Thông tin

Thứ ba, 26 Tháng 6 2018 11:08

Các nhà nghiên cứu của CDDEP gồm Itamar Megiddo, Eili Klein và Ramanan Laxminarayan vừa công bố trên tạp chí The British Medical Journal một nghiên cứu đánh giá hiệu quả và chi phí hiệu quả của vắc xin phế cầu khuẩn liên hợp, PCV-13, trong chương trình tiêm chủng toàn cầu của Ấn Độ (UIP). Kết quả cho thấy khoảng 38.400 trường hợp tử vong hàng năm có thể được ngăn ngừa nếu PCV-13 được sử dụng trên toàn Ấn Độ để dự phòng nhiễm khuẫn Streptococcus pneumonieae. Vắc xin sẽ giúp bảo vệ tổn thất tài chính cho các gia đình nghèo, những người phải tự trả chi phí điều trị hoặc nhập viện do người nhà bị nhiễm S. pneumoniae.

Nguồn: http://gh.bmj.com/content/3/3/e000636

Thứ hai, 04 Tháng 6 2018 22:11
Suckhoedoisong.vn - Theo Bộ Y tế, tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), những người nhiễm cúm A(H1N1) hay vi rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm.

GS.TS Nguyễn Gia Bình – Nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai), Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam cho biết, để phân biệt được bệnh cúm mùa thông thường với những bệnh cúm dễ có biến chứng nặng thì đối với các bác sĩ cũng không hề dễ dàng, mà phải nhờ vào công nghệ sinh học khá tốn kém và mất thời gian.

Các triệu chứng lâm sàng của cúm thường là sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan... hoàn toàn giống nhau và chỉ khác là nếu đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp CT phổi để xác định xem bệnh nhân có nhiễm cúm hay không, có tiến triển nặng hay không để có kế hoạch điều trị cụ thể.

“Nhiều khi người bệnh thường chủ quan, nghĩ là cảm cúm thông thường không đến bệnh viện đến khi cơ thể không chịu nổi mới tới bệnh viện thì lúc đó cơ thể đã bị tàn phá quá nhiều với hội chứng suy đa phủ tạng. Dù với hệ thống máy móc hỗ trợ tim, phổi, gan, thận có nhiều nhưng tỷ lệ tử vong cũng khá cao.

Do đó, dù không nhất thiết phải đến bệnh viện ngay ngày đầu nhưng bệnh nhân và người thân khi thấy trở bệnh nặng thì chúng ta phải đến các cơ sở y tế để có các thiết bị chẩn đoán, theo dõi được tốt hơn, điều trị cúm theo phác đồ của Bộ Y tế”- GS. Bình khuyến cáo.

GS.TS Nguyễn Gia Bình.

 

Quan trọng là cắt nguồn lây

Để phòng bệnh cúm, GS. Bình cho rằng, cúm là bệnh truyền nhiễm do đó, muốn không mắc bệnh cúm phải cắt được nguồn lây, song điều này không dễ. Nếu không kiểm soát được nguồn lây thì bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm cúm kể cả trẻ con và người lớn. Hơn nữa đây là bệnh lây qua đường hô hấp, người dân thường xuyên phải đến chỗ đông người, nên bệnh rất dễ lây lan. Những người bị cúm nên đeo khẩu trang vì khi họ nói, hắt hơi, ho, virus cúm theo đường giọt bắn lây sang người khác.

Biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất là làm nhà cửa thông thoáng, chúng ta chỉ cần mở cửa sổ làm thông khí. Những người mắc bệnh mạn tính, mắc bệnh phổi, chạy thận, đái tháo đường, người thường xuyên dùng thuốc corticoid, hay người già, trẻ em... nguy cơ bị cúm cao hơn. Với những người này, vào khoảng tháng 8 nên đi tiêm phòng cúm.

“Khi trong phòng kín, một người nhiễm virus cúm sẽ mang virus vào và phát tán trong khu vực đó, làm người khác rất dễ nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Nơi làm việc, nhà ở cần được mở cửa đón ánh nắng vào vì con virus cúm rất sợ ánh nắng mặt trời, ánh nắng mặt trời tiêu diệt được rất nhiều loại virus trong đó có virus cúm.

Trước đây trong thời gian 15 năm qua, chúng tôi điều trị cho nhiều bệnh nhân bị virus cúm nặng, chúng tôi chỉ trang bị những quạt thông gió mạnh, thổi không khí ra ngoài nắng, nhân viên chỉ cần trang bị khẩu trang ngoại khoa của Việt Nam, không nhân viên nào của chúng tôi bị lây nhiễm cúm”- GS. Bình cho biết thêm.

Dễ gây bội nhiễm

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), những người nhiễm cúm A(H1N1) hay vi rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm.

BV Từ Dũ nơi có 18 người mắc cúm A/H1N1. Ảnh: Internet.

 

Vi rút cúm A(H1N1) có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dụng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A(H1N1).

