Điểm báo

Thứ tư, 15 Tháng 3 2017 21:47

Tại Hoa Kỳ, nhiễm khuẩn đa kháng thuốc ở trẻ em đang gia tăng. Một nghiên cứu trên Journal of the Pediatric Infectious Diseases Society cho thấy Enterobacteriaceae đa kháng thuốc đang tăng đáng kể ở trẻ em Hoa Kỳ (<18 tuổi) trong giai đoạn 2007 và 2015. Số liệu từ 48 bệnh viện nhi trên toàn quốc cho thấy nhiễm khuẩn Enterobacteriacea gồm Salmonella, Escherichia coli và Klebsiella. Hơn 100.000 trường hợp xuất viện trong khoảng 8 năm có liên quan tới Enterobacteriacea, nhiễm khuẩn đường tiết niệu do E coli chiếm tỷ lệ lớn nhất. Tỷ lệ nhiễm khuẩn Enterobacteriaceae do đa kháng thuốc tăng gấp 7 lần từ 0,2% năm 2007 lên 1,5% năm 2015. Sharon Meropol, tác giả chính cho biết “Có rất ít kháng sinh có thể điều trị các vi khuẩn này... Vấn đề chính là phải hết sức cẩn thận với cách sử dụng kháng sinh và không dùng chúng theo cách mà chúng ta biết nó sẽ gây hại.

Nguồn: http://www.cddep.org/blog/posts/weekly_digest_who_names_12_priority_antibiotic_resistant_pathogens_rd_multidrug_resistant#sthash.ErDdXaKJ.dXx0Ar03.dpuf

Thứ năm, 02 Tháng 3 2017 19:35

PHÁT HIỆN MỘT SỐ THAY ĐỔI VỀ ĐỘC LỰC CỦA VI RÚT CÚM A(H7N9)
ĐỐI VỚI GIA CẦM

Ngày 25/02/2017, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông tin chính thức về một số thay đổi độc lực của vi rút cúm A(H7N9) ở gia cầm, cụ thể như sau:

Ngày 18/2/2017, WHO đã được thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Trung Quốc về kết quả giải trình tự gien của vi rút được phân lập từ 2 bệnh nhân cúm A(H7N9) tại Quảng Đông, đã phát hiện một số thay đổi của vi rút cúm A (H7N9) cho thấy vi rút đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm. 

Trước đó, ngày 17/2/2017, theo thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Đài Loan (Trung Quốc) về kết quả giải trình tự gien của vi rút được phân lập từ 01 bệnh nhân cúm A(H7N9) tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng phát hiện sự thay đổi của vi rút cúm A (H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.

Sự liên tục thay đổi như là một đặc điểm tự nhiên của vi rút cúm do quá trình tái tổ hợp, do đó quan trọng là phải tiếp tục cảnh giác với sự thích ứng của vi rút cúm gia cầm ở người và các loài động vật có vú khác. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của vi rút cúm A(H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người. 

Theo thông báo từ phòng xét nghiệm chuẩn thức của WHO tại Bắc Kinh, trong đợt dịch lần thứ 5 này, có 8/86 (9%) mẫu vi rút cúm A (H7N9) trên người có dấu hiệu chỉ điểm về gen (genetic markers) kháng neuraminidase; tuy nhiên WHO chưa có bằng chứng để khuyến cáo các thay đổi về quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm vi rút cúm A (H7N9) ở người.

Từ tháng 10/2016 đến 22/2/2017 tại Trung Quốc đã ghi nhận 425 trường hợp cúm A(H7N9) ở người. Cho đến nay, tổng cộng 1.223 trường hợp được chẩn đoán nhiễm vi rút cúm A(H7N9) đã báo cáo đến WHO từ tháng 3 năm 2013 trong đó từ tháng 10/2016 đến nay là 425, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016. 

Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm A (H7N9) sang người, xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) - Cục Y tế dự phòng.

