Trường hợp thứ nhất là phụ nữ 27 tuổi sống tại Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, khởi phát với triệu chứng phát ban, sốt 38,0C kèm đau cơ, xung huyết kết mạc. Bệnh nhân tới khám ở bệnh viện, nghi ngờ nhiễm vi rút Zika và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính với vi rút Zika. Bệnh nhân này hiện đang mang thai, trước đó không có tiền sử đi du lịch hoặc tiếp xúc với người bệnh.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 28 tuổi sống tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Khởi phát với triệu chứng phát ban, kèm theo sốt, đau cơ, đau khớp. Bệnh nhân tới khám tại bệnh viện và được lấy mẫu chẩn đoán Zika cho kết quả dương tính. Trường hợp này cũng không có tiền sử đi du lịch, khu vực bệnh nhân sinh sống không có ai có biểu hiện như bệnh nhân.
Ngay sau khi Hệ thống giám sát ghi nhận 02 trường hợp kể trên, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương triển điều tra ca bệnh và khai giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi ngờ nơi bệnh nhân sinh sống và tại cộng đồng. Trước đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xử lý véc tơ bằng phun hóa chất và diệt lăng quăng xung quanh hộ gia đình bệnh nhân theo quy trình. Đối với trường hợp bệnh nhân đang mang thai đã được tư vấn, giải thích để bệnh nhân yên tâm và tiếp tục có các theo dõi về chuyên môn trong quá trình thai nghén. Hiện tại sức khoẻ của các trường hợp này đều ổn định.
Cục Y tế dự phòng cũng đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em để tăng cường giám sát đối với các phụ nữ mang thai có các triệu chứng nghi ngờ để có các tư vấn và khuyến cáo kịp thời.
Chiều ngày 08/10/2016, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Bình Dương để thống nhất các biện pháp tăng cường công tác giám sát, phát hiện và phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trước đó đã ghi nhận 03 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika tại: Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hoà và Phú Yên. Do đó trong thời gian tới hệ thống giám sát dịch có thể sẽ tiếp tục phát hiện trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại cộng đồng. Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
- Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương; tuy nhiên, người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.
- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong suốt quá trình mang thai hoặc dự định có thai, hoặc trong ít nhất 6 tháng để phòng lây truyền zika qua đường tình dục.
- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
- Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.
- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện vi rút Zika.
- Để phòng chống bệnh do vi rút Zika, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng):
+ Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
+ Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
+ Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.