tính tới cuối năm 2016 sẽ có tới 4 triệu người bị ảnh hưởng.
Theo các thông báo chính thức từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), phụ nữ mang thai không nên du lịch tới khoảng hơn 20 quốc gia, hầu hết nằm trong khu vực Mỹ Latin và Caribe - nơi bệnh tật đang bùng phát dữ dội.
Những phụ nữ mang thai đã đi du lịch tới các quốc gia trong khu vực nói trên đều cần được xét nghiệm xem có nhiễm virus Zika hay không.
Tuy nhiên nhìn vào bản đồ bên dưới, chúng ta có thể thấy dịch bệnh đang lan nhanh trên toàn cầu. Và tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận ca nào mắc bệnh nhưng Bộ Y tế cũng đã phát đi những cảnh báo.
Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.
Bản đồ virus Zika
Virus Zika là một loại virus nhiệt đới mới, đang hoành hành ở châu Mỹ và có nguy cơ lan rộng toàn cầu.
Virus Zika được phát hiện từ năm 1947 tại rừng Zika, Uganda. Tuy khá phổ biến ở châu Phi cũng như châu Á nhưng Zika lại không phát triển mạnh ở các quốc gia nằm ở Tây bán cầu. Cho tới tháng 5/2015, nó bất ngờ bùng phát ở Brazil.
Đến thời điểm hiện tại, khi hầu hết dân số trong khu vực này chưa từng mắc bệnh và rất ít người có hệ thống miễn dịch đủ khả năng chống lại Zika thì Zika càng được đà phát triển mạnh mẽ.
Hàng triệu người sống trong vùng nhiệt đới của châu Mỹ có thể đã mắc bệnh.
Trên thực tế, virus Zika không gây triệu chứng hay các hậu quả lâu dài trong hầu hết trường hợp. Có đến 80% người nhiễm virus Zika mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
Nhưng hiện nay, nó đang tấn công vào phụ nữ mang thai, và đó là điều các nhà khoa học đang tập trung tìm hiểu, giải quyết.
Bộ Y tế Việt Nam làm gì để ứng phó với virus Zika?
Chiều 29/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì buổi họp khẩn cấp tại Văn phòng EOC – Cục Y tế dự phòng để đưa ra các phương án phòng chống dịch Zika xâm nhập vào Việt Nam.
Ông Long cho biết, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, chúng ta không loại trừ khả năng nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào nước ta.
Thứ nhất là do trong nước đang có sẵn vecto truyền bệnh sốt xuất huyết và vi rút Zika hoàn toàn có thể lây truyền nơi có muỗi Aedes lưu hành.
Thứ hai là chúng ta chưa có miễn dịch cộng đồng căn bệnh này, đây là loại vi rút mà thế giới chưa có vắc xin và thuốc đặc trị.
Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra.
Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng.
Khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm vi rút Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình.
Các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.
Bộ Y tế sẽ công bố danh sách các quốc gia đang có dịch bệnh trên website chính thức của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng, cập nhật các thông tin cần thiết đến với người dân.
Thứ trưởng Long cũng khuyến cáo người dân, nhất là phụ nữ đang trong thai kỳ, hạn chế đến các vùng đang lưu hành dịch.
Thứ trưởng Long nhấn mạnh Bộ Y tế sẽ nỗ lực hết mình trong công tác phòng chống dịch do vi rút Zika và phối hợp toàn diện với WHO, CDC trong việc đảm bảo an ninh dịch bệnh cho người dân.
Virus Zika là gì? Lan truyền như thế nào?
Bởi vì virus Zika do muỗi lây truyền và được tìm thấy trong những loài muỗi gây các bệnh sốt xuất huyết, nên có thể ai đó sẽ nhầm tưởng là một dạng sốt xuất huyết. Nhưng không phải!
Như chúng ta đã biết, sốt xuất huyết là một nhóm các bệnh gây ra bởi nhiều loài virus khác nhau, trong đó virus Dengue chính là loại chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam.
Nhiều loại virus gây ra các loại sốt xuất huyết khác trên thế giới mà chúng ta đã từng nghe đến như: sốt vàng da (do virus Amaril), Ebola (do virus Ebola)...
