Điểm báo

Thứ sáu, 11 Tháng 11 2016 10:11
Ngày 3/11, tại Văn phòng EOC Việt Nam đã diễn ra cuộc họp bàn về công tác ứng phó với vi rút Zika do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì.


Ảnh: GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp

     Cuộc họp có sự tham dự của các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế, tổ chức Y tế thế giới và trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ. Theo báo cáo tại buổi họp, tình hình dịch bệnh do vi rút Zika vẫn diễn biến phức tạp. Hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp nhiễm Zika, trong đó có 12 quốc gia ghi nhận trường hợp nhiễm từ người sang người như: Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha,… Tại các nước khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika tại 7/10 quốc gia, đặc biệt tại một số nước như Singapore (442 ca nhiễm), Thái Lan (trên 200 ca nhiễm), Philippines, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia; các trường hợp mắc chủ yếu mang tính đơn lẻ không bùng phát thành dịch lớn. WHO cảnh báo dịch Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp.

     Tại Việt Nam, Zika đã trở thành bệnh lưu hành, tính đến ngày 5/11/2016, đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh (29), Đắk Lắk (02), Bình Dương (02), Khánh Hòa (01), Phú Yên (01) và Long An (01). Số lượng nhiễm Zika tại TP.Hồ Chí Minh tăng lên trong thời gian qua do ngành y tế đang tăng cường giám sát dịch tại đây. Trong quá trình giám sát, các bệnh nhân nhiễm Zika hầu hết đều có triệu chứng rất nhẹ nên không phải tất cả mọi trường hợp đều đến bệnh viện khám.

     Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Trước bối cảnh đó, buổi họp Văn phòng EOC lần này nhằm mục tiêu tăng cường khả năng dự phòng, đáp ứng dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ mang thai, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra.

     Vấn đề được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika. Vừa qua đã phát hiện trường hợp trẻ mắc dị tật đầu nhỏ mới nhất ở Đắk Lắk, nên trong thời gian tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới. PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Việt Nam có hệ thống chẩn đoán trước sinh yêu cầu phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này thì đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ. Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não,... Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi là quyền lợi của mỗi người.”

     PGS.TS. Trần Danh Cường cũng chia sẻ rằng: “Việc khám thai phát hiện bệnh không khó, nhưng thử thách để các bác sĩ phát hiện sớm các ca đầu nhỏ là do tâm lý của chị em phụ nữ chưa ý thức được tầm quan trọng của thời điểm, chỉ khi nào tiện mới đi khám, không tuân theo lịch hẹn, hoặc không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi đi khám”. Phụ nữ mang thai cũng nên đặt lịch hẹn với cơ sở y tế gần nhất để biết cụ thể việc theo dõi thai nhi và phòng chống mọi nguy cơ. Tuy nhiên, tỷ lệ các mẹ nhiễm Zika sinh con đầu nhỏ chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1-10%.

     Tại buổi họp, các lãnh đạo, chuyên gia đến từ  các Vụ, Cục, Viện, WHO, US CDC đều đi đến thống nhất triển khai, thực hiện các kế hoạch ứng phó dịch bệnh Zika đang lưu hành tại Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh được xác định đã lưu hành tại nước ta, vấn đề dự phòng để hạn chế lây lan là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với các bà mẹ mang thai.

  Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

     - Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị.     

Biểu hiện để nhận biết Zika:
- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.
- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. 

   
     - Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng):

     • Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.

     • Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
     • Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

     - Phụ nữ chậm kinh 7-10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần.

Nguồn Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:

http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/1032/he-thong-chan-doan-truoc-sinh-giup-phat-hien-som-di-tat-thai-nhi-do-zika

 

Thứ hai, 31 Tháng 10 2016 20:45

TTO - Bộ Y tế cho rằng zika là nguyên nhân đáng kể nhất khiến bé gái hơn bốn tháng tuổi mắc dị tật đầu nhỏ ở Đắk Lắk. Đây là ca đầu nhỏ do zika đầu tiên tại Việt Nam.

