Điểm báo

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 20:16

Ngày 08/5/2018, Bộ Y tế nước Cộng hòa dân chủ Công gô thông báo ghi nhận 02 trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola tại khu vực thị trấn Bikoro, tỉnh Equateur, đây là khu vực cách khoảng 250 km tới Mbandaka, thủ phủ tỉnh Equateur. 

Cộng hòa dân chủ Công gô đã ghi nhận 05 đợt dịch Ebola từ năm 1976 đến nay, lần gần nhất vào tháng 5/2017; tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, dịch Ebola xuất hiện tại thị trấn Bikoro. Trong khoảng thời gian từ 04/4 đến 05/5/2018 tại Bikoro đã ghi nhận 21 trường hợp nghi ngờ với biểu hiện sốt, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, đau khớp, một số trường hợp có xuất huyết dưới da, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Kết quả điều tra cho thấy, trong số 21 trường hợp nghi ngờ có 17 trường hợp đã từng tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh trước đó. 

Bộ Y tế nước Cộng hòa dân chủ Công gô đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp nhằm khống chế ổ dịch. Hiện nay, dịch bệnh Ebola tại Cộng hòa dân chủ Công gô được đánh giá ở mức độ nguy cơ cao; tuy nhiên WHO khuyến cáo không hạn chế việc đi lại quốc tế. 

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola trên thế giới và chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu và tại cộng đồng để kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách phù hợp, hiệu quả, ngăn ngừa mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta. 

 
Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
 
Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 20:14

Dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại nước Cộng hòa dân chủ Công gô (gọi tắt là Công gô) từ đầu tháng 4/2018 và tiếp tục diễn biến phức tạp với sự ghi nhận các trường hợp mắc mới, đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại khu vực đông dân cư ở thị trấn Wangata thuộc thành phố Mbandaka. Để chủ động đáp ứng một cách quyết liệt nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Ebola tại Công gô, ngày 18/5/2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế về dịch bệnh Ebola (gọi tắt là Ủy ban khẩn cấp) trong năm 2018. Bộ Y tế tóm tắt một số nội dung chính như sau:

Tình hình dịch bệnh

Từ ngày 04/4 đến ngày 18/5/2018, đã ghi nhận 45 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola, trong đó có 3 trường hợp là nhân viên y tế, 14 trường hợp xác định, 25 trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc tại thị trấn Bikoro, cách thành phố Mbandaka khoảng 250 km, có 01 trường hợp ghi nhận tại thành phố Mbandaka, nơi tập trung đông dân cư, dễ lây nhiễm.

9 quốc gia lân cận với Công gô, bao gồm cả nước Congo-Brazzaville và Cộng hòa Trung Phi đã được khuyến cáo có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút Ebola và đã được hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị để ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh.

Các thách thức chính trong việc khống chế dịch bệnh

Sau khi thảo luận kỹ, Ủy ban khẩn cấp chỉ ra một số thách thức chính như sau:

• Dịch bệnh Ebola tại Công gô có một số đặc điểm cần quan tâm đặc biệt: nguy cơ dễ lây lan hơn khi đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại khu vực thành thị; có một số ổ dịch tại khu vực vùng sâu, khó tiếp cận; có nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, điều này có thể dẫn đến sự lây truyền thứ cấp. 

• Nguy cơ cao lây truyền sang các nước khác khi thành phố Mbandaka nằm gần sông Công gô, có sự giao lưu lớn với khu vực biên giới. 

• Rất khó khăn trong việc vận chuyển các phương tiện hỗ trợ tới các khu vực vùng sâu với điều kiện cơ sở hạ tầng nghèo nàn, nơi hầu hết các trường hợp mắc bệnh được ghi nhận gần đây; những yếu tố trên ảnh hưởng đến việc giám sát, phát hiện, xác định trường hợp mắc bệnh, theo dõi người tiếp xúc và đưa vắc xin, biện pháp điều trị tới người dân. 

