Điểm báo

Chủ nhật, 15 Tháng 5 2016 13:43
Bệnh Viêm não do vi rút có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, lây qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trên cả nước hiện nay số ca mắc bệnh viêm não do vi rút tích lũy 18 tuần đầu năm 2016 giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh. Vậy để chủ động phòng bệnh viêm não vi rút, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
2. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín,uống chín
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. 
  5. Riêng đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản: tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản:

Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

 

                                                                                                Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế
http://vncdc.gov.vn/vi/khuyen-cao-phong-chong-dich-benh/935/khuyen-cao-phong-chong-benh-viem-nao-do-vi-rut
Chủ nhật, 15 Tháng 5 2016 13:39
Tiếp theo thông tin ngày 07/5/2016 của Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương về trường hợp công dân người Hàn Quốc xét nghiệm dương tính với vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Việt Nam đã liên hệ với Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Hàn Quốc đề nghị cung cấp thêm thông tin và ngày 09/5/2016 đã nhận được các thông tin bổ sung ban đầu về trường hợp này như sau:

Trong thời gian từ ngày 10/4/2016 đến ngày 30/4/2016, bệnh nhân làm việc tại Trường Quốc tế Hàn Quốc tại địa chỉ 21, Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh và tạm trú tại Khu đô thị Sky Garden 2, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế đã thông tin và chỉ đạo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động giám sát, điều tra, xác minh dịch, đồng thời chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại khu vực bệnh nhân làm việc và lưu trú như đối với xử lý ổ dịch. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Hàn Quốc xác định các thông tin liên quan khác để hỗ trợ cho quá trình điều tra, xác minh ổ dịch tại Việt Nam.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

 

-  Áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng):
+ Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
+ Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
+ Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, người đi/đến/về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.  ​
- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi/đến/về từ vùng dịch do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục.

  
Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.
http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-vi-rut-zika/934/cap-nhat-thong-tin-ve-truong-hop-nguoi-han-quoc-nhiem-vi-rut-zika-sau-khi-tro-ve-tu-viet-nam
Chủ nhật, 08 Tháng 5 2016 16:16
Theo thông báo của Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương, ngày 07/5/2016, Hàn Quốc ghi nhận trường hợp thứ tư nhiễm vi rút Zika xâm nhập.
 
 Đây là một phụ nữ 25 tuổi phát hiện bị nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam vào ngày 01/5/2016 và đến khám tại Bệnh viện Trường Đại học Catholic Incheon Saint Mary vào ngày 04/5/2016 với biểu hiện sốt nhẹ, phát ban và đau khớp. Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika ngày 7/5/2916.
 
Bệnh nhân có tiền sử làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam từ ngày 10/4/2016 đến ngày 30/4/2016; trong thời gian này có bị muỗi đốt và đến ngày 28/4/2016 có biểu hiện phát ban. Như vậy có thể  bệnh nhân bị nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam trong bối cảnh Tp. Hồ Chí Minh đã ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 vào đầu tháng 4/2016.
 
Hiện nay, Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Việt Nam đã liên hệ với Cơ quan đầu mối của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương để đề nghị Cơ quan đầu mối Hàn Quốc cung cấp thêm thông tin chi tiết về nơi làm việc, nơi ở của bệnh nhân trong thời gian ở Việt Nam cũng như nơi bệnh nhân hay tới thăm để khoanh vùng điều tra, giám sát tại Việt Nam. Đồng thời Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường việc giám sát lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Zika tại các tỉnh, thành phố để phát hiện sớm ổ dịch, xử lý kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng muỗi đốt, tích cực tham gia các hoạt động diệt muỗi, lăng quặng (bọ gậy) tại cộng đồng.
 
Những người có biểu hiện bệnh như sốt, phát ban, đau nhức cơ, khớp, đau mắt đỏ nên đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn, khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 
 
Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.
http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-vi-rut-zika/931/truong-hop-nguoi-han-quoc-nhiem-vi-rut-zika-sau-khi-tro-ve-tu-viet-nam
Thứ ba, 03 Tháng 5 2016 20:45
Thai lưu là tình trạng thai bị chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ, đây là một bệnh lý phức tạp, thường gặp ở các nước trên thế giới. Tại Châu Á, tỷ lệ thai lưu chiếm 25 –40/1000 trường hợp đẻ sống, tại Việt Nam tỷ lệ này chiếm khoảng 10/1.000 ca đẻ sống và đặc biệt cao ở phụ nữ nhóm tuổi 20 –30 (59,9% số trường hợp) và các phụ nữ chưa sinh lần nào (39,7% số trường hợp). Thai lưu do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân chính từ bệnh lý của người mẹ, nhiễm trùng hoặc nhiễm độc thai nghén trong quá trình mang thai, tuy nhiên có từ 20-50% số trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân. 

