Điểm báo

Thứ tư, 10 Tháng 10 2018 23:25

Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. 

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra quang năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tay chân miệng gặp ở các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương như: Trung Quốc, Nhật Bản, Ma Cao (Trung Quốc) và phổ biến tại nhiều nước châu Á. Đặc biệt tại Malaysia: Ngày 23/8/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia thông báo từ đầu năm 2018 đến ngày 14/8/2018, Malaysia đã ghi nhận 51.147 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 02 trường hợp tử vong. Trong số các trường hợp mắc, có 90% số mắc ở trẻ dưới 6 tuổi. Đã có 701 cơ sở bao gồm trường học, trung tâm chăm sóc trẻ và trường mầm non đã bị đóng cửa do căn bệnh này và một số trường trong số đó cũng đã được mở trở lại theo từng giai đoạn. Bộ Y tế Malaysia đã thực hiện các biện pháp y tế công cộng, bao gồm tăng cường giám sát, tổ chức các chiến dịch truyền thông và tăng cường các biện pháp khử trùng, đặc biệt là đồ chơi, bề mặt sàn, bàn tại các trường học… để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. 

Tại Việt Nam, bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới.   Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 06 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 25,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội. Số mắc tay chân miệng chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam 41.218 trường hợp (chiếm 77%), miền Bắc 5.984 trường hợp (chiếm 11,2%), miền Trung 5.392 trường hợp (chiếm 10,1%) và Tây Nguyên 935 trường hợp (chiếm 1,7%). Số mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%). Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, trẻ tập trung vào năm học mới, điều kiện thời tiết thuận lợi, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh. Ngày 27/8/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 4962/BYT-DP chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu, trong đó có bệnh tay chân miệng. Ngày 01/10/2018, Cục Y tế dự phòng đã ban hành Công văn số 1030/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trọng điểm về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Bộ Y tế đã chỉ đạo cơ quan y tế địa phương tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để sớm phát hiện các trường hợp bệnh tại cộng đồng; tổ chức các Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; tăng cường công tác truyền thông, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học; đồng thời chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên phạm vi toàn quốc.

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau: 

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Thứ tư, 10 Tháng 10 2018 13:38

Ấn Độ có 27% số ca nhiễm lao toàn cầu, theo báo cáo lao toàn cầu của WHO năm 2018. Ước tính khoảng 35% bệnh nhân lao của Ấn Độ không được điều trị và có hơn 20% bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Do gánh nặng bệnh lao cao, Ấn Độ công bố kế hoạch tham vọng loại trừ bệnh lao vào năm 2025, 5 năm trước mục tiêu của WHO loại trừ lao năm 2030 và tăng gấp 3 số ca được điều trị và các chỉ số được cải thiện như giảm 8% lao kháng đa thuốc và kháng rifampicin. Loại trừ, được định nghĩa là ít hơn 10 ca lao/100.000 dân một năm dường như là khó đạt được; số mới mắc của Ấn Độ năm 2017 là 204 ca/100.000 dân. Các trường hợp mắc lao tại Ấn Độ giảm 1,7% vẫn còn xa so với mục tiêu giảm 10% để loại trừ bệnh lao vào năm 2025.

Nguồn: http://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/274453/9789241565646-eng.pdf?ua=1

Thứ tư, 10 Tháng 10 2018 08:23

Tính đến 20/09/2018, các nước thành viên của Liên Minh Châu Âu báo cáo tổng cộng 1.134 trường hợp nhiễm virus Tây sông Nile trên người, tăng gấp 3 lần so với 3 năm trước, theo báo cáo của trung tâm kiểm soát dịch bệnh Châu Âu. Tuần rồi, 186 trường hợp nhiễm được báo cáo tại Ý, Hy Lạp, Romania, Hungary, Croatia, Áo, Slovenia và Bulgaria. Tổng cộng có 25 trường hợp tử vong được ghi nhận tại Ý, Romania và Croatia. Các trường hợp khác được báo cáo tại Israel, Serbia và Pháp.

