Điểm báo

Thứ bảy, 30 Tháng 9 2017 13:32

Mcr-1, gene có trong vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh, đã bị một nhóm các nhà khoa học tìm ra cách đánh bại. Họ làm được điều này bằng cách kết hợp 3 loại kháng sinh với nhau: aztreonam, amikacin và polymyxin B.

“Kỷ nguyên vàng của kháng sinh vẫn chưa kết thúc”, một trong số các nhà nghiên cứu tuyên bố.

Trước đó, vi khuẩn E. coli chứa mcr-1 vẫn được các quan chức y tế Mỹ gọi là “cơn ác mộng”. Nó gây ra mối đe dọa khẩn cấp trên toàn cầu và đã xuất hiện ở 30 quốc gia. Bên cạnh mcr-1, loại kháng sinh tổng hợp của các nhà khoa học Mỹ cũng có khả năng chống lại ndm-5, một gene đem đến khả năng kháng thuốc mạnh khác cho vi khuẩn.

Ba loại kháng sinh đánh bại gene kháng thuốc nguy hiểm nhất của siêu vi khuẩn.
Ba loại kháng sinh đánh bại gene kháng thuốc nguy hiểm nhất của siêu vi khuẩn.

Kỷ nguyên vàng kháng sinh vẫn chưa kết thúc?

Cách đây 18 tháng, lần đầu tiên gene mcr-1 kháng tất cả kháng sinh được phát hiện tại Trung Quốc. Kể từ đó tới nay, mcr-1 đã được ghi nhận thêm tại hơn 30 quốc gia bao gồm Mỹ, Châu Âu, và cả Việt Nam. Tỷ lệ lây lan được đánh giá là đáng báo động.

Riêng tại Mỹ, đã có ít nhất gần hai chục trường hợp E. coli mang mcr-1 đã được báo cáo. Ngày càng có nhiều trường hợp gene mcr-1 được phát hiện trên vi khuẩn, mối lo ngại của chúng ta về các ca nhiễm trùng không thể chữa khỏi sẽ càng lớn.

Phó giáo sư Brian Tsuji đến từ Trường Dược và Khoa học dược phẩm cho biết:"Những chủng vi khuẩn mang gene mcr-1 và ndm-5 đại diện cho một mối đe dọa cấp bách, bởi mức độ đề kháng với kháng sinh của chúng rất cao cộng với khả năng lây lan nhanh chóng".

“Các vi khuẩn Gram âm, bao gồm E. coli mang gene mcr-1 sẽ tạo ra mối đe dọa lớn. Chúng tôi tin rằng sự xuất hiện của gene mcr-1 và ndm-5 ở bệnh nhân có thể là dấu hiệu báo hiệu cho những gì sẽ xảy ra”, phó giáo sư Zackery Bulman đến từ Đại học Illinois cảnh báo.

Điều mà Bulman ám chỉ ở đây là kỷ nguyên hậu kháng sinh, khi tất cả các loại thuốc của con người đều thất bại trước vi khuẩn. Tuy nhiên, ông lại cho rằng: “Kỷ nguyên vàng của kháng sinh vẫn chưa kết thúc”. Ông và các đồng nghiệp đang “giúp các bác sĩ chuẩn bị phương pháp điều trị cho sự xuất hiện của những chủng vi khuẩn mới".

"Chúng tôi đã phải làm việc nhanh chóng và sáng tạo”, ông nói. "Đây là nghiên cứu đầu tiên đưa ra giải pháp trị liệu với ba loại thuốc kháng sinh chống lại được siêu vi chứa gene mcr-1 và ndm-5".

 

Kết hợp 3 loại kháng sinh là cách duy nhất

Mrc-2 đang gây ra mối đe dọa khẩn cấp trên toàn cầu và đã xuất hiện ở 30 quốc gia.
Mrc-2 đang gây ra mối đe dọa khẩn cấp trên toàn cầu và đã xuất hiện ở 30 quốc gia.