Trẻ đầu nhỏ đầu tiên ở Việt Nam do virus zika
Virus zika khiến đầu trẻ nhỏ hơn bình thường - Ảnh: WHO

Hôm nay 30-10, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán cho mẹ con bé gái hơn bốn tháng tuổi mắc dị tật đầu nhỏ ở Đắk Lắk, Bộ Y tế nhận thấy nhiều khả năng bé bị dị tật đầu nhỏ do virus zika.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sau khi nhận được đầy đủ các xét nghiệm của bệnh nhi và mẹ, Bộ Y tế có cuộc họp trực tuyến với chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới để xác định nguyên nhân dẫn đến chứng đầu nhỏ ở bé gái này, đồng thời so sánh với hai ca đầu nhỏ do zika đã được xác nhận tại Thái Lan gần đây.

Với các cứ liệu hiện có, Bộ Y tế cho rằng zika là nguyên nhân đáng kể nhất dẫn đến dị tật đầu nhỏ ở bé gái này. Đây là ca đầu nhỏ do zika đầu tiên tại Việt Nam.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161030/tre-dau-nho-dau-tien-o-viet-nam-do-virus-zika/1210321.html

 

 

Thứ ba, 25 Tháng 10 2016 20:13

Người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh có thể đến 30 bệnh viện tại TP HCM để lấy máu tĩnh mạch làm xét nghiệm tìm virus Zika miễn phí.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, khi phát hiện bản thân hoặc người nhà có triệu chứng, nên đến một trong 30 điểm giám sát của thành phố để khám trong vòng 5 ngày đầu tiên kể từ ngày khởi phát. 

Trường hợp nghi ngờ bệnh do virus Zika là khi có phát ban và ít nhất hai trong 4 triệu chứng gồm sốt thường dưới 38 độ, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ. Các mẫu máu từ bệnh viện được chuyển tới Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm virus Zika, Chikungunya và Dengue. Việc tầm soát này được triển khai đến hết ngày 31/12.

 

Tại khu vực phía Bắc và các địa phương khác, bệnh nhân đến khám nếu nghi ngờ nhiễm virus Zika nhân viên y tế chỉ định đi xét nghiệm sẽ được thực hiện miễn phí. Bệnh nhân khi không có biểu hiện nghi ngờ nhiễm virus Zika mà vẫn muốn kiểm tra thì phải tự trả chi phí. 

Xét nghiệm Zika. Ảnh minh họa: nbcnews

Xét nghiệm Zika. Ảnh minh họa: nbcnews

Ngày 20/10, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh tại các phòng khám, bao gồm cả phòng khám tư nhân và cộng đồng. Người nhiễm virus Zika thường triệu chứng nhẹ có thể không đến khám và điều trị tại bệnh viện. Mẫu bệnh phẩm được gửi đến Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để xét nghiệm.

Bệnh do virus Zika thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nhưng có thể gây hậu quả trầm trọng nếu nhiễm bệnh trong những tháng đầu thai kỳ. Mọi người, đặc biệt phụ nữ mang thai chủ động phòng tránh muỗi đốt, diệt loăng quăng tại nơi sinh sống và nơi làm việc. Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục. 

Việt Nam đã ghi nhận có 9 bệnh nhân Zika, tập trung chủ yếu ở TP HCM với 5 trường hợp. Các địa phương Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An mỗi nơi một bệnh nhân. Ngày 14/10, Đăk Lăk phát hiện một em bé 4 tháng tuổi bị dị tật đầu nhỏ nghi do virus Zika, bởi trong thai kỳ mẹ bé có hai lần bị sốt và phát ban. Mẫu bệnh phẩm được gửi sang Nhật để kiểm tra. Ngày 21/10, một bé 4 tuổi và một bé 7 tuổi ở Đăk Lăk được ghi nhận mắc chứng đầu nhỏ song loại trừ nguyên nhân virus Zika.

