Thông tin

Thứ năm, 20 Tháng 7 2017 17:52

Trong hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này tại Đức, lãnh đạo từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển chủ chốt được yêu cầu thảo luận các thách thức toàn cầu. Trong tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 được công bố, các quốc gia thành viên cam kết thực hiện kế hoạch hành động quốc gia chống lại vi khuẩn kháng thuốc vào cuối năm 2018, đẩy mạnh việc sử dụng có trách nhiệm kháng sinh trong tất cả các lĩnh vực, gia tăng sự hiểu biết của cộng đồng và đẩy mạnh các nổ lực kiểm soát và dự phòng nhiễm khuẩn. Các lãnh đạo G20 thông báo một tổ chức điều hành mới toàn cầu, Trung tâm hợp tác chống kháng khuẩn toàn cầu, nhằm thúc đẩy đầu tư toàn cầu và giám sát nghiên cứu và phát triển các loại kháng sinh mới, vaccine mới, các liệu pháp điều trị thay thế và công cụ chẩn đoán mới.

Nguồn: https://www.g20.org/gipfeldokumente/G20-leaders-declaration.pdf

Thứ năm, 20 Tháng 7 2017 17:35
Sau 2 tháng triển khai, mô hình chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do ri rút Zika và Sốt xuất huyết” do Bộ Y tế phát động đã diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt tại 55 tỉnh, thành phố trên cả nước

Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh do vi rút Zika và nguy cơ dịch sốt xuất huyết quay trở lại vào mùa mưa năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết” với lời kêu gọi các đơn vị chính quyền tại địa phương cùng người dân chủ động, tích cực tham gia vào chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, muỗi gây bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là cách thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cả cộng đồng.
 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát động chiến dịch mẫu tại Tp.HCM ngày 5/3/2016.

Chiến dịch mẫu đã được triển khai tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/3/2016. Ngay sau đó, nhiều địa phương trên cả nước đã nhanh chóng nhân rộng chiến dịch với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần người dân tại địa phương như: Hà Nội, Đà Nẵng, Đắc Lắk, Khánh Hòa, Phú Yên, Cần Thơ,…

Đến nay đã có 55 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai thành công chiến dịch Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng, tạo nên phong trào nhà nhà diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống dịch bệnh tích cực, hiệu quả trên nhiều địa bàn, đặc biệt tại những tỉnh, thành phố trọng điểm miền Trung và miền Nam như Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai,...

Chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết” gồm nhiều hoạt động đa dạng như: Lễ mít tinh phát động chiến dịch; Tổ chức chiến dịch người dân diệt bọ gậy, lăng quăng; Lễ ký cam kết trách nhiệm phòng chống dịch giữa Sở Y tế địa phương và UBND các huyện, thị xã tại tỉnh/thành phố; các hoạt động văn hóa văn nghệ, các cuộc thi tìm hiểu về dịch bệnh cũng như cách phòng chống, hoạt động sáng tác cổ động, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch,v.v..
 

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế và chính quyền tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn người dân kiểm tra dụng cụ chứa nước và tiêu diệt bọ gậy trong chiến dịch.
 
Tại một số tỉnh, thành phố, tiêu biểu như tỉnh Hà Tĩnh có sự tham gia nhiệt tình của thế hệ trẻ gồm hơn 200 bạn sinh viên thuộc Đoàn Thanh niên tỉnh Hà Tĩnh. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhận được sự tham gia tích cực của lực lượng Đoàn Thanh niên và khoảng 700 học sinh-sinh viên tại các trường trong địa bàn tỉnh. Trong các chiến dịch này, các bạn trẻ đã và đang trở thành những nhân tố quyết định, thành phần tích cực nhất phát huy hiệu quả chiến dịch, lan tỏa thông điệp nâng cao ý thức, chủ động phòng chống dịch bệnh đến mỗi hộ gia đình.

Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện việc tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết trên các kênh truyền hình tỉnh, các báo, Đài và hệ thống loa phát thanh huyện, thị và xã phường, tận dụng rất hiệu quả truyền thông trực tiếp thông qua tổ dân phố, các tình nguyện viên, vốn là những người nắm rất rõ tình hình khu vực địa bàn mình tại từng xã, phường hoặc thôn, xóm, tiêu biểu như: Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Dương,...

Sự thành công của chiến dịch cho thấy đây thực sự là một ý tưởng sáng tạo và ý nghĩa, góp phần thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của mỗi người dân, giúp chủ động và sẵn sàng phối hợp với ngành y tế để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chiến dịch thể hiện được sự quyết tâm của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cũng như cho thấy sự đồng lòng chung tay của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành, đoàn thể vì mục tiêu sức khỏe cộng đồng.
 

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
 
Thứ hai, 17 Tháng 7 2017 15:10

Trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh tật vừa công bố chương trình hướng dẫn sử dụng kháng sinh cho các bệnh viện nhỏ và thiết yếu ở vùng quê, dựa trên khung hướng dẫn hoạt động dụng kháng sinh, các yếu tố chính trong chương trình hướng dẫn sử dụng kháng sinh của bệnh viện. Đây là một trong 4 hướng dẫn quan trọng của CDC về chương trình sử dụng kháng sinh trong các bệnh viện, nhà an dưỡng và các cơ sở chăm sóc bệnh nhân ngoại trú.

Nguồn: https://www.cdc.gov/getsmart/healthcare/implementation/core-elements-small-critical.html

Thứ hai, 17 Tháng 7 2017 14:58

Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí quốc tế về bệnh nhiễm khuẫn báo cáo các trường hợp đầu tiên ở Việt Nam kháng colistin do gien mcr-1. Gien được tìm thấy trên 18 mẫu E.coli đa kháng thuốc từ 2014 tại các bệnh viện Việt Nam trong quá trình giám sát kháng kháng sinh. Gien mcr-1 cho thấy kháng colistin, kháng sinh thế hệ cuối được tìm thấy lần đầu tại Trung Quốc đăng trên báo cáo xuất bản vào 2015 và sau đó cũng được tìm thấy trên 30 quốc gia khác.

Nguồn: http://www.ijidonline.com/article/S1201-9712(17)30181-9/fulltext

 

Chủ nhật, 16 Tháng 7 2017 08:39

Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền trong đó có các bệnh viêm não vi rút đặc biệt vào mùa hè, mùa thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển. Bệnh viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. 

Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Về nguyên nhân tại nước ta, các căn nguyên gây viêm não thường là các vi rút arbo (trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản), vi rút herpes, các vi rút đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các vi rút khác mà ta chưa biết rõ, ... Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng vi rút do đó việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định vi rút. Như vậy, bệnh viêm não Nhật Bản chỉ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não vi rút ở nước ta. Từ trước những năm 1997, khi nước ta bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, nguyên nhân gây viêm não vi rút chủ yếu là vi rút viêm não Nhật Bản chiếm tới 61,3% trong tổng số các ca viêm não vào năm 1995. Nhờ kết quả phòng bệnh của chương trình triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản tại nước ta, số trường hợp viêm não do vi rút viêm não Nhật Bản đã giảm đáng kể, đến nay chỉ còn chiếm khoảng 10-15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút. Vi rút gây viêm não Nhật Bản tồn tại trên một số loài chim, lợn, chuột... và trên muỗi. Muỗi vừa là ổ chứa, vừa là môi giới truyền vi rút sang người, muỗi truyền viêm não Nhật Bản ở Việt Nam chủ yếu là loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus.
Tại nước ta, viêm não vi rút xảy ra rải rác quanh năm, giai đoạn năm 2001-2004 ghi nhận số mắc cao, trung bình 2.000-2.200 trường hợp/năm, 10 năm trở lại đây số trường hợp mắc viêm não vi rút trung bình giảm còn khoảng 1.000-1.200 trường hợp/năm, có từ 20-50 trường hợp tử vong. Trong đó bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 200 -300 trường hợp mắc, bệnh thường tăng cao vào các tháng mùa hè.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 62 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, trong đó có 01 trường hợp tử vong tại tỉnh Sơn La. Số mắc rải rác, chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Nam. Các tỉnh, thành phố có số mắc cao là Hưng Yên, Nghệ An, Hà Nội, Sơn La, Khánh Hòa, Kiên Giang và Kon Tum.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu mùa dịch Bộ Y tế đã có Công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống dịch mùa hè tại các địa phương; đã tổ chức các hội nghị phòng chống dịch bệnh mùa hè tại 4 khu vực để tăng cường các hoạt động phòng chống dịch; thường xuyên đăng tải các thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo các biện pháp phòng chống trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng và đã thành lập 07 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Riêng đối với bệnh viêm não Nhật Bản, hiện đã được đưa vào tiêm chủng thường xuyên hàng tháng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được tiêm miễn phí cho trẻ 1- 5 tuổi. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý đối tượng tiêm chủng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao, đưa phần mềm quản lý tiêm chủng vào sử dụng trên phạm vi cả nước, hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ sót trẻ trong độ tuổi tiêm chủng không được tiêm chủng. Đặc biệt, trong năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản bổ sung cho đối tượng trẻ từ 6-15 tuổi tại 16 tỉnh, thành phố hiện đang lưu hành dịch bệnh viêm não Nhật Bản, có nguy cơ bùng phát dịch cao nhằm giảm đến mức thấp nhất số mắc và tử vong các trường hợp viêm não Nhật Bản. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2016, số mắc viêm não Nhật Bản cả nước trong 6 tháng đầu năm 2017 giảm 11,4%. Tuy nhiên hiện nay đang vào mùa dịch nên để chủ động phòng chống bệnh viêm não vi rút, trong đó có Viêm não Nhật Bản,  Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: 

1. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch.

2. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.

3. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.

4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.

5. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. 

6. Nếu có các dấu hiệu: sốt cao và kèm theo những rối loạn ở  hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê …) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017 11:15

Báo cáo sai lệch năm 1974, 1998 về văcxin gây động kinh, tự kỷ tại Anh và Mỹ, khiến hàng trăm trẻ con chết vì bệnh do không chích ngừa.

Gần đây mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm văcxin cho trẻ và chia sẻ các nghiên cứu của tổ chức nước ngoài. Khá nhiều bà mẹ hoang mang, dao động đã không cho con đi tiêm ngừa. Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM cho biết làn sóng chống tiêm văcxin xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới từ nhiều năm nay và những nghiên cứu mà người anti-văcxin viện dẫn đã được chứng minh là sai lệch, thậm chí tác giả của nó đã bị kết tội gian lận dữ liệu và có xung đột lợi ích.

Theo phó giáo sư Lân, trước khi có chủng ngừa, những bệnh có thể ngăn chặn được bằng văcxin như sởi, ho gà... khá phổ biến trong cộng đồng. Khi chương trình tiêm chủng hiệu quả, tỷ lệ bao phủ cao, giúp giảm nhiều loại bệnh thì cộng đồng không còn gặp hoặc có rất ít kinh nghiệm trải qua các bệnh này. Khi đó lợi ích của văcxin chỉ là mô tả trên sách báo, còn việc tiêm chủng thì gắn với những khó chịu, đau đớn của trẻ. Khi phụ huynh tra cứu tìm hiểu thì gặp nhiều thông tin không khuyến khích tiêm văcxin. Chưa kể một số trường hợp rủi ro hiếm gặp trùng với các sự kiện nghiêm trọng khác nên văcxin thường bị quy kết là tội đồ.