       Liên quan đến các trường hợp nhiễm vi rút Zika, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã cùng thống nhất về mặt khoa học vi rút Zika là một trong các nguyên nhân gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh; tuy nhiên có rất ít thông tin ghi nhận về các trường hợp xảy thai hoặc thai chết lưu ở những phụ nữ nhiễm vi rút Zika. Tại Mỹ năm 2016 ghi nhận 02 trường hợp xảy thai, tại Brasil trong năm 2015-2016 ghi nhận 235 trẻ chết trong thời gian mang thai hoặc sau sinh (gồm xảy thai hoặc chết non) trong số 7015 trường hợp có chứng đầu nhỏ và/hoặc biến chứng thần kinh (ước tính trong trong khoảng thời gian từ cuối năm 2015 đến nay Brasil ghi nhận khoảng 400.000 đến 1.300.000 trường hợp nhiễm vi rút Zika). 

       Hiện Việt Nam đã xác định hai trường hợp nhiễm vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa. Để phòng chống các trường hợp bà mẹ có thai bị nhiễm vi rút Zika hoặc xảy ra những dị tật đáng tiếc cho thai nhi, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, đi khám thai định kỳ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi rút Zika cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bộ Y tế khuyến cáo: 
 

1. Người dân nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định vi rút Zika cần đến cơ quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán xác định bệnh. 
2. Người dân không nên tự xét nghiệm xác định vi rút Zika khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế. Việc xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika chỉ tiến hành khi có chỉ định của cơ quan y tế.
3. Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu, sống trong vùng có dịch hoặc đã từng đến vùng có dịch nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định vi rút Zika. 
4. Phụ nữ đang mang thai trong 3 tháng đầu có chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm vi rút Zika dương tính nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc nên đi xét nghiệm xác định vi rút Zika. 
5. Để chủ động phòng ngừa bị nhiễm vi rút Zika, người dân chủ động áp dụng các biện pháp tránh bị muỗi đốt và tích cực tham gia diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy).

 
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-vi-rut-zika/925/nguy-co-xay-thai-hoac-thai-chet-luu-do-nhiem-vi-rut-zika-la-khong-lon
Thứ ba, 26 Tháng 4 2016 17:51

Nam bệnh nhân 58 tuổi được phát hiện dương tính với cúm A/H1N1, chuyển từ Bệnh viện quận Thủ Đức lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để điều trị.

Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục ổn định và dự kiến xuất viện vào ngày mai. Cách đây khoảng 10 ngày, nam bệnh nhân ngụ Linh Trung, Thủ Đức, vào Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng suy hô hấp cấp. Trước đó bệnh nhân sốt cao, lạnh run, đau nhức toàn thân, tiêu chảy, ho đàm vàng, khó thở ngày càng tăng.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết bệnh nhân được điều trị kháng sinh liều cao, dinh dưỡng, hỗ trợ hô hấp... Với chẩn đoán cúm H1N1, bệnh nhân được hội chẩn và chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào ngày 23/4. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục ổn định, tỉnh táo, hô hấp cải thiện.

Đây là bệnh nhân cúm H1N1 đầu tiên trong năm tại TP HCM. Cúm A/H1N1 là loại virus lưu hành quanh năm, song thường dịch xảy ra trong thời gian cuối mùa thu và mùa đông. Đây là loại virus cúm lợn có nhiều biến thể khác nhau. Triệu chứng của cúm H1N1 tương tự các triệu chứng thông thường của cúm như đột nhiên sốt cao, đau khắp người, đau đầu, mệt mỏi, ho khan, chảy nước mũi, đau họng.

Những người khỏe mạnh sau vài ngày sẽ khỏi. Người có cơ địa yếu, người già, trẻ suy dinh dưỡng, tiểu đường… sẽ bị nặng, nhanh gây biến chứng viêm phổi. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong. Bất kỳ chủng cúm nào cũng là nguy hiểm vì nó đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì vậy khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho, mọi người không nên chủ quan, cần đi khám bệnh để điều trị sớm. Khi có dấu hiệu cúm nên hạn chế tới nơi đông người để tránh lây lan cho người khác. Thực hiện tốt vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, khi tiếp xúc với người bệnh... để phòng bệnh.

