Điểm báo

Thứ sáu, 27 Tháng 4 2018 21:48

Một xét nghiệm di truyền có thể tiên đoán tiến triển của bệnh Lao ở những người sống chung với người bệnh trong một thử nghiệm được thực hiện tại Nam Phi, Ethiopia và Gambia. Các nghiên cứu viên dùng chuỗi RNA và xét nghiệm PCR để xác định bốn gien marker (GAS6, SEPT4, BLK và CD1C) có liên quan với tiến triển bệnh trong 24 tháng sau khi phơi nhiễm. Kết qua nghiên cứu giúp điều trị dự phòng cho các cá nhân nhiễm Lao được xác định là có thể tiến triển thành bệnh.

Nguồn: https://www.atsjournals.org/doi/abs/10.1164/rccm.201711-2340OC

Thứ sáu, 27 Tháng 4 2018 21:43

Một nghiên cứu trên chuột sống trong các tòa chung cư tại New York xác định nhiều tác nhân gây bệnh đường ruột bao gồm Shigella, Salmonella, Leptospira, Clostridium difficile và Escherichia coli. Gien mã hóa kháng fluoroquinolones và β-lactam được tìm thấy phổ biến trên chuột.

Nguồn: https://www.scientificamerican.com/podcast/episode/nyc-mice-are-packed-with-pathogens/

Thứ sáu, 27 Tháng 4 2018 21:39

Tổ chức Hành động chung châu Âu về nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc sức khỏe và kháng kháng sinh (EU-JAMRAI) vừa tiến hành thu thập các thông tin các hướng dẫn, công cụ hoặc biện pháp hiệu quả giúp tăng việc sử dụng kháng sinh có kiểm soát và giảm sử dụng kháng sinh. Khảo sát này là một phần của Dự án Việc làm 7 của EU-JAMRAI, tập trung vào “sử dụng kháng sinh phù hợp trên người và động vật”.

Nguồn: https://eu-jamrai.eu/questionnaire-animal-health-wp7/

Thứ sáu, 27 Tháng 4 2018 21:12

Vắc xin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT – VGB – Hib) được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ tháng 6/2010. Loại vắc xin DPT-VGB-Hib sử dụng trong TCMR này là vắc xin Quinvaxem do công ty Berna Biotech Hàn Quốc sản xuất đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Từ tháng 6/2010 đến tháng 12/2017, Việt Nam đã sử dụng khoảng 41 triệu liều vắc xin tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi, hàng năm có khoảng 1,6 -1,7 triệu trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc được tiêm đủ 3 mũi vắc xin với tỷ lệ tiêm chủng đủ 3 mũi đạt trên 90%. Việc triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem góp phần quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em dưới 1 tuổi không bị mắc các bệnh bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib.

Ngày 10/05/2017, tập đoàn vắc xin Jassen tại Hàn Quốc (nhà sản xuất vắc xin Quinvaxem, Berna Biotech) đã có thư thông báo ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem từ năm 2016 và ngừng cung ứng vắc xin Quinvaxem trên toàn cầu từ năm 2018. Số vắc xin Quinvaxem còn lại tại Việt Nam chỉ đủ để tiêm cho trẻ đến hết tháng 5/2018 và một số tỉnh đến tháng 6/2018. Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem sang một loại vắc xin DPT-VGB-Hib tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế vắc xin này.

Vắc xin DPT-VGB-Hib được lựa chọn để thay thế vắc xin vắc xin Quinvaxem trong TCMR là vắc xin có tên thương mại là vắc xin Combe Five do Ấn Độ sản xuất, được lưu hành tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới và đã được sử dụng ở 43 quốc gia trên toàn thế giới với hơn 400 triệu liều. Vắc xin CombE Five đã được đăng ký lưu hành tại Việt Nam từ năm 2017. Vắc xin Combe Five có thành phần và lịch tiêm chủng tương tự với vắc xin Quinvaxem, do đó khi đưa vắc xin ComBE Five vào sử dụng trong TCMR thì cách thức triển khai sẽ thực hiện tương tự như triển khai sử dụng vắc xin Quinvaxem. Vắc xin này sẽ được triển khai trên quy mô tại 4 tỉnh/thành phố thuộc 4 khu vực là Hà Nam, Đồng Tháp, Bình Định, Kon Tum trong tháng 6-7/2018 để rút kinh nghiệm về cách thức triển khai trước khi tổ chức triển khai chuyển đổi sử dụng vắc xin trên phạm vi toàn quốc.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Thứ sáu, 27 Tháng 4 2018 21:11

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.