Năm 1974, tại Anh có tác giả báo cáo 22 trẻ chậm phát triển và động kinh sau khi tiêm văcxin ho gà toàn tế bào. Thông tin này khiến trong nhiều năm sau đó tỷ lệ tiêm chủng ho gà ở Anh giảm mạnh từ 81% xuống còn 31%, hậu quả là 100.000 trẻ mắc bệnh ho gà và 31 bé tử vong. Báo cáo này cũng làm giảm tỷ lệ tiêm chủng ho gà và tăng số ca tử vong do ho gà ở Nhật Bản, Thụy Điển và Wales. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đối chứng sau này đã chỉ ra rằng tỷ lệ chậm phát triển và động kinh ở trẻ sau khi tiêm văcxin ho gà toàn tế bào tương tự với trẻ không tiêm văcxin. Và nhiều trường hợp trong các trẻ này thật ra mắc hội chứng Dravet.

Một nghiên cứu khác về vấn đề mối liên quan giữa văcxin MMR (sởi - quai bị - rubella) và bệnh tự kỷ do một tác giả đăng tải trên tạp chí uy tín thế giới Lancet năm 1998. Bài báo nêu 12 ca bệnh nhiễm trùng đường ruột và tự kỷ có liên quan đến MMR. Lập tức tỷ lệ tiêm chủng MMR giảm và dịch bùng phát tại Anh. Nhiều nghiên cứu khác đã phải tiến hành sau đó và đi đến kết luận là không có mối liên quan nào giữa bệnh tự kỷ và MMR. Tác giả bài báo trên sau đó được kết tội là gian lận dữ liệu và có xung đột lợi ích khi đăng tải thông tin trên. Bài báo bị rút khỏi tạp chí trên sau 12 năm đăng tải thông tin.

"Văcxin đã được nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm ngặt, sử dụng với số lượng lớn trên toàn thế giới qua hàng chục năm, có hệ thống cập nhật đánh giá các biến cố bất lợi, được hoàn thiện dần theo tiến bộ của y học và đã được chứng minh là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất", phó giáo sư Lân chia sẻ.

Nhiều em bé phải điều trị thở máy nhiều tháng,chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời sống thực vật vì cha mẹ không tiêm văccxin viêm não Nhật Bản cho con.
 


Ảnh minh họa: Nhiều em bé phải điều trị thở máy nhiều tháng, chịu di chứng nặng nề về thần kinh, sống đời thực vật vì không được tiêm văcxin viêm não Nhật Bản

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết văcxin là thành quả của khoa học, điều chế một văcxin là vô cùng khó. Không có văcxin, nhiều trẻ phải chết và tàn tật cả đời. Việt Nam từng có thời kỳ phải chứng kiến nhiều trẻ đậu mùa suốt đời sống chung với khuôn mặt rỗ, trẻ sốt bại liệt phải lớn lên với một chân teo hẳn... Bài học dịch sởi năm 2014 khiến hàng chục trẻ tử vong cũng là hậu quả của việc chống tiêm văcxin sởi do tai biến trước đó.

Gần một đời gắn bó với nghề làm nhiễm nhi, bác sĩ Khanh cho biết "đã ngấm đòn chăm sóc bệnh nhiễm trong bất lực, cũng lắc đầu, cũng bực mình vì chuyện không tiêm văcxin, cũng cảm thông vì thiếu hiểu biết và thiếu thông tin của người dân". Theo ông, khoảng 80% bệnh nhi đưa vào điều trị tại khoa là chưa được tiêm ngừa.

"Nếu tự anti-văcxin cho một bé, một gia đình nhỏ thì chỉ tội nghiệp cho bé. Nếu anti kiểu nhóm, kiểu hùa là có tội với một thế hệ, có tội với sức khỏe của dân tộc", bác sĩ Khanh chia sẻ. Những dịch bệnh đã được thanh toán từ lâu, nếu vì bài trừ văcxin mà dịch quay lại thì cộng đồng sẽ phải trả giá bằng hàng loạt sinh mạng. Ở một số nước phát triển, nếu trẻ không có sổ xác nhận chích ngừa đầy đủ sẽ không được cho đi học, vì nếu mắc bệnh sẽ lây cho các trẻ khác.