Lê Phương

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/benh-nhan-tp-hcm-dau-tien-nhiem-cum-h1n1-3393662.html

 

Thứ ba, 26 Tháng 4 2016 17:48

Theo các quan chức y tế Mỹ, nhiều bang và thành phố cần áp dụng chiến lược "tiếp cận 4 chiều" nhằm ngăn chặn sự lây lan của vật trung gian mang virus Zika.

Theo số liệu trên trang web của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tính tới ngày 30/3, 312 trường hợp nhiễm virus Zika ở Mỹ sau khi đi du lịch tới các nước có dịch. Trong số đó, 27 bệnh nhân là phụ nữ mang thai, 6 trường hợp nhiễm bệnh qua đường tình dục và một người mắc hội chứng thần kinh nguy hiểm Gullain-Barre.

Tại các vùng lãnh thổ thuộc Mỹ, 352 trường hợp nhiễm virus Zika, với 3 bệnh nhân nhiễm bệnh sau khi đi du lịch và 349 người khác nhiễm bệnh tại địa phương.

Kiểm soát lẻ tẻ

Tiến sĩ Lyle Petersen, giám đốc Bộ phận Vector-truyền thuộc CDC, cho hay, các cơ quan kiểm soát muỗi ở khu vực hoạt động nhỏ lẻ, phân tán và thường nhận sự phối hợp và tài trợ chi phí từ chính quyền địa phương. Thậm chí tại nhiều khu vực, hoạt động này không có sự phối hợp với cơ sở y tế địa phương, theo Reuters.

Đa số chương trình được tài trợ để giảm số lượng muỗi lại dành kinh phí cho việc kiểm soát những loại muỗi gây phiền toái cho người dân, hơn là khống chế loại muỗi mang nguồn lây bệnh.

Hệ thống giám sát ở hầu hết các bang và thành phố đang tập trung vào loại muỗi cắn vào ban đêm, sinh sản trong các vật dụng chứa nước cỡ lớn, và không thể phát hiện loại muỗi vằn Aedes (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) thường trú ngụ ở các chậu hoa, lốp xe, thùng rác và các hồ nước nhỏ. Không giống nhiều loại muỗi khác, trứng của muỗi vằn Aedes có thể khô và bám vào bề mặt xe chở hàng và sản sinh khi trời đổ mưa.

            
 

Khu vực được báo cáo có trường hợp nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch (xanh nhạt) và những vùng có bệnh nhân nhiễm virus tại địa phương (đậm) 

Trong khi đó, nhiều quan chức bày tỏ lo ngại về chi phí cho việc đối phó với virus Zika. Theo ông Daniel Kass, Phó ủy viên về sức khỏe môi trường New York, thành phố có số lượng lớn người du lịch và từng đối diện với dịch sốt vàng da được dự đoán sẽ phải chi từ 5 tới 6 triệu USD cho việc chuẩn bị đối phó với virus Zika.

Loại muỗi vằn Aedes aegypti không phổ biến ở New York nhưng thành phố này là “nhà” chứa muỗi Aedes albopictus – một loại muỗi khác cũng có khả năng truyền virus Zika.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama yêu cầu Quốc hội chi khoảng 1,9 tỷ USD trong quỹ khẩn cấp để đối phó với virus Zika nhưng vấp phải sự phản đối từ thành viên đảng Cộng hòa. Thành viên đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ nên sử dụng 3 tỷ USD trong quỹ còn lại từ chiến dịch chống dịch Ebola trước khi chi nhiều hơn cho cuộc chiến chống virus Zika.

Tiếp cận 4 chiều

Zika liên quan tới hàng nghìn trường hợp nghi mắc dị tật đầu nhỏ ở Brazil. Virus này đã lây lan nhanh chóng sang Puerto Rico, vùng lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ. Puerto Rico sẽ là khu vực thuộc Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh nguy hiểm này. Tại Puerto Rico, trọng tâm của chiến dịch chống Zika hiện nay là bảo vệ phụ nữ mang thai trước các loại muỗi mang theo virus này.

