Thông tin

Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017 11:12

Từ một vài ca tai biến mà nhiều người tìm cách bài trừ tiêm vắc-xin cho con. Hậu quả khi bệnh quay phải trả giá nặng nề, đó là sinh mạng của hàng trăm đứa trẻ.

Thời gian gần đây rộ lên tình trạng “nói không với vắc-xin” xuất hiện ở các bà mẹ bỉm sữa. Nhiều người nói rằng hạn chế tiêm vắc-xin là để tránh nguy cơ con bị tự kỷ, và để hệ miễn dịch của trẻ tự hoạt động.Thậm chí trên mạng xã hội Facebook còn có có nhiều fanpage được lập ra với hàng nghìn thành viên có nội dung không tiêm vắc-xin cho trẻ.

Trước thực trạng này, nhiều bác sĩ chuyên khoa Nhi lên tiếng phản đối và cho rằng đằng sau việc lôi kéo nhiều người không tiêm vắc-xin cho trẻ là có động cơ, trong khi hậu quả để lại cho trẻ rất nguy hiểm. Đầu tháng 7/2017, khoa Nhiễm - thần kinh bệnh viện nhi đồng 1 có 6 trẻ duy trì sự sống bằng máy thở vì bệnh viêm não Nhật Bản.Trẻ có thể không bị căn bệnh này nếu được chích ngừa. Khi được hỏi về việc trẻ đã tiêm vắc-xin phòng bệnh hay chưa, đa số các phụ huynh đều lắc đầu.

Theo Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 Trương Hữu Khanh, 80% bệnh nhi điều trị tại khoa là do không chích ngừa. BS Khanh nói rằng việc bài trừ vắc-xin đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng nhanh chóng được chấn chỉnh. Nhiều nước còn quy định nếu trẻ không chích ngừa sẽ không được tới lớp. Muốn đi học phải kèm theo sổ chích ngừa, tránh gây bệnh cho cộng đồng…

Ở Việt Nam, dù mới xuất hiện gần đây nhưng tình trạng này lan rộng nhanh. BS Khanh nhận định trào lưu anti-vắc xin xuất hiện và rầm rộ khi tình hình dịch bệnh ở mức thấp. "Nếu nhiều người mắc bệnh ho gà, bạch hầu, sốc bại liệt…thì các hội nhóm tẩy chay vắc-xin không bao giờ xuất hiện" - BS Khanh thông tin.
 


Nhiều trẻ mắc bệnh nguy kịch do cha mẹ thờ ơ với việc chích ngừa vắc-xin

Những người kêu gọi việc tẩy chay vắc-xin thường dựa vào quan điểm họ không được chích ngừa mà vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên, BS Khanh khẳng định là họ may mắn khi cộng đồng xung quanh họ khỏe mạnh. Còn nếu người đó tới vùng có dịch bệnh, chắc chắn sẽ mắc bệnh. Người chống vắc-xin thường tìm kiếm thông tin nghi ngờ vắc-xin sẽ đưa lên mạng nhằm phục vụ mục đích của họ.

Năm 2014, hàng chục trẻ em đã tử vong bởi bệnh sởi do không được chích ngừa. Nguyên nhân là do việc bài trừ vắc-xin từ trước đó. BS Khanh nói thêm, những người tẩy chay vắc-xin thường trong gia đình, dòng họ có trẻ đã từng bị chích vắc-xin và gặp một số vấn đề về sức khỏe mang tính bẩm sinh. Do không dám thừa nhận vấn đề sức khỏe của con là do bố mẹ nên họ lấy vắc-xin ra làm bình phong giải tỏa tâm lý.

Hiện nay nhà nước có chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân được chích ngừa miễn phí. Miễn phí là Chính phủ bỏ tiền ra để phòng dịch, thay vì phải dập dịch, tốn kém hơn rất nhiều. Dù tiêm vắc-xin có những phản ứng không mong muốn, nhưng theo BS Khanh đó chỉ là cá thể với tỷ lệ rất thấp. 