Loại virus gây sốt xuất huyết Dengue hay sốt vàng da (kể cả một căn bệnh cực nguy hiểm khác do virus West Nile gây ra)... đều được lây truyền bởi một số loài muỗi trong chi Aedes.
Đặc biệt trong đó là loài Aedes Aegypti mà chúng ta vẫn được biết đến với tên gọi là muỗi vằn.
Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.
Loài muỗi này nguy hiểm ở chỗ, nó sinh trưởng rất mạnh, bất kể trong những môi trường nước bé nhỏ như nắp chai lọ. Nó đốt người vào buổi sáng và chiều tối, chứ không đốt về đêm.
Một loài khác trong chi Aedes, là loài Aedes Albopictus ở châu Á, cũng được cho là 1 nguyên nhân lan truyền virus Zika, nhưng chưa có bằng chứng thật rõ ràng. Loài muỗi này cũng có tại New York và Chicago, Mỹ vào mùa hè.
Mặc dù Zika được xác định là lây truyền chủ yếu do muỗi vằn đốt, nhưng theo The New York Times, cũng đã có báo cáo cho thấy Zika có thể lây lan khi truyền máu hay quan hệ tình dục. Đã có trường hợp tìm thấy virus Zika trong tinh dịch.
Muỗi vằn Aedes Aegypti vật chủ lây truyền virus Zika.
Tật đầu nhỏ là gì? Zika có thể ảnh hưởng tới não bộ của trẻ nhỏ như thế nào?
Đến thời điểm này, các chuyên gia vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.
Nghi vấn Zika gây ra tật đầu nhỏ (đầu nhỏ bất thường và não bị ảnh hưởng) chỉ mới được đặt ra tháng 10/2015 khi các bác sỹ ở Brazil nhận thấy có nhiều trẻ gặp phải hiện tượng này.
Mặc dù đã có nhiều bằng chứng để kết luận virus Zika là nguyên nhân chính, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng tật đầu nhỏ có thể là do nhiều virus khác tác động đồng thời.
Tại Brazil, mỗi năm có khoảng 3 triệu trẻ em được sinh ra. Và chưa có con số chính xác về số trẻ bị tật đầu nhỏ, hiện ở nước này mới ghi nhận được khoảng 150 trường hợp.
Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.
Theo tiến sỹ Constantine Stratakis, trưởng khoa tại Viện Quốc gia về Sức khoẻ Trẻ em và Phát triển Con người Mỹ, có khoảng 15% trường hợp chỉ đơn giản là kích thước đầu nhỏ hơn bình thường chứ không bị vấn đề gì khác.
Đối với phần lớn trường hợp còn lại, não bộ của trẻ có thể không phát triển bình thường trong suốt quá trình còn là thai nhi và có thể dừng phát triển sau năm đầu tiên chào đời.
Những trẻ này đối mặt với hàng loạt hậu quả như chậm phát triển hay mất khả năng nghe.
Hậu quả ở các trẻ nhỏ có thể khác nhau. Và việc tìm ra nguyên nhân đằng sau tật đầu nhỏ giúp các bác sỹ đưa ra dự đoán đối với tình trạng bệnh của trẻ sơ sinh.
Một trong những nguyên nhân chính có thể là do các bất thường của gen. Bệnh đầu nhỏ có thể do thai nhi bị nhiễm virus, bao gồm virus sởi Đức (rubella), bệnh do nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma, virus CMV.
Phụ nữ mang thai nếu sử dụng thức uống có cồn và lại bị thiếu dinh dưỡng hoặc tiểu đường thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ bị tật đầu nhỏ.
Nếu chứng bệnh này xuất hiện trong năm đầu đời của trẻ, thì có thể nguyên nhân là do não bị tổn thương trong quá trình sinh nở.
Theo tiến sỹ Hannah M. Tully, chuyên khoa thần kinh học tại Bệnh viện Trẻ em Seattle, “không có cách chữa trị nào cho tật đầu nhỏ ngoài các liệu pháp hỗ trợ sau khi mang bệnh”.