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/30-benh-vien-xet-nghiem-virus-zika-mien-phi-3488287.html
Thứ ba, 25 Tháng 10 2016 20:11

Chỉ thị của Bộ Y tế về tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng lần 2 năm 2016 và triển khai công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyếtC

Thứ tư, 19 Tháng 10 2016 21:15

Nam bệnh nhân 32 tuổi cư ngụ ở quận 5 vừa được phát hiện nhiễm virus Zika, nâng số bệnh nhân tại TP HCM lên 5 người.

Đây là người đàn ông đầu tiên TP HCM mắc bệnh Zika. 4 ca bệnh trước đó là một thai phụ và 3 phụ nữ sống ở các quận 2, 9, 12. Thành phố đang khẩn trương tiến hành công tác phòng chống dịch ở các quận huyện.

Chiều 19/10 Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng đã họp các ban ngành về công tác chống dịch Zika. “Một thành phố văn minh, hiện đại nhất không thể nào để tình trạng dịch bệnh như Zika, sốt xuất huyết dẫn đầu cả nước”, Bí thư Thăng nói.

bi-thu-thang-chi-dao-khn-truong-chong-dich-zika

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo TP HCM khẩn trương chống dịch Zika. Ảnh: Hoài Nhơn.

Bí thư Thăng chỉ đạo các ban ngành phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Viện Pasteur tập trung chống dịch. Ông đề nghị tuyên truyền Zika như một bệnh bình thường để dân không hoang mang, cũng không bị kỳ thị bệnh nhân, nhất là với phụ nữ mang thai.

Đại diện Sở Y tế cho biết sẽ tập trung phòng chống dịch ở 8 quận huyện trọng điểm là Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn, Tân Phú, quận 8, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân.

Đến nay Việt Nam ghi nhận 8 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP HCM nhiều nhất 5 ca, Bình Dương, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương một bệnh nhân. Chiều 18/10 TP HCM công bố dịch Zika cấp phường xã, ở phường An Phú quận 2 và phường Hiệp Thành quận 12. 

Trước đó có 3 người nước ngoài sinh sống làm việc hoặc đến Việt Nam công tác nghi bị nhiễm virus Zika và phát bệnh ở nước ngoài.

Ngày 14/10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế ghi nhận em bé 4 tháng tuổi cư ngụ tại huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy người mẹ và thai nhi từng nhiễm virus Zika. Cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu gửi phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản để kiểm tra sự hiện diện virus Zika.

Khoảng 20% người nhiễm virus Zika có biểu hiện lâm sàng, hầu hết đều nhẹ và tự qua khỏi. Bệnh nguy hiểm với thai phụ, nếu nhiễm virus trong ba tháng đầu thai kỳ có thể dẫn đến dị tật đầu nhỏ ở thai nhi, tỷ lệ khoảng 10%.

Lãnh đạo ngành y tế khuyến cáo người dân không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan mà cần quan tâm đến sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Người dân nên tăng cường tìm diệt loăng quăng tại nơi sinh sống và nơi làm việc, chủ động phòng chống muỗi đốt. Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục. 

Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ, sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi. Người từ vùng dịch về chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, không để bị muỗi chích trong vòng 14 ngày từ ngày trở về, thực hiện tình dục an toàn ít nhất 28 ngày và nên liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/nguoi-dan-ong-dau-tien-tp-hcm-nhiem-virus-zika-3486292.html

 

Thứ ba, 18 Tháng 10 2016 18:10

     Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan vào sáng ngày 09/10/2016 để triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh do vi rút Zika trên toàn thành phố sau khi ghi nhận thêm 01 trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại  Quận 9.    

  Tham dự cuộc họp có đại diện các đơn vị: viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế , Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, Trung tâm Y tế dự phòng Quận 9, Phòng Y tế Quận 9.

