Thông tin

Thứ sáu, 27 Tháng 4 2018 21:11

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.

 

Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vắc xin. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh, tuy nhiên có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời cho người bị chó nghi dại cắn là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại ở người.

Hiện nay, Việt Nam có 2 vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành là vắc xin Verorab do Công ty Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất và vắc xin Abhayrab do Công ty  Human Biologigical Institute, Ấn Độ sản xuất. Vắc xin dại được sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ do người dân tự chi trả. Trên cả nước có khoảng 700 điểm tiêm chủng vắc xin dại. Hàng năm trung bình có khoảng 400.000 - 500.000 người tiêm vắc xin phòng dại. 

Trong những tháng đầu năm 2018 tại một số địa phương xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ vắc xin phòng bệnh dại, từ thực tế đó Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người đã khuyến cáo các điểm tiêm phòng dại cần tăng cường sử dụng phác đồ tiêm trong da thay thế phác đồ tiêm bắp khi sử dụng vắc xin dại để tiết kiệm sử dụng vắc xin, tăng số lượng người được tiêm. Bên cạnh đó Bộ Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp như: ban hành kế hoạch dự trù vắc xin; phối hợp với cơ quan Thú y và chính quyền địa phương trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch dại kịp thời; hướng dẫn các đia phương thực hiện đúng các quy định hiện hành trong công tác phòng, chống bệnh dại đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nhập khẩu, kiểm định, phân phối vắc xin này để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của người dân., đến nay vắc xin này đã được cung ứng kịp thời cho các cơ sở tiêm chủng vắc xin dại trên phạm vi toàn quốc để người dân có thể tiêm chủng phòng chống bệnh dại.  

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thứ ba, 10 Tháng 4 2018 10:14

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã góp phần quan trọng trong thanh toán và phòng chống nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến ở trẻ em. Để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác tiêm chủng mở rộng, năm 2018, Bộ Y tế có kế hoạch đưa một số vắc xin mới vào chương trình TCMR.

Vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella

Giai đoạn 2014 – 2016, Việt Nam đã triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho hơn 23 triệu trẻ em dưới 19 tuổi trên toàn quốc do Ấn độ sản xuất, góp phần kiểm soát dịch bệnh sởi rubella, năm 2017 số ca mắc thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin Sởi – Rubella. Trong tháng 3/2018, vắc xin Sởi – Rubella được đưa vào sử dụng trong chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 04 tỉnh, kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc xin Sởi – Rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016. Theo kế hoạch, từ tháng 4/2018, vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR. 

Vắc xin bại liệt tiêm (IPV)

Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và bảo vệ thành quả trong hơn 17 năm qua. Để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2,3,4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV (vắc xin bại liệt 2 tuýp), Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình TCMR từ tháng 8/2018.

Vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib

Trong hơn 7 năm qua, Chương trình TCMR đã sử dụng vắc xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi. Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem, số vắc xin Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018 trên quy mô toàn quốc. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại 04 tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý II năm 2018. 

Vắc xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình TCMR cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1.

Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình mở rộng, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, và kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai thấp; Bộ Y tế khuyến cáo các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi – Rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh Sởi, hội chứng Rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con.

Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về việc tiêm vắc xin Sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi vào cuối năm 2018.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thứ ba, 10 Tháng 4 2018 10:12

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới tình hình dịch sốt xuất huyết những tháng đầu năm đã giảm ở hầu hết tại các nước trong khu vực châu Á và châu Mỹ La tinh. Tại Việt Nam, từ đầu năm số mắc giảm liên tục qua các tuần. Tích lũy đến tuần 13, cả nước ghi nhận hơn 14 nghìn trường hợp mắc, giảm 37,2% so với cùng kỳ 2017 (22.416/9). Mặc dù số mắc trong khu vực và tại nước ta có giảm trong những tháng đầu năm, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch.