Vị trưởng khoa Nhiễm - thần kinh khuyến cáo, để tránh việc tiêm chủng tràn lan, kém hiệu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe con trẻ, các bậc cha mẹ phải tìm hiểu kỹ thông tin, thời điểm chích ngừa cho con và không phải vắc-xin nào cũng cần tiêm ngay lập tức.
 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: 
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/nhi-khoa/bac-si-nhi-len-tieng-truoc-tinh-trang-tay-chay-tiem-vac-xin-382444.html )

Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017 11:11

Trước diễn biến dịch sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gầy đây trên địa bàn Thủ đô, thực hiện Quyết định số 2853/QĐ-BYT ngày 28/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập 07 Đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, Đoàn công tác số 1 do ThS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra và làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết ngày 29-30/6/2017.

 

ThS. Đặng Quang Tấn phát biểu tại buổi họp Ban Chỉ đạo 
phòng chống dịch phường Láng Thượng

Tham gia Đoàn công tác có Lãnh đạo và cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Về phía thành phố Hà Nội có sự tham gia của ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế, Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế; Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, các quận, huyện của Hà Nội, Bệnh viện Đống Đa, cùng đại diện một số đơn vị có liên quan.

Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại công trường xây dựng Chung cư cao cấp Hồng Kông Tower, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đoàn công tác đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, Ủy ban nhân dân phường Láng Thượng về công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến ngày 29/6/2017, trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 2.898  trường hợp mắc SXHD (trên 92% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 231 bệnh nhân đang điều trị), trong đó có 01 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Bệnh nhân rải rác từ tháng 1 đến tháng 6, nhưng có xu hướng ra tăng từ đầu tháng 5 đến nay, sớm hơn chu kỳ dịch hàng năm 3 tháng. Bệnh nhân rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 304 xã, phường, thị trấn (chiếm 52% số xã, phường, thị trấn của Thành phố), nhưng chủ yếu tại các quận nội thành và các huyện như Thanh Trì, Thường Tín (> 90% số bệnh nhân). Số mắc ghi nhận chủ yếu tại các quận: Đống Đa (758/1), Hoàng Mai (583), Hai Bà Trưng (206), Hà Đông (168), Thanh Trì (168), Ba Đình (147).

Ngành y tế Hà Nội đã chủ động trong công tác kiểm soát véc tơ truyền bệnh, vận động nhân dân hưởng ứng, phối hợp với ngành y tế trong việc diệt muỗi, diệt lăng quăng, loại bỏ các ổ đọng nước tự nhiên. Tuy vậy, Hà Nội là địa phương có sự lưu hành của muỗi Aedes trong nhiều năm nay, điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển; tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư cao, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng, điều kiện vệ sinh kém; người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi; một số nơi công tác chỉ đạo của cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt...; bệnh chưa có vắc xin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hơn nữa sự phát triển du lịch và tăng cường giao lưu đi lại với các quốc gia có dịch, các tỉnh, thành phố trong cả nước là rất lớn nên nguy cơ dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017 nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Để chủ động công tác phòng chống sốt xuất huyết và phòng chống dịch bệnh mùa hè, ngày 06/5/2017, Sở Y tế phối hợp với UBND quận Hà Đông tổ chức phát động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” lần thứ 7, năm 2017. Ngày 06/6/2017, Sở Y tế phối hợp cùng Ban Tuyên Giáo Thành ủy tổ chức họp báo thông báo về tình hình và các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố. Họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố Hà Nội để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngày 14/6/2017. Ngày 29/6/2017, Sở Y tế phối hợp với Thành Đoàn Hà Nội ký cam kết phối hợp ra quân tăng cường phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội. Tổ chức giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch; các dụng cụ chứa nước có bọ gậy được phát hiện gồm 14 loại dụng cụ, chủ yếu là ở các bể xi măng chứa nước không có nắp chiếm trên 40%, các xô, thùng chậu, chậu cảnh và phế liệu, phế thải... Chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết, chia làm 3 đợt. Đợt 1: từ tháng 4-6/2017, đợt 2: Từ 7-9/2017, đợt 3: từ tháng 10 đến hết năm 2017.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế, sau khi làm việc với Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị liên quan về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, ThS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hà Nội trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, để phòng chống bệnh hiệu quả, cần có sự đồng lòng, chung sức của chính quyền các cấp, các ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, nòng cốt là Đoàn Thanh niên phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Do đó, cần đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, huy động các lực lượng nòng cốt: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ…, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên Ban, ngành, đoàn thể (số khu vực, số hộ gia đình) để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đặc biệt, UBND chỉ đạo chính quyền các cấp, từ đó đưa ra các nhiệm vụ phụ trách cụ thể đến từng khu vực, các hộ gia đình để địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát hiệu quả.

