Thông tin
Thông báo số 504/TB-DPMT, ngày 12/4/2010 của Bộ Y tế Về tình hình tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả tại TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh
BỘ Y TẾ CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG Số: 504 /TB-DPMT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Về tình hình tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn Tả
tại TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh
Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế xin thông báo tình hình tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả tại TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh như sau:
1. Tình hình dịch tiêu chảy cấp tại TP. Hồ Chí Minh:
Theo báo cáo từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 04/4 – 11/4/2010, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 04 trường hợp tiêu chảy cấp, xét nghiêm dương tính với phẩy khuẩn Tả, gồm 02 trường hợp tại Phường 6, Quận 8; 01 trường hợp tại Phường 14, Quận 8; 01 trường hợp tại Phường 7, Quận 5.
Các trường hợp này đều khởi bệnh với triệu chứng đi ngoài phân lỏng, nhiều lần/ngày, sau đó đến khám và được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, các bệnh nhân trên đã được điều trị ổn định, không còn dấu hiệu mất nước.
Kết quả điều tra hiện chưa phát hiện được nguồn lây và các yếu tố dịch tễ liên quan.
2. Tình hình dịch tiêu chảy cấp tại Bắc Ninh:
Bệnh nhân nam, 50 tuổi, thương trú tại xã Tân Lãng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 05/4/2010, bệnh nhân xuất hiện đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện huyện Lương Tài sau đó được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Điều tra dịch tễ cho thấy, trong vòng 05 ngày trước khi khởi phát, bệnh nhân có ăn tiết canh, rau sống, gia đình sử dụng hố xí xả phân trực tiếp xuống ao. Kết quả xét nghiệm mẫu nước ao cạnh nhà bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn Tả.
Hiện tại, bệnh nhân trên đã được điều trị ổn định, số lần tiêu chảy giảm, không còn dấu hiệu mất nước.
Cục Y tế dự phòng và Môi trường đã chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Sở Y tế các tỉnh/thành phố tăng cường công tác giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch, điều tra xác định nguồn lây và các yếu tố dịch tễ liên quan, tuyên truyền cho người dân các biện pháp chủ động để phòng, chống dịch.
3. Khuyến cáo của Bộ Y tế:
Bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền nhanh, để chủ động phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục Y tế dự phòng và Môi trường khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
2. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá, đặc biệt là phòng tránh bệnh Tả.
3. Trong vùng có dịch, các gia đình không nên tổ chức ăn uống đông người.
4. Khi phát hiện trong gia đình có người bị tiêu chảy cấp, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
|
CỤC TRƯỞNG NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ (Đã ký) Nguyễn Huy Nga |
Thông báo số 469/TB-DPMT, ngày 06/4/2010 của Bộ Y tế Về trường hợp dương tính với vi rút cúm A(H5) tại Bắc Kạn
BỘ Y TẾ CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG Số: 469 /TB-DPMT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Về trường hợp dương tính với vi rút cúm A(H5) tại Bắc Kạn
Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo ca bệnh dương tính với vi rút cúm A(H5) tại tỉnh Bắc Kạn như sau:
Bệnh nhân nam, 22 tuổi, địa chỉ: xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ngày 28/3/2010, bệnh nhân xuất hiện sốt; Ngày 30/3/2010, bệnh nhân đến Trạm Y tế xã khám và chuyển lên Bệnh viện huyện Chợ Mới điều trị; Ngày 02/4/2010, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và được chẩn đoán Viêm phổi nặng nghi cúm A(H5N1), đến 20h00 cùng ngày bệnh nhân được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Ngày 03/4/2010, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H5).
Hiện tại, bệnh nhân đang được thở máy, điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, tại nhà và xung quanh khu vực nơi bệnh nhân đang sinh sống có hiện tượng gia cầm ốm/chết.
Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;
2.Không vận chuyển, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
|
KT. CỤC TRƯỞNG PHÓ CỤC TRƯỞNG (Đã ký) Nguyễn Văn Bình |
TS.BS LÊ THỊ ANH THƯ
BS.CKII. NGUYỄN THỊ THANH HÀ
Kỷ niệm lần thứ 50 hội nghị thường niện về “Dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn” của các nhà dịch tễ học Hoa kỳ (SHEA) vừa được tổ chức tại thành phố Atlanta, Bang Giorgia, Hoa Kỳ từ ngày 18 – 22/3/2010. Đây là một hội nghị hàng năm của các bác sĩ, điều dưỡng và những nhà dịch tễ học, vi sinh học, kiểm soát nhiễm khuẩn từ khắp các quốc gia trên thế giới về đây hội tụ. Hội nghị có sự tham gia của 72 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. Về nội dung hội nghị có tất cả 114 bài báo cáo khoa học, 174 nhà khoa học tham dự diễn đàn hội nghị, 734 nghiên cứu khoa học từ nhiều quốc gia trình bầy dưới dạng poster (Việt nam có 3 poster tại hội nghị này).