Trào lưu bài trừ văcxin thường xảy ra khi tình hình dịch bệnh ở mức thấp, vì nếu lúc bệnh đang xảy ra ồ ạt ít ai dám nghĩ đến chuyện không tiêm chủng. "Thường những người này trong gia đình, họ hàng có trẻ gặp vấn đề cá thể, cơ địa khi tiêm văcxin. Hoặc cũng có thể khiếm khuyết sức khỏe của trẻ là mang tính bẩm sinh, cha mẹ cho rằng là do tiêm ngừa", bác sĩ Khanh nói. Một số phụ huynh cho rằng con họ không tiêm ngừa vẫn khỏe mạnh. Bác sĩ cho rằng đó là may mắn vì em bé được sống trong một cộng đồng có tỷ lệ chích ngừa cao. Nếu em bé đi qua một vùng có độ bao phủ văcxin thấp thì khả năng mắc bệnh sẽ rất cao.

Bác sĩ Khanh phân tích, không tránh khỏi trường hợp những loại văcxin vì lợi ích nhóm mà được tuyên truyền chích một cách chưa cần thiết. Tuy nhiên các văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì đều cần thiết. Các nước trên thế giới đều có chương trình tiêm chủng mở rộng với những loại khác nhau, tùy dịch tễ mỗi nơi. Để đưa một văcxin nào đó vào chương trình miễn phí là sự cân nhắc rất lớn vì sẽ tốn kém vô cùng nhiều nên sẽ không có chuyện dư thừa mà cần chích đầy đủ. Bác sĩ khuyến cáo, với văcxin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng, phụ huynh cần là người tiêu dùng thông minh để tìm hiểu, lựa chọn thứ tự ưu tiên để chích cho trẻ.

Lê Phương 
 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: 
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/noi-oan-vacxin-gay-tu-ky-dong-kinh-phai-tra-bang-tinh-mang-tre-nho-3609794.html)

Thứ sáu, 14 Tháng 7 2017 11:14

Lập Facebook kêu gọi anti vaccine, comment xúi giục, nghi ngờ vaccine… đang rộ trên mạng xã hội. Trong khi đó, nhiều đứa trẻ bị virus tàn phá cuộc đời chỉ vì không được tiêm ngừa.

Chỉ cần gõ Google từ khóa “anti vaccine” sẽ cho ra rất nhiều ý kiến, kể cả trang Facebook kêu gọi chống tiêm vaccine. Các ý kiến còn dẫn cả các ca tử vong sau tiêm để đổ tội cho vaccine. Đáng lo nhất là nhiều người đã đọc và comment kiểu: “Trước nay tin tưởng vaccine, giờ mới biết nó nguy hiểm thế” . Có ai biết những đứa trẻ không được tiêm vaccine đã phải gánh chịu hậu quả thế nào không?

Sống thực vật cả đời

Sáng 6-7, những tiếng tút tút của máy thở, thiết bị y tế vang lên giữa không gian yên tĩnh tại khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) bao trùm tuổi thơ của những đứa trẻ 7-8 tuổi, thậm chí có em chỉ mới tám tháng tuổi. Các em đến từ nhiều tỉnh khác nhau, xuất thân từ nhiều hoàn cảnh nhưng giờ tất cả đều nằm bất động như nhau. Thay vì chạy nhảy với bạn bè, được đến trường đi học, bây giờ các em chỉ có thể điều khiển đôi mắt vô hồn của mình, ngơ ngác nhìn mọi người. Các em đã hoàn toàn mất trí nhớ, sống đời sống thực vật vì di chứng của viêm não Nhật Bản, viêm não siêu vi, ho gà…

