Thông tin

Thứ bảy, 30 Tháng 9 2017 13:19

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc Zika ở Việt Nam đã lên xấp xỉ 40 người ở 6 tỉnh thành, nhiều nhất là ở TPHCM với 29 bệnh nhân.

Ngành Y tế TPHCM cảnh báo, dịch có thể sẽ lan rộng. Trong số 36 người mắc Zika, có 5 thai phụ, gồm 1 người ở Bình Dương, 4 người ở TPHCM. Một người có thai trong ba tháng đầu của thai kỳ, là giai đoạn có nguy cơ sinh ra trẻ bị dị tật đầu nhỏ.

Những khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Hà Nội... hiện đang có dịch sốt xuất huyết. Đây là những khu vực có thể lan rộng bệnh do virus Zika. Tại Hà Nội, vừa qua Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lấy trên 200 mẫu bệnh phẩm của người bệnh trong diện nghi ngờ, nhưng tất cả đều âm tính với virus Zika. Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức bắt muỗi xét nghiệm tìm cá thể muỗi nhiễm virus Zika. PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: “Hiện có 6 viện và bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM, Nha Trang và Tây Nguyên có thể xét nghiệm xác định người nhiễm Zika ở Việt Nam, thời gian trả kết quả tối đa là 7 ngày. Tất cả các xét nghiệm xác định Zika cho người nghi nhiễm bệnh đều được miễn phí” .

Trả lời câu hỏi: “Người chưa mang thai mà bị nhiễm Zika thì sau này nếu mang thai có ảnh hưởng gì không?”, ông Vũ Ngọc Long (Cục Y tế dự phòng) cho biết: Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu về sự tồn tại của kháng thể trong những trường hợp đã từng bị nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, chưa có kết quả cuối cùng khẳng định kháng thể này có tính bền vững hay không.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu sự tồn tại của vi rút Zika trong người bệnh. Những kết quả ban đầu cho thấy, vi rút Zika có thể tồn tại khá lâu trong người kể cả khi đã hết các triệu chứng. Ví dụ, vi rút Zika có thể tồn tại trong tinh dịch đến 9 tháng.

Do đó, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới đối với những cặp vợ chồng dự định có thai nếu người chồng nghi ngờ bị nhiễm vi rút Zika, hoặc đã mắc bệnh cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với vợ, hoặc kiêng quan hệ tình dục với vợ trong ít nhất 6 tháng.

Nếu phụ nữ từng bị nhiễm Zika, sau bao lâu mới nên có thai? PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết: Ít nhất sau 2 tháng, kể từ thời điểm phụ nữ có biểu hiện bệnh hoặc phơi nhiễm Zika, trong cơ thể hết vi rút, thì có thể tính đến việc mang thai, tuy nhiên cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế.

Còn ông Vũ Ngọc Long cho biết thêm, hiện nay, các trường hợp nhiễm vi rút Zika ở Việt Nam đều là những trường hợp đơn lẻ, rải rác và không tạo thành những ổ dịch lớn. Các trường hợp này đã được theo dõi, cách ly xử lý kịp thời, đến nay chưa phát hiện những trường hợp lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp đầu tiên. Các trường hợp nhiễm virus Zika đến nay sức khỏe đang ổn định, chưa có trường hợp nào có biến chứng.

Theo Võ Thu
http://dantri.com.vn/suc-khoe/phu-nu-tung-bi-nhiem-zika-sau-bao-lau-moi-nen-co-thai-20161110141028903.htm

 

 

Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 22:02

Một nghiên cứu công bố trên Clinical Infectious Diseases cho thấy Tetracyclines phổ rộng làm giảm nguy cơ nhiễm Clostridium difficile so với các loại kháng sinh khác. Các nhà nghiên cứu phân tích các nghiên cứu dựa trên 6 bệnh viện trong giai đoạn 1993 - 2012 cho thấy sử dụng tetracyclines liên quan tới tỷ suất nhiễm CDI thấp hơn nên được đề nghị là kháng sinh điều trị bậc 1.

Nguồn: https://academic.oup.com/cid/article-abstract/doi/10.1093/cid/cix833/4161552/Low-Risk-of-Primary-Clostridium-difficile

Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 21:56

Vắc xin hội chứng hô hấp trung đông (MERS) đang được phát triển, GLS-5300, đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm 1 thành công và đã nhận được sự đồng ý từ Bộ An Toàn thuốc và Thực Phẩm Hàn Quốc (KMFDS) cho thử nghiệm giai đoạn 2.