Nguồn: http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/1071/phat-hien-mot-so-thay-doi-ve-doc-luc-cua-vi-rut-cum-a-h7n9-doi-voi-gia-cam

 

Thứ năm, 02 Tháng 3 2017 19:32

Trước diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng của tình hinh dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, ngày 21/02/2017 Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam, đây là căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể tại từng địa phương và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đầu tư kinh phí để thực hiện. Dưới đây là toàn bộ Kế hoạch hành động:

 


















 
 
 

Ban biên tập Trang thông tin điện tử - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Nguồn: http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/1070/ke-hoach-hanh-dong-phong-chong-dich-cum-a-h7n9-tai-viet-nam

Thứ năm, 02 Tháng 3 2017 19:12


Bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A do vi rút sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỷ lệ tử vong có thể đến 50%. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng và đau cơ, có thể phát triển các triệu chứng nguy hiểm dẫn đến chảy máu, sốc, tổn thương nội tạng và có thể tử vong. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, sử dụng vắc xin phòng bệnh sốt vàng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và cho miễn dịch phòng sốt vàng suốt đời.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh sốt vàng hiện đang lưu hành tại 42 quốc gia, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 12/2016 đến nay Brazil đã liên tục ghi nhận các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh Sốt vàng tại 4 bang (Bahia, Espírito Santo, Minas Gerais, São Paulo) của nước này. Đến nay, đã có 364 trường hợp mắc trong đó có 49 trường hợp tử vong. WHO đánh giá đây là đợt dịch lớn nhất, rộng nhất tại Brazil kể từ năm 2000 và người đến vùng dịch có nguy cơ cao bị nhiễm vi rút Sốt vàng. 

Tại các nước khu vực châu Á và tại Việt Nam đến nay không có dấu hiệu lây truyền và lưu hành bệnh sốt vàng, tuy nhiên, một số nước đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh về từ vùng có dịch, đồng thời nước ta có giao lưu, thương mại, hợp tác lao động với nhiều quốc gia đang có dịch, do đó có thể ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sốt vàng từ các nước đang có dịch trở vào nước ta hoặc nhiễm bệnh khi đi đến các khu vực đang có dịch. Vì vậy vấn đề quan trọng hiện nay là phòng bệnh đối với người đi đến vùng dịch và những người từ vùng dịch về có triệu chứng để được theo dõi, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh diễn biến nặng và tử vong.

Để chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch và các biến chứng nặng của bệnh, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đi/đến vùng dịch thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Người đến quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ La tinh chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch để có miễn dịch suốt đời phòng bệnh Sốt vàng;

2. Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần chủ động thực hiện các biện pháp xua muỗi và phòng phòng muỗi đốt;

3. Người từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Nguồn: http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/1063/to-chuc-y-te-the-gioi-khuyen-nghi-tiem-vac-xin-phong-sot-vang-khi-den-cac-khu-vuc-dang-co-dich-truoc-tinh-hinh-benh-sot-vang-dang-gia-tang-tai-brasil
Chủ nhật, 19 Tháng 2 2017 15:03

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng;  không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. 

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

http://vncdc.gov.vn/vi/khuyen-cao-cong-dong/1065/khuyen-cao-phong-chong-benh-dau-mat-do

 
Chủ nhật, 19 Tháng 2 2017 15:01

Bệnh Thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter (gây ra bệnh Thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Vi rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy Thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng Thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày. 


Bệnh Thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh Thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Để chủ động phòng tránh bệnh Thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2. Những trường hợp mắc bệnh Thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Tiêm vắc xin phòng bệnh Thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.


 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

http://vncdc.gov.vn/vi/khuyen-cao-cong-dong/1062/khuyen-cao-ve-phong-chong-thuy-dau

 

Chủ nhật, 19 Tháng 2 2017 15:01

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. 

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.  

Để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: 

1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
http://vncdc.gov.vn/vi/khuyen-cao-cong-dong/1060/khuyen-cao-phong-benh-tay-chan-mieng
 
 

Trang