Chủ đề chính của hội nghị lần này là đánh giá lại những hoạt động và những thành tựu khoa học đã đạt được trong cuộc chiến giảm nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện (NKBV) và những giải pháp hiệu quả đã được áp dụng trong 10 năm qua. Hội nghị cũng đã đặt ra hàng loạt những câu hỏi và giải pháp cho các nhà khoa học, các thành viên của SHEA, các bác sĩ, điều dưỡng, nhà vi sinh, dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn từ khắp nơi trên thế giới về những vấn đề nóng bỏng, quan trọng nhất đang được quan tâm đến hiện nay.
GS.TS khoa học Thomas Frieden, giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) nói: “ Để phòng ngừa nhiễn khuẩn mắc phải trong bệnh viện trong những thập kỷ tới còn có nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ”, đó là
Có bao nhiêu người bệnh và chết vì nhiễm khuẩn bệnh viện, phải tốn kém bao nhiêu tiền bạc cho những nhiễm khuẩn mắc phải và những chết liên quan tới chúng ở những cơ sở khám chữa bệnh?
Còn rất ít hiểu biết của chúng ta về những vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện tại những cơ sở chăm sóc ngoài bệnh viện.
Có bao nhiêu biện pháp cải tiến mới đây trong kiểm soát nhiễm khuẩn?
Còn bao nhiêu những nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện chưa nhận được những cải tiến này?
Và ông cũng cho chúng ta thấy từ trước tới nay những biện pháp nhằm giảm bớt NKBV thường chỉ được chú trọng trong các khoa Hồi sức tích cực (HSTC), trong khi đó còn biết bao người bệnh được nhập và nằm điều trị tại các khoa khác ngoài khoa HSTC và họ cũng có nguy cơ bị lây nhiễm như vậy, trên thực tế nhiều nghiên cứu cho thấy con số NKBV tại các khoa ngoài HSTC còn cao hơn nhiều và tốn kém hơn nhiều, vì thế KSNK trong những thập kỷ tới phải mở rộng ra các khoa ngoài HSTC, trung tâm y tế, viện chăm sóc sức khỏe khác, để đảm bảo rằng tất cả các người bệnh khi vào đến bệnh viện đều được hưởng mọi dịch vụ chăm sóc an toàn cho họ. Ông cũng đặt ra cho chúng ta thấy, bên cạnh những thành tựu mà chuyên nghành dịch tễ học và kiểm soát nhiễm khuẩn đã đạt được, còn nhiều “lỗ hổng” trong kiến thức để can thiệp giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn một cách có hiệu quả vẫn chưa được làm rõ và không chấp nhận được. Ví dụ, trong những năm qua, chúng ta vẫn chưa trả lời được như trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện trên những bệnh nhân có đặt catheter đường máu và đường tiểu, vấn đề chưa trả lời được đó là làm thế nào để ngăn việc tạo ra các biofilm của các vi khuẩn, kỹ thuật tối ưu nào được sử dụng trong phòng ngừa. Hoặc trong những khuyến cáo cũng chưa nói rõ được việc duy trì chăm sóc sau khi đặt như thế nào cho tối ưu. Trong phòng ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, mức độ tiếp cận những can thiệp phẫu thuật và chuẩn hóa khi nào bệnh nhân sau mổ được xuất viện hoặc giám sát nhiễm khuẩn sau mổ còn chưa rõ ràng,….Vậy thì, những cái gì đã được chấp nhận và làm sáng tỏ, đó là làm giảm những nhiễm khuẩn mắc phải qua những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, ví dụ như trong phòng ngừa nhiễm khuẩn máu (NKM) trên những bệnh nhân có đặt catheter vào trong lòng mạch, những giải pháp trọn gói trong ngăn ngừa NKM là: sử dụng kỹ thuật đặt vô khuẩn, chọn vị trí đặt có ít nguy cơ nhiễm khuẩn, sử dụng chlorhexidine 2% sát trùng nơi tiêm chích, giám sát phản hồi các trường hợp đặt và nhiễm khuẩn tới các nhà lâm sàng. Giải pháp này đã được minh chứng tại các khoa HSTC ở Hoa Kỳ từ năm 1997 -2007, khi triển khai chúng đã giúp phòng ngừa được 7000 ca có khả năng NKM tiềm tàng, tránh được 1800 cái chết xảy ra và tiết kiệm được 180 triệu USD cho chi phí này hàng năm (JAMA, 2009, 301(7) 727-736). Ông nhấn mạnh rằng, để giảm NKBV và những cái chết đáng tiếng xảy ra, cần phải: “Tiếp tục có những chính sách và nguồn tài chính cung cấp đủ cho những hoạt động nhằm kiểm soát tối ưu NKBV; sử dụng một cách hiệu quả những biện pháp can thiệp đã có y học chứng cớ; nhấn mạnh tầm quan trọng của giám sát NKBV; Xây dựng những công cụ giúp cho phòng ngừa hiệu quả; tăng cường nghiên cứu những vấn đề mà chúng ta chưa hiểu biết; phổ biến những kiến thức và biện pháp hiệu quả không chỉ trong cơ sở khám chữa bệnh mà còn phải ra cộng đồng và xuất bản chúng; phải có một kế hoạch hành động trong tất cả các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Bằng những hoạt động hết sức thiết thực chính phủ đã giành 40 triệu USD từ CDC cho các bang nằm đẩy mạnh hoạt động giám sát và phòng ngừa NKBV; Gìanh 10 triệu USD từ trung tâm bảo hiểm cho các hoạt động giám sát và phòng ngừa của các dịch vụ chăm sóc ngoại khoa cấp cứu.”
