Thông tin

Chủ nhật, 12 Tháng 6 2016 15:14

B. Cepacia là tên của một nhóm hoặc phức hợp vi khuẩn có thể được tìm thấy trong nước và đất. B. Cepacia thường kháng với các kháng sinh phổ thông.

B. Cepacia ít khi gây nguy hiểm ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người có những vấn đề sức khỏe như hệ miễn dịch suy giảm hoặc bệnh phổi mãn tính, đặc biệt có u xơ, có thể nhiễm B. Cepacia.

B. Cepacia là nguyên nhân gây nhiễm trùng ở bệnh nhân nội trú. B. Cepacia có thể không gây ra triệu chứng, nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng hô hấp nặng, đặc biệt ở những người có u xơ phổi.

B. Cepacia lây truyền qua dược phẩm và dụng cụ y tế bị nhiễm đã được báo cáo. Năm 2005, CDC ghi nhận nhiều trường hợp viêm phổi và nhiễm khuẩn khác do B. Cepacia gây ra và có liên quan tới nước xúc miệng nhiễm khuẫn. Năm 2004, CDC thông báo thu hồi các thuốc xịt mũi do nghi nhiễm B. Cepacia và khẳng định B. Cepacia liên quan tới nhiễm khuẫn bệnh viện ở bệnh nhân trong khoa hồi sức tích cực.

Đọc thêm:

http://www.cdc.gov/HAI/organisms/bCepacia.html

Thứ bảy, 04 Tháng 6 2016 21:57

Mức độ nhẹ hơn trước đây chỉ là các vi khuẩn đa kháng thuốc và kháng thuốc rộng.

Một phụ nữ ở tiểu bang Pennsylvania đã trở thành người Mỹ đầu tiên nhận xét nghiệm dương tính với một loại vi khuẩn có khả năng kháng tất cả các loại kháng sinh, ngay cả những dòng thuốc dùng trong trường hợp cuối cùng mà nhân loại sử hữu.

Trường hợp đầu tiên được ghi nhận này đã "báo hiệu sự xuất hiện thực sự của vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc", theo các chuyên gia y tế. Mức độ nhẹ hơn trước đây chỉ là các vi khuẩn đa kháng thuốc và kháng thuốc rộng. Đó có thể đồng nghĩa với "đoạn cuối con đường" cho thời đại thuốc kháng sinh.

Vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc được phát hiện tại Mỹ.
Vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc được phát hiện tại Mỹ.

Báo cáo của trường hợp nói trên được đăng tải trên tạp chí khoa học Antimicrobial Agents and Chemotherapy. Các nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Walter Reed Army, cơ sở khoa học y sinh lớn nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, chỉ ra vi khuẩn đã có mặt trong nước tiểu của một phụ nữ 49 tuổi.

Trước đó vào tháng 4, cô tới phòng khám ở Pennsylvania với các triệu chứng giống như nhiễm trùng đường tiết niệu. Mẫu nước tiểu của cô được gửi đến Trung tâm Y tế Quân đội Hoa Kỳ để thử nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với mcr-1, gene đang khiến vi khuẩn trở nên kháng tất cả các loại thuốc kháng sinh, bao gồm cả loại thuốc mạnh nhất cuối cùng, colistin.

Colistin là loại kháng sinh để chống lại các vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh mạnh nhất. Cho tới hiện nay, nó vẫn là công cụ mạnh nhất chúng ta sở hữu để điều trị vi khuẩn đa kháng thuốc. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới ngày càng chỉ ra bằng chứng cho thấy rồi colistin cũng mất đi hiệu quả của nó.

Các nhà khoa học lo ngại vi khuẩn bây giờ có thể trao đổi các gene kháng thuốc với nhau. Lời cảnh báo được đưa ra trong cộng đồng vi sinh học vào năm ngoái, khi các gen trao đổi kháng colistin đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc.