Nguồn: http://www.prweb.com/releases/2017/09/prweb14705738.htm

Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 21:51

Những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi (BNTMN ) hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức Y tế thế giới đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.

Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây BNTMN bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái. BNTMN đã ghi nhận ở Việt Nam trong thời gian gần đây bao gồm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS, 2003), cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003 với tỷ lệ tử vong khoảng 50%, cúm đại dịch (cúm A/H1N1, 2009). Bên cạnh BNTMN nguy hiểm nói trên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm lưu hành từ lâu như bệnh dại. Ở Việt Nam, bệnh dại hiện là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng quan tâm với số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, hơn 90% ca bệnh dại trên người do lây nhiễm từ chó. Đây là  bệnh có thể dự phòng hiệu quả bằng biện pháp tiêm vắc xin kịp thời, đúng và đủ liều, tuy nhiên số người tử vong do dại trung bình giai đoạn 2011-2016 vẫn xấp xỉ 100 ca/năm.  Ngoài ra, bệnh liên cầu lợn trên người với bệnh cảnh lâm sàng nặng nề, điều trị tốn kém, tỷ lệ tử vong cao và nếu khỏi cũng để lại nhiều di chứng nặng hiện đang diễn biến phức tạp với số ca mắc và tử vong hàng năm không giảm do người dân vẫn giữ thói quen ăn tiết canh. Mặc dù từ tháng 2/2014 đến nay không phát hiện thêm ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 nào trên người, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm bệnh này từ gia cầm sang người vẫn luôn hiện hữu do dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước và thói quen tiếp xúc gần gũi giữa con người và vật nuôi.

Quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự giao lưu của con người bằng những phương tiện giao thông hiện đại là cơ hội cho các ổ dịch BTNMN từ động vật lây sang người hiện tại hoặc có thể trong tương lai xuất hiện và bùng phát, cho dù bệnh phát sinh ở bên ngoài biên giới cũng có thể là mối đe dọa đối với các quốc gia. Gần đây, Việt Nam đứng trước nguy cơ xâm nhập của một số BNTMN có nguồn gốc từ động vật nguy hiểm như MerCoV ở Trung Đông và Hàn Quốc, Ebola ở Tây Phi, dịch hạch ở Châu Phi, cúm gia cầm A/H7N9 ở Trung Quốc…

Dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người là một mối đe dọa thường trực gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, kinh tế và xã hội. Phòng, chống hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe con người và vật nuôi, ổn định kinh tế xã hội của mỗi quốc gia mà còn góp phần đảm bảo an ninh y tế toàn cầu trong bối cảnh những biến đổi môi trường của quốc gia và thế giới đang diễn ra một cách nhanh chóng và nguy cơ xuất hiện các BNTMN và bệnh lây truyền từ động vật sang người có xu hướng ngày càng gia tăng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế đã cam kết tham gia Chương trình an ninh y tế toàn cầu từ tháng 2/2014 và xung phong là một trong những quốc gia đầu mối điều phối các hoạt động của Gói Hành động phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người (ZDAP). 

Gói Hành động ZDAP bao gồm Việt Nam, Indonesia và gần đây là Senegal với vai trò là 3 nước đầu mối hợp tác cùng 13 quốc gia thành viên khác hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực cho các quốc gia thành viên của GHSA trong việc phát hiện, dự phòng và ứng phó với các mối đe dọa y tế công cộng trên toàn cầu, phần lớn xuất phát từ các dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người có khả năng bùng phát, gây đại dịch hoặc thuộc tình trạng y tế cộng khẩn câp mang tính quốc tế (PHEIC) (www.ghsagenda.org).

Một trong những hoạt động của ZDAP là tổ chức các Hội nghị nhằm rà soát các hoạt động trong gói hành động ZDAP đã triển khai, chia sẻ thông tin dịch bệnh và đề xuất phương hướng phối hợp và thực hiện các hoạt động tiếp theo cũng như tìm kiếm các đối tác tiềm năng hỗ trợ thực hiện hoạt động. Từ năm 2015 đến nay, có hai Hội nghị quốc tế đã được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào tháng 8/2015 và tại Jakatar, Indonesia vào tháng 8/2016. Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 1 năm 2015, khung Kế hoạch hành động chung của các quốc gia ZDAP đã được xây dựng và thống nhất triển khai tại các quốc gia thành viên ZDAP.

