Điểm báo

Thứ hai, 17 Tháng 10 2016 18:21

Một bé 4 tháng tuổi tại Đăk Lăk mang dị tật đầu nhỏ nghi do virus Zika, mẹ bé từng bị sốt và phát ban trong tháng thứ 3 và 6 thai kỳ.

Ngày 14/10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế ghi nhận em bé cư ngụ tại huyện Krông Buk này có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy người mẹ và thai nhi từng nhiễm virus Zika, bởi mẹ có biểu hiện sốt và phát ban trong tháng thứ 3 và thứ 6 của thai kỳ.

Hiện Cục Y tế dự phòng phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bệnh viện Sản tuyến Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cùng điều tra, xem xét, khám lâm sàng cho cả bé và mẹ. Các cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu gửi phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản để kiểm tra sự hiện diện virus Zika.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, kết quả kiểm nghiệm cuối cùng này sẽ cho thấy bé bị dị tật đầu nhỏ có phải do virus Zika hay không. Trong khi chờ đợi kết quả, Bộ Y tế cũng nâng mức cảnh báo với dịch bệnh do virus Zika. Dù vậy, các thai phụ được khuyến cáo là không nên quá hoang mang lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

Hội chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận ở 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén. Vì thế, các chuyên gia nhận định có thể Việt Nam có trường hợp dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ do virus Zika. Hiện Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp đầu nhỏ có liên quan với virus Zika. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định đây là những trường hợp đầu tiên mắc chứng này có liên quan đến virus Zika tại khu vực Đông Nam Á.

Chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm virus (rubella…), vi khuẩn (giang mai…), ký sinh trùng (toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền.

Việt Nam đến nay đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó TP HCM 4 ca, Bình Dương (1), Khánh Hòa (1) và Phú Yên (1). Bộ Y tế nhận định virus Zika đã lưu hành trong quần thể muỗi vằn tự nhiên. Xét nghiệm hơn 23.000 mẫu muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn cái) tự nhiên ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%),

Virus Zika được cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ. Virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy bệnh còn lây qua quan hệ tình dục và đàn ông cũng có thể mắc bệnh.

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/em-be-viet-nam-dau-tien-nghi-bi-di-tat-dau-nho-do-virus-zika-3484939.html

 

 

Thứ hai, 17 Tháng 10 2016 18:19

Tình hình dịch bệnh do vi rút Zika trên thế giới vẫn đang có những biến phức tạp, hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika. Ngày 11/10/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh do vi rút Zika đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Á và có khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút Zika do sự phân bố rộng của véc tơ truyền bệnh trong khu vực, gia tăng giao lưu, du lịch đến và đi từ các quốc gia có dịch và miễn dịch quần thể thấp. Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành vi rút Zika. Tại Việt Nam, đến ngày 17/10/2016 đã ghi nhận 07 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.


Ngày 14/10/2016, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 01 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Ngay sau khi nhận được thông báo, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm vi rút Zika, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang phối hợp với phòng xét nghiệm của đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm vi rút học.

Trước tình hình trên, sáng ngày 17/10/2016, Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) đã tổ chức cuộc họp khẩn dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, với sự tham gia của các đơn vị và tổ chức quốc tế liên quan: Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em; Vụ Truyền thông - Thi đua, khen thưởng; Văn phòng Bộ Y tế; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Nhi Trung ương; Tổ chức Y tế thế giới; Trung tâm Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam. Văn phòng EOC đưa ra nhận xét và kết luận như sau:

        1. Dịch bệnh do vi rút Zika đã lưu hành tại Việt Nam, có thể sẽ tiếp tục xét nghiệm phát hiện thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới, đặc biệt tại các vùng có lưu hành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika.
       2. Mặc dù chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén nên có thể tại Việt Nam sẽ có trường hợp dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ do vi rút Zika (hiện Thái Lan cũng đã ghi nhận 02 trường hợp đầu nhỏ có liên quan với vi rút Zika). Tuy vậy chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm vi rút (Rubella…), vi khuẩn (Giang mai…), ký sinh trùng (Toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền. Để xác định nguyên nhân, Lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo:
         - Cục Y tế dự phòng phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bệnh viện Sản tuyến Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thành lập đoàn điều tra, xem xét, khám lâm sàng cụ thể. Tiếp tục lấy mẫu để phối hợp với phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản xét nghiệm khẳng định.
          - Sau khi có kết quả điều tra, Bộ Y tế sẽ có thông báo chính thức.
         3. Tuy vậy để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế (Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh - EOC) đã nâng mức cảnh báo và đáp ứng hoạt động của Văn phòng EOC và khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số nội dung sau:
          - Hiện nay Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.
         - Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.
          - Chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế
Chủ nhật, 16 Tháng 10 2016 12:04

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, virus Zika đã có mặt với tỷ lệ rất thấp trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang, Khánh Hòa.