Để chủ động phòng chống dịch, từ đầu năm Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018. Thực hiện sự chỉ đạo, ngành y tế các địa phương đang chủ động triển khai giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, tình hình véc tơ truyền bệnh (chỉ số muỗi và lăng quăng) nhằm phát hiện sớm nhất các ổ dịch và vùng nguy cơ bùng phát dịch để có những biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố tích cực tổ chức các hoạt động phòng chống trong những tháng cao điểm phòng chống sốt xuất huyết và ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6).

Hiện nay đang bắt đầu vào mùa mưa, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu chúng ta không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống. Để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thứ bảy, 07 Tháng 4 2018 13:39

Polycarbonates tổng hợp thế hệ mới cho thấy khả năng vượt trội chống lại các vi khuẩn kháng thuốc ở chuột. Các nhà khoa học phát hiện polymer tăng cường guanidinium có khả năng tiêu hủy 5 loại vi khuẩn kháng thuốc (Acinetobacter baumannii, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, MRSA, and Pseudomonas aeruginosa). Các phân tử mới làm mất hoạt tính sinh học khi nó phân hủy (sau 72 giờ trong cơ thể), không gây độc cho tế báo người, do đó không gây ra kháng thuốc. Nhóm nghiên cứu quốc tế, nỗ lực kết hợp giữa IBM (Hoa Kỳ) và Viện công nghệ sinh học và công nghệ nano (Singapore), nói rằng họ đã sẵn sàng thử nghiệm trên người.

Nguồn: https://www.nature.com/articles/s41467-018-03325-6

Thứ bảy, 07 Tháng 4 2018 09:14

Các gien gây ra kháng 5 loại kháng sinh đã được phát hiện ở những vi khuẩn gây ra hơn 300 ca kháng thuốc ở Sindh, Pakistan (và một ca tại Anh Quốc có liên quan tới du lịch) từ tháng 11, 2017. Các mẫu Salmonella enterica serovar Typhi (S. typhi) từ vụ dịch được nhóm nghiên cứu của viện Wellcome Sanger phân tích và phát hiện ra các gien giống nhau đáng chú ý. AND của các vi khuẩn gồm một plasmid có thể đã được chuyển đổi từ một dòng E. coli kháng thuốc.

Nguồn: http://www.cambridgeindependent.co.uk/business/science/wellcome-sanger-institute-scientists-uncover-secret-of-multi-drug-resistant-typhoid-sweeping-through-pakistan-1-5425208

 

Thứ sáu, 06 Tháng 4 2018 22:26

Một thử nghiệm lớn tại ngoại ô Trung Quốc kiểm tra ảnh hưởng của giáo dục lên tỷ suất bệnh nhi được kê toa kháng sinh điều trị triệu chứng hô hấp trên. Các bác sĩ nhận được hướng dẫn và đào tạo cách kê đơn hợp lý, tham gia cuộc họp hàng tháng xem xét lại các toa thuốc kháng sinh họ đã kê và cung cấp các vật liệu giảng dạy cho người chăm sóc. Nghiên cứu phát hiện chương trình giáo sục giảm nguy cơ kê toa kháng sinh 29%.

Nguồn: http://www.thelancet.com/journals/langlo/article/PIIS2214-109X(18)30070-6/fulltext

Thứ sáu, 06 Tháng 4 2018 22:16

Công ty phi lợi nhuận NPS Medicine Wise của Úc vừa gia nhập vào lực lượng rạp phim American Express Open Air trong cuộc thi phim “Preserve the Power” để giúp mọi người hiểu về kháng thuốc kháng sinh. Đoạn phim chiến thắng là một video 30 giây mang tên “Giữ những con sinh vật kháng thuốc tránh xa câu lạc bộ”, đã chiến thắng với giải thưởng 5.000 AUD và sự đánh giá cao từ người chống kháng thuốc toàn cầu. Có thể xem tại:

https://www.youtube.com/watch?v=kByjSBAy0LM&feature=youtu.be

Trang