Nhằm rà soát, đánh giá những hoạt động đã thực hiện trong 2 năm vừa qua từ đó xác định các hoạt động cụ thể ưu tiên trong trong những năm tới để đạt được các mục tiêu Kế hoạch 5 năm của Gói hành động ZDAP đã đề ra, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 29-30/8/2017. Tham gia đồng chủ Hội nghị còn có Indonesia và Senegal là hai quốc gia đầu mối ZDAP cùng với Việt Nam. Hội nghị quốc tế lần thứ 3 có 7 phiên làm việc chính với trọng tâm xoay quanh việc tăng cường hợp tác và chia sẻ các phương thức tiếp cận hiệu quả trong ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người như cúm gia  cầm, Ebola, dại v.v... Tham dự Hội nghị có 166 đại biểu từ hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động phòng chống và đáp ứng với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi liên tục xảy ra trong những năm vừa qua, trong đó hầu hết có nguồn gốc từ động vật như SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola… nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trên phạm vi toàn cầu, tiến tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các bệnh truyền nhiễm. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá cao nỗ lực của các thành viên ZDAP trong việc lồng ghép và kết nối hoạt động ZDAP với các gói hành động khác của Chương trình GHS theo hướng Một sức khỏe cũng như sự kết nối giữa các quốc gia và các Tổ chức quốc tế.

Sau hai ngày nghị sự, các đại biểu đã hoàn thành tất cả các chương trình làm việc của Hội nghị với kết quả tốt, tại  nhiều bài học kinh nghiệm, những mô hình tốt về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người đã được các quốc gia chia sẻ, đồng thời các đại biểu đã thông qua Kế hoạch hành động ZDAP cập nhật với các thông tin cơ bản về khoảng cách và thách thức, các hoạt động ưu tiên, thành tựu và kế hoạch ở phạm vi toàn cầu, tiến độ triển khai ZDAP của các quốc gia và khu vực… Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thông qua cơ chế điều phối ZDAP như là một phương pháp tiếp cận hiệu quả và thực tiễn để tăng cường sự điều phối trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người tại các quốc gia thành viên.

Trong diễn văn bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết với vai trò đồng chủ trì Hội nghị, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết tham gia tích cực vào gói hành động ZDAP trong Chương trình GHS và mong muốn nhận được sự hợp tác chặt chẽ và sự hỗ trợ từ các quốc gia và cộng đồng quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Hội nghị quốc tế lần thứ 3 phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người tại Đà Nẵng, Việt Nam là bằng chứng về sự cam kết mạnh mẽ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong việc phòng chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người nói riêng, đối với Chương trình An ninh y tế toàn cầu nói chung, cùng tiến tới một thế giới an toàn và an ninh hơn với các bệnh truyền nhiễm.  Sau Hội nghị này, thay mặt Nhóm ZDAP, cùng với Indonesia và Senegal, Việt Nam sẽ đưa những kết quả của Hội nghị tới Hội nghị cấp cao về An ninh y tế toàn cầu tổ chức tại Uganda trong tháng 10 năm 2017 tới đây. Kết quả của Hội nghị này cũng như sự cam kết của các quốc gia ZDAP sẽ lan tỏa tới các Nhóm hành động khác của Chương trình hợp tác GHS và tạo ra cơ hội cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong việc thực hiện Chương trình hợp tác GHS.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 21:48

Đến thời điểm hiện tại, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Số ca mắc mới chỉ còn rất ít. Để có được kết quả đó, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ý thức tham gia phòng, chống dịch của mọi người dân thì nỗ lực của ngành y tế chính là những yếu tố tiên quyết trong việc giảm số ca mắc bệnh, không để phát sinh thêm số ca tử vong.

Nỗ lực của cả hệ thống y tế
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế đã rất chủ động và quyết liệt triển khai các giải pháp để ngăn chặn dịch SXH, nhất là ở địa bàn Hà Nội. Khi tình hình dịch bắt đầu gia tăng ở các thành phố lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... cùng với các biện pháp nghiệp vụ, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có sự chỉ đạo quyết liệt, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả ngay từ cơ sở, như: Tổ chức các đội diệt lăng quăng, bọ gậy; phun thuốc diệt muỗi... Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn cũng tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch SXH. Các bệnh viện trong quân đội không những thu dung, điều trị những người mắc SHX mà còn tăng cường lực lượng phối hợp với ngành y tế địa phương tổ chức dập dịch; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống bệnh SXH một cách hiệu quả...