Sự nổi lên của các trường hợp vi khuẩn kháng tất cả kháng sinh đã khiến chúng ta phải tìm đến những lựa chọn cuối cùng. Một trong số đó là hợp chất polymyxins B, loại kháng sinh có hiệu quả nhưng đặc biệt có hại với thận.

Để tránh những tác dụng phụ của loại thuốc này, các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra chiến lược giảm liều lượng mà vẫn giữ được hiệu quả của nó. Họ làm điều này bằng cách kết hợp polymyxins B với các loại kháng sinh khác.

Sau khi chọn ra 15 loại kháng sinh thường và thử hàng loạt cách kết hợp chúng với polymyxin B, các nhà nghiên cứu phát hiện ra hai hướng điều trị hiệu quả. Theo đó, khi polymyxin B được dùng phối hợp với kháng sinh aztreonam hoặc amikacin, toàn bộ vi khuẩn chứa gene kháng kháng sinh đã bị tiêu diệt sau 24 giờ.

Kết quả cũng khẳng định chỉ có sự kết hợp của bộ ba kháng sinh: aztreonam, amikacin và polymyxin B mới tiêu diệt được chủng E. coli chứa mrc-1 và ngăn ngừa chúng tái phát triển trở lại.

"Chúng tôi biết rằng polymyxins một mình không thể làm được việc đó. Chỉ có ba loại thuốc kết hợp với nhau mới có thể đồng thời tiêu diệt vi khuẩn và ngăn chặn chúng phát triển", phó giáo sư Bulman nói.

Trong bối cảnh kháng kháng sinh đang phát triển mạnh trên toàn cầu, nghiên cứu của ông cùng đồng nghiệp đã tạo ra một điểm sáng đáng chú ý. Phát hiện đầy hứa hẹn có thể cung cấp một phương pháp chữa trị hữu hiệu, đối với các trường hợp nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn chứa gen mcr-1 và ndm-5 trong tương lai.

Nguồn: http://khoahoc.tv/3-loai-khang-sinh-danh-bai-gene-khang-thuoc-nguy-hiem-nhat-cua-sieu-vi-khuan-84225

 

Thứ bảy, 30 Tháng 9 2017 13:31

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy có quá ít kháng sinh mới được điều chế trong khi số bệnh kháng thuốc tiếp tục gia tăng.

Tốc độ phát triển các bệnh kháng thuốc có khả năng sẽ vượt qua quá trình điều chế thuốc kháng sinh và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe loài người. Theo CNN, ngày 19/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra báo cáo cho thấy quá ít kháng sinh mới được điều chế trong khi số vi khuẩn nguy hiểm không ngừng gia tăng.

Tốc độ phát triển các bệnh kháng thuốc có khả năng sẽ vượt qua quá trình điều chế thuốc kháng sinh.
Tốc độ phát triển các bệnh kháng thuốc có khả năng sẽ vượt qua quá trình điều chế thuốc kháng sinh. (Ảnh: healthline).

Tính đến tháng 5, giới khoa học đang nghiên cứu 51 kháng sinh cùng 11 chất sinh học làm từ các nguồn thiên nhiên có thể thay thế kháng sinh. Tuy nhiên, chỉ 33 kháng sinh nhắm đến 12 mầm bệnh ưu tiên mà WHO công bố hồi tháng 2 gồm vi khuẩn lao khiến 250.000 người tử vong mỗi năm và Enterobacteriaceae gây các bệnh nhiễm trùng ở bệnh viện, nhà dưỡng lão.

Trong 33 loại thuốc tiềm năng, tám loại là thuốc điều trị mới, tiên tiến hơn, còn 25 loại thực chất được sửa đổi đơn giản từ những nhóm kháng sinh hiện hành. Trường hợp tốt nhất, 25 kháng sinh đó sẽ dùng làm biện pháp ngắn hạn để chiến đấu với vi khuẩn.

Các báo cáo mới nhất cho thấy bệnh lao cần ít nhất ba kháng sinh. Thế nhưng, không quá bảy loại đang bước vào thử nghiệm. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia dự đoán chẳng bao lâu nữa, bệnh nhân lao sẽ thiếu hụt trầm trọng thuốc.