Ủy ban khẩn cấp cũng khẳng định một số nội dung sau: 

• Các đáp ứng của Chính phủ Công gô, WHO và các tổ chức đã được triển khai một cách nhanh chóng, toàn diện. 

• Các hành động can thiệp đang triển khai cho thấy tình hình dịch bệnh có thể sẽ được kiểm soát. Các hành động can thiệp bao gồm: tăng cường hệ thống giám sát, thiết lập hệ thống quản lý ca bệnh, triển khai xét nghiệm lưu động, cam kết tham gia của các lãnh đạo địa phương, thiết lập cầu hàng không và các kế hoạch can thiệp chủ động khác.

• Việc chủ động sử dụng vắc xin cũng góp phần tích cực hơn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh Ebola. 

Kết luận của Ủy ban khẩn cấp về tình hình dịch:

Tình hình dịch bệnh Ebola hiện nay tại Công gô chưa đủ điều kiện để công bố Tình trạng y tế công cộng được quốc tế quan tâm (PHEIC).

Các khuyến nghị của Ủy ban khẩn cấp: 

• Chính phủ Công gô, WHO và các tổ chức tiếp tục duy trì đáp ứng mạnh mẽ ở mức cao. Các hoạt động đáp ứng cần có sự hỗ trợ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. 

• Sự hỗ trợ của các nhà khoa học trên toàn cầu là rất quan trọng trong việc chia sẻ các thông tin một cách thường xuyên và không hạn chế. 

• Không được hạn chế đi lại hoặc thương mại quốc tế. 

• Các quốc gia lân cận cần tăng cường việc sẵn sàng chuẩn bị giám sát và đáp ứng. 

• Trong khi đáp ứng, cần ưu tiên bảo đảm an toàn và an ninh cho các nhân viên y tế trong nước và quốc tế. 

• Việc sàng lọc chiều xuất tại các cảng hàng không, cảng tại sông Công gô cần được quan tâm thực hiện; tuy nhiên việc sàng lọc chiều nhập đặc biệt đối với các cảng hàng không ở xa vùng dịch không được cho là biện pháp hiệu quả. 

• Tăng cường việc truyền thông nguy cơ (với các số liệu cập nhật liên tục), vận động xã hội, cam kết tham gia của cộng đồng là cần thiết để triển khai tốt các khuyến cáo bảo vệ người dân và thực hiện tốt các hoạt động đáp ứng tại khu vực ổ dịch;  

• Nếu tình hình dịch bệnh Ebola tại Công gô tiếp tục lan rộng một cách nhanh chóng hoặc có sự lây lan quốc tế, Ủy ban khẩn cấp sẽ tiếp tục họp và đánh giá lại. 

Ủy ban khẩn cấp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc tiếp tục hỗ trợ của WHO, các tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai có hiệu quả các khuyến cáo của WHO trong việc khống chế dịch bệnh Ebola tại Công gô.

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola trên thế giới và chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu và tại cộng đồng để kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách phù hợp, hiệu quả, ngăn ngừa mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta. 

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia -Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 20:12

Dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại nước Cộng hòa dân chủ Công gô(gọi tắt là Công gô) từ đầu tháng 4/2018 và đến nay tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 17/5/2018, tại Công gô tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc Ebola mới, từ ngày 05 – 17/5/2018 đã ghi nhận thêm 23 trường hợp nghi ngờ và 01 trường hợp xác định mắc Ebola mới, nâng tổng số trường hợp mắc Ebola tại Công gô lên 44 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp xác định và 23 trường hợp tử vong.  

WHO bày tỏ sự lo ngại về sự xuất hiện trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại thị trấn Wangata thuộc thành phố Mbandaka, đây là thành phố đông dân với khoảng 1,2 triệu người.Các trường hợp nhiễm Ebola khác đều được ghi nhận tại thị trấn Bikoro, cách Mbandaka khoảng 150km.WHO đã cử 30 chuyên gia đến điều tra, giám sát tại khu vực này và làm việc với Bộ Y tế Công gô và các đối tác để huy động cộng đồng tham gia phòng chống, điều trị và thông báo các trường hợp mắc mới nếu có.