Phụ nữ mang thai nên tránh tới các quốc gia nào?
Hiện tại, phụ nữ mang thai nên tránh tới khoảng 20 quốc gia, hầu hết tại khu vực Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ theo sơ đồ bên dưỡi.
Đồ họa: The New York Times. Chuyển ngữ: Soha.vn.
Tổ chức Y tế liên châu Mỹ cho hay, virus Zika sẽ lây lan trong mọi quốc gia ở châu Mỹ ngoại trừ Canada và Chile.
Làm cách nào để biết đã mắc virus Zika hay chưa? Có cách nào để kiểm tra hay không?
Khi mắc Zika, cơ thể thường sẽ không có triệu chứng gì. Và rất khó để chẩn đoán.
Cho tới thời điểm hiện tại, virus Zika vẫn chưa được xem là mối lo ngại do các triệu chứng thường không rõ ràng.
Như phần đầu chúng tôi đã nêu, cứ 5 người mắc Zika thì chỉ 1 là có các triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp, mắt đỏ. Vì thế, 80% trường hợp thường không cần đưa đi bệnh viện xử lý.
Để kiểm tra cơ thể có nhiễm Zika hay chưa, cần gửi mẫu máu hoặc mô từ tuần đầu tiên nhiễm virus tới các phòng thí nghiệm được trang bị đủ phương tiện, giúp phát hiện Zika thông qua các xét nghiệm phân tử phức tạp.
Nếu mang thai và mới đi du lịch tới khu vực có virus Zika, cần làm gì?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nên đi siêu âm để kiểm tra. Một số trường hợp cần tới xét nghiệm máu.
Ngày 19/1/2016, CDC đã đưa ra hướng dẫn tạm thời cho những phụ nữ mang thai đã đi du lịch tới vùng có virus Zika, cũng như cho các bác sỹ. Hướng dẫn này khá phức tạp và có thể sẽ thay đổi.
Đồ họa: The New York Times. Soha.vn chuyển ngữ. Truy cập vào đường link sau để cập nhật hướng dẫn mới: www.cdc.gov/travel/notice/
Nhìn chung, hướng dẫn khuyến cáo những phụ nữ mang thai đã đi du lịch tới những vùng có virus Zika thì nên tới gặp bác sỹ.
Những người gặp phải các triệu chứng như sốt, phát ban, đau khớp, chấm đỏ ở mắt trong thời gian đi du lịch hay trong vòng 2 tuần sau khi trở về nhà thì cần xét nghiệm máu.
Khuyến cáo này thật ra cũng gây ra tranh cãi, do những phụ nữ không có triệu chứng gì vẫn có thể là đã nhiễm virus; và cũng không có bằng chứng nào cho thấy trẻ sinh ra chỉ bị bệnh nếu mẹ có các dấu hiệu bất thường.
Kể cả những phụ nữ đã được xét nghiệm máu thì cũng không thể hoàn toàn an tâm, do các xét nghiệm chỉ hiệu quả trong tuần đầu sau khi nhiễm.
Theo lý giải của CDC, phụ nữ mang thai đã du lịch tới các vùng có virus Zika, dù có triệu chứng hay không, bất kể âm tính hay dương tính khi xét nghiệm máu, thì vẫn nên siêu âm để xem thai nhi có bị tật đầu nhỏ hay vôi hoá hộp sọ hay không.
Thế nhưng, thực tế là siêu âm trong 6 tháng đầu thai kỳ thường không phát hiện ra loại bệnh nêu trên.
Một số trường hợp cần tới chọc ối để xét nghiệm bệnh. Nhưng đây cũng là phương án có thể gây rủi ro cho thai nhi và không khuyến khích thực hiện trong 15 tuần đầu của thai kỳ.
Hiện tại, một số công ty đang nghiên cứu cách xét nghiệm nhanh để phát hiện virus Zika
Đang ở độ tuổi sinh đẻ, nhưng chưa mang thai và chưa có ý định mang thai, có đến các vùng có virus Zika được không?
Nên sử dụng biện pháp tránh thai!