Tương tự, vi khuẩn gram âm cũng trở nên khó chữa. Phức tạp hơn nhiều vi khuẩn gram dương, chúng đòi hỏi thuốc kháng sinh đủ mạnh để xâm nhập qua thành tế bào rồi ở lại bên trong.

Bên cạnh số lượng kháng sinh nói chung, WHO nhận định quá ít kháng sinh đường uống được điều chế dù đây là biện pháp hiệu quả và dễ phân phối ở những quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình.

Nguồn: http://khoahoc.tv/the-gioi-can-kiet-khang-sinh-the-he-moi-85740

 

Thứ bảy, 30 Tháng 9 2017 13:30

Việc xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc đã thực sự làm người ta phải nghĩ đến một tương lai đen tối mang tên kháng kháng sinh. Vậy kháng kháng sinh là gì? Tại sao nó lại nguy hiểm đến thế, hãy thử tìm hiểu nhé!

Kháng kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh. Chúng không những tồn tại mà còn sinh sản ra những thế hệ vi khuẩn mới, cũng có đặc tính kháng thuốc và hóa chất điều trị nhiễm trùng.

Theo thống kê của "Chương trình Đánh giá Kháng kháng sinh" được tài trợ bởi chính phủ Anh, hàng năm trên thế giới có 700.000 ca tử vong bởi vi khuẩn kháng thuốc. Ước tính con số sẽ tăng lên đến 10 triệu người vào năm 2050.

Vậy những con vi khuẩn đã làm thế nào để chống lại những viên thuốc từng được coi là thần dược của tây y và tạo nên cơn ác mộng cho loài người? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều đó.

Vi khuẩn đã kháng thuốc như thế nào?
Vi khuẩn đã kháng thuốc như thế nào?

Thuốc kháng sinh hoạt động như thế nào

Kháng sinh hoạt động để chống lại vi khuẩn gây bệnh. Chúng là những sinh vật đơn bào có kích thước vài phần nghìn milimét, sinh sống và gây viêm nhiễm ở đâu đó trong cơ thể chúng ta. Khi được đưa vào cơ thể, kháng sinh sẽ tiếp cận và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh theo các cơ chế chính:

  • Tấn công trực tiếp thành tế bào, khiến chúng mất khả năng tự bảo vệ khỏi môi trường
  • Can thiệp vào quá trình tổng hợp protein
  • Tàn phá các quá trình trao đổi chất
  • Ngăn chặn sự tổng hợp DNA và RNA

Khi một vi khuẩn kháng thuốc, chúng có khả năng vô hiệu hóa một phần hoặc toàn bộ các cơ chế này của kháng sinh theo các cách dưới đây:

Xây dựng hệ thống phòng thủ

Khi không muốn gặp một ai đó, bạn tránh mặt họ, chặn số điện thoại và mọi hình thức liên lạc khác. Vi khuẩn kháng thuốc sử dụng một chiến lược tương tự đối với kháng sinh. Chúng thay đổi tính thẩm thấu của màng tế bào. Bằng cách này ngăn chặn hoàn toàn hoặc hạn chế cho phép kháng sinh xâm nhập được vào trong tế bào để phá hủy tổ chức của chúng.

Một chiến lược khác của vi khuẩn là chúng cho phép kháng sinh vào bên trong. Nhưng sẽ tạo ra một số phân tử giống như vệ sĩ gác cửa. Chúng sẵn sàng tống cổ kháng sinh ra khỏi tế bào ngay khi bước vào. Một số vi khuẩn sử dụng các máy bơm, lấy năng lượng ATP để bắn thuốc kháng sinh ra khỏi cơ thể chúng.

 

Ngụy trang mục tiêu

Nhiều kháng sinh làm việc bằng cách chọn một mục tiêu cụ thể của vi khuẩn, ví dụ như bộ phận sản xuất protein của chúng. Sau đó, kháng sinh cô lập bộ phận này khiến vi khuẩn không thể sử dụng chúng và chết vì thiếu nguồn cung protein.