Những người mắc cúm A(H1N1) có thể lây lan bệnh 01 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 07 ngày sau khi khởi bệnh. Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A(H1N1) người bệnh thường có các triệu chứng sau: Sốt, thường trên 38 độ C, và ớn lạnh; Đau viêm họng; Nhức đầu; Đau mình và nhức cơ; Ho khan; Sổ mũi; Mệt mỏi và suy nhược; Tiêu chảy và ói mửa…

Để phòng chống cúm A(H1N1), Bộ Y tế khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp đối với cúm mùa thông thường:

- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.

- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc

- Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh. Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan. Việc nhận biết và phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh có thể giúp điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

- Các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh bệnh dịch.

Dương Hải

 

Thứ hai, 04 Tháng 6 2018 22:09

(VOH) - Chiều 2/6, thông tin từ phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP cho biết, ngày 01/06/2018, tại bệnh viện Từ Dũ 23 trường hợp có triệu chứng nhiễm siêu vi hô hấp tại khoa Nội soi.

Bệnh nhân đầu tiên khởi phát ngày 30/05, các bệnh nhân còn lại khởi phát trong ngày 01/06/2018.

Ngay sau khi phát hiện, bệnh viện Từ Dũ đã khẩn trương hội chẩn với bệnh viện  Nhiệt Đới, đồng thời báo cáo Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố để tiến hành các biện pháp dự phòng như cách ly, vệ sinh khử khuẩn, truyền thông, lấy mẫu xét nghiệm.

Ảnh: VNN

Đến sáng 2/6/2018, sau khi có kết quả xét nghiệm là cúm A H1N1, công tác hội chẩn với các chuyên gia được tiến hành, Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành điều trị Tamiflu cho các bệnh nhân sốt, các trường hợp sốt có chỉ định xuất viện sẽ được theo dõi cách ly tại địa phương. Các trường hợp không sốt và có chỉ định xuất viện trong thời gian 2–3/6/2018.

Ghi nhận đến sáng 2/6/2018, tại khoa Nội soi - bệnh viện Từ Dũ không phát hiện thêm ca bệnh sốt mới.

Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố sẽ tiến hành phối hợp với bệnh viện trong việc kiểm soát lây nhiễm và hạn chế phát sinh những trường hợp mắc mới, tổ chức hướng dẫn và triển khai phòng ngừa phát khẩu trang và tăng cường rửa tay cho bệnh nhân và thân nhân khoa Nội soi.

Nhất Hương

http://voh.com.vn/tam-ly-suc-khoe/xuat-hien-chum-benh-cum-a-h1n1-trong-benh-vien-tu-du-271916.html

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 21:04

Nipah virus (NiV) là một loại virus mới nổi gây bệnh nghiêm trọng cho cả con người và động vật. Ký chủ tự nhiên của virus là dơi ăn quả thuộc gia đình Pteropodidae, chi Pteropus.

NiV được xác định lần đầu trong vụ dịch tại Kampung Sungai Nipah, Malaysia năm 1998. Trong vụ dịch đó, lợn là túc chủ trung gian. Tuy nhiên, trong các vụ dịch tiếp theo, không có ký chủ trung gian nào. Tại Bangladesh năm 2004, con người bị nhiễm NiV do sử dụng sáp cọ bị nhiễm khuẩn từ dơi ăn quả. Lây truyền từ người sang người cũng đã được ghi nhận, gồm cả trường hợp nhiễm trong bệnh viện tại Ấn Độ.

Nhiễm NiV trên người có biểu hiện lâm sàng thay đổi từ nhiễm khuẩn không triệu chứng tới hội chứng viêm phổi cấp và viêm não tử vong. NIV cũng có khả năng gây bệnh trên lợn và các vật nuôi trong nhà khác. Chưa có vắc xin cho cả người và động vật. Điều trị ban đầu cho người nhiễm là chăm sóc hỗ trợ tích cực.

Nguồn: http://www.who.int/csr/disease/nipah/en/

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 20:27

Ngoài Zika và Ebola, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo các hội chứng hô hấp sẽ đe dọa sức khỏe toàn cầu trong năm 2018.

Mỗi năm một lần, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố danh sách những mầm bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát thành dịch hoặc chưa có biện pháp đối phó.

Năm 2018, danh sách này gồm có 10 bệnh sau:

Sốt xuất huyết Crimean–Congo (CCHF)

Ebola

Virus Marburg

Sốt Lassa

Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-CoV)

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS)

Bệnh do virus Nipah và Henipavirus

Sốt thung lũng Rift 

Zika

Bệnh X (dùng để chỉ một loại vi khuẩn chưa biết có khả năng phát triển mạnh mẽ giống như dịch cúm Tây Ban Nha từng khiến 50 triệu người tử vong)

Bên cạnh 10 mầm bệnh trên, WHO khuyến cáo cộng đồng cẩn trọng trước bệnh đậu mùa, leptospirosis, Chikungunya, virus West Nile, dịch hạch và hội chứng sốt giảm tiểu cầu (SFTS). Ngoài ra, tổ chức này kêu gọi các nhà khoa học tích cực nghiên cứu, phát triển các loại văcxin đồng thời nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình trạng kháng kháng sinh. 