Nguồn: https://ecdc.europa.eu/en/west-nile-fever/surveillance-and-disease-data/disease-data-ecdc

 

Thứ tư, 10 Tháng 10 2018 08:19

Dịch Ebola tại Cộng Hòa Dân chủ Congo bắt đầu từ tháng 08/2018 và đang tiếp diễn. Mangina có diễn tiến tích cực và cho thấy có xu hướng tiếp tục giảm số ca mới mắc hàng tuần. Tuy nhiên, bệnh vẫn đang lây truyền trong bảy khu vực y tế khác nhau, trong đó Beni và Butemba là những điểm nóng mới, theo báo cáo của WHO. Năm ca mới đã được xác nhận từ tháng 12/09 nâng tổng số ca mắc Ebola lên 142 và số tử vong lên 97. Ba nhân viên y tế đã tử vong. Nguy cơ và lây nhiễm lên nhân viên y tế tăng đe dọa các can thiệp y khoa.

Nguồn: http://www.who.int/csr/don/20-september-2018-ebola-drc/en/

Thứ năm, 27 Tháng 9 2018 10:19

Một nghiên cứu trường hợp Nepal về thực hiện các hành động cấp quốc gia về kháng thuốc (AMR), được Jyoti Joshi nhân viên CDDEP viết, đã được công bố trên trang web AMR của tổ chức sức khỏe thế giới (WHO), cùng với các nghiên cứu trường hợp tại Ghana và Nigeria. Báo cáo với tiêu đề Huy động nguồn lực cho AMR: đưa AMR vào kế hoạch và ngân sách quốc gia và các đối tác phát triển, bao gồm các phân tích kế hoạch hành động quốc gia AMR của Nepal với đầu vào từ hơn 20 bên liên quan làm việc trong lĩnh vực AMR. Bao gồm hành động cụ thể của AMR (thực hiện chủ yếu do nhu cầu cần giải quyết AMR) và hành động nhạy cảm với AMR. Những hành động sau bao gồm hoạt động kiểm soát và dự phòng nhiễm khuẩn và đầu tư vào nguồn nước và hệ thống vệ sinh, có thể được thực hiện vì nhiều lý do nhưng cũng quan trọng và chi phí – hiệu quả trong việc giải quyết AMR.

Nguồn: http://www.who.int/antimicrobial-resistance/national-action-plans/Nepal-AMR-integration-Report-WHO-Sept-2018.pdf?ua=1

Thứ năm, 27 Tháng 9 2018 10:11

Giữa năm 2014 và 2016, Escherichia coli, Staphylococcus aureus và Klebsiella pneumoniae là tác nhân phổ biến gây nhiễm trùng huyết trong bệnh viện tại Trung Quốc. Tỷ lệ kháng thuốc ở những vi khuẩn này cao: tỷ lệ E. coli phân lập kháng ampicillin, piperacillin và bốn loại kháng sinh khác cao hơn 50%, hơn 50% dòng S. aureus phân lập được kháng penicillin, erythromycin và hai loại kháng sinh khác; K. pneumonia phân lập được kháng ampicillin và kháng tất cả kháng sinh khác trừ piperacillin cũng cao hơn 50%. Tỷ lệ tụ cầu vàng kháng methicillin, E. coli và K. pneumonia sinh men beta-lactamase phổ rộng từ 30-40%, 20-30% và 10-20%. Tỷ lệ kháng carbapenem ở E. coli là <0,5% và 1-10% ở K. pneumonia.

Nguồn: https://bmcpublichealth.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12889-018-6013-5

Thứ năm, 27 Tháng 9 2018 10:02

Theo báo cáo của các nghiên cứu viên Đại học Duke, cư dân North Carolina sống trong hoặc gần nơi có hoạt động chăn nuôi động vật tập trung (CAFOs) có tỷ suất tử vong, tỷ suất tử vong trẻ em và tỷ suất tử vong do thiếu máu, bệnh thận, lao và nhiễm trùng huyết cao hơn so với cộng đồng sống xa vùng CAFOs. Tỷ suất nhập khoa cấp cứu cao và tỷ suất sinh thiếu cân cao cũng liên quan tới việc sống gần khu CAFO. Đây là một quan ngại cho gần 650.000 cư dân North Carolina sống trong vòng 3 dặm quanh CAFO, theo một phân tích độc lập được nhóm công tác môi trường thực hiện.

Nguồn: http://www.ncmedicaljournal.com/content/79/5/278.full

Trang