Để đối phó với diễn biến này, vi khuẩn thay đổi cấu trúc của các bộ phận mục tiêuđể kháng sinh không còn nhận ra nó. Về cơ bản, dù cho kháng sinh có vào được tế bào, nó cũng không biết làm gì khi các mục tiêu đã được ngụy trang và không nhận ra nổi.

Phản công lại kháng sinh

Đây là chiến thuật kháng kháng sinh cực đoan nhất. Thay vì chỉ sử dụng hệ thống phòng thủ và ngụy trang, vi khuẩn sản xuất một số loại enzyme để chiến đấu trực tiếp với kẻ thù của mình. Chúng làm giảm hoặc bất hoàn toàn tính kháng khuẩn của thuốc. Ví dụ như enzyme beta-lactamse được sản sinh bởi một số vi khuẩn đã đánh bại hoàn toàn penicillin.

Trong hàng triệu vi khuẩn, tồn tại những cá thể có khả năng kháng kháng sinh tự nhiên.
Trong hàng triệu vi khuẩn, tồn tại những cá thể có khả năng kháng kháng sinh tự nhiên.

Tất cả những chiến thuật trên đều rất tinh tế, nhưng làm thế nào mà vi khuẩn có thể học được điều này

Trên thực tế, đội quân vi khuẩn có số lượng rất lớn và không phải con nào cũng giống con nào. Tuy nhiên, phân tử thuốc kháng sinh thì giống hệt nhau, chúng không đạt đến sự đa dạng như vi khuẩn. Trong hàng triệu vi khuẩn, có xác xuất tồn tại một vài cá thể tự nhiên có khả năng sử dụng một trong số 3 chiến thuật trên để kháng thuốc.

Khi kháng sinh đã tiêu diệt hết toàn bộ những vi khuẩn nhạy thuốc, các cá thể vi khuẩn kháng thuốc tiếp tục tồn tại và sinh sản. Thế hệ sau của chúng sẽ thay thế những vi khuẩn đã chết và chúng hoàn toàn kháng thuốc.

Một kịch bản khác, vi khuẩn có thể học được các chiến thuật trên bằng cách truyền cho nhau những đoạn mã DNA. Trong đó có chứa cách để ngụy trang một cơ quan hay tạo ra enzyme chống lại kháng sinh.

Một vi khuẩn thông thường có thể nhận gen mã hóa này thông qua nhiều cách. Ví dụ, trong quá trình biến nạp, chúng nhận DNA trần từ một vi khuẩn khác. Hoặc khi một vi khuẩn kháng thuốc chết và nổ tung, chúng giải phóng các mảnh DNA vào môi trường. Các vi khuẩn khác sẽ "nhặt" chúng lại và tái tạo thành các gen kháng thuốc.

Quá trình vi khuẩn kháng kháng sinh tồn tại và phát triển thành quần thể.
Quá trình vi khuẩn kháng kháng sinh tồn tại và phát triển thành quần thể.

Không may rằng dù cho vi khuẩn có học được cách kháng thuốc theo bất kì hình thức nào, chúng cũng sẽ truyền lại khả năng này cho thế hệ tiếp theo. Đó là hệ quả cơ bản của ý tưởng chọn lọc tự nhiên trong thuyết tiến hóa của Darwin được gọi là "sự sống sót của kẻ thích nghi tốt nhất".

Kết quả cuối cùng là chúng ta phải chiến đấu với một quần thể vi khuẩn kháng thuốc, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các công ty dược phẩm e dè trong việc phát triển kháng sinh mới, bởi cứ sau một vài năm vi khuẩn kháng thuốc bắt đầu xuất hiện.

Tuy nhiên, không phải vậy mà con người sẽ thua trong cuộc chiến này. Hiện tại, chúng ta đang có khoảng 100 loại thuốc kháng sinh khác nhau. Hiểu rõ cơ chế kháng thuốc của vi khuẩn, các nhà khoa học một mặt vẫn sẽ tiếp tục điều chế thêm các loại kháng sinh mới. Mặt khác, họ cũng đang đi tìm những phương pháp tiêu diệt vi khuẩn "nhờn thuốc", ví dụ như sử dụng công nghệ nano hứa hẹn đưa nhân loại ra khỏi cơn ác mộng của kháng kháng sinh.