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola trên thế giới và chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu và tại cộng đồng để kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách phù hợp, hiệu quả, ngăn ngừa mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta. 
 

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia -Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 20:07

Các tác nhân kháng kháng sinh được tìm thấy trong 5 loại cá tại các chợ của Mumbai, theo các nhà nghiên cứu của Bộ môn Công Nghệ Sinh Học tại Đại học Mumbai. Công việc của trại cá liên quan tới nhu cầu kháng sinh cần được nghiên cứu và tác động của chúng được tìm hiểu, theo bình luận của Sumanth Gandra, nhà nghiên cứu thuộc CDDEP. Tiêu thụ các thự phẩm chưa được nấu chính chứa các tác nhân kháng thuốc có thể gây bệnh và dẫn tới lây truyền các gien kháng thuốc sang hệ vi sinh vật trong ruột người.

Nguồn: https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs11356-017-0945-7

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 20:01

Điều tra số hiện mắc thời điểm toàn cầu đầu tiên (Global-PPS) được công bố trên tạp chí The Lancet, so sánh sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh tại 303 bệnh viện ở 53 quốc gia vào năm 2015. Theo GS Herman Goosens, dẫn đầu dự án Global-PPS, kết quả chính cho thấy hơn 1/3 bệnh nhân nhập viện được dùng kháng sinh, với sự dao động lớn giữa các bệnh viện và các quốc gia. “Test chẩn đoán được dùng để hỗ trợ kê toa cho 22% số ca, bất kể kết quả của test chẩn đoán để đảm bảo sử dụng kháng sinh phù hợp”, Goossens tiếp tục. Global-PPS được lặp lại vào năm 2017, giám sát 400 bệnh viện tại 51 quốc gia. Dữ kiện Global-PPS được trình bày trong phiên poster tuần này tại hội nghị Bệnh Truyền Nhiễm và Vi Sinh học Lâm Sàng Châu Âu (ECCMID).

Nguồn: http://www.thelancet.com/journals/langlo/article/PIIS2214-109X(18)30186-4/fulltext

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 19:53

Một nghiên cứu thực hiện tại Niger, Malawi và Tanzania và được công bố trên the New England Journal of Medicine phát hiện rằng sự phấn bố azithromycin có thể giảm tử vong do mọi nguyên nhân ở trẻ em dưới 5 tuổi 13,5%. Tuy nhiên, sự suy giảm số tử vong này chỉ có ý nghĩa thống kê tại Niger (18,1% thấp hơn và khoảng tin cậy 95% từ 10%-25,5%). Mặc dù mục tiêu sử dụng kháng sinh ở nhóm nguy cơ cao có ý nghĩa, sử dụng kháng sinh rộng rãi có thể gây kháng thuốc, dẫn tới các vấn đề tương lai tiềm ẩn trong điều trị nhiễm khuẩn. ông nhắc lại rằng kê kháng sinh cho những đứa trẻ khỏe mạnh, tốt nhất, là biện pháp ngăn chặn chỉ được sử dụng tại những khu vực có tỷ suất tử vong cực cao.

Nguồn: http://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1715474?query=featured_home

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 19:46

Một nghiên cứu mới báo cáo trong khi số hiện mắc vi khuẩn lao đa kháng thuốc tại Nam Phi năm 2012-2014 (2,8%) tương đương với 2001-02 (2.9%), kháng rifampicin tăng gấp đôi trong số ca mới mắc trong giai đoạn đó, tăng từ 1,8% lên 3,4%. Đáng lưu ý là 4,9% các trường hợp mắc lao là kháng thuốc phổ rộng và gần 18.000 ca nhiễm do các dòng kháng isoniazid đơn.

Nguồn: http://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(18)30222-6/fulltext

Trang