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dịch SXH năm nay diễn biến bất thường và đến sớm. Cao điểm, có những ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân SXH đến khám. Để chống dịch, các bác sĩ đã phải làm ngoài giờ, làm việc cả ngày nghỉ, hủy bỏ nghỉ phép, tuân thủ mọi lệnh điều động đáp ứng cho nhu cầu khám, chữa của người bệnh. Có thời điểm, bệnh nhân quá tải nên bệnh viện phải mượn gần 400 giường của một số công ty thiết bị y tế để tránh tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép. Thậm chí, bệnh viện tận dụng nhiều nơi, như: Hội trường, hành lang, phòng làm việc của nhân viên y tế... để làm nơi điều trị cho bệnh nhân. Cùng với chủ động phân tuyến và ứng dụng tốt phác đồ điều trị SXH của Bộ Y tế nên việc điều trị cho người bệnh bảo đảm an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, bệnh viện cũng tổ chức 6 lớp tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới trong tiếp nhận và điều trị bệnh nhân SXH để giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Không chủ quan
Mặc dù chúng ta mới tạm thời khống chế được dịch SXH, nhưng trước diễn biến thời tiết như hiện nay, nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển thì nguy cơ dịch SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng nếu chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết, dự báo tình hình SXH sẽ còn gia tăng trong các tháng cuối năm, người dân phải biết tự bảo vệ chính bản thân mình.

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế đã có khuyến cáo mạnh mẽ người dân đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần, thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Đồng thời loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, như: Chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. Phối hợp với ngành y tế và các ngành liên quan để phun hóa chất vì mầm bệnh vẫn ở trong cộng đồng. Song song với khuyến cáo, ngành y tế vẫn tổ chức phun hóa chất để bảo đảm không phát sinh ổ dịch mới. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, đặc biệt là dịch SXH và các loại dịch bệnh khác...

 

 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: 
http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/no-luc-cua-nganh-y-te-la-yeu-to-tien-quyet-518947)

Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 21:38

Một nghiên cứu tại Ghana về tác động bền vững của chương trình hỗ trợ thuốc sốt rét giá rẻ, cho thấy tác độn kéo dài đến hai năm sau khi chương trình kết thúc. Vào năm 2010, Ghana bắt đầu nhận liệu pháp điều trị kết hợp dựa trên artemisinin được đảm bảo chất lượng chất lượng và trợ giá in logo lá xanh trên bao bì. Các nhà nghiên cứu cho thấy các loại thuốc này vẫn còn phổ biến rộng rãi, gần 90% các địa điểm ở thành thị và nông thôn và rẻ hơn so với các thuốc không được đảm bảo chất lượng và không được trợ giá. Các tác giả kết luận rằng chương trình trợ giá thuốc điều trị sốt rét giá rẻ làm tăng tính sẵn có và khả năng chi trả của các loại thuốc kháng sốt rét và có ảnh hưởng bền vững ở những nơi dịch lưu hành. Kết quả được báo cáo trên Journal of Pharmaceutical Policy and Practice.

Nguồn: https://joppp.biomedcentral.com/track/pdf/10.1186/s40545-017-0103-0?site=joppp.biomedcentral.com

Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 21:23

Một cuốn sách mới vừa được giải Maryn McKenna theo dõi việc gia tăng sử dụng kháng sinh ở ngành công nghiệp gia cầm ngày càng tăng dẫn tới khủng hoảng hiện đại của kháng kháng sinh. Sử dụng kháng sinh như chất kích thích tăng trưởng là một trở ngại lớn trong nỗ lực làm chậm lại đại dịch kháng thuốc. Quyển sách so sánh vấn đề sử dụng kháng sinh trong động vật nuôi làm thực phẩm với mối đe dọa thay đổi khí hậu toàn cầu và sẽ được công bố vào tuần tới.

Nguồn: https://www.pri.org/stories/2017-09-24/journalist-maryn-mckenna-rise-big-chicken-and-our-current-antibiotic-crisis

Trang