Dự án Hướng đến loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam đã thu thập và lưu trữ 23.682 mẫu muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) cái tự nhiên ở thành phố Nha Trang, trong thời gian từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2016. Sau khi Việt Nam ghi nhận một số ca nhiễm Zika trên người vào tháng 4, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm các cá thể muỗi vằn tự nhiên này.

Kết quả cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%), 29 cá thể dương tính với virus Dengue (0,12%) và không có cá thể nào dương tính với virus Chikungunya. 

Như vậy, virus Zika có mặt với tỷ lệ rất thấp trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang. Việc phát hiện các trường hợp nhiễm Zika trên người ở một số địa phương cũng cho thấy virus này đã lưu hành trong muỗi vằn tự nhiên. Việt Nam đến nay đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm virus Zika tại TP HCM (4 ca), Bình Dương (1), Khánh Hòa (1) và Phú Yên (1). Người bệnh không có tiền sử đi du lịch nước ngoài hay tiếp xúc với người bệnh, người đi nước ngoài về. Vì vậy Bộ Y tế nhận định, nguyên nhân gây bệnh là do virus Zika lưu hành trong quần thể muỗi tự nhiên.

Bộ Y tế khuyến nghị người dân, đặc biệt là phụ nữ có thai và dự định có thai, thực hiện tốt phòng chống dịch để tránh lây truyền bệnh cho cá nhân và cộng đồng.

Virus Zika được truyền từ người nhiễm sang người lành qua trung gian là muỗi Aedes aegypti (còn được gọi là muỗi vằn). Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus Zika có ở vùng nhiệt đới nơi các quần thể muỗi lớn, lưu hành ở châu Phi, châu Mỹ, Nam Á và Tây Thái Bình Dương.



Virus Zika được phát hiện vào năm 1947, trong nhiều năm chỉ có một số trường hợp rải rác được phát hiện ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương. Kể từ năm 2013, các ca bệnh và bùng phát dịch của căn bệnh này được báo cáo từ Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi. Môi trường nơi muỗi có thể sống và sinh sôi ngày càng mở rộng, tác động của đô thị hóa và toàn cầu hóa, những vụ dịch bệnh lớn do virus Zika ở đô thị có khả năng xảy ra trên toàn cầu.

Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam là nghiên cứu hợp tác giữa Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hoà. Mục tiêu dài hạn là phát triển ứng dụng muỗi vằn mang vi khuẩn tự nhiên Wolbachia nhằm hạn chế lây truyền bệnh sốt xuất huyết dengue trong cộng đồng. Trong các năm 2013-2014, dự án đã thả muỗi thí điểm ở đảo Trí Nguyên (thuộc phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang). Kể từ năm 2014 đến nay, trên đảo Trí Nguyên không xảy ra dịch sốt xuất huyết dengue trong khi ở TP Nha Trang (đất liền) và toàn tỉnh Khánh Hoà đã xảy ra dịch lớn vào các tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

 

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/phat-hien-muoi-mang-virus-zika-tai-viet-nam-3484233.html

 

 

Chủ nhật, 16 Tháng 10 2016 11:54

       Theo báo cáo của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, trong tuần đã phát hiện thêm 02 trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh:

 
       Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ 22 tuổi sống tại Quận 2, TP. Chí Minh. Khởi phát với triệu chứng phát ban, kèm theo sốt, đau khớp bàn tay, viêm kết mạc 2 mắt. Bệnh nhân tới khám tại phòng khám đa khoa và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính với vi rút Zika. Hiện bệnh nhân đã ổn định và theo dõi tại nhà.

       Trường hợp thứ hai là phụ nữ 43 tuổi sống tại Quận 12, TP. Hồ Chí Minh, khởi phát với triệu chứng phát ban dạng sẩn, sốt 390C, kèm theo đau cơ. Bệnh nhân tới khám ở bệnh viện, nghi ngờ nhiễm vi rút Zika và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính với vi rút Zika. Bệnh nhân không có tiền sử đi du lịch hoặc tiếp xúc với người bệnh. Hiện bệnh nhân đã ổn định và theo dõi tại nhà.

      Đến nay, cả nước đã ghi nhận 07 trường hợp nhiễm vi rút Zika tại TP. Hồ Chí Minh (04), Bình Dương (01), Khánh Hòa (01) và Phú Yên (01). Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trong thời gian tới hệ thống giám sát dịch có thể sẽ tiếp tục phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Zika tại cộng đồng. 