 

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc xin. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời cho người bị chó nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại ở người.

Hiện nay, Việt Nam có 2 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vắc xin Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất và vắc xin Abhayrab do Công ty  Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất. Vắc xin dại được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ do người dân tự chi trả. Trên cả nước có khoảng 700 điểm tiêm chủng vắc xin dại. Hàng năm trung bình có khoảng 400.000 - 500.000 người tiêm vắc xin phòng dại. 

Trong những tháng đầu năm 2018 tại một số địa phương xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ vắc xin phòng bệnh dại, từ thực tế đó Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người đã khuyến cáo các điểm tiêm phòng dại cần tăng cường sử dụng phác đồ tiêm trong da thay thế phác đồ tiêm bắp khi sử dụng vắc xin dại để tiết kiệm sử dụng vắc xin, tăng số lượng người được tiêm. Bên cạnh đó Bộ Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp như: ban hành kế hoạch dự trù vắc xin; phối hợp với cơ quan Thú y và chính quyền địa phương trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch dại kịp thời; hướng dẫn các đia phương thực hiện đúng các quy định hiện hành trong công tác phòng, chống bệnh dại đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nhập khẩu, kiểm định, phân phối vắc xin này để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của người dân., đến nay vắc xin này đã được cung ứng kịp thời cho các cơ sở tiêm chủng vắc xin dại trên phạm vi toàn quốc để người dân có thể tiêm chủng phòng chống bệnh dại.  

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thứ ba, 10 Tháng 4 2018 10:14

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã góp phần quan trọng trong thanh toán và phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến ở trẻ em. Để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác tiêm chủng mở rộng, năm 2018, Bộ Y tế có kế hoạch đưa một số vắc xin mới vào chương trình TCMR.

Vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella

Giai đoạn 2014 – 2016, Việt Nam đã triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho hơn 23 triệu trẻ em dưới 19 tuổi trên toàn quốc do Ấn độ sản xuất, góp phần kiểm soát dịch bệnh sởi rubella, năm 2017 số ca mắc thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin Sởi – Rubella. Trong tháng 3/2018, vắc xin Sởi – Rubella được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 04 tỉnh, kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc xin Sởi – Rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016. Theo kế hoạch, từ tháng 4/2018, vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR. 

Vắc xin bại liệt tiêm (IPV)

Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và bảo vệ thành quả trong hơn 17 năm qua. Để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt 2 tuýp), Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình TCMR từ tháng 8/2018.

Vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib

Trong hơn 7 năm qua, Chương trình TCMR đã sử dụng vắc xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi. Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem, số vắc xin Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018 trên quy mô toàn quốc. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại 04 tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý II năm 2018. 

Vắc xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình TCMR cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1.

Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình mở rộng, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, và kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai thấp; Bộ Y tế khuyến cáo các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh Sởi, hội chứng Rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.

Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về việc tiêm vắc xin Sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi vào cuối năm 2018.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thứ ba, 10 Tháng 4 2018 10:12

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới tình hình dịch sốt xuất huyết những tháng đầu năm đã giảm ở hầu hết tại các nước trong khu vực châu Á và châu Mỹ La tinh. Tại Việt Nam, từ đầu năm số mắc giảm liên tục qua các tuần. Tích lũy đến tuần 13, cả nước ghi nhận hơn 14 nghìn trường hợp mắc, giảm 37,2% so với cùng kỳ 2017 (22.416/9). Mặc dù số mắc trong khu vực và tại nước ta có giảm trong những tháng đầu năm, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch.

Để chủ động phòng chống dịch, từ đầu năm Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018. Thực hiện sự chỉ đạo, ngành y tế các địa phương đang chủ động triển khai giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, tình hình véc tơ truyền bệnh (chỉ số muỗi và lăng quăng) nhằm phát hiện sớm nhất các ổ dịch và vùng nguy cơ bùng phát dịch để có những biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố tích cực tổ chức các hoạt động phòng chống trong những tháng cao điểm phòng chống sốt xuất huyết và ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6).

Hiện nay đang bắt đầu vào mùa mưa, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống. Để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Trang