Zika được dự báo lan sang các bang miền Nam nước Mỹ ngay khi nhiệt độ tăng cao vào mùa xuân và hè. Do đó, theo các quan chức y tế Mỹ, nhiều bang và thành phố cần thực hiện chiến lược mới chống các loại muỗi khác nhau nhằm đối phó sự lây lan của vật trung gian mang virus Zika.

Theo CDC, các loài muỗi gây phát tán virus Zika bằng cách đốt người sống trong và xung quanh nơi ở, khiến chiến dịch phun thuốc diệt côn trùng vào ban đêm trở nên vô hiệu.

Tiến sĩ Thomas Frieden, giám đốc CDC, cho hay các cơ sở y tế cần phải có "cách tiếp cận 4 chiều", tập trung vào loại muỗi vằn Aedes trong nhà và ngoài trời cũng như tiêu diệt ấu trùng và côn trùng trưởng thành.

“Ít nhất chúng ta có thể giảm thiểu và kiểm soát đáng kể dịch bệnh”, ông Frieden phát biểu tại “Hội nghị Kế hoạch Hành động chống virus Zika” tại trụ sở của CDC ngày 1/4.

Đa số loại muỗi hoạt động vào lúc hoàng hôn hầu như không gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, muỗi vằn Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày và hút máu nhiều người cùng lúc.

Theo ông Frieden, muỗi Aedes aegypti được gọi là “gián muỗi” vì rất khó giết. “Thật không may, tại một số khu vực ở Mỹ, loại muỗi này thường kháng thuốc diệt côn trùng", ông Frieden nói nhưng nhấn mạnh, nhân viên y tế vẫn có thể dùng loại thuốc này để diệt muỗi.

Virus Zika được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1947 tại rừng Zika của Uganda. Bệnh nhân nhiễm virus thường bị sốt, đau mắt, đau đầu, đau khớp, đôi khi buồn nôn và đau dạ dày. Virus Zika được cho là lây truyền từ người sang người thông qua vật trung gian là muỗi vằn Aedes, loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tháng 1, nó bắt đầu lây lan nhanh ở Brazil, và các nước khác tại Nam Mỹ và Bắc Mỹ sau đó là nhiều nước ở châu Âu lẫn châu Á. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 2 ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu khi Zika lây lan nhanh chóng ở châu Mỹ. Virus này liên quan tới dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng thần kinh nguy hiểm Guillain-Barre.

Theo WHO, đến nay đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào... đã ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm virus Zika. Sáng 5/4, Bộ Y tế xác nhận 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ở Việt Nam.

Hải Anh

 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

(Nguồn: http://news.zing.vn/my-thay-doi-cach-diet-muoi-de-doi-pho-zika-post639572.html)

Thứ ba, 26 Tháng 4 2016 17:45

Sau khi phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh và thực hiện Quyết định 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, ngày 05/4/2016 Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 869/QĐ-CTUBND về việc công bố dịch bệnh do vi rút Zika tại phường Phước Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngày 06/4/2016, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1634/QĐ-UBND về việc công bố dịch bệnh do vi rút Zika tại phường Thạch Mỹ Lợi, quận 2, TP. Hồ Chí Minh.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất sự lan rộng ra cộng đồng, ngành y tế tỉnh Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm, đồng thời tích cực triển khai chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy trên diện rộng, truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Sau 24 ngày kể từ ngày khởi phát trường hợp bệnh đầu tiên, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika.

Ngày 22/4/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 1046/QĐ-CTUBND về việc “Công bố hết dịch bệnh do virus Zika quy mô xã, phường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” từ ngày 20/4/2016. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định số 2018/QĐ-UBND về việc “Công bố hết dịch bệnh do vi rút Zika quy mô xã, phường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” từ ngày 22/4/2016.

Như vậy, đến nay tại Việt Nam không còn địa phương nào ghi nhận dịch bệnh do vi rút Zika trên qui mô xã, phường. Bộ Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, lấy mẫu, xét nghiệm, đẩy mạnh chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên cả nước, đồng thời tiếp tục cập nhật, chia sẻ thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên website chính thức của Cục Y tế dự phòng và các phương tiện truyền thông đại chúng.
 
Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/919/cong-bo-het-dich-benh-do-vi-rut-zika-tren-quy-mo-xa-phuong-tai-tinh-khanh-hoa-va-thanh-pho-ho-chi-minh

Trang