Nguồn: http://khoahoc.tv/vi-khuan-da-hoc-duoc-cach-chong-lai-khang-sinh-nhu-the-nao-70758

 

Thứ bảy, 30 Tháng 9 2017 13:19

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc Zika ở Việt Nam đã lên xấp xỉ 40 người ở 6 tỉnh thành, nhiều nhất là ở TPHCM với 29 bệnh nhân.

Ngành Y tế TPHCM cảnh báo, dịch có thể sẽ lan rộng. Trong số 36 người mắc Zika, có 5 thai phụ, gồm 1 người ở Bình Dương, 4 người ở TPHCM. Một người có thai trong ba tháng đầu của thai kỳ, là giai đoạn có nguy cơ sinh ra trẻ bị dị tật đầu nhỏ.

Những khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Hà Nội... hiện đang có dịch sốt xuất huyết. Đây là những khu vực có thể lan rộng bệnh do virus Zika. Tại Hà Nội, vừa qua Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lấy trên 200 mẫu bệnh phẩm của người bệnh trong diện nghi ngờ, nhưng tất cả đều âm tính với virus Zika. Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm virus Zika. PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: “Hiện có 6 viện và bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM, Nha Trang và Tây Nguyên có thể xét nghiệm xác định người nhiễm Zika ở Việt Nam, thời gian trả kết quả tối đa là 7 ngày. Tất cả các xét nghiệm xác định Zika cho người nghi nhiễm bệnh đều được miễn phí” .

Trả lời câu hỏi: “Người chưa mang thai mà bị nhiễm Zika thì sau này nếu mang thai có ảnh hưởng gì không?”, ông Vũ Ngọc Long (Cục Y tế dự phòng) cho biết: Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu về sự tồn tại của kháng thể trong những trường hợp đã từng bị nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, chưa có kết quả cuối cùng khẳng định kháng thể này có tính bền vững hay không.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu sự tồn tại của vi rút Zika trong người bệnh. Những kết quả ban đầu cho thấy, vi rút Zika có thể tồn tại khá lâu trong người kể cả khi đã hết các triệu chứng. Ví dụ, vi rút Zika có thể tồn tại trong tinh dịch đến 9 tháng.

Do đó, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với những cặp vợ chồng dự định có thai nếu người chồng nghi ngờ bị nhiễm vi rút Zika, hoặc đã mắc bệnh cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với vợ, hoặc kiêng quan hệ tình dục với vợ trong ít nhất 6 tháng.

Nếu phụ nữ từng bị nhiễm Zika, sau bao lâu mới nên có thai? PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết: Ít nhất sau 2 tháng, kể từ thời điểm phụ nữ có biểu hiện bệnh hoặc phơi nhiễm Zika, trong cơ thể hết vi rút, thì có thể tính đến việc mang thai, tuy nhiên cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế.

Còn ông Vũ Ngọc Long cho biết thêm, hiện nay, các trường hợp nhiễm vi rút Zika ở Việt Nam đều là những trường hợp đơn lẻ, rải rác và không tạo thành những ổ dịch lớn. Các trường hợp này đã được theo dõi, cách ly xử lý kịp thời, đến nay chưa phát hiện những trường hợp lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp đầu tiên. Các trường hợp nhiễm virus Zika đến nay sức khỏe đang ổn định, chưa có trường hợp nào có biến chứng.

Theo Võ Thu
http://dantri.com.vn/suc-khoe/phu-nu-tung-bi-nhiem-zika-sau-bao-lau-moi-nen-co-thai-20161110141028903.htm

 

 

Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 22:02

Một nghiên cứu công bố trên Clinical Infectious Diseases cho thấy Tetracyclines phổ rộng làm giảm nguy cơ nhiễm Clostridium difficile so với các loại kháng sinh khác. Các nhà nghiên cứu phân tích các nghiên cứu dựa trên 6 bệnh viện trong giai đoạn 1993 - 2012 cho thấy sử dụng tetracyclines liên quan tới tỷ suất nhiễm CDI thấp hơn nên được đề nghị là kháng sinh điều trị bậc 1.