Hơn một năm ăn ở tại BV Nhi đồng 1 để chăm con gái bị di chứng viêm não, chị TNL (ngụ Mỹ Tho, Tiền Giang) sống như một robot lập trình. Mỗi sáng dậy chị trở người cho đứa con gái bảy tuổi, vệ sinh cá nhân, chờ điều dưỡng cho thuốc. Rồi chị ngồi nói chuyện với con, kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích lặp đi lặp lại, tự tay mình tạo buộc những kiểu tóc mới nhất trên giường bệnh mà không biết đến bao giờ cô bé mới có thể nói lời cảm ơn mẹ.

“Bác sĩ chẩn đoán con tôi bị viêm não Nhật Bản đã hơn một năm, khi đưa con đến bệnh viện cháu đã mê man bất tỉnh. Bác sĩ nói không chữa được vì cháu đã bị biến chứng, phải phụ thuộc máy thở và có thể phải sống đời sống thực vật suốt đời. Trước đó tôi không hề biết gì về bệnh viêm não Nhật Bản, bản thân cũng không biết khi cháu còn nhỏ đã được tiêm vaccine này chưa. Khi bác sĩ hỏi tôi cũng ngơ ngác. Có lẽ ngày xưa tôi đã không cho cháu tiêm nên giờ mới ra nông nỗi này” - chị L. ân hận.
 

Trẻ mắc viêm não do không tiêm vaccine tại BV Nhi đồng 1. 

Cũng rơi vào trường hợp của người mẹ trên, chị NTP, mẹ của bé NNP, sống tại Bà Rịa-Vũng Tàu, cứ dằn vặt mình khi nhìn con gái mất hoàn toàn tri giác do viêm não siêu vi. Chị P. kể thời điểm tiêm vaccine cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), gia đình đã nghe khá nhiều thông tin không tốt về vaccine và bắt đầu do dự. “Tôi đã quyết định không cho bé tiêm vaccine. Nhưng sau năm năm khỏe mạnh, thời điểm chuẩn bị nhận giấy khen mẫu giáo để vô lớp 1 thì con bé đổ bệnh. Mọi chuyện đến nhanh lắm, bé nóng sốt, mê man rồi nói mê nói sảng liên tục. Gia đình đưa bé lên BV Nhi đồng 1, qua chụp CT, làm xét nghiệm… Các bác sĩ nói con tôi mắc viêm não siêu vi, virus đã tấn công lên não và để lại di chứng viêm thần kinh trung ương khiến bé vô thức, hay nói sảng, như một đứa trẻ mới sinh. Suốt thời gian nằm ở bệnh viện bé khóc cả ngày cả đêm, không còn nhận ra bất kỳ ai trong gia đình. Một tuần sau, gia đình đành đưa bé về nhà và chấp nhận thực tế là con gái sẽ không thể đi học được, trở thành người đứa trẻ không có tương lai. Từ nay con tôi sẽ mãi sống như vậy mà không thể đến lớp, vui chơi như bao đứa trẻ khác nữa” - chị P. khóc.

“Ước gì có thể làm lại”
“Ước gì tôi được làm lại”, “Nếu quay lại mấy năm trước thì tôi sẽ cho con tiêm vaccine đầy đủ”. Đó là những hối hận muộn màng của những người cha, người mẹ có con mắc bệnh tại bệnh viện. Có người từng không biết, có người từng cho là vaccine không quan trọng và có rất nhiều người đã từng do dự.

Tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, hình ảnh người mẹ HTH (Gia Nghĩa, Đắk Nông) liên tục tự trách mình, hao gầy vì bệnh tật của đứa con trai 12 tuổi khiến người khác đau xót. Con trai chị bị động kinh, yếu tay chân vì viêm màng não đã hơn sáu tháng nay. Từ ngày con mắc bệnh, chị H. không dám rời khỏi con vì sợ xảy ra chuyện nguy hiểm.