ThS. Đặng Quang Tấn cũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục tham mưu cho UBND bổ sung kinh phí cho các hoạt động phòng chống dịch, không để xảy ra tình huống thiếu thuốc, hóa chất, máy phun,... Các đoàn liên ngành đi kiểm tra sẽ áp dụng biện pháp xử phạt theo Nghị định 176 đối với những cơ quan, đơn vị, công trường,... không thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy, đã được nhắc nhở mà không thực hiện theo đúng quy định
Các hoạt động cần thiết triển khai mạnh mẽ như: Tổ chức chiến dịch truyền thông, hướng dẫn người dân về các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, loại bỏ ổ bọ gậy nguồn phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên đài truyền hình, đài phát thanh của địa phương, tại các cuộc họp thôn ấp, tổ dân phố.

Cần tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng, bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến. Tổ chức các Đoàn kiểm tra, giám sát; tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Một số hình ảnh của Đoàn công tác:

 

ThS. Đặng Quang Tấn phát biểu tại buổi họp Ban Chỉ đạo
 phòng chống dịch thành phố Hà Nội

 ThS. Đặng Quang Tấn kiểm tra công tác phòng chống SXH
tại công trường xây dựng Chung cư Hồng Kông Tower, phường Láng Thượng

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017 11:10

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố năm nay đến sớm hơn mọi năm khoảng 2 tháng, số ca mắc tăng nhanh từ tháng 5, 6, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy và Ba Đình.

 

 

Theo đánh giá, dưới tác động của thời tiết El Nino điển hình, nắng, mưa đan xen bất thường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển. Thêm vào đó, địa bàn thành phố rộng, kết cấu khu dân cư tập trung, nhiều ngõ, ngách nhỏ, dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều công trường xây dựng lớn, nhỏ, nhiều khu nhà trọ, chợ truyền thống, vì vậy khi xuất hiện dịch thì khả năng lây lan và bùng phát sẽ nhanh.

Tính đến ngày 29/6, toàn thành phố ghi nhận 2889 trường hợp sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. Hơn 90% số trường hợp mắc đã khỏi bệnh, chỉ còn 230 trường hợp đang được điều trị tại các bệnh viện. Hầu hết các ổ dịch có quy mô khu dân cư, thôn, xóm, chưa có ổ dịch lớn tập trung.

Chủ động phối hợp toàn dân phòng dịch sốt xuất huyết

Ngay từ những ngày đầu năm 2017, khi dự đoán dịch có thể diễn biến phức tạp do thời tiết biến đổi và dân cư biến động, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh với tất cả các giải pháp đồng bộ, thực hiện phòng chống dịch thường xuyên, liên tục, chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt công tác tiếp nhận và điều trị cho người bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế để giám sát, thông tin về tình hình bệnh nhân.

Dự phòng dịch bệnh luôn là bước đi quan trọng hàng đầu để phòng chống dịch. Do đó, từ đầu năm Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (TT YTDP HN) đã phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn các quận, huyện, chú trọng 10 quận, huyện có số mắc tăng cao để triển khai phòng chống dịch như xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch, giám sát dịch,…

Một trong những hoạt động được ưu tiên của TT YTDP HN là phát động các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, cùng người dân trên các quận, huyện hoàn thành chiến dịch tổng vệ sinh môi trường đợt 1 trên quy mô toàn thành phố; phối hợp với người dân phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng để diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng.

Ngành y tế Hà Nội nhận thức rõ tầm quan trọng của ý thức và sự phối hợp chủ động của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Vì thế, song song với các hoạt động triển khai, TT YTDP HN kết hợp với các biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức, huy động cộng đồng cùng chung tay phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Trong năm nay, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền dưới mọi hình thức, đặc biệt tập trung vào sử dụng loa di động đến từng ngõ, ngách để mọi người dân được biết; tổ chức họp tổ dân phố phát huy vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, các đoàn thể, mặt trận, cộng tác viên trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe phòng chống dịch đến từng cá nhân, từng gia đình…

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội nhấn mạnh: Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cơ bản nhất vẫn là dựa vào cộng đồng. Mà hiệu quả nhất là từ những công việc vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, chủ động lật úp, thau rửa các dụng cụ chứa nước lớn, thả cá diệt bọ gậy, thực hiện ngủ màn,… những công việc nhỏ hàng ngày của mỗi người dân.

Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh trong thời gian tới, việc tuyên truyền sẽ tập trung hơn nữa đến những nhóm đối tượng khác là chủ các cơ sở sản xuất, chủ nhà trọ, chủ các công trường xây dựng,… Rõ ràng việc phối hợp phòng chống dịch của toàn dân, đòi hỏi sự quan tâm và thực hiện của cả các doanh nghiệp, chủ sản xuất, các công trường trên toàn thành phố,… Ông Hạnh cho biết Hà Nội đang đề nghị những nhóm đối tượng trên ký cam kết sẽ xử lý theo quy định nếu vi phạm các điều kiện về vệ sinh môi trường tại địa phương. Đồng thời, vai trò xung kích của lực lượng Đoàn viên thanh niên được phát huy tối đa để hỗ trợ người dân giám sát chặt chẽ và xử lý các ổ bọ gậy nguồn tại các địa bàn dân cư.

TS Nguyễn Nhật Cảm bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, người dân sẽ cùng tham gia hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc phun hóa chất diệt muỗi, đặc biệt là phát huy tinh thần tự giác của các chủ nhà trọ, chủ các công trường xây dựng cùng ký cam kết trong công tác tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh, thông báo ngay cho chính quyền địa phương biết khi có người mắc mới hoặc nghi mắc sốt xuất huyết.

Về điều trị, ThS.BS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa, từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện tiếp nhận khoảng 700 trường hợp khám nghi ngờ và mắc sốt xuất huyết. Hiện tại, khoa truyền nhiễm của bệnh viện có gần 30 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết. Với chức năng đầu ngành truyền nhiễm của thành phố, bệnh viện đã tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế cho toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ của các khoa khám bệnh, hồi sức cấp cứu, nhi và khoa truyền nhiễm để sẵn sàng khám và điều trị cho bệnh nhân cũng như hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới. Bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhân lực, các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh.

Xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm các điều kiện vệ sinh môi trường

Vào ngày 30/6, ngay sau buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, Đoàn Công tác số 1 của Bộ Y tế do ThS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đã kiểm tra thực tế tại công trường xây dựng tòa nhà HongKong Tower (số 243A Đê La Thành, quận Đống Đa) và làm việc với UBND phường Láng Thượng (quận Đống Đa) về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ khu công trường xây dựng vẫn còn những điểm ngập nước có ổ bọ gậy. Trước đó công trường có 1 công nhân mắc sốt xuất huyết đã điều trị khỏi bệnh. Đại diện công trường cam kết sẽ thực hiện theo hướng dẫn của TTYT quận Đống Đa, Trạm y tế phường Láng Thượng tiến hành ngay việc tổng vệ sinh môi trường, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của công nhân và khai báo ngay nếu phát hiện công nhân có biểu hiện sốt xuất huyết.

Theo bà Trần Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Thượng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường cho biết, đến nay, trên địa bàn phường có 32 ca bệnh sốt xuất huyết với 6 ổ dịch quy mô nhỏ dưới 3 bệnh nhân, trong đó 4 ổ dịch đã ngừng hoạt động, không có trường hợp tử vong. Hiện tại, khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết là phường có 3 công trường xây dựng lớn đang thi công kết hợp với nhiều công trình xây dựng hộ gia đình là điều kiện thuận lợi cho các bổ bọ gậy phát sinh và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Trong thời gian tới, UBND phường sẽ thực hiện theo hướng dẫn phòng chống dịch của TTYT quận Đống Đa và TTYT Dự phòng Hà Nội là lập danh sách lại toàn bộ các hộ gia đình theo từng tổ dân phố, giám sát chặt các điều kiện vệ sinh môi trường tại các nghĩa trang, các công trường xây dựng, trường học, các dãy nhà trọ,… tổ chức ký cam kết với tất cả các đơn vị trên địa bàn phường, kiên quyết xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017 11:09