Ngay từ khi báo cáo được công bố, cộng đồng y tế toàn cầu đã theo dõi sát sao và tìm kiếm sự xuất hiện của các gen này. Các trường hợp đã được ghi nhận tại Châu Âu, Canada và bây giờ là Mỹ. Kết quả xét nghiệm của người phụ nữ tại Pennsylvania cho thấy không có một liều lượng colistin an toàn nào có thể được sử dụng để điều trị cho cô.

Gene mcr-1 đã được xác nhận phải chịu trách nhiệm cho trường hợp này. "Việc phát hiện ra gene này yêu cầu sự giám sát liên tục để xác định các nguồn chứa của nó trong cộng đồng. Xa hơn nữa, nhưng rất quan trọng là ngăn chặn sự lây lan của nó", các nhà khoa học viết trong báo cáo.

Vi khuẩn E. coli trước đây cũng có thể mang gene kháng thuốc mcr-1.
Vi khuẩn E. coli trước đây cũng có thể mang gene kháng thuốc mcr-1.

Bên cạnh trường hợp đầu tiên được xác nhận trên người, trước đây Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã nghiên cứu một trường hợp khuẩn E. coli mang mcr-1 gây nhiễm trùng ở lợn. Mặc dù chưa có bằng chứng, các quan chức Mỹ đang lo ngại rằng có mối liên hệ giữa hai trường hợp này.

Khi các gene có thể được trao đổi giữa các vi khuẩn với nhau, nó sẽ làm trầm trọng thêm tình hình của cuộc khủng hoảng kháng kháng sinh đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, một phản ứng khẩn cấp đang được tiến hành để ngăn chặn sự lây lan của mcr-1.

Nói về trường hợp đầu tiên của mcr-1 được ghi nhận trên người tại Mỹ, giám đốc Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết: "Về cơ bản, điều này cho chúng ta thấy rằng đoạn cuối con đường không còn là rất xa đối với thuốc kháng sinh".

Tuy nhiên, tiến sĩ Gerry Wright, giám đốc Viện truyền nhiễm Michael G.DeGroote cho biết thậm chí nó đã được báo hiệu từ lâu. "Tôi cho rằng các gen đã có mặt từ lâu, chỉ là chúng ta chưa phát hiện ra chúng. Bởi vì bệnh nhân không có báo cáo du lịch, bạn có thể đoán chắc rằng mcr-1 đó là ở Mỹ".

Nguồn: http://khoahoc.tv/vi-khuan-khang-tat-ca-cac-loai-thuoc-duoc-phat-hien-tai-my-73091

Thứ sáu, 03 Tháng 6 2016 19:21

Ngày 23/5/2016 Cục Y tế dự phòng nhận được báo cáo của Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, tại 03 xóm: Tổng Ngoảng, Tổng Chảo, Nà Kiềng thuộc xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm đã xảy ra các trường hợp trẻ từ 2 đến 22 tháng tuổi bị bệnh nghi viêm não với các triệu chứng: sốt, ho kèm theo khó thở, tiêu chảy; một số trường hợp có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, co giật dẫn đến tử vong nhanh.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác gồm các cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn về dịch tễ và điều trị của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương lên Cao Bằng để phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch, hỗ trợ điều trị bệnh nhân và đã lấy mẫu xét nghiệm để khẩn trương xác minh nguyên nhân gây dịch.

Qua kết quả điều tra cho thấy, xã  Quảng Lâm, thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng nằm cách huyện lỵ Bảo Lâm 20 km, cách thị xã Cao Bằng 200 km. Đây là một xã miền núi vùng rất sâu và xa của tỉnh Cao Bằng. Giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Xã Quảng Lâm gồm 10 bản, có 5.608 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người sinh sống, nghề nghiệp chủ yếu dựa vào làm nương rẫy và đi rừng. Người dân ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc H’Mông có phong tục tập quán rất lạc hậu và có điều kiện vệ sinh kém, khi có người đau ốm thường không đưa đến cơ sở y tế mà để ở nhà và mời thầy mo đến cúng, bái chữa bệnh. Huyện Bảo Lâm có đường biên phía đông bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Bệnh nhân đầu tiên có dấu hiệu khởi phát ngày 20/04/2016, tử vong ngày 21/04/2016 tại BVĐK tỉnh Hà Giang. Đến nay tổng số bệnh nhân là 21 trong đó có 7 trường hợp tử vong.