Minh Nguyên

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 20:24

Virus lây lan thành dịch tại Ấn Độ, tỷ lệ tử vong lên 40-75%, giới chức y tế lo ngại nguy cơ bùng phát đại dịch.

Theo giới chức y tế Ấn Độ, 18 mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm thì có 12 mẫu dương tính virus Nipah, trong đó có 10 bệnh nhân đã tử vong. Trường hợp tử vong mới nhất là một nữ y tá 31 tuổi, có thể phơi nhiễm với virus chết người này khi chăm sóc các bệnh nhân. Thi thể của nữ y tá được hỏa táng để tránh phát tán virus.

Dịch bệnh bùng phát ở phía nam Ấn Độ. Hàng chục người đang được điều trị tại bệnh viện, hơn 90 người bị cách ly. Chuyên gia y tế Ấn Độ cho biết virus này khó phát hiện, thời gian ủ bệnh từ 4 đến 18 ngày.

Theo AFP, Nipah được coi là virus mới nổi nguy hiểm. Các nhà khoa học phát hiện virus này có thể lây truyền từ dơi sang các loài khác trong đó có con người trong 20 năm qua. Bệnh hiện chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu và có thể lây truyền từ người sang người. Tỷ lệ tử vong cao lên đến 40-75%.

Giới chức y tế Ấn Độ đang làm mọi biện pháp để ngăn ngừa dịch lây lan.

Giới chức y tế Ấn Độ đang làm mọi biện pháp để ngăn ngừa dịch lây lan.

Nhiều chuyên gia lo ngại virus Nipah tiềm ẩn nguy cơ bùng phát một đại dịch chết người. Vì thế, Tổ chức Y tế Thế giới xếp virus này trong nhóm cần được ưu tiên nghiên cứu khẩn, cùng với các bệnh khác như Ebola và SARS.

Virus này được phát hiện lần đầu tại Malaysia vào năm 1998, khi 265 người bị lây nhiễm một căn bệnh kỳ lạ dẫn đến viêm não, sau khi họ tiếp xúc với lợn hoặc người ốm. Trong đại dịch năm ấy, 105 người đã chết, tỷ lệ tử vong 40%. Từ đó, thi thoảng vẫn phát hiện những vụ dịch nhỏ tại Ấn Độ và Bangladesh, với 280 bệnh nhân, trong đó 211 người tử vong, tức tỷ lệ tử vong trung bình 75%. Virus lây truyền từ loài dơi ăn quả (đặc biệt tại những nước trồng cọ lấy dầu như Malaysia), có thể từ lợn sang người. 

Trong lần đầu được phát hiện, virus này lây truyền từ lợn sang người. Nhà chức trách đã phải tiêu hủy hơn một triệu con lợn để ngăn chặn dịch lây lan. Kể từ đó, các nhà khoa học phát hiện một số loài dơi ăn quả được coi là vật chủ tự nhiên của virus này.

Biểu hiện của bệnh cũng rất đa dạng. Một số bệnh nhân bị sốt, đau đầu, sau đó buồn ngủ, lơ mơ. Một số khác lại có biểu hiện giống như bị cúm; có trường hợp tiến triển đến hôn mê trong 1-2 ngày.

Việt Nam nằm trong vùng có thể lưu hành virus này, tuy nhiên hiện chưa có ca bệnh nào. 

Phương Trang

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/10-nguoi-an-do-chet-hon-90-nguoi-bi-cach-ly-vi-virus-moi-noi-nipah-3753166.html

Thứ ba, 22 Tháng 5 2018 20:16

Ngày 08/5/2018, Bộ Y tế nước Cộng hòa dân chủ Công gô thông báo ghi nhận 02 trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola tại khu vực thị trấn Bikoro, tỉnh Equateur, đây là khu vực cách khoảng 250 km tới Mbandaka, thủ phủ tỉnh Equateur. 

Cộng hòa dân chủ Công gô đã ghi nhận 05 đợt dịch Ebola từ năm 1976 đến nay, lần gần nhất vào tháng 5/2017; tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, dịch Ebola xuất hiện tại thị trấn Bikoro. Trong khoảng thời gian từ 04/4 đến 05/5/2018 tại Bikoro đã ghi nhận 21 trường hợp nghi ngờ với biểu hiện sốt, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, đau khớp, một số trường hợp có xuất huyết dưới da, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Kết quả điều tra cho thấy, trong số 21 trường hợp nghi ngờ có 17 trường hợp đã từng tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh trước đó. 

Bộ Y tế nước Cộng hòa dân chủ Công gô đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp nhằm khống chế ổ dịch. Hiện nay, dịch bệnh Ebola tại Cộng hòa dân chủ Công gô được đánh giá ở mức độ nguy cơ cao; tuy nhiên WHO khuyến cáo không hạn chế việc đi lại quốc tế. 

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do vi rút Ebola trên thế giới và chủ động chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu và tại cộng đồng để kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách phù hợp, hiệu quả, ngăn ngừa mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta. 

 
Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế quốc gia - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
 

Trang