       Để bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng trước dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch như tăng cường hoạt động Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC), hướng dẫn, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, đẩy mạnh công tác truyền thông...; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mục tiêu của chiến dịch nhằm kêu gọi mỗi người dân, gia đình và cộng đồng cũng như các ban, ngành đoàn thể, tổ chức hãy nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Bộ Y tế đề nghị người dân, đặc biệt là phụ nữ có thai và dự định có thai cần thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng chống lây truyền bệnh cho cá nhân và cộng đồng.

 
Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế
Thứ sáu, 14 Tháng 10 2016 12:11

Có khoảng 100.000 người nhiễm Lao kháng rifampicin cần phải nâng bậc điều trị. Lao đa kháng thuốc được định nghĩa là Lao kháng với rifampicin và isoniazid, hai loại thuốc chủ yếu điều trị Lao. Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) ước tính khoảng 480.000 người bị nhiễm lao đa kháng thuốc. Ấn độ, Trung Quốc và Liên Bang Nga là ba quốc gia có số người nhiễm cao, chiếm gần 50% các ca nhiễm trên toàn cầu.

http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2016/tuberculosis-investments-short/en/

Thứ bảy, 08 Tháng 10 2016 22:22

Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 02 trường hợp mới nhiễm vi rút Zika như sau:


Trường hợp thứ nhất là phụ nữ 27 tuổi sống tại Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, khởi phát với triệu chứng phát ban, sốt 38,0C kèm đau cơ, xung huyết kết mạc. Bệnh nhân tới khám ở bệnh viện, nghi ngờ nhiễm vi rút Zika và được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả dương tính với vi rút Zika. Bệnh nhân này hiện đang mang thai, trước đó không có tiền sử đi du lịch hoặc tiếp xúc với người bệnh.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 28 tuổi sống tại Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Khởi phát với triệu chứng phát ban, kèm theo sốt, đau cơ, đau khớp. Bệnh nhân tới khám tại bệnh viện và được lấy mẫu chẩn đoán Zika cho kết quả dương tính. Trường hợp này cũng không có tiền sử đi du lịch, khu vực bệnh nhân sinh sống không có ai có biểu hiện như bệnh nhân.

Ngay sau khi Hệ thống giám sát ghi nhận 02 trường hợp kể trên, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương triển điều tra ca bệnh và khai giám sát chặt chẽ những trường hợp nghi ngờ nơi bệnh nhân sinh sống và tại cộng đồng. Trước đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xử lý véc tơ  bằng phun hóa chất và diệt lăng quăng xung quanh hộ gia đình bệnh nhân theo quy trình. Đối với trường hợp bệnh nhân đang mang thai đã được tư vấn, giải thích để bệnh nhân yên tâm và tiếp tục có các theo dõi về chuyên môn trong quá trình thai nghén. Hiện tại sức khoẻ của các trường hợp này đều ổn định.

Cục Y tế dự phòng cũng đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em để tăng cường giám sát đối với các phụ nữ mang thai có các triệu chứng nghi ngờ để có các tư vấn và khuyến cáo kịp thời.

Chiều ngày 08/10/2016,  Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Bình Dương để thống nhất các biện pháp tăng cường công tác giám sát, phát hiện và phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam là nước đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trước đó đã ghi nhận 03 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika tại: Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hoà và Phú Yên. Do đó trong thời gian tới hệ thống giám sát dịch có thể sẽ tiếp tục phát hiện trường hợp mới nhiễm vi rút Zika tại cộng đồng. Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

- Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương; tuy nhiên, người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.  

- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong suốt quá trình mang thai hoặc dự định có thai, hoặc trong ít nhất 6 tháng để phòng lây truyền zika qua đường tình dục.

- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

- Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch và đi về từ vùng có dịch nếu có các triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.

- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần được xét nghiệm phát hiện vi rút Zika.

- Để phòng chống bệnh do vi rút Zika, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng):

+ Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.

+ Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.

+ Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

 

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế
Thứ bảy, 08 Tháng 10 2016 08:14

Phó Giám đốc chính sách Hellen Gelband thảo luận những bước tiếp theo trong cuộc chiến chống kháng thuốc sau khi cuộc hợp cấp cao của Đại hội đồng liên hiệp quốc về kháng kháng sinh. Gelband cũng thảo luận vai trò của liên minh mới thành lập CARA (The Conscience of Antimicrobial Accountability), trong việc giữ các tổ chức quốc tế theo mục tiêu được liên hiệp quốc xây dựng trọng tuyên bố gần đây về kháng kháng sinh. Trung Tâm Chính sách và nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (CIDRAP) cũng thảo luận các bước tiếp theo trong cuộc chiến chống lại sự kháng thuốc với những đóng góp từ các chuyên gia kháng thuốc bao gồm Giám Đốc CDDEP Ramanan Laxminarayan.

http://www.cddep.org/blog/posts/weekly_digest_us_congress_approves_funding_zika_efforts_measles_eliminated_americas#sthash.cXSroCWo.dpuf

Trang