“Cháu thường xuyên lên cơn động kinh, mỗi lần cháu lên cơn là vợ chồng tôi như đứt từng khúc ruột, có lúc tôi đã nghĩ quẩn, muốn tìm đến cái chết cho nhẹ. Là do tôi cứng nhắc không nghe lời mọi người, bỏ qua việc tiêm vaccine viêm não cho cháu. Ngày đó tôi nghĩ nó không quan trọng, sợ con bị tai biến nên không cho cháu đi tiêm, bây giờ hối hận quá rồi, không biết làm gì bù đắp cho tuổi thơ của thằng bé” - mắt chị H. ngấn nước.

Trên trang Facebook cá nhân, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, đã bức xúc: “Không có vaccine thì trẻ em chết nhiều và tàn tật cả đời nhiều, bị đậu mùa rổ mặt cả đời tuổi trẻ, sốt bại liệt teo hẳn một chân cả đời. Nếu tự anti vaccine cho một bé, một gia đình nhỏ thì chỉ tội cho bé. Nếu anti vaccine kiểu nhóm, kiểu hùa thì có tội với một thế hệ”.

Tội đồ với dân tộc!
Hơn 20 năm làm trong ngành nhiễm, tôi là người thấu hiểu rất nhiều về tầm quan trọng của vaccine. Nhìn thấy một đứa trẻ ho gà ho sặc sụa xanh mặt; nhìn một đứa trẻ bị viêm màng não đến yếu tay yếu chân hay thậm chí động kinh; nhìn một đứa trẻ mắc bạch hầu viêm cơ tim đến chết, rồi phải sống đời sống thực vật… mới có thể hiểu được nỗi đau của việc không tiêm vaccine nặng nề như thế nào.

Phong trào chống vaccine hiện nay không lạ gì với thế giới loài người, nước giàu hay nước nghèo gì cũng có. Họ vin vào những trường hợp tai biến sau tiêm vaccine mà đưa ra phong trào. Thế nhưng họ không hiểu được một số trường hợp đó chỉ chiếm chưa đến 1% trong tất cả trường hợp đã tiêm vaccine. Có cả những người hùa theo anti vaccine vì lo lắng cho tính mạng của con mình.

Tôi đã nhiều lần lắc đầu với quan điểm của phụ huynh. Cần phải hiểu được tầm quan trọng của vaccine lớn đến thế nào. Vaccine là thành quả của khoa học. Vì có quá nhiều người chết và mắc di chứng nên người ta mới cực khổ chế tạo ra nó - vaccine. Nhà nước đưa ra một loại vaccine tốn hơn cả ngàn tỉ đồng, phải qua nghiên cứu đầy đủ chứ không ai đưa ra cẩu thả.

Nhiều trường hợp tử vong sau tiêm vaccine chỉ mang tính cá thể, một phần do cơ địa của các bé. Không nên đổ lỗi hoàn toàn do vaccine rồi anti vaccine. Việc làm này vô cùng nguy hiểm, nó có thể tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát.

Về lâu về dài, người anti vaccine sẽ chính là người gây tội ác với dân tộc. Do đó cần phải hiểu được vaccine quan trọng thế nào. Phụ huynh hãy sáng suốt lựa chọn cho con mình loại vaccine cần thiết, phù hợp nhất. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tìm hiểu thông tin nhiều nguồn trước khi đưa ra quyết định quan trọng về vaccine.

BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.Hồ Chí Minh

Thực tế cho thấy số liệu tại khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1, hơn 80% trẻ mắc các bệnh về viêm não, ho gà… nằm tại bệnh viện đều không được gia đình tiêm vaccine từ nhỏ.

 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
(Nguồn: http://www.baomoi.com/anti-vaccine-trao-luu-nguy-hiem/c/22695360.epi)

Trang