Một nửa số trường hợp mang thai là ngoài ý muốn.
Theo tiến sỹ Laura E. Riley, chuyên khoa về các trường hợp mang thai rủi ro cao và các bệnh do virus thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nếu muốn tới thăm quốc gia có virus, hãy sử dụng các biện pháp tránh thai để đảm bảo không mang thai ngoài ý muốn.
Phụ nữ mang thai ngoài ý muốn trong thời gian du lịch hay thời gian ngắn sau khi trở về nhà sẽ phải xét nghiệm máu, siêu âm hàng tháng và luôn ở tâm trạng cực kỳ căng thẳng.
Lúc đi thăm khu vực bị virus thì chưa mang thai, nhưng hiện tại mang thai, liệu có rủi ro không?
Theo các chuyên gia, rủi ro là rất thấp.
Theo tiến sỹ Laura E.Riley, mặc dù cũng có ngoại lệ nhưng rủi ro là rất thấp nếu ai đó ở vùng có virus trước khi mang thai. Do virus Zika không tồn tại lâu trong cơ thể.
Vấn đề có nghiêm trọng không nếu nhiễm Zika trong quá trình mang thai?
Càng ở giai đoạn đầu của thai kỳ thì càng nguy hiểm.
Thời gian nguy hiểm nhất là 3 tháng đầu thai kỳ - cũng là khi hầu hết phụ nữ không biết mình đã mang thai. Các chuyên gia cũng chưa biết làm thế nào virus xâm nhập nhau thai và ảnh hưởng tới sự phát triển não bộ thai nhi.
Các virus cũng được truyền bởi muỗi vằn như sốt vàng, sốt xuất huyết Dengue, hay bệnh do virus West Nile thì thường không tác động như vậy.
Trong khi đó, các virus thuộc nhóm khác bao gồm virus Rubella và CMV thì gây hậu quả tương tự virus Zika.
Trẻ mới sinh có cần xét nghiệm không?
Theo các chuyên gia, nếu người mẹ đã tới thăm hay sống tại quốc gia có virus và xét nghiệm của người mẹ là dương tính hay trung tính thì trẻ mới sinh cũng cần xét nghiệm.
Nguyên nhân là do virus Zika không chỉ gây nên tật đầu nhỏ mà còn có thể ảnh hưởng tới khả năng nghe nhìn cũng như các vấn đề bất thường khác của trẻ.
Khuyến cáo này áp dụng cho trẻ có mẹ gặp các triệu chứng của Zika như phát ban, đau khớp, mắt đỏ, sốt trong quá trình sống hay trong 2 tuần trở về từ các quốc gia có virus.
Có biện pháp điều trị hay không?
Không!
CDC không đưa ra loại thuốc nào để điều trị khi nhiễm virus Zika. Do các triệu chứng thường nhẹ với người bình thường, và chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Có vacxin phòng ngừa không? Mọi người có thể tự bảo vệ bằng cách nào?
Rất khó phòng ngừa nhiễm virus Zika nếu bạn đang ở tại vùng có virus Zika.
Hiện chưa có vacxin ngừa virus Zika. Tuy đã có các công trình nghiên cứu nhằm tìm ra vacxin này nhưng còn mất nhiều năm cũng như chi phí hàng trăm triệu USD cho việc thử nghiệm.
Và cũng chưa có cách nào để triệt để phòng trừ muỗi đốt, vì thế CDC đưa ra khuyến cáo phụ nữ có thai không nên đi đến vùng có virus Zika, và những phụ nữ dự định có thai thì nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi đi.
Khách du lịch tới các quốc gia có virus thì được khuyến cáo tránh hoặc giảm thiểu muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn, ở trong phòng có điều hoà, phòng đã có các biện pháp che chắn muỗi, luôn sử dụng kem chống côn trùng, mặc quần áo dài tay, đi giày, đội mũ.
Nếu virus Zika đã xuất hiện ở châu Phi và châu Á cả vài thập kỷ thì vì sao chưa có phát hiện nào trước đây về mối liên hệ với tật đầu nhỏ?