 Qua khai thác triệu chứng cho thấy các trẻ tử vong đều dưới 6 tháng tuổi với các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân lỏng, nôn), một số trường hợp có ho, khó thở sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, bao gồm co giật, li bì và tử vong. Các trường hợp tử vong bao gồm: 03 trường hợp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, 01 trường hợp tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm, 01 trường hợp khi đang chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Bảo Lâm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, 01 trường hợp khi đang chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lâm và 01 trường hợp tại nhà. Nguyên nhân tử vong do bệnh tiến triển nhanh, diễn biến nặng, người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị muộn. Hiện tại còn 8 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (1 trường hợp nặng tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, 7 trường hợp đã ổn định đang điều trị tại bệnh viện huyện). Tính đến ngày 27/5/2016, không phát hiện thêm trường hợp mắc mới. Trường hợp khởi phát gần đây nhất là ngày 21/5/2016.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy 11 mẫu bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm cho kết quả 2 mẫu dương tính với vi rút Coxsackie A6, không có mẫu nào dương tính với vi rút cúm.

Việc lây truyền căn bệnh này do qua tiếp xúc với dịch mũi họng và phân cũng như những giọt khí dung của người bị nhiễm (bao gồm người bệnh và người lành mang trùng).

Trước tình hình trên Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) đã có Công văn gửi Sở Y tế tỉnh Cao Bằng và tỉnh Hà Giang tăng cường các biện pháp chỉ đạo, xử lý tình hình dịch bệnh nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan và tử vong. Đoàn cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã chỉ đạo trực tiếp ngành Y tế tỉnh tiến hành các biện pháp:

1.    Tăng cường công tác giám sát tại thực địa, báo cáo tình hình hàng ngày; Thu dung và điều trị tất cả các bệnh nhân phát hiện được tại cộng đồng lên điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện để không xảy ra tử vong. Thực hiện việc cách ly bệnh nhân một cách triệt để.

2.    Cử cán bộ dịch tễ và lâm sàng từ tuyến tỉnh xuống cắm chốt, hỗ trợ tại tuyến huyện và xã trong công tác xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân.

3.    Xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân bằng cách phun dung dịch khử trùng có chứa Clo cũng như diệt muỗi, côn trùng bằng phun dung dịch Deltamethrin.

4.    Tiếp tục thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý phân, vệ sinh cá nhân, khử trùng nước bằng Clo để đảm bảo nước sạch cho người dân.

5.    Tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân, khi có người ốm thì báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và đưa người ốm đến cơ sở điều trị.

Ngày 27/5/2016, Đoàn cán bộ của Bệnh viện Nhi Trung ương do PGS.TS. Trần Minh Điển - Phó Viện trưởng làm Trưởng đoàn đã đến trực tiếp địa phương để tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ y tế 2 tỉnh Cao Bằng và Hà Giang về các biện pháp thu dung và điều trị bệnh nhân.

Để phòng chống các bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa nói chung, do vi rút Coxsackie nói riêng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân hãy: Giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện vệ sinh môi trường. Tuyệt đối không tiếp xúc với người bị bệnh. Người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa … cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Nguồn: Theo Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế​​​

Thứ sáu, 03 Tháng 6 2016 19:20

Ngày 29/5/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 756/QĐ-UBND, công bố dịch bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6 quy mô cấp xã trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Tên dịch bệnh: Dịch bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6;

Địa điểm xảy ra dịch: Xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh: bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6, lây truyền qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, lưu hành trên phạm vi rộng, nguy cơ tử vong cao.