      Cuộc họp đã tập trung thảo luận các vấn đề như giám sát ca bệnh, các hoạt động phòng chống dịch và truyền thông các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là ở đối tượng phụ nữ có thai và phụ nữ có ý định mang thai để người dân có thái độ đúng, không hoang mang nhưng không quá chủ quan về nhiễm vi rút Zika.

      Kết thúc cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế kết luận:

 

      1. Hoạt động giám sát bệnh do vi rút Zika tại thành phố Hồ Chí Minh được triển khai từ tháng 3/2016 đến nay, đã phát hiện được 02 trường hợp bệnh nhân nữ ở quận 2 và quận 9; ngoài ra còn 01 trường hợp người nước ngoài sống tại quận 2 được phát hiện bệnh do vi rút Zika tại Nhật Bản. Bên cạnh hoạt động giám sát ca bệnh, các hoạt động truyền thông phòng bệnh và kiểm soát trung gian truyền bệnh cũng được triển khai lồng ghép với hoạt động phòng chống Sốt xuất huyết.
 
      2. Các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện những hoạt động giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Zika theo chỉ đạo của Sở Y tế. Đặc biệt đối với các cơ sở khám sản phụ khoa phải lưu ý đến việc hướng dẫn phòng bệnh do vi rút Zika cho các thai phụ và phụ nữ có ý định mang thai.
 
      3. Các quận huyện thực hiện nghiêm túc hoạt động giám sát điểm nguy cơ phát sinh muỗi và lăng quăng truyền bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.
 
      4. Tăng cường truyền thông để người dân không chủ quan và tích cực thực hiện các biện pháp diệt muỗi, phòng ngừa muỗi đốt và diệt lăng quăng để phòng bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.
 
http://yteduphongtphcm.gov.vn/bai-viet/so-y-te-thanh-pho-ho-chi-minh-hop-khan-ve-phong-chong-benh-do-vi-rut-zika.html
 
Thứ ba, 18 Tháng 10 2016 18:08

Chiều 18/10 TP HCM công bố dịch Zika cấp phường xã, ở phường An Phú quận 2 và phường Hiệp Thành quận 12.

Động thái công bố dịch này của TP HCM sau khi hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế ghi nhận thêm 2 bệnh nhân Zika mới cư ngụ ở hai quận này. 

Đại diện UBND TP HCM cùng Sở Y tế thành phố đã thị sát tình hình chống dịch ở phường An Phú chiều cùng ngày. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các địa phương có dịch phải tầm soát dịch bệnh, vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng tránh virus Zika lan trên diện rộng. Các phòng khám tư nhân, hiệu thuốc nếu phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu sốt, phát ban nghi mắc Zika thì thông báo cơ quan chức năng và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm ngay.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu chính quyền quận 2 rà soát các khu đất trống thuộc những dự án chưa thi công, phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh, tránh nước tù đọng để loăng quăng phát sinh. 

tp-hcm-cong-bo-dich-zika

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu công bố dịch Zika tại TP HCM. Ảnh: Phan Nhơn.

Đến nay Việt Nam ghi nhận 7 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP HCM nhiều nhất 4 ca, Bình Dương, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi địa phương một bệnh nhân. Các chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục phát hiện bệnh nhân nhiễm mới trong cộng đồng.

Ngày 14/10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế ghi nhận em bé 4 tháng tuổi cư ngụ tại huyện Krông Buk, tỉnh Đăk Lăk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy người mẹ và thai nhi từng nhiễm virus Zika, bởi mẹ có biểu hiện sốt và phát ban trong tháng thứ 3 và thứ 6 của thai kỳ. Các cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu gửi phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản để kiểm tra sự hiện diện virus Zika.

Trước đó có 3 người nước ngoài sinh sống làm việc hoặc đến Việt Nam công tác nghi bị nhiễm virus Zika và sau đó phát bệnh ở nước ngoài.

 
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/tp-hcm-cong-bo-dich-zika-3485755.html?utm_source=home&utm_medium=box_suckhoe_home&utm_campaign=boxtracking
 

Trang