Thông tin

Thứ hai, 22 Tháng 5 2017 22:01

Một công cụ trực quan online cho phép mọi người tìm hiểu sự phân bố địa lý của kháng kháng sinh bằng cách sử dụng dữ liệu của hơn 1.500 metagenomes ruột từ 15 quốc gia. ResistoMap được các nhà khoa học từ Trung Tâm lâm sàng và nghiên cứu liên bang Nga về Y Hóa Lý, Viện Vật Lý và Công Nghệ Max cơ và Thư Viện Dữ Liệu Nga.

Nguồn: http://www.cddep.org/blog/posts/weekly_digest_ebola_outbreak_continues_drc_access_older_antibiotics_jeopardy#sthash.lHXdgt67.dpuf

Thứ hai, 22 Tháng 5 2017 21:49

Ngày 10-11/5 vừa qua, ba quốc gia có cùng đường biên giới, Việt Nam, Lào, Căm puchia đã cùng tổ chức Hội thảo diễn tập tình huống về giám sát và đáp ứng dịch cúm gia cầm lan truyền giữa các tỉnh biên giới.

 

Tham dự Hội thảo diễn tập lần này bao gồm đại diện Lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác phòng chống dịch bệnh của một số Vụ, Cục của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp của Việt Nam, Lào, Cămpuchia. Về phía Việt Nam, có sự tham dự của Cục Y tế dự phòng, Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng; các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; Đại diện các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Chi cục Thú y các tỉnh có chung biên giới với Cămpuchia và Lào và Ban Quản lý Dự án Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông (CDCII). Bộ Y tế Lào và Cămpuchia cũng cử đại diện cán bộ phụ trách công tác phòng chống dịch bệnh của tuyến Trung ương và tuyến tỉnh chung đường biên giới với 3 nước. Hội thảo có sự tham gia của các đại diện quốc tế: WHO, FAO, USCDC và ADB.

Hội thảo diễn tập tại bàn về giám sát và đáp ứng dịch cúm gia cầm là cơ hội lớn để các tỉnh biên giới 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Căm puchia đánh giá tình hình thực tế, kiểm tra các cơ chế chia sẻ thông tin dịch bệnh truyền nhiễm giữa các quốc gia và phối hợp đáp ứng xử lý dịch cúm gia cầm giữa các tỉnh có cùng biên giới khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. 

Theo ông Rustam Muzafarov, Điều phối viên Dự án CDC II, việc thực hiện chia sẻ thông tin dịch bệnh truyền nhiễm cũng như công tác phối hợp giữa 3 nước tại các tỉnh biên giới mặc dù đã ghi nhận có nhiều tích cực và chủ động thời gian qua, tuy vậy vẫn còn một sốhạn chế nhất định; vì thế, Hội thảo là dịp cùng thảo luận và thống nhất việc áp dụng các bộ công cụ hiện có về phối hợp điều tra dịch tễ và xét nghiệm, Hướng dẫn chia sẻ thông tin bệnh truyền nhiễm giữa các cặp tỉnh chung biên giới đã được các nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã thông qua. Trên cơ sở diễn tập, các nước cùng thảo luận phát hiện những khó khăn, thách thức, những khoảng trống để tìm ra các giải pháp, cách thức thực hiện nhằm khắc phục các vấn đề này, củng cố việc phối hợp giữa đầu mối các tuyến tỉnh, trung ương của 3 nước có chung đường biên giới trong phòng chống dịch bệnh. 

Các nước đã cùng thực hiện diễn tập trong vòng 2 ngày với những kịch bản tình huống cụ thể với bối cảnh dịch cúm gia cầm xuất hiện và lây lan tại khu vực biên giới giữa 3 quốc gia, đây là tình huống có thể xảy ra và là sự kiện y tế công cộng được cả 3 nước cùng quan tâm. Các đại biểu tham dự đã tham gia một cách tích cực, thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến xử lý tình huống phù hợp với các quy định của quốc gia và các hướng dẫn chung của các nước trong khu vực. Đồng thời cũng đã đưa ra những chia sẻ, góp ý, bài học kinh nghiệm quý báu cho cả ba quốc gia trong việc đáp ứng chung với dịch bệnh truyền nhiễm. 