Các biện pháp phòng, chống dịch:

Tăng cường công tác giám sát tại thực địa, báo cáo tình hình dịch hằng ngày, thu dung tất cả các bệnh nhân phát hiện được tại cộng đồng đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện, cách ly triệt để bệnh nhân tại cơ sở điều trị.

Cử cán bộ dịch tễ và lâm sàng tuyến tỉnh đến hỗ trợ tuyến huyện và xã trong công tác xử lý dịch tễ và điều trị.

Xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân bằng phun dung dịch khử trùng có chứa Clo cũng như diệt muỗi, côn trùng bằng phun dung dịch Deltamethrin.

Tiếp tục thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý phân, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, khử trùng nước bằng Clo để đảm bảo nước sạch cho nguời dân.

Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trong nhân dân, khi có người ốm thì báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và đưa người ốm đến cơ sở điều trị.

Các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở thực hiện việc tiếp nhận, điều trị cho người mắc bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6.

UBND tỉnh yêu cầu, Sở Y tế, UBND huyện Bảo Lâm thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6 theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đồng thời quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus đường ruột Coxsackie A6 trên địa bàn; tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, điều trị tích cực cho các trường hợp mắc bệnh, không để phát sinh các ổ dịch mới.

Nguồn: Theo cổng thông tin điện tử Cao Bằng (http://www.caobang.gov.vn/ )​

Chủ nhật, 15 Tháng 5 2016 13:45
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-tháng 5 và tháng 9- tháng 10. Số ca mắc bệnh tay chân miệng tích lũy cả nước 18 tuần đầu năm 2016 giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên số ca mắc vẫn ghi nhận trên 61 tỉnh, thành phố. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan.

Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

 

 Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
http://vncdc.gov.vn/vi/khuyen-cao-phong-chong-dich-benh/936/chu-dong-phong-chong-benh-tay-chan-mieng
Chủ nhật, 15 Tháng 5 2016 13:43
Bệnh Viêm não do vi rút có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, lây qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trên cả nước hiện nay số ca mắc bệnh viêm não do vi rút tích lũy 18 tuần đầu năm 2016 giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh. Vậy để chủ động phòng bệnh viêm não vi rút, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh như sau:

1. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
2. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín,uống chín
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. 
  5. Riêng đối với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản: tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản:

Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

 

                                                                                                Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế
http://vncdc.gov.vn/vi/khuyen-cao-phong-chong-dich-benh/935/khuyen-cao-phong-chong-benh-viem-nao-do-vi-rut
Chủ nhật, 15 Tháng 5 2016 13:39
Tiếp theo thông tin ngày 07/5/2016 của Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương về trường hợp công dân người Hàn Quốc xét nghiệm dương tính với vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam, Cục Y tế dự phòng, Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Việt Nam đã liên hệ với Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Hàn Quốc đề nghị cung cấp thêm thông tin và ngày 09/5/2016 đã nhận được các thông tin bổ sung ban đầu về trường hợp này như sau:

Trong thời gian từ ngày 10/4/2016 đến ngày 30/4/2016, bệnh nhân làm việc tại Trường Quốc tế Hàn Quốc tại địa chỉ 21, Tân Phú, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh và tạm trú tại Khu đô thị Sky Garden 2, Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế đã thông tin và chỉ đạo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động giám sát, điều tra, xác minh dịch, đồng thời chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại khu vực bệnh nhân làm việc và lưu trú như đối với xử lý ổ dịch. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Hàn Quốc xác định các thông tin liên quan khác để hỗ trợ cho quá trình điều tra, xác minh ổ dịch tại Việt Nam.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

 

-  Áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng):
+ Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
+ Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
+ Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, người đi/đến/về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.  ​
- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi/đến/về từ vùng dịch do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục.

  
Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.
http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-vi-rut-zika/934/cap-nhat-thong-tin-ve-truong-hop-nguoi-han-quoc-nhiem-vi-rut-zika-sau-khi-tro-ve-tu-viet-nam

Trang