Có thể do Zika chưa bao giờ tấn công trên diện rộng như gần đây.
Tật đầu nhỏ khá hiếm, và lại có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, bao gồm nhiễm virus Rubella hay CMV khi mang thai; thai nhiễm độc cồn, thuỷ ngân, phóng xạ; hay người mẹ bị thiếu dinh dưỡng hoặc tiểu đường trầm trọng.
Đầu nhỏ cũng có thể do các rối loạn về gen, bao gồm hội chứng Down.
Cho tới thời điểm hiện tại, ngành y tế nói chung vẫn chưa quan tâm nhiều tới virus Zika. Do virus này xuất hiện cùng trong vùng có bệnh sốt xuất huyết Dengue hay Chikungunya.
Và khi so sánh các virus này với nhau thì Zika vẫn được coi là ít nguy hiểm (Dengue được ví với “sốt gãy xương” còn Chikungunya được ví với “sốt khom lưng”).
Virus Zika lây lan từ châu Phi sang châu Á từ 50 năm về trước. Vào năm 2007, từ Đông Nam Á, Zika lan sang Nam Thái Bình Dương rồi phát triển nhanh chóng mặt.
Tuy nhiên dân số trên vùng đảo này khá nhỏ, cộng với việc ít xảy ra các hậu quả nghiêm trọng nên dịch này khi đó không được chú ý.
Nhưng tới năm 2013, khi bùng phát ở vùng Polynesia thuộc Pháp – nơi có 270. 000 cư dân - các bác sỹ xác nhận 42 trường hợp có triệu chứng Guillain-Barrê (triệu chứng có thể gây nên tê liệt).
Con số này cao gấp 8 lần số thời điểm thông thường và là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Zika có thể tấn công hệ thống thần kinh, bao gồm não bộ.
Tháng 5/2015, Zika được xác nhận có mặt ở Brazil – quốc gia có tới 200 triệu dân – và nhanh chóng bùng phát.
Và chỉ tới tháng 10 vừa qua, khi các bác sỹ ở Pernambuco báo cáo về số lượng ngày càng tăng trẻ bị tật đầu nhỏ, thì tiếng chuông cảnh tỉnh về hậu quả đầu nhỏ do Zika chính thức ngân lên.
Pernambuco có 9 triệu dân và mỗi năm có 129. 000 trẻ được sinh ra. Thông thường, một năm có khoảng 9 trẻ mắc tật đầu nhỏ.
Và tới tháng 11/2015, khi Brazil tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp, Pernambuco đã có tới 646 trẻ bị bệnh này.
Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO, quan ngại sâu sắc về virus Zika
Ngày 28/1/2016 tại Geneva, Thụy Sĩ, bà Margaret Chan đã có bài phát biểu trong cuộc họp của WHO về Zika.
Vị TGĐ của WHO đã cung cấp một lược sử ngắn gọn về virus, và giải thích lý do tại sao WHO quan ngại sâu sắc về tình hình dịch bệnh.
Bà khẳng định, một mối quan hệ nhân quả giữa việc nhiễm virus Zika và dị tật thai, hội chứng thần kinh vẫn chưa thể chính thức xác nhận, nhưng đang được các chuyên gia theo dõi chật chẽ.
"Tôi đã nhanh chóng thay đổi hồ sơ rủi ro của Zika, từ một mối đe dọa từ nhẹ đến một tỷ lệ đáng báo động. Việc tăng tỷ lệ trẻ bị tật đầu nhỏ là đặc biệt đáng báo động, vì nó đặt thêm một gánh nặng về phía gia đình và cộng đồng".
WHO quan ngại sâu sắc về tình hình Zika bởi 4 nguyên nhân chính:
• Mối liên hệ giữa virus với các dị tật thai và hội chứng thần kinh
• Khả năng lan truyền quốc tế hơn nữa của bệnh do sự phân bố địa lý rộng lớn của vectơ muỗi
• Thiếu khả năng miễn dịch của dân số tại khu vực mới bị ảnh hưởng
• Chưa có vắc-xin, phương pháp điều trị cụ thể, và các xét nghiệm chẩn đoán nhanh chóng.