Các đại biểu coi đây là một hoạt động ý nghĩa giữa ba quốc gia nhằm đánh giá lại hiệu quả phối hợp hoạt động cũng như tăng cường tình đoàn kết trong công tác phòng chống dịch bệnh. Kết thúc buổi diển tập, ThS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam đánh giá cao sự tham gia của các đại biểu từ các nước Lào, Campuchia và Việt Nam, sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế, trong thời gian tới, dựa trên những kết quả tích cực của Hội thảo diễn tập lần này, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp mạnh mẽ hơn nữa với Lào, Căm puchia trong các hoạt động phòng chống dịch xuyên biên giới cũng như tham gia các diễn tập theo các tình huống cụ thể ở cấp tỉnh, huyện trong thời gian tới.
 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/2175/viet-nam-lao-cam-puchia-dien-tap-ve-giam-sat-va-dap-ung-dich-cum-gia-cam-lan-truyen-qua-bien-gioi

 

Thứ bảy, 13 Tháng 5 2017 22:48

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nguồn của các bệnh truyền nhiễm mới nổi bao gồm các vi sinh vật và các tác nhân đa kháng thuốc có thể trở thành đại dịch. Nguy cơ xảy ra các bệnh truyền nhiễm mới nổi trong khu vực địa lý này rất phức tạp và được cho là bao gồm các quy trình sinh thái, kinh tế xã hội và công nghệ thuận lợi cho việc truyền các vi sinh vật. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, để xây dựng các nguồn lực thích hợp, vẫn thiếu các dữ kiện để hỗ trợ dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn và can thiệp an toàn bệnh nhân để đảm bảo hệ thống y tế khu vực, nếu không có hệ thống y tế quốc gia, hoạt động hiệu quả để cải thiện các chương trình can thiệp dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, nhiều đại dịch do virus và các dòng cúm mùa khởi nguồn từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương có ảnh hưởng đến dân số toàn cầu.

Nguồn: https://doi.org/10.1093/cid/cix071

Thứ bảy, 13 Tháng 5 2017 12:20

Bộ Y tế khuyến cáo chủ động các hoạt động phòng chống dịch trong tháng cao điểm sắp tới khi bước vào mùa hè.

 

Theo thống kê của Hệ thống Giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình dịch bệnh trong đầu năm 2017 ổn định, không có sự đột biến tại các khu vực trên cả nước. Bệnh sốt xuất huyết có số mắc mới tuần này giảm 19,6% so với tuần trước, và giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2016. Thống kê cũng cho thấy Bệnh sốt rét có số mắc giảm 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh tay chân miệng cũng giảm số mắc mới xuống 6,1% so với tuần trước đó, không ghi nhận trường hợp tử vong tính từ đầu năm đến nay. Bệnh dại mới ghi nhận 01 trường hợp tử vong tại Bắc Kạn và 02 trường hợp tử vong tại Điện Biên, so với cùng kỳ năm 2016, số tử vong do bệnh dại đã giảm khoảng 34%. Về dịch cúm gia cầm, cả nước ghi nhận 06 ổ dịch A(H5N1) trên gia cầm, không ghi nhận trường hợp mắc trên người.

Ngay từ những ngày đầu năm, để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, Bộ Y tế đã tích cực triển khai hai Hội nghị phòng chống dịch bệnh khu vực phía Bắc và Nam cho 63 tỉnh/thành trên cả nước do Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì. Hội nghị đã cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch năm 2016, đề xuất những giải pháp gắn liền thực tiễn mỗi khu vực, đặc biệt nâng cao vai trò của các cấp chính quyền trong công tác phòng chống dịch, bệnh. Các hoạt động phòng chống dịch đã và đang được triển khai một cách đồng bộ, dưới những hình thức đa dạng, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch mùa hè, như: xây dựng thông điệp truyền thông về dịch, bệnh; Tập huấn về giám sát dịch bệnh; Diễn tập đáp ứng khẩn cấp với tình huống về dịch bệnh cúm A(H7N9); lên kế hoạch về công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè… Những hoạt động trên đã góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác kiểm soát và ngăn ngừa dịch, bệnh ngay từ quý đầu tiên của năm 2017.

Tuy nhiên, với khí hậu nhiệt đới gió mùa và tác động của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, công tác phòng chống dịch, bệnh không thể lơ là, nhất là vào tiết chuyển mùa, trước mùa mưa bão. Do đó, ngoài việc chú trọng ngăn ngừa vi rút cúm A(H7N9) và các chủng vi rút gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đang tiếp tục giám sát chặt chẽ một số dịch bệnh như dịch sốt xuất huyết, Zika trong thời kỳ cao điểm tháng 5, 6.