Nguồn: https://academic.oup.com/cid/article-abstract/doi/10.1093/cid/cix833/4161552/Low-Risk-of-Primary-Clostridium-difficile

Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 21:56

Vắc xin hội chứng hô hấp trung đông (MERS) đang được phát triển, GLS-5300, đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm 1 thành công và đã nhận được sự đồng ý từ Bộ An Toàn thuốc và Thực Phẩm Hàn Quốc (KMFDS) cho thử nghiệm giai đoạn 2.

Nguồn: http://www.prweb.com/releases/2017/09/prweb14705738.htm

Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 21:51

Những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi (BNTMN ) hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức Y tế thế giới đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.

Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây BNTMN bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái. BNTMN đã ghi nhận ở Việt Nam trong thời gian gần đây bao gồm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS, 2003), cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003 với tỷ lệ tử vong khoảng 50%, cúm đại dịch (cúm A/H1N1, 2009). Bên cạnh BNTMN nguy hiểm nói trên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm lưu hành từ lâu như bệnh dại. Ở Việt Nam, bệnh dại hiện là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng quan tâm với số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, hơn 90% ca bệnh dại trên người do lây nhiễm từ chó. Đây là  bệnh có thể dự phòng hiệu quả bằng biện pháp tiêm vắc xin kịp thời, đúng và đủ liều, tuy nhiên số người tử vong do dại trung bình giai đoạn 2011-2016 vẫn xấp xỉ 100 ca/năm.  Ngoài ra, bệnh liên cầu lợn trên người với bệnh cảnh lâm sàng nặng nề, điều trị tốn kém, tỷ lệ tử vong cao và nếu khỏi cũng để lại nhiều di chứng nặng hiện đang diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong hàng năm không giảm do người dân vẫn giữ thói quen ăn tiết canh. Mặc dù từ tháng 2/2014 đến nay không phát hiện thêm ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 nào trên người, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm bệnh này từ gia cầm sang người vẫn luôn hiện hữu do dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và thói quen tiếp xúc gần gũi giữa con người và vật nuôi.

Quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự giao lưu của con người bằng những phương tiện giao thông hiện đại là cơ hội cho các ổ dịch BTNMN từ động vật lây sang người hiện tại hoặc có thể trong tương lai xuất hiện và bùng phát, cho dù bệnh phát sinh ở bên ngoài biên giới cũng có thể là mối đe dọa đối với các quốc gia. Gần đây, Việt Nam đứng trước nguy cơ xâm nhập của một số BNTMN có nguồn gốc từ động vật nguy hiểm như MerCoV ở Trung Đông và Hàn Quốc, Ebola ở Tây Phi, dịch hạch ở Châu Phi, cúm gia cầm A/H7N9 ở Trung Quốc…

Dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người là một mối đe dọa thường trực gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, kinh tế và xã hội. Phòng, chống hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe con người và vật nuôi, ổn định kinh tế xã hội của mỗi quốc gia mà còn góp phần đảm bảo an ninh y tế toàn cầu trong bối cảnh những biến đổi môi trường của quốc gia và thế giới đang diễn ra một cách nhanh chóng và nguy cơ xuất hiện các BNTMN và bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế đã cam kết tham gia Chương trình an ninh y tế toàn cầu từ tháng 2/2014 và xung phong là một trong những quốc gia đầu mối điều phối các hoạt động của Gói Hành động phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người (ZDAP). 

Gói Hành động ZDAP bao gồm Việt Nam, Indonesia và gần đây là Senegal với vai trò là 3 nước đầu mối hợp tác cùng 13 quốc gia thành viên khác hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực cho các quốc gia thành viên của GHSA trong việc phát hiện, dự phòng và ứng phó với các mối đe dọa y tế công cộng trên toàn cầu, phần lớn xuất phát từ các dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người có khả năng bùng phát, gây đại dịch hoặc thuộc tình trạng y tế cộng khẩn câp mang tính quốc tế (PHEIC) (www.ghsagenda.org).