Tỷ suất mới mắc Clostridium difficile tái nhiễm (mrCDI) đã gia tăng gần 200% từ 2001 tới 2012 tại Hoa Kỳ, theo các nhà nghiên cứu từ đại học Penssylvania, báo cáo trên dữ liệu bảo hiểm y tế Hoa Kỳ, gồm 45.000 trường hợp nhiễm C. diff. Tái nhiễm được định nghĩa là nhiễm các dòng C. diff ít nhất 3 lần gần nhau phải điều trị kháng sinh. Giai đoạn 2001 và 2012, tỷ suất nhiễm C. diff hàng năm trên 1.000 người năm tăng 43% và tỳ suất nhiễm mrCDI tăng gấp đôi. Tác giả nghiên cứu James D Lewis cho rằng “Tác nhân làm tăng số mới mắc là sự xuất hiện của dòng C. difficile mới như NAP1, được chứng minh là yếu tố nguy cơ gây tái nhiểm C. diff”. Kết quả chỉ ra sự gia tăng gánh nặng cho hệ thống y tế và nhấn mạnh nhu cầu điều trị các dòng mrCDI mới.

Nguồn: http://annals.org/aim/article/2636751/increasing-incidence-multiply-recurrent-clostridium-difficile-infection-united-states-cohort

Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017 11:00

Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) vừa cập nhật danh sách các loại thuốc thiết yếu, đặc biệt tập trung vào danh mục các loại kháng sinh, bao gồm 29 loại nên được sử dụng trên toàn cầu. Trang website của Ấn Độ nghiên cứu việc cung cấp các loại kháng sinh tại Ấn Độ, tìm thấy bằng chứng cho thấy có các sai sót hiện diện. Sumanth Gandra báo cáo ba loại kháng sinh cơ bản nhất gồm benzathine penicillin, ampicillin and nitrofurantoin là các kháng sinh hiếm. Không có các kháng sinh hàng thứ nhất này, bác sĩ buộc phải sử dụng các loại kháng sinh bảo thủ thế hệ sau, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Chính sách của chính phủ như kiểm soát giá của các kháng sinh cần thiết, có thể làm các nhà sản xuất thuốc quyết định cắt giảm các sản phẩm của họ.

Nguồn: https://scroll.in/pulse/842694/indias-short-supply-of-basic-antibiotics-is-making-its-drug-resistance-problem-worse

Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017 10:35

Viên chức của Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) báo cáo trên Plos Medicine về sự gia tăng tỷ suất mới mắc của bệnh lậu kháng thuốc và kêu gọi các hành động hợp tác quốc tế nhằm kiểm soát vấn đề gia tăng. Bệnh lậu đang ngày càng khó điều trị hoặc không thể điều trị khi dùng kháng sinh cephalosporins phổ rộng, thuốc điều trị hiệu quả duy nhất hiện tại. Trong số 77 quốc gia được khảo sát , 97% báo cáo các trường hợp kháng ciprofloxacin, điều trị được sử dụng rộng rãi, 81% báo cáo kháng azithromycin và 66% báo cáo kháng cephalosporins.

Nguồn: http://journals.plos.org/plosmedicine/article?id=10.1371/journal.pmed.1002344

Thứ bảy, 01 Tháng 7 2017 14:57

Xét nghiệm cúm ở bệnh nhân bệnh hô hấp trong mùa cúm ảnh hưởng tối việc kê toa kháng sinh và kháng virus, nhưng xét nghiệm các loại virus khác cùng lúc thì không. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm được thực hiện qua ba mùa cúm tại bệnh viện chuyên khoa ở Montral. Tám trăm (800) bệnh nhân trưởng thành nhập viện do viêm hô hấp cấp tính được xét nghiệm 12 loại virus gồm cảm cúm. Khoảng 50% bệnh nhân dương tính với cúm, khả năng Bác sĩ dừng kê toa kháng sinh cao gấp 1,4 lần so với ở những bệnh nhân âm tính với cúm. Kết quả cho thấy xét nghiệm virus tốt kém không cần thiết để có được các tác động tích cực đối với việc quản lý kháng sinh.

Nguồn: http://www.cidrap.umn.edu/news-perspective/2017/06/stewardship-resistance-scan-jun-20-2017

Trang