Từ những vấn đề của hội nghị nêu ra, nghành KSNK non trẻ của chúng ta còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, không chỉ ở trong cấp độ những nhà kiểm soát nhiễm khuẩn, mà còn ở cả những nhà quản lý, nhà chiến lược của nghành y tế và các cơ quan ban nghành có liên quan. Với thông tư 18 về “ Hướng dẫn thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh do BYT ban hành năm 2009” sẽ giúp hoạt động KSNK của chúng ta sẽ ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được chất lượng cao, giúp lòng tin của người bệnh về dịch vụ y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh Việt Nam.
Thông báo số 394/TB-DPMT, ngày 19/3/2010 của Bộ Y tế Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Dương
BỘ Y TẾ CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG Số: 394 /TB-DPMT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Dương
Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Bình Dương như sau:
Bệnh nhân nữ, 03 tuổi, thường trú tại Bình Hòa, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Bệnh khởi phát ngày 05/3/2010 với biểu hiện sốt cao, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Thuận An và phòng khám tư nhân khám và điều trị nhưng không đỡ. Ngày 10/3/2010, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng II điều trị và được chẩn đoán sau hội chẩn là: Viêm phổi nặng nghi do cúm A(H5N1).
Kết quả xét nghiệm ngày 15/3/2010 tại Bệnh viện Nhi đồng II dương tính với vi rút cúm A(H5). Tại đây, bệnh nhân đã được điều trị tích cực bằng thuốc kháng vi rút, thở máy, kháng sinh hỗ trợ. Bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân tử vong ngày 17/3/2010.
Ngày 17/3/2010, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh khẳng định kết quả dương tính với vi rút cúm A(H5N1).
Đây là trường hợp tử vong thứ hai do cúm A(H5N1) trong năm 2010. Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;
2.Không vận chuyển, mua bán, chế biến gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
|
CỤC TRƯỞNG NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ (Đã ký) Nguyễn Huy Nga |
Thông báo số 259/TB-DPMT, ngày 26/02/2010 của Bộ Y tế Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Tiền Giang
BỘ Y TẾ CỤC Y TẾ DỰ PHÒNGVÀ MÔI TRƯỜNG Số:259/TB-DPMT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Về trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Tiền Giang
Cục Y tế dự phòng và Môi trường thông báo trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Tiền Giang như sau:
Bệnh nhân nữ, 38 tuổi, thường trú tại Xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Bệnh khởi phát ngày 13/02/2010, bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị ở nhà và đến trạm y tế xã điều trị nhưng không đỡ. Ngày 21/02/2010, bệnh nhân thấy mệt hơn, đau ngực, khó thở, được người nhà đưa đến điều trị tại Bệnh viện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng do vi rút – sốc nhiễm trùng nặng, bệnh nhân đã được hồi sức, điều trị tích cực. Bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân tử vong lúc 09h00 ngày 23/02/2010.
Điều tra dịch tễ cho thấy, bệnh nhân có tiền sử giết mổ và chế biến thủy cầm bị bệnh. Ngày 23/02/2010, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh trả lời kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H5N1).
Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A(H5N1) trong năm 2010. Cục Y tế dự phòng và Môi trường tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1.Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời;
2.Không vận chuyển, mua bán, chế biến gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các khu vực có ổ dịch cúm trên gia cầm; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
3.Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
|
CỤC TRƯỞNG NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ Y TẾ (Đã ký) Nguyễn Huy Nga |