Một trong những hoạt động của ZDAP là tổ chức các Hội nghị nhằm rà soát các hoạt động trong gói hành động ZDAP đã triển khai, chia sẻ thông tin dịch bệnh và đề xuất phương hướng phối hợp và thực hiện các hoạt động tiếp theo cũng như tìm kiếm các đối tác tiềm năng hỗ trợ thực hiện hoạt động. Từ năm 2015 đến nay, có hai Hội nghị quốc tế đã được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 8/2015 và tại Jakatar, Indonesia vào tháng 8/2016. Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 1 năm 2015, khung Kế hoạch hành động chung của các quốc gia ZDAP đã được xây dựng và thống nhất triển khai tại các quốc gia thành viên ZDAP.

Nhằm rà soát, đánh giá những hoạt động đã thực hiện trong 2 năm vừa qua từ đó xác định các hoạt động cụ thể ưu tiên trong trong những năm tới để đạt được các mục tiêu Kế hoạch 5 năm của Gói hành động ZDAP đã đề ra, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 29-30/8/2017. Tham gia đồng chủ Hội nghị còn có Indonesia và Senegal là hai quốc gia đầu mối ZDAP cùng với Việt Nam. Hội nghị quốc tế lần thứ 3 có 7 phiên làm việc chính với trọng tâm xoay quanh việc tăng cường hợp tác và chia sẻ các phương thức tiếp cận hiệu quả trong ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người như cúm gia  cầm, Ebola, dại v.v... Tham dự Hội nghị có 166 đại biểu từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động phòng chống và đáp ứng với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi liên tục xảy ra trong những năm vừa qua, trong đó hầu hết có nguồn gốc từ động vật như SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola… nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trên phạm vi toàn cầu, tiến tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các bệnh truyền nhiễm. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên ZDAP trong việc lồng ghép và kết nối hoạt động ZDAP với các gói hành động khác của Chương trình GHS theo hướng Một sức khỏe cũng như sự kết nối giữa các quốc gia và các Tổ chức quốc tế.

Sau hai ngày nghị sự, các đại biểu đã hoàn thành tất cả các chương trình làm việc của Hội nghị với kết quả tốt, tại  nhiều bài học kinh nghiệm, những mô hình tốt về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người đã được các quốc gia chia sẻ, đồng thời các đại biểu đã thông qua Kế hoạch hành động ZDAP cập nhật với các thông tin cơ bản về khoảng cách và thách thức, các hoạt động ưu tiên, thành tựu và kế hoạch ở phạm vi toàn cầu, tiến độ triển khai ZDAP của các quốc gia và khu vực… Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thông qua cơ chế điều phối ZDAP như là một phương pháp tiếp cận hiệu quả và thực tiễn để tăng cường sự điều phối trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người tại các quốc gia thành viên.

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết với vai trò đồng chủ trì Hội nghị, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết tham gia tích cực vào gói hành động ZDAP trong Chương trình GHS và mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ và sự hỗ trợ từ các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Hội nghị quốc tế lần thứ 3 phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người tại Đà Nẵng, Việt Nam là bằng chứng về sự cam kết mạnh mẽ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong việc phòng chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người nói riêng, đối với Chương trình An ninh y tế toàn cầu nói chung, cùng tiến tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các bệnh truyền nhiễm.  Sau Hội nghị này, thay mặt Nhóm ZDAP, cùng với Indonesia và Senegal, Việt Nam sẽ đưa những kết quả của Hội nghị tới Hội nghị cấp cao về An ninh y tế toàn cầu tổ chức tại Uganda trong tháng 10 năm 2017 tới đây. Kết quả của Hội nghị này cũng như sự cam kết của các quốc gia ZDAP sẽ lan tỏa tới các Nhóm hành động khác của Chương trình hợp tác GHS và tạo ra cơ hội cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc thực hiện Chương trình hợp tác GHS.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Trang