Ngoài ra, các dịch bệnh mùa hè có thể dễ lây lan nếu người dân không nâng cao ý thức phòng ngừa. Những bệnh hay gặp mùa hè như: tay chân miệng, cúm, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ, thủy đậu, liên cầu lợn, tiêu chảy, tả, lỵ… Mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị dịch, bệnh tấn công nhất. Vì vậy, công tác phòng chống dịch cho trẻ cần phải được chủ động thực hiện tốt tại cả gia đình và trường học, nhà trường cần liên hệ, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc giám sát, theo dõi sức khỏe trẻ nhỏ.

Đối với dịch sốt xuất huyết và Zika, điều quan trọng nhất là vệ sinh nơi ở để không có chỗ cho muỗi đẻ trứng, ngủ màn, diệt lăng quăng/bọ gậy, phối hợp tích cực với các đơn vị y tế để phun hóa chất hiệu quả, phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy, phòng, chống dịch bệnh.

Trước dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động của El Nino khiến mùa hè nóng hơn trung bình từ 0,5-1 độ C và mưa trái mùa sẽ tăng lên, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động thiết thực nhất: Vệ sinh môi trường thường xuyên; Diệt muỗi và loăng quăng/bọ gậy; Ngủ màn; Ăn uống vệ sinh đảm bảo; Ăn chín uống chín; Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh.
 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/2152/chu-dong-tich-cuc-phong-chong-dich-benh-mua-he

Thứ sáu, 12 Tháng 5 2017 19:27

Tiếp theo thông tin ngày 07/5/2017 của Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo về một chùm ca tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân tại tỉnh Sinoe, Liberia sau khi tham dự một đám tang, đến ngày 10/5/2017, WHO thông báo đã xác định được nguyên nhân ban đầu của chùm ca tử vong này là do viêm màng não do não mô cầu nhóm C.

Bệnh do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A, B, C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Sự kiện này bắt đầu ngày 23/4/2017 khi một trẻ 11 tuổi nhập viện với biểu hiện tiêu chảy, nôn và rối loạn tâm thần sau khi dự đám tang của một nhà lãnh đạo tôn giáo (22/4/2017), đến ngày 09/5/2017 đã ghi nhận 31 trường hợp có biểu hiện tương tự trong đó có 13 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Liberia đã thực hiện đáp ứng khẩn cấp với sự kiện này, các mẫu bệnh phẩm máu, nước tiểu, huyết thanh đã được thu thập và gửi về Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để xét nghiệm các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và độc tố môi trường.

Ngày 08/5/2017, Bộ Y tế Liberia thông báo kết quả xét nghiệm cho thấy có 4 mẫu bệnh phẩm dương tính với não mô cầu nhóm C (Neisseria menigitidis). Trước đó các kết quả điều tra ban đầu cũng cho thấy viêm màng não dường như là nguyên nhân của các trường hợp tử vong nói trên. Việc điều tra vẫn tiếp tục được triển khai để khẳng định liệu viêm màng não do não mô cầu có phải là nguyên nhân của các trường hợp mắc bệnh khác trong vụ dịch này hay không.

Trong khi chờ đợi các kết quả xét nghiệm về độc tố, Bộ Y tế Liberia đang cân nhắc áp dụng biện pháp tiêm phòng vắc xin để khống chế vụ dịch. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục hỗ trợ điều tra về dịch tễ học và xét nghiệm để xác định chắc chắn về nguyên nhân của ổ dịch cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống bổ sung cho vụ dịch này.

Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ diễn biến sự kiện y tế công cộng này tại Liberia và kịp thời thông báo cho người dân.
 

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/2155/nguyen-nhan-ban-dau-ve-chum-benh-nhan-tu-vong-tai-liberia

 

Thứ sáu, 12 Tháng 5 2017 19:26

Những tháng đầu năm 2017, mặc dù các trường hợp mắc sốt xuất huyết trên phạm vi cả nước giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng trong thời điểm hiện nay có sự gia tăng tại một số tỉnh, thành phố. Để chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika, ngày 8/5/2017 Bộ Y tế đã có Công văn số 2381/BYT-DP gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika. Cục Y tế dự phòng xin đăng tải toàn bộ nội dung Công văn dưới đây:


Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/2153/cong-van-bo-y-te-gui-uy-ban-nhan-dan-cac-tinh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-ve-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-benh-sot-xuat-huyet-va-zika

 

Thứ sáu, 12 Tháng 5 2017 19:25

Dịch cúm A(H7N9) bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc từ 3/2013 với 5 đợt dịch, trong đó đợt dịch thứ 5 diễn ra từ tháng 10/2016 tới nay là đợt dịch lớn nhất từ trước tới nay cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan tạo thành đợt dịch thứ 5 với 541 trường hợp mắc. Dịch đạt đỉnh vào tháng 2/2017 với khoảng 50-60 trường hợp mắc mới/tuần, sau đó từ tháng 3 đến nay có xu hướng giảm dần với khoảng 18-34 trường hợp mắc mới/tuần. Từ 3/2017 đến nay đã ghi nhận thêm 3 địa phương thuộc khu vực Cam Túc, Tây Tạng và Thiểm Tây có trường hợp bệnh mới. Như vậy trong đợt dịch thứ 5 đã ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) tại 17 tỉnh tại Trung Quốc.

Gần đây dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây giáp biên giới với nước ta cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh. Tại tỉnh Quảng Tây, riêng trong tuần từ 8/2 – 9/3/2017 ghi nhận sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người với 14 trường hợp trong khi năm 2015 -1016 tỉnh này không ghi nhận trường hợp mắc. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO), sự gia tăng này có thể là do gia cầm đã được vận chuyển từ tỉnh Quảng Đông sang Quảng Tây sau khi tỉnh Quảng Đông công bố đóng cửa chợ gia cầm. Các chuyên gia khuyến cáo nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam trong giai đoạn này là cao nhất kể từ năm 2013 do lo ngại Quảng Tây cũng sẽ áp dụng biện pháp đóng cửa chợ gia cầm nên gia cầm sẽ được vận chuyển vào Việt Nam nếu không có các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ.

Theo thông báo của WHO, FAO, đã ghi nhận sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gen vi rút cúm ở người cũng như ở gia cầm. Trên người, đã phát hiện gen độc lực cao tại 2 bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) tại Quảng Đông và một bệnh nhân mắc cúm A(H7N9) ở Đài Loan (theo Thông báo ngày 25/02/2017 của WHO). Ở gia cầm, FAO cũng ghi nhận 41 mẫu cúm gia cầm độc lực cao ở gia cầm và môi trường (30 mẫu ở gà, 1 ở vịt và 10 mẫu môi trường) được lấy tại 23 chợ gia cầm sống và 3 trang trại thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây và Hà Nam.  Kết quả nghiên cứu cho thấy vi rút cúm A(H7N9) độc lực cao có khả năng gây chết 100% gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 -1000 lần so với vi rút có độc lực thấp. Sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người và WHO cũng chưa khuyến cáo về các thay đổi quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H7N9) ở người.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc và những biến đổi độc lực của vi rút, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ rất cao vi rút cúm A(H7N9) có thể xâm nhập vào nước ta. Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các công điện, công văn chỉ đạo tập trung việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới vào nước ta đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch trên thị trường. Công tác giám sát phát hiện sớm dịch bệnh cũng đã được triển khai mạnh mẽ tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực buôn bán gia cầm sống, các cơ sở y tế và tại các cửa khẩu. Bộ Y tế đã cập nhật các tài liệu hướng dẫn chuyên môn và tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ y tế tại các tỉnh biên giới về công tác giám sát, xét nghiệm và xử lý ổ dịch. Các buổi diễn tập có sự phối hợp giữa hai ngành y tế - nông nghiệp cũng đã được triển khai tại các địa phương, nhất là các tỉnh trọng điểm như: Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Ninh, ... Bộ Y tế cũng đã thành lập 5 đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra việc triển khai hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương.

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm A(H7N9) xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với WHO, FAO và các tổ chức quốc tế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và kịp thời thông báo cho người dân để áp dụng các biện pháp phòng chống phù hợp.
    

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/2154/phat-hien-su-bien-doi-tu-doc-luc-thap-sang-doc-luc-cao-cua-chung-vi-rut-cum-a-h7n9-